1. Giới thiệu chung
Hiện nay, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) hỗ trợ Việt Nam thu thập, phân tích các dữ liệu phục vụ cho công tác hoạch định chính sách dành cho người khuyết tật (NKT) và tăng cường sự hiện diện của NKT trong các cơ quan dân cử (Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp). Điều này phù hợp với cam kết của Việt Nam đối với Mục tiêu phát triển bền vững số 16 về Hòa bình, công lý và các thể chế mạnh mẽ. Đây cũng là một trong những mục tiêu của Chương trình Quốc gia dành cho Việt Nam (2022-2026) của UNDP về lĩnh vực Quản trị công.
Quyền tham chính (quyền tham gia các hoạt động chính trị – xã hội) cụ thể trong Dự án là quyền tham gia ứng cử rất quan trọng trong việc chống lại bất bình đẳng và phân biệt đối xử để đảm bảo rằng không ai và nhóm nào bị bỏ lại phía sau. Hướng tới bình đẳng là hướng tới các kết quả phát triển công bằng xuyên suốt cho tất cả mọi người và mọi nhóm trong xã hội – từ nền giáo dục chất lượng và cơ hội học tập suốt đời, khả năng tiếp cận bình đẳng và cơ hội với việc làm tốt hơn, các tài nguyên thiên nhiên đến bảo trợ xã hội cũng như đưa ra các quyết định mang tính hòa nhập. NKT sẽ khó lòng đạt được các kết quả hòa nhập thực sự nếu thiếu tiếng nói của mình trong quá trình ra quyết định tại các cơ quan dân cử, cho dù Nhà nước, cộng đồng và các tổ chức của và vì NKT có nỗ lực thúc đẩy quyền của NKT như thế nào.
Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, ở Việt Nam, NKT có thể tham chính một cách tích cực. Bởi, không ai khác có thể hiểu và nêu các vấn đề về NKT tại các cơ quan dân cử tốt hơn chính NKT. Do đó, để các chính sách về NKT bảo vệ đầy đủ các quyền của NKT, đại diện của NKT cần có tiếng nói trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Năm 2021, UNDP đã tiến hành “Đánh giá nhanh mức độ sẵn sàng của NKT ứng cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp”, nhằm tìm hiểu mong muốn, nguyện vọng tham gia trở thành đại biểu trong các cơ quan lập pháp của Việt Nam cũng như khả năng và tiềm năng tham chính trong tương lai gần. Kết quả Đánh giá nhanh cho thấy 98,2% người được hỏi mong muốn có đại diện là NKT trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Hơn một nửa số người được hỏi sẵn sàng trở thành người tự ứng cử đại biểu Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân các cấp trong 5 năm tới. Bên cạnh đó, kết quả Đánh giá nhanh cũng cho thấy 3 thách thức hàng đầu mà NKT tin rằng mình sẽ phải đối mặt trong quá trình bầu cử, gồm: (1) Chưa đủ tự tin vào bản thân; (2) Chưa biết cách tự ứng cử và kêu gọi bỏ phiếu cho mình; (3) Không tin cộng đồng sẽ bầu NKT.
Như vậy, mặc dù NKT mong muốn có đại diện trong các cơ quan dân cử và phần lớn quan tâm đến việc ứng cử, nhưng hầu hết họ chưa có được sự hỗ trợ cần thiết. Điều này làm gia tăng những lo ngại về việc NKT sẽ bị bỏ lại phía sau trong quá trình xây dựng các chính sách liên quan đến họ.
Trong bối cảnh đó, UNDP phối hợp với Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam tổ chức khảo sát nhằm lựa chọn, đào tạo các ứng viên là NKT tiềm năng để sẵn sàng ứng cử, trở thành đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp vào kỳ bầu cử 2026. Khảo sát sẽ chọn ra khoảng 100 ứng viên tiềm năng để tham gia một buổi định hướng và một cuộc phỏng vấn sâu, từ đó, dự án sẽ chọn ra những ứng viên có đủ năng lực, phẩm chất, bản lĩnh và trang bị cho họ những kỹ năng cần thiết để ứng cử, bao gồm: khả năng lãnh đạo, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng vận động và kiến thức pháp luật.
2. Mục tiêu
Thúc đẩy sự tham gia của NKT thông qua việc lựa chọn và đào tạo nâng cao năng lực cho khoảng 100 ứng cử viên là NKT sẵn sàng ứng cử (được giới thiệu ứng cử hoặc tự ứng cử) vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong kỳ bầu cử 2026.
3. Tiêu chí
– Là người khuyết tật;
– Từ 21 tuổi trở lên;
– Có quốc tịch Việt Nam và không có quốc tịch khác.
4. Các mốc thời gian:
* Năm 2022:
– Tháng 9: Khảo sát, lựa chọn khoảng 100 ứng viên NKT tiêu biểu, tổ chức buổi định hướng và phỏng vấn tại Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ (Anh/chị đang tham gia vào cuộc khảo sát này).
– Tháng 10: Lựa chọn 70 – 80 ứng viên tham gia khóa tập huấn dài hạn trong giai đoạn 2023 – 2025.
* Năm 2023 tới năm 2025:
– Tổ chức tập huấn, chuẩn bị cho các ứng viên tiềm năng để ứng cử (được giới thiệu ứng cử hoặc tự ứng cử) trong kỳ bầu cử 2026;
– Tập huấn cho các bên liên quan (Văn phòng Quốc hội, Ủy ban bầu cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan truyền thông) về quyền tham chính của NKT;
– Tổ chức chiến dịch truyền thông về quyền tham chính của NKT.
Nếu anh /chị quan tâm tới quyền tham chính của NKT và mong muốn trở thành đại diện của cộng đồng NKT trong các cơ quan dân cử, vui lòng điền mẫu đăng ký dưới đây (đính kèm tại mục 5) trước ngày 15/09/2022 (mẫu đăng ký gửi qua bưu điện căn cứ vào dấu của bưu điện). Chúng tôi hoan nghênh và chân thành cảm ơn sự tham gia của anh /chị.
5. Hình thức đăng ký
– Đăng ký trực tuyến qua Google Form:
– Gửi đăng ký qua bưu điện và thư điện tử: Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, tầng 4 Hội Người mù Việt Nam, 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội hoặc gửi qua Email: thamchinh.vfd@gmail.com
– Link tải mẫu đăng ký:
https://drive.google.com/drive/folders/1-1SMApM4UC4rLr0rTLRGKcPX-Ty3eoSF
Mọi chi tiết xin liên hệ: Email: thamchinh.vfd@gmail.com hoặc Mr. Hùng: 0978921887