Hơn 2 năm đi vào hoạt động, CLB Phụ nữ khuyết tật tỉnh Thừa Thiên Huế đã trở thành điểm tựa của nhiều phụ nữ kém may mắn. Được gặp gỡ, sẻ chia niềm vui, nỗi buồn, nơi đây trở thành địa chỉ giúp các chị nâng cao nhận thức về quyền lợi của bản thân, đồng thời trao “cần câu” để các chị vươn lên.
Đã hơn 1 năm nay, trên môi chị Nguyễn Thị Lan (Phú Lương, Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) lúc nào cũng nở nụ cười. Ít ai biết rằng chị đã từng rất tự ti, mặc cảm bởi thương tật do tai nạn khi còn nhỏ. Chị chia sẻ: “Khuyết tật vận động khiến tôi khó khăn trong việc đi lại. Bởi thế tôi chỉ ở trong nhà, ít giao tiếp với mọi người”.
Khi tham gia CLB Phụ nữ khuyết tật và sinh hoạt chung với những chị em đồng cảnh ngộ, cuộc đời của chị Lan rẽ sang một hướng mới. Trong hội thi văn nghệ và cắm hoa do CLB Phụ nữ khuyết tật tỉnh tổ chức, chị là một trong những thí sinh năng nổ của đoàn phụ nữ khuyết tật Phú Vang. Xăng xái thái rau, xào nấm, mạnh dạn thuyết trình những món ăn, chẳng thể ngờ rằng người phụ nữ rất tự tin ấy đã từng thu mình lại, lặng lẽ “ôm” mặc cảm khuyết tật.
Hội thi cắm hoa do CLB phụ nữ khuyết tật Thừa Thiên Huế tổ chức
Chị Trương Thị Ngọc Anh, Chủ nhiệm CLB Phụ nữ khuyết tật tỉnh cho biết, thành viên CLB thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn, hội thảo về chính sách, pháp luật liên quan đến người khuyết tật, công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật. “Chúng tôi còn phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu hỗ trợ và hòa nhập cộng đồng, tổ chức cho các chị tham gia lớp học Tre & Thiền để giải tỏa căng thẳng, bảo vệ sức khỏe. Ngoài ra, CLB đã kết nối, hỗ trợ các chị làm chân giả, sử dụng nẹp chỉnh hình”, chị Ngọc Anh nói.
CLB đã linh động giới thiệu các đơn hàng may với hình thức nhận may tại nhà giúp hội viên tăng thu nhập. Việc tận dụng nguồn vải tái chế và baner tạo ra sản phẩm túi xách, ba lô, thảm chùi chân… thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng tài nguyên thiên nhiên được khách hàng đánh giá cao. Dù đơn hàng chưa ổn định, song hoạt động của CLB đã tạo tâm thế lao động hăng say trong toàn thể hội viên, góp phần chuyển biến trong nhận thức và hành động của chị em phụ nữ khuyết tật.
Bởi thế, kênh vay vốn của CLB (do Trung tâm Hành động vì Sự phát triển cộng đồng hỗ trợ) để tạo sinh kế cho các chị không lúc nào “ế”. Bằng nguồn vốn vay quay vòng 75 triệu đồng với lãi suất thấp, mỗi phụ nữ khuyết tật được vay 5 triệu đồng/năm và sử dụng nguồn vốn này để phát triển kinh tế.
Đại diện CLB thông tin: “Đến nay kênh đã hỗ trợ cho 24 lượt chị em vay. Tận dụng nguồn vốn này, có chị mua thêm con giống, phát triển chăn nuôi gà, vịt. Có chị lại đa dạng thêm sản phẩm tạp hóa hoặc mua mới máy may, tăng thu nhập trên nghề nghiệp mà mình chọn lựa”.
Sau hơn 2 năm thành lập, CLB Phụ nữ khuyết tật tỉnh từ 17 thành viên nay đã phát triển lên hơn 40 thành viên. Nhiều người từ rụt rè, tự ti trở thành những hội viên năng nổ, nhiệt tình, vận động chị em cùng cảnh ngộ tham gia CLB. Đùm bọc và sẻ chia yêu thương, các chị còn động viên nhau may 300 chiếc khẩu trang để hỗ trợ cho 2 trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật ở Thủy Biều và Nước Ngọt, góp phần chung tay cùng cộng đồng phòng chống dịch.
Đặc biệt, nhân kỷ niệm Ngày Người khuyết tật (NKT) Việt Nam, CLB Phụ nữ khuyết tật tỉnh tổ chức Hội thi nấu ăn – cắm hoa – văn nghệ. Tại đây, có 42 hội viên là phụ nữ khuyết tật được chia thành 5 đội thi. Các chị tham gia tranh tài ca múa, nấu các món ăn đặc sắc và cắm hoa với chủ đề tự chọn. Với chủ đề “An toàn – Bình đẳng”, các đội thi đã gửi gắm thông điệp và mong ước chung của NKT thông qua những tiết mục văn nghệ giàu cảm xúc, bữa cơm đẹp mắt, dinh dưỡng và những lẵng hoa đầy sức sống. Cuộc thi thể hiện sự khéo léo và tỉ mỉ của những phụ nữ khuyết tật, từ đó động viên, khích lệ các chị tự tin, vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Trở thành mái nhà chung cho phụ nữ khuyết tật, kết nối, giúp đỡ những mảnh đời khiếm khuyết vươn lên trong cuộc sống, CLB Phụ nữ khuyết tật đã trở thành cầu nối, tạo điều kiện để các chị có cơ hội giao lưu, học hỏi, phát triển kinh tế, trở thành người có ích cho xã hội. Trong thời gian tới, CLB sẽ tiếp tục vận động, triển khai những lớp tập huấn nâng cao nhận thức cho phụ nữ khuyết tật tại các xã, phường. Mở rộng và gắn hoạt động may tái chế kết hợp với du lịch trải nghiệm, từ đó giúp hội viên phát triển kinh tế ổn định.
Theo Tạp chí điện tử Lao động và Xã hội