(DHVO) Có rất nhiều người khuyết tật hiện nay vẫn bơ vơ, không có nơi nương tựa. Theo đó, nhà nước hay nhiều nhà hảo tâm đã đứng ra thành lập cơ sở chăm sóc người khuyết tật để làm chỗ dựa cho họ.
1. Điều kiện thành lập cơ sở chăm sóc người khuyết tật
Điều 25, Nghị định 28/2012 NĐ-CP quy định Cơ sở chăm sóc người khuyết tật được cấp giấy phép hoạt động chăm sóc người khuyết tật khi có đủ các điều kiện sau đây:
“1. Được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Người đứng đầu cơ sở phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có phẩm chất đạo đức tốt, không mắc tệ nạn xã hội và không thuộc đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích;
Có nhân viên trực tiếp tư vấn, chăm sóc người khuyết tật đáp ứng quy định tại Điều 26 Nghị định này;
Trường hợp cơ sở chăm sóc người khuyết tật có nuôi dưỡng người khuyết tật thì ngoài các điều kiện quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này còn phải bảo đảm các điều kiện về môi trường, cơ sở vật chất, tiêu chuẩn chăm sóc, nuôi dưỡng quy định của Chính phủ đối với cơ sở bảo trợ xã hội.”
Nhân viên trực tiếp chăm sóc người khuyết tật phải bảo đảm điều kiện sau đây:
+ Có sức khỏe để thực hiện chăm sóc người khuyết tật.
+ Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
+ Có phẩm chất đạo đức tốt, không mắc tệ nạn xã hội và không thuộc đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích.
+ Có kỹ năng để chăm sóc người khuyết tật.
2. Thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động chăm sóc người khuyết tật
– Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cấp giấy phép hoạt động chăm sóc người khuyết tật đối với các trường hợp sau đây:
+ Cơ sở thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp có trụ sở chính của cơ sở chăm sóc người khuyết tật đặt tại địa phương;
+ Cơ sở do tổ chức, cá nhân nước ngoài thành lập có trụ sở chính đặt tại địa phương;
+ Cơ sở do cơ quan, tổ chức cấp tỉnh thành lập.
– Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp giấy phép hoạt động chăm sóc người khuyết tật đối với các cơ sở do các tổ chức, cá nhân trong nước thành lập mà không thuộc các trường hợp trên có trụ sở chính của cơ sở chăm sóc người khuyết tật tại địa phương.
– Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động chăm sóc người khuyết tật là cơ quan có thẩm quyền cấp lại, điều chỉnh, đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép hoạt động chăm sóc người khuyết tật.
3. Hồ sơ cấp giấy phép hoạt động chăm sóc người khuyết tật
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động chăm sóc người khuyết tật bao gồm:
+ Văn bản đề nghị cấp giấy phép hoạt động chăm sóc người khuyết tật của cơ sở;
+ Bản sao quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở;
+ Các giấy tờ chứng minh đủ điều kiện thành lập cơ sở chăm sóc người khuyết tật.
4. Thủ tục cấp giấy phép hoạt động chăm sóc người khuyết tật
a. Trường hợp cấp giấy phép hoạt động tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội
Cơ sở chăm sóc người khuyết tật lập hồ sơ gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội;
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm cấp giấy phép hoạt động.
b. Trường hợp cấp giấy phép hoạt động tại Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội
Cơ sở chăm sóc người khuyết tật lập hồ sơ gửi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội;
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm cấp giấy phép hoạt động.
Trong trường hợp hồ sơ của cơ sở xin cấp giấy phép hoạt động chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, cơ quan cấp giấy phép phải thông báo cho cơ sở biết để hoàn thiện hồ sơ.
Trường hợp cơ sở xin cấp giấy phép hoạt động không đủ điều kiện để cấp giấy phép thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, cơ quan cấp giấy phép phải trả lời bằng văn bản cho cơ sở về lý do không đủ điều kiện cấp giấy phép hoạt động chăm sóc người khuyết tật.
Thu Hà