Từ tháng 4/2021, Thừa Thiên Huế sẽ tiến hành điều tra, rà soát thống kê, thu thập thông tin đầy đủ, chính xác về người khuyết tật trên địa bàn tỉnh để hình thành dữ liệu nhằm thực hiện các chính trợ giúp theo quy định.
SỞ LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch điều tra, rà soát về người khuyết tật năm 2021.
Sáng 22/4, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch và hướng dẫn phương pháp điều tra, rà soát người khuyết tật trên địa bàn tỉnh năm 2021.
Đối tượng được tập huấn là cán bộ, nhân viên làm lĩnh vực bảo trợ xã hội của các Sở, ngành liên quan, Hội người khuyết tật, các cơ sở bảo trợ xã hội, địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Người tham gia được tập huấn về kiến thức liên quan đến người khuyết tật, các mức độ khuyết tật và phương pháp phỏng vấn, thu thập thông tin, lập danh sách đối tượng…
Trước đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành kế hoạch điều tra, rà soát về người khuyết tật năm 2021 nhằm thống kê, thu thập thông tin đầy đủ, chính xác về người khuyết tật trên địa bàn tỉnh để hình thành dữ liệu, cập nhật thường xuyên và quản lý về người khuyết tật. Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch thực hiện hiệu quả các chính sách đối với người khuyết tật theo quy định.
Thời gian bắt đầu triển khai công tác điều tra, rà soát từ tháng 4/2021 và kết quả được báo cáo lên UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trước ngày 20/8/2021. Phạm vi thực hiện tại 145 xã, phường, thị trân và các cơ sở trợ giúp xã hội có chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, dạy nghề và hướng nghiệp cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Xây dựng cơ sở dữ liệu để xây dựng các cơ chế, chính sách trợ giúp người khuyết tật theo quy định.
Theo bà Phan Minh Nguyệt – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế, để công tác điều tra, rà soát người khuyết tật đạt kết quả cao nhất cần thực hiện đúng quy trình, bảo đảm đầy đủ, chính xác các thông tin theo quy định. Điều tra viên là người nắm rõ, thông thạo tình hình dân cư tại địa bàn, trực tiếp đến từng hộ gia đình để quan sát, phỏng vấn, thu thập thông tin của người khuyết tật.
Mặt khác, công tác điều tra, rà soát phải được tiến hành từ thôn, tổ dân phố do UBND cấp xã trực tiếp chỉ đạo triển khai và thực hiện. Việc điều tra phải đảm bảo tính khách quan, chính xác, không bỏ sót đối tượng điều tra và đúng tiến độ thời gian quy định.
Kết quả điều tra, rà soát người khuyết tật được UBND các cấp phê duyệt, phải có độ tin cậy cao, được sử dụng cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu để phục vụ công tác quản lý, cập nhật hàng năm, can thiệp trợ giúp và thực hiện các chính sách đối với người khuyết tật năm 2021 và các năm tiếp theo.
Được biết, trong tháng 3/2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã ban hành kế hoạch trợ giúp người khuyết tật năm 2021. Theo đó, địa phương phấn đấu hỗ trợ điều kiện cho người khuyết tật được tiếp cận các chính sách trợ giúp, các dịch vụ xã hội nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, phấn đấu 300-500 người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm; 50% người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định. Phấn đấu 10-20% số xã/phường/thị trấn có tổ chức của người khuyết tật; 100% người khuyết tật có khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu; 60% cán bộ làm công tác trợ giúp người khuyết tật được tập huấn, nâng cao năng lực; 1.000-2.000 gia đình có người khuyết tật được tập huấn về kỹ năng, phương pháp chăm sóc phục hồi chức năng cho người khuyết tật.
Nguồn: Báo Điện tử Dân sinh