Thiên thần 6 chân “mách” 800 học sinh cách “thương lượng” để thành công

(ĐHVO). Tháng 10 vừa qua, hàng chục câu hỏi đầy thú vị đã được đặt ra tại talk show “Lan tỏa nghị lực sống” với sự tham gia của hơn 800 học sinh trường THPT chuyên Bình Long, tỉnh Bình Phước.

Diễn ra trong Ngày hội “Khi tôi 18”, talk show đã được Tỉnh Đoàn Bình Phước phối hợp với trường THPT chuyên Bình Long, TX. Bình Long tổ chức nhằm giúp các bạn trẻ được tiếp thêm nghị lực sống qua những câu chuyện người thực, việc thực.


Nữ nhà văn Trần Trà My (khoác khăn rằn) hồ hởi “bật mí” bí quyết vượt lên số phận của mình

Tại đây, thiên thần 6 chân Trần Trà My quê ở Quảng Trị – vùng đất hiện đang phải “oằn mình” chịu lũ đã kể lại hành trình vượt qua nghịch cảnh để trở thành một người phụ nữ bình thường và một nhà văn dù chỉ với “vốn liếng” là đôi chân bị liệt, miệng nói không rõ chữ và chỉ 1 ngón tay cử động như bình thường, 9 ngón còn lại rất yếu ớt sau một cơn bạo bệnh lúc 3 tuổi.

Khi được hỏi về cảm xúc của bản thân khi đến giao lưu tại ngôi trường này, nữ nhà văn chia sẻ “chị thực sự rất vui và luôn háo hức mỗi khi có dịp trò chuyện với nhiều người trẻ đầy khí chất thanh xuân”.

Trần Trà My đã bật khóc khi tâm sự rằng chưa từng được đi học suốt 16 năm.“Các em thực sự rất may mắn hơn chị vì các em được cắp sách đến trường còn với chị, đó chỉ là một ước mơ xa vời…”


Nhiều học sinh nhanh nhảu xung phong giành quyền trả lời các câu hỏi của các vị khách mời và mạnh dạn đưa ra những thắc mắc, băn khoăn về cách xây dựng lộ trình để hiện thực hóa ước mơ của bản thân

Nhiều học sinh đã thắc mắc rằng với nữ nhà văn, việc không được cắp sách đến trường có phải là một thiệt thòi lớn so với các cây bút khác hay không và chị đã vươn lên như thế nào để trở thành một nhà văn?

Để giải đáp, nữ nhà văn đã bộc bạch chị không hề xem đó là một sự thiệt thòi mà ngược lại, chị xem đây là cơ hội để tự tạo động lực cho chính mình vượt qua khó khăn, từng bước phấn đấu. Thông qua những sự san sẻ, các bạn trẻ đã dần thấu cảm những thử thách lớn trong cuộc đời của chị.


Nhiều học sinh đã gắng giành lấy cơ hội để chạy đến bên nữ nhà văn Trần Trà My và ôm chầm lấy chị để được tiếp thêm niềm tin cuộc sống

Cả sân trường như nghẹn thở khi anh Duy chia sẻ việc nữ nhà văn từng bị bỏ lại trong nhà xác suốt 8 tiếng đồng hồ vì tưởng rằng đã tắt thở và việc chị My hàng đêm giấu cha mẹ khóc sưng cả mắt, từng muốn tự tử để chấm dứt nỗi đau khi thấy mình chỉ là kẻ vô dụng, đi đâu cũng phải ẵm bồng và miệng thì lúc nào cũng chảy nước dãi…

Sau khi gặp nhau vào ngày 8/12 ở Ngày Văn hóa Hòa bình TP. HCM 2019 do Quỹ Hòa bình và Phát triển TP. HCM (HPDF) tổ chức, anh Duy đã đồng hành, dẫn chuyện, “phiên dịch” cho nữ nhà văn Trần Trà My trong 11 hành trình giao lưu với thanh thiếu nhi và nhân dân tỉnh Bình Phước; trong đó, nữ nhà văn đã tích cực vận động hàng trăm triệu đồng để tặng quà, “tiếp lửa” cho người yếu thế và các tuyến đầu chống dịch nơi biên giới.


Nữ nhà văn Trần Trà My trong vòng tay đầy yêu thương của các học sinh trường THPT chuyên Bình Long, tỉnh Bình Phước

Ngoài ra, một số bạn trẻ khác lại muốn biết tại sao nữ nhà văn lại khao khát đến thăm, trò chuyện và tặng quyển sách “Tin vào điều tử tế” cho những phạm nhân. “Bật mí” cho các học sinh, nữ nhà văn đã nhấn mạnh rằng chị hoàn toàn tin ở mỗi con người, luôn có những hạt mầm tử tế đang chờ được tưới nước để sinh sôi, nảy nở.

Đó chính là lý do nhà văn là người đầu tiên ở Việt Nam đi đến hàng chục trại giam, tặng quyển sách nói trên vì trong quyển sách của chị có hàng chục câu chuyện về sự tử tế đang “háo hức” chờ để được lan tỏa trong tâm hồn các phạm nhân. Theo chị, phạm nhân ở Việt Nam chưa có nhiều cơ hội để được chia sẻ về chính họ. “Rất cần lắng nghe, chia sẻ và thấu hiểu các phạm nhân hơn nữa. Thời gian qua, sau khi đọc sách, nhiều độc giả, trong đó có cả người hoàn lương đã nhắn tin, báo cho mình họ đã tư duy tích cực và dần hướng thiện hơn”, chị My khẳng định.

Nam sinh Lê Quý Dương – lớp 12D6 (chuyên Anh) cho biết: Em rất khâm phục chị My khi chị đã không gục ngã mà lại trở nên vững tin để xa gia đình, sống một mình và lập nghiệp tại TP. HCM. Thật kỳ diệu khi chị có thể gõ máy tính bằng một ngón tay để viết sách. Em nghĩ nếu như em giống chị thì chắc em không thể vươn lên được như thế.

Bên cạnh đó, nữ nhà văn cùng anh Duy đã định hướng cho các bạn trẻ về lý tưởng sống, lòng yêu nước, vai trò của người trẻ và cách hiện thực hóa ước mơ của bản thân, nhất là đối với lứa tuổi 18.

Với nhiều trải nghiệm du học tại Úc, đảm nhiệm vai trò Đại sứ sinh viên quốc tế, Đại sứ hữu nghị, Đại sứ Hội nghị thượng đỉnh kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương và vị trí trưởng, phó đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam trong hàng chục chương trình giao lưu thanh niên quốc tế, anh Duy đã chia sẻ những bí quyết để học tốt nơi “xứ người” và khuyên các bạn trẻ nên tìm việc làm thêm trong thời sinh viên để gặt hái kinh nghiệm sống, nhất là nên chọn việc có liên quan đến chuyên ngành sẽ học.


Cả sân trường như bùng nổ ở những khoảnh khắc cuối cùng của talk show – khi nữ nhà văn không khuất phục số phận Trần Trà My bước xuống sân khấu, cùng hò reo với mọi người để truyền nghị lực sống

Theo anh Duy, khi thi vào các trường Đại học ở TP. HCM, các bạn trẻ sẽ bỡ ngỡ với cuộc sống mới đầy những thử thách. Cần nhanh thích nghi và săn “sàng khôn” ngoài giảng đường thông qua các hành trình tình nguyện cùng các khóa học có uy tín về kỹ năng sống.

Nhằm tư vấn cách gặt hái thành công, nhà văn đã hỏi nhiều học sinh:“Có bao giờ các em phải “thương lượng” với bản thân chưa?”. Một trong những câu trả lời ấn tượng đã thuộc về nữ sinh Đinh Tú Bình – lớp 10V8 (chuyên Văn). Bình bảo tuy gia đình em sống cách trường hơn 30 cây số nhưng em đã từng phải “thương lượng” nghiêm túc với bản thân để chọn việc xa gia đình, học trường chuyên với nhiều vất vả trong khi một số bạn cùng trang lứa lại muốn học gần nhà.

Qua đó, nữ nhà văn đã kết lại talk show diễn ra hôm 18/10 bằng thông điệp “Đứng trước những ngã rẻ của cuộc đời, đôi lúc, chúng ta phải đấu tranh và chiến thắng chính mình để sáng suốt lựa chọn lối đi phù hợp nhất cho bản thân. Muốn thành công, cần kiên định và dũng cảm đi theo lối đi ấy dù có vất vả, khó khăn đến đâu.”

Thắng Trân

Bài viết liên quan

Picture9

Lễ ra mắt Công ty Cổ phần Phát triển Hướng Dương Việt: Hiện thực hoá ước mơ cho những vầng trăng khuyết

Picture1

Cần tăng cường tính đại diện và tiếng nói của người khuyết tật trong các cơ quan dân cử

Picture2

Chương trình “Hành trình cuộc sống” trao tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của thành phố 140 xe đạp và nhiều phần quà tặng

Picture1

Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”

Picture1

Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình: 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu thi đua “Hai tốt”

Picture1

Khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Tưng bừng Đêm đại nhạc hội chào đón tân sinh viên “FPS 2024 – Time Capsule”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang