I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong những năm gần đây Việt Nam đang dần có những sự thay đổi nhất định, ngày càng hội nhập và phát triển kinh tế với các nước phát triển trên toàn thế giới. Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triển của KDTM luôn tiềm ẩn những rủi ro tranh chấp không thể lường trước được.
Thực tế ở Việt Nam hiện nay, trường hợp khi mâu thuẫn giữa các bên quá lớn, không thỏa thuận được với nhau bằng việc hòa giải, thương lượng thì các bên có thể lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Trung tâm Trọng tài thương mại hoặc tại Tòa án theo pháp luật tố tụng dân sự.
Tại Hà Nội, hiệu quả giải quyết tranh chấp hợp đồng KDTM tại Tòa án mang ý nghĩa quan trọng không chỉ đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp mà còn góp phần không nhỏ tạo môi trường kinh doanh an toàn, lành mạnh. Cũng chính vì lẽ đó, cùng với việc ngày càng gia tăng các tranh chấp hợp đồng KDTM phức tạp, việc tập trung nghiên cứu nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp hợp đồng KDTM tại TAND thành phố Hà Nội là cần thiết và phù hợp với thực tiễn xã hội.
II. THỰC TRẠNG GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG KDTM TẠI TAND THÀNH PHỐ HÀ NỘI
TAND thành phố Hà Nội có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong cơ cấu tổ chức của TAND thành phố Hà Nội, Tòa Kinh tế là Tòa án có thẩm quyền giải quyết các vụ án tranh chấp về hợp đồng KDTM. Những tranh chấp về hợp đồng KDTM được xác định thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND thành phố Hà Nội đã được làm rõ phù hợp với Luật Thương mại và Luật Doanh nghiệp….là những tranh chấp phát sinh trong hoạt động KDTM giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận. Cụ thể: Sơ thẩm đối với những tranh chấp KDTM thuộc thẩm quyền của TAND cấp tỉnh; Giải quyết theo thủ tục phúc thẩm những vụ việc, bản án KDTM chưa có hiệu lực pháp luật của TAND cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật TTDS.
Ngoài ra, TAND thành phố Hà Nội có thẩm quyền giải quyết theo lãnh thổ đối với những tranh chấp KDTM nếu nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở; nơi có bất động sản nếu tài sản tranh chấp là bất động sản thuộc phạm vi hành chính của thành phố Hà Nội hoặc do hai bên đương sự thỏa thuận lựa chọn TAND thành phố Hà Nội là nơi giải quyết tranh chấp.
Trong giai đoạn từ năm 2015 đến 6 tháng đầu năm 2018, Tòa án hai cấp xét xử của TAND thành phố Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả. Cụ thể:
Bảng 2.1. Tình hình xét xử các vụ án sơ thẩm về tranh chấp hợp đồng KDTM tại TAND thành phố Hà Nội giai đoạn 2015 – 6 tháng đầu năm 2018
Đơn vị: vụ / %
Năm |
Thụ lý (vụ) |
Số vụ án đã giải quyết |
Số vụ án còn lại |
Tỷ lệ giải quyết (%) |
||||
Tạm đình chỉ |
Chuyển Hồ sơ |
Đình chỉ |
Công nhận thỏa thuận |
Xét xử |
||||
2015 |
1.807 |
389 |
86 |
65 |
98 |
897 |
272 |
85 |
2016 |
2.202 |
468 |
72 |
92 |
101 |
1.094 |
375 |
83 |
2017 |
2.456 |
441 |
98 |
87 |
144 |
1.342 |
344 |
86 |
6 tháng đầu năm 2018 |
1.027 |
198 |
51 |
43 |
62 |
272 |
401 |
61 |
(Nguồn: Báo cáo tổng kết hoạt động năm 2015, 2016, 2017, Báo cáo tổng kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2018 của TAND thành phố Hà Nội)
Bảng 2.2. Tình hình xét xử các vụ án phúc thẩm về tranh chấp hợp đồng KDTM tại TAND thành phố Hà Nội giai đoạn 2015 – 6 tháng đầu năm 2018
Đơn vị: vụ / %
Năm |
Thụ lý (vụ) |
Số vụ án đã giải quyết |
Số vụ án còn lại |
Tỷ lệ giải quyết (%) |
|||
Đình chỉ |
Xét xử |
||||||
Giữ nguyên |
Sửa |
Hủy |
|||||
2015 |
143 |
17 |
53 |
32 |
28 |
13 |
91 |
2016 |
159 |
35 |
37 |
26 |
38 |
23 |
86 |
2017 |
165 |
22 |
46 |
59 |
21 |
17 |
90 |
6 tháng đầu năm 2018 |
92 |
11 |
27 |
13 |
14 |
27 |
71 |
( Nguồn: Báo cáo tổng kết hoạt động năm 2015, 2016, 2017, Báo cáo tổng kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2018 của TAND thành phố Hà Nội)
Từ những thống kê số liệu kể trên, có thể thấy, trong những năm qua, tình hình giải quyết tranh chấp hợp đồng KDTM tại TAND thành phố Hà Nội ngày một gia tăng và có tính chất phức tạp.
Phân tích số liệu được thể hiện tại Bảng 2.1 và Bảng 2.2 cho thấy số lượng vụ án tranh chấp hợp đồng KDTM thụ lý tăng dần theo từng năm ở cả hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm. Số vụ án thụ lý ở cấp sơ thẩm năm 2017 đã tăng 36% so với năm 2015. Số vụ án thụ lý ở cấp phúc thẩm cùng kỳ tăng 15%. Mặc dù số vụ án thụ lý liên tục tăng theo từng năm nhưng tỷ lệ giải quyết cả hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm tại TAND thành phố Hà Nội vẫn đạt tỷ lệ cao. Đặc biệt, năm 2017, tỷ lệ giải quyết án sơ thẩm là 86% và tỷ lệ giải quyết án phúc thẩm là 90%. Tỷ lệ giải quyết án cao là minh chứng rõ nhất cho hiệu quả giải quyết án của TAND thành phố Hà Nội.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Số lượng án không giải quyết được: tạm đình chỉ, chuyển hồ sơ, đình chỉ ở cấp sơ thẩm còn cao. Đối với những vụ án được giải quyết tại cấp phúc thẩm, tỷ lệ sửa và hủy bản án còn cao. Mặc dù luôn đề cao vai trò của hòa giải trong quá trình giải quyết tranh chấp hợp đồng KDTM, nhưng số vụ án công nhận thỏa thuận vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với số vụ án đã xét xử. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể kể đến như: việc hòa giải được thực hiện mang tính hình thức, thủ tục; các bên đương sự không hợp tác; trình độ, kỹ năng hòa giả của Thẩm phán còn kém…. Đây là vấn đề tồn tại và xảy ra trong quá trình xét xử hai cấp của TAND thành phố Hà Nội, gây tốn kém, lãng phí về mặt thời gian cũng như tiền bạc của nhà nước.
Tính đến thời điềm 25/2/2021, số liệu án KDTM được giải quyết tại TAND thành phố Hà Nội đã được đăng công bố thể hiện qua các biểu đồ sau:
Từ 2 biểu đồ trên có thể nhận thấy số lượng án KDTM mà TAND thành phố Hà Nội thụ lý và giải quyết có số lượng khá cao trong số các loại án khác nhau, chiếm tỷ lệ khoảng 15 % tổng số bản án, quyết định. Trong đó số lượng bản án, quyết định cấp sơ thẩm chiếm 10.8%, số lượng bản án, quyết định cấp phúc thẩm chiếm tỷ lệ 89.2%.
Tỷ lệ án KDTM được giải quyết theo thủ tục phúc thẩm tại TAND thành phố Hà Nội chiếm tỷ lệ cao vì độ phức tạp của vụ án cũng như năng lực của những người tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm có giới hạn, không đủ trình độ phán đoán hết nội dung của vụ tranh chấp dẫn đến kháng cáo, kháng nghị nhiều.
III. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG KDTM TẠI TAND THÀNH PHỐ HÀ NỘI
TAND thành phố Hà Nội trong quá trình giải quyết tranh chấp hợp đồng KDTM đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Đối với hoạt động xét xử sơ thẩm, Tòa án đã giải quyết nhiều vụ việc, giảm áp lực cho các Tòa án cấp trên. TAND cấp huyện luôn trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cơ sở vật chất, từ đó nâng cao chất lượng xét xử.
Đối với hoạt động xét xử phúc thẩm, đã giải quyết nhiều vụ án khó, khắc phục những thiếu sót hoặc vi phạm mà tòa án cấp sơ thẩm còn mắc phải, là cơ quan hướng dẫn nghiệp vụ cho tòa sơ thẩm, đảm bảo rằng hạn chế tối đa sai sót trong giải quyết vụ án. Giải quyết các án tồn đọng, các vụ án có dấu hiệu oan sai và có tính chất phức tạp, nghiêm trọng.
Tuy nhiên, TAND thành phố Hà Nội trong công tác thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế:
Thứ nhất, thời hạn giải quyết vụ án kéo dài. Thậm chí nhiều trường hợp đã được gia hạn nhiều lần nhưng cũng vẫn không giải quyết triệt để được vụ án, kéo dài nhiều năm liền.
Thứ hai, khó áp dụng Điều 306 Luật thương mại
Khi giải quyết các tranh chấp thương mại theo Khoản 1 Điều 3 Luật thương mại thì Tòa án áp dụng Điều 306 Luật thương mại quy định về Quyền yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán. Theo đó trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ thanh toán thì lãi suất nợ quá đối với số tiền chậm trả được tính là lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán. Tuy nhiên, lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường là bao nhiêu? Xác định như thế nào thì đến nay vẫn chưa có văn bản nào quy định cụ thể dẫn đến việc khó khăn trong việc áp dụng vào thực tiễn.
– Thứ ba, việc tính toán và xác định tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ chủ yếu do thông tin các bên đương sự đưa ra. Thường, Tòa án cấp sơ thẩm sẽ không xem xét kỹ căn cứ tính lãi dẫn đến việc đưa ra quyết định chưa đúng, việc xác định số tiền lãi còn chưa chính xác, gây thiệt hại cho các bên.
Trên thực tế, các cấp xét xử khi giải quyết tranh chấp hợp đồng KDTM đều sẽ còn những sai sót, những yếu tố khách quan và chủ quan ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết vụ án KDTM.
* Nguyên nhân khách quan
– Trong những năm qua, các chính sách, văn bản pháp luật về hợp đồng KDTM, doanh nghiệp, đầu tư có nhiều thay đổi, các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo nhau chưa được cơ quan có thẩm quyền kịp thời định hướng gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong nhận thức và áp dụng pháp luật.
– BLTTDS cho phép các bên đương sự có quyền tự thỏa thuận, rút yêu cầu khởi kiện. Do đó, trong quá trình giải quyết vụ án, các bên có thiện chí thực hiện các nghĩa vụ hợp đồng, các bên có yêu cầu rút toàn bộ hoặc một phần yêu cầu khởi kiện thì Tòa án sẽ ra quyết định hủy bản án, quyết định sơ thẩm hoặc đình chỉ giải quyết vụ án.
– Trong giải quyết tranh chấp vụ án tranh chấp hợp đồng KDTM, nghĩa vụ chứng minh và cung cấp chứng cứ là thuộc về các bên đương sự, quyền này kéo dài trong bất kỳ giai đoạn nào của vụ án. Đồng nghĩa với việc tại cấp phúc thẩm, đương sự cũng có thể cung cấp những chứng cứ mới làm thay đổi nội dung vụ án làm thay đổi dẫn đến việc phải sửa hoặc hủy bản án, quyết định sơ thẩm.
– Các vụ án bị hủy án, sửa án đa số là những vụ án có tính chất phức tạp, được điều chỉnh bởi nhiều các quy định khác có nội dung rất rộng lớn liên quan đến nhiều quan hệ pháp luật khác nhau. Như trong vụ án tranh chấp hợp đồng KDTM; tranh chấp hợp đồng tín dụng có tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất thì pháp luật điều chỉnh quan hệ pháp luật ở đây sẽ liên quan đến: Luật dân sự, Luật thương mại, Luật đất đai, Luật công chứng…
* Nguyên nhân chủ quan
Từ thực tế giải quyết tranh chấp hợp đồng KDTM tại TAND thành phố Hà Nội có thế thấy những vi phạm này xuất phát từ những nguyên nhân:
– Một số thẩm phán của Tòa án cấp huyện trong quá trình xử lý, còn chủ quan trong việc nghiên cứu, thu thập hồ sơ, đánh giá chứng cứ chưa hoàn thiện, đầy đủ. Thẩm phán cũng có nhiều áp lực, nặng tâm lý lo ngại án bị sửa, bị hủy nên còn rụt rè, không chủ động, thụ động, còn bị ảnh hưởng bởi nhiều cơ quan, tổ chức khác nên gây kéo dài thời gian, gây bức xúc cho các đương sự.
– Năng lực, trình độ của cán bộ tiến hành tố tụng còn hạn chế. Cán bộ ngành tòa án chưa nêu cao tinh thần học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Chưa kịp thời cập nhật những quy định mới, thay đổi của quy định pháp luật.
– Tòa án được bố trí 2 cấp xét xử, tuy là ngành dọc nhưng vẫn chịu sự báo cáo, giám sát của ủy ban. Trong nhiều vụ án, vì quan hệ nên ý chí của Thẩm phán giải quyết vẫn bị chi phối, ảnh hưởng bởi các cơ quan hành chính. Do đó, kết quả giải quyết tranh chấp không thể hiện sự khách quan, công bằng.
– Khối lượng án thụ lý vào nhiều mà Thẩm phán cũng phải giải quyết nhiều loại án khác nhau, đội ngũ cán bộ biên chế ít lại còn thiếu kinh nghiệm dẫn đến hiệu quả giải quyết án chưa cao. Nhất là cán bộ Tóa án nhân dân cấp huyện, thường khi ra trường tốt nghiệp cử nhân là đã thi rồi vào làm việc tại Tòa án, do đó không thể tránh khỏi sự sai sót, áp dụng pháp luật là không chính xác.
IV. GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG KDTM TẠI TAND THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Để đảm bảo việc giải quyết các tranh chấp hợp đồng KDTM đúng quy định của pháp luật cao hơn nữa, một số giải pháp để nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật trong giải quyết tranh chấp KDTM như sau:
– Nâng cao chất lượng hòa giải tại Tòa án: Hòa giải luôn có vai trò hết sức quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp hợp đồng KDTM. Ngoài việc tiết kiệm cả về chi phí và thời gian còn đảm bảo bí mật kinh doanh của các doanh nghiệp, không làm ảnh hưởng đến quan hệ đối tác và đảm bảo trên tinh thần đoàn kết, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.
– Chú trọng trong giai đoạn thụ lý hồ sơ, giai đoạn chuẩn bị xét xử: Tòa án các cấp cần đánh giá đúng nội dung vụ án, xem xét đầy đủ người tham gia tố tụng tránh ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của người có liên quan. Việc thu thập, đánh giá chứng cứ cần được chủ động, chú trọng quy định pháp luật chi tiết hơn đối với một số trường hợp bắt buộc khi gửi thông báo thụ lý đến, yêu cầu bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
– Nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ Tòa án
Thứ nhất, đề nghị Tòa án cấp trên quan tâm bố trí nhân sự phù hợp với tính chất, mức độ phức tạp của công tác giải quyết án tranh chấp hợp đồng KDTM. Cần xem xét, bố trí lại cán bộ, điều chuyển công tác cán bộ ở những nơi thừa cán bộ, ít án đến những nơi thiếu cán bộ, số lượng án giải quyết nhiều.
Thứ hai, có biện pháp, chủ trương khuyến khích, đôn đốc để đội ngũ Thẩm phán, Thư ký, cán bộ Tòa án chủ động hơn, không ngừng học tập nâng cao hơn nữa về trình độ chuyên môn cũng như kỹ năng phán đoán, vận dụng pháp luật kết hợp với kiểm tra, đôn đốc.
Thứ ba, đối với những vụ án tranh chấp hợp đồng KDTM khó, phức tạp, nhiều thành phần tham gia, nhiều quan hệ pháp luật hoặc pháp luật quy định không rõ ràng, chưa có hướng dẫn, pháp luật không quy định thì cần có biện pháp linh hoạt để đảm bảo hiệu quả xét xử vụ án.
Thứ tư, đối với Thẩm phán luôn đề cao vai trò của các giai đoạn hòa giải, đánh giá chứng cứ. Tăng cường hướng dẫn, nâng cao khả năng viết án, đảm bảo phản ánh đúng tình tiết khách quan, chính xác của vụ án.
Thứ năm, thường xuyên tổ chức tập huấn, rút kinh nghiệm, trao đổi nghiệp vụ giữa Tòa án các cấp.
Thứ sáu, tăng cường thanh tra, kiểm tra quá trình thi hành án, chuyển giao bản án để nhằm phát hiện ra các thiết sót trong công tác áp dụng pháp luật và chấn chỉnh kịp thời các sai sót ấy.
– Tuyên truyền pháp luật, nâng cao ý thức của nhân dân trong việc giải quyết tranh chấp hợp đồng KDTM
Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của mọi người trong việc tôn trọng pháp luật, hiểu biết pháp luật, những phương thức có thể lựa chọn trong trường hợp xảy ra tranh chấp về hợp đồng KDTM. Việc tuyên truyền được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, vận dụng công nghệ số trong công tác tuyên truyền chính sách pháp luật. Nội dung tuyên truyền phù hợp với từng lứa tuổi có như vậy mới đạt được mục đích tuyên truyền.
– Đảm bảo về điều kiện vật chất
Bên cạnh các giải pháp về thay đổi, bổ sung pháp luật, nâng cao trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức của cán bộ Tòa án… thì việc nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp hợp đồng KDTM tại TAND thành phố Hà Nội cũng cần chú trọng về điều kiện vật chất, môi trường làm việc. Những cơ sở vật chất: trụ sở làm việc, tài liệu, văn bản, phương tiện tra cứu thông tin, thiết bị chuyên dùng, máy tính kết nối internet, kinh phí hoạt động …. có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả giải quyết và thời gian thực hiện nhiệm vụ.
– Nhóm những giải pháp khác
Ngoài những giải pháp cơ bản và quan trọng được nêu trên. Tác giả đề xuất một số giải pháp khác nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp hợp đồng KDTM tại TAND thành phố Hà Nội như sau:
– Tăng cường vai trò của Luật sư trong quá trình giải quyết tranh chấp hợp đồng KDTM. Luật sư là người thực hiện dịch vụ pháp lý góp phần bảo vệ công lý, quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
– Ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp với nhiều quốc gia. Do đó, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia ký kết hợp đồng ở nước ngoài cũng như cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài khi ký kết hợp đồng kinh tế tại Việt Nam thì việc Việt Nam ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp với các quốc gia là cần thiết. Tạo một khung pháp lý chung, vững chắc để áp dụng, tránh sự mâu thuẫn giữa hệ thống pháp luật của Việt Nam với các quốc gia khác.
– Đối với những vụ án phức tạp, phạm vi nhiều quốc gia, thì TAND thành phố Hà Nội cũng có thể tham vấn ý kiến của các chuyên gia để có cái nhìn khách quan, đúng đắn nhất. Bên cạnh đó, cũng là dịp để học hỏi, kinh nghiệm giải quyết của các chuyên gia, quốc gia khác trong lĩnh vực mình đang quan tâm, giải quyết.
V. KẾT LUẬN
Đứng trước thực tiễn trong việc giải quyết tranh chấp hợp đồng KDTM trong Tòa án suốt thời gian qua, nhất là ở TAND thành phố Hà Nội, có thể thấy được phần nào những khó khăn, hạn chế trong quá trình áp dụng pháp luật cũng như các vướng mắc, bất cập về các quy định pháp luật trong tố tụng dân sự nói chung và KDTM nói riêng. Thực tế, tỷ lệ giải quyết và xét xử các vụ án tranh chấp hợp đồng KDTM cũng không cao nhưng tỷ lệ hủy, sửa do lỗi chủ quan đến từ phía Tòa án cũng nhiều. Vì vậy, trên hết, cần có những thay đổi về quy định, chính sách pháp luật, kèm theo đó là việc bổ sung các quy định cũng như áp dụng hình phạt thích hợp với những sai phạm để chấn chỉnh kịp thời. Cần phát huy tư tưởng đón nhận cái mới, sẵn sàng sửa đổi và khắc phục khó khăn cũng như lỗi lầm.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Quốc hội (2005), Luật Thương mại năm 2005.
2. Quốc hội (2010), Luật Trọng tài thương mại năm 2010.
3. Quốc hội (2014), Luật Tổ chức TAND năm 2014.
4. Quốc hội (2014), Luật Đầu tư năm 2014.
5. Quốc hội (2015), Bộ luật Dân sự năm 2015.
6. Quốc hội (2015), Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015
7. TAND tối cao (2016), Văn bản 02/GĐ-TANDTC giải đáp vấn đề về tố tụng hành chính, tố tụng dân sự.
8. TAND tối cao (2016), Thông tư 01/2016/TL quy định về việc tổ chức các Tòa chuyên trách tại TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương.
9. TAND tối cao (2016), Án lệ 09/2016/AL.
10. TAND tối cao (2017), Văn bản 01/2017/GĐ-TANDTC hướng dẫn mới nhất về áp dụng Bộ luật Tố tụng dân sự.
11. TAND tối cao (2017), Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự ngày 25- 11-2015 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án.
12. TAND tối cao (2018), Công văn 55/TANDTC-PC về tiêu chí xác định vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành
13. Trần Anh Tuấn (2017), Sách Bình luận khoa học Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, NXB Tư pháp.
14. Ủy ban thường vụ Quốc hội (2003), Pháp lệnh ngoại hối năm 2005
15. Ủy ban thường vụ Quốc hội (2013) Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối số 06/2013/UBTVQH13 ngày 18/3/2013
Cùng một số tài liệu tham khảo khác./.
TS. Nguyễn Hồng Thái, Th.S Nguyễn Thị Hồng Liên
Viện Kinh tế Công nghệ Việt Nam
Luật sư Đinh Thị Nguyên, Luật gia Ngô Thị Khánh Ly
Công ty Luật TNHH quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp