(DHVO) Để được xác nhận là người khuyết tật thì cần phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận khuyết tật. Khi được xác nhận là người khuyết tật thì mới có thể được hưởng chính sách, các khoản trợ cấp xã hội của nhà nước.
Thủ tục xác nhận là người khuyết tật được pháp luật quy định cụ thể như sau:
1. Căn cứ pháp lý
– Luật Người khuyết tật ngày 17/6/2010;
– Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/04/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật;
– Thông tư liên tịch số 37/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BTC-BGDĐT ngày 28/12/2012 của liên bộ Lao động TB&XH – Y tế – Tài chính – Giáo dục & đào tạo quy định về việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện.
Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã (ảnh minh họa)
2. Nội dung
– Cơ quan thực hiện
+ Hội đồng xác định mức độ khuyết tật
+ Hội đồng giám định y khoa trong một số trường hợp theo quy định của pháp luật
– Trình tự, thủ tục xác nhận khuyết tật
Bước 1: Người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của người khuyết tật chuẩn bị hồ sơ gửi Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi người khuyết tật cư trú, nhận Phiếu hẹn thời gian trả kết quả.
Căn cứ theo Điều 4 Thông tư liên tịch số 37/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BTC-BGDĐT. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy xác nhân khuyết tật bao gồm:
a) Hồ sơ đề nghị cấp Giấy xác nhận khuyết tật lần đầu gồm:
+ Đơn đề nghị (theo mẫu)
+ Bản sao các giấy tờ y tế chứng minh về khuyết tật (bệnh án, giấy tờ khám, điều trị, phẫu thuật, các giấy tờ liên quan khác (nếu có)
+ Bản sao kết luận của Hội đồng giám định y khoa (nếu có)
b) Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy xác nhận khuyết tật gồm:
+ Đơn đề nghị (theo mẫu)
+ Giấy xác nhận khuyết tật cũ (nếu có)
+ Số lượng hồ sơ: 01 (bộ)
Bước 2: Hội đồng xác định mức độ khuyết tật xã, phường, thị trấn tổ chức đánh giá dạng khuyết tật, mức độ khuyết tật.
a) Đối với trường hợp do Hội đồng xác định
Căn cứ Điều 16 Luật Người khuyết tật Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã bao gồm:
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã là Chủ tịch Hội đồng;
+ Trạm trưởng trạm y tế cấp xã;
+ Công chức cấp xã phụ trách công tác lao động, thương binh và xã hội;
+ Người đứng đầu hoặc cấp phó của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh cấp xã;
+ Người đứng đầu tổ chức của người khuyết tật cấp xã nơi có tổ chức của người khuyết tật.
Sau khi nhận được đơn đề nghị xác định mức độ khuyết tật, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện các công việc sau:
+ Triệu tập các thành viên, gửi thông báo về thời gian và địa điểm xác định mức độ khuyết tật cho người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của họ
+ Tổ chức đánh giá dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật đối với người khuyết tật theo phương pháp và nội dung theo quy định của pháp luật;
+ Lập hồ sơ, biên bản kết luận xác định mức độ khuyết tật của người được đánh giá theo Mẫu số 06 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 37/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BTC-BGDĐT
Việc thực hiện xác định mức độ khuyết tật được tiến hành tại Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Trạm y tế. Trường hợp người khuyết tật không thể đến được địa điểm quy định trên đây thì Hội đồng tiến hành xác định mức độ khuyết tật tại nơi cư trú của người khuyết tật
Trường hợp người khuyết tật đã có kết luận của Hội đồng Giám định y khoa về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động trước ngày Nghị định số 28/2012/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, Hội đồng xác định mức độ khuyết tật căn cứ kết luận của Hội đồng giám định y khoa để xác định mức độ khuyết tật theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP.
b) Đối với những trường hợp do Hội đồng y khoa xác định
Khi Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật; Người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật không đồng ý với kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật; Có bằng chứng xác thực về việc xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không khách quan, chính xác thì Hội đồng cấp giấy giới thiệu và lập danh sách chuyển Hội đồng giám định y khoa thực hiện (qua Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội).
Bước 3: Cấp giấy xác nhận khuyết tật.
Đối với trường hợp do Hội đồng thực hiện Sau khi có biên bản kết luận của Hội đồng về mức độ khuyết tật của người khuyết tật, Chủ tịch Ủy ban nhân cấp xã niêm yết và thông báo công khai kết luận của Hội đồng tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và cấp Giấy xác nhận khuyết tật.
Đối với trường hợp do Hội đồng giám định y khoa xác định, kết luận về dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật: Căn cứ kết luận của Hội đồng Giám định y khoa về dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy xác nhận khuyết tật theo Mẫu số 07 ban hành kèm theo Thông tư 37/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BTC-BGDĐT
– Thời hạn giải quyết
Trường hợp cấp Giấy xác nhận khuyết tật lần đầu: 35 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Trường hợp cấp lại Giấy xác nhận khuyết tật có điều chỉnh dạng khuyết tật hoặc mức độ khuyết tật: 35 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Trường hợp đổi, cấp lại Giấy xác nhận khuyết tật do mất, hư hỏng: 05 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Trên đây là toàn bộ thủ tục để người có yêu cầu thực hiện xác nhận là người khuyết tật
Công Năng