Thêm nhiều chính sách ưu đãi với người có công

Cuối năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định 131 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chính sách với NCC, phù hợp với thực tế cuộc sống. Các chính sách ưu đãi NCC với cách mạng được hướng dẫn cụ thể, chi tiết, giúp chính quyền các địa phương, cơ quan chức năng có điều kiện chăm sóc tốt hơn cho NCC tại địa phương. Với những điểm mới của Nghị định, các cơ quan chức năng, chính quyền ở Ninh Thuận đã sớm có những giải pháp, kế hoạch cụ thể để triển khai ngay sau khi Nghị định có hiệu lực thi hành, đáp ứng mong muốn sớm thụ hưởng chính sách ưu đãi của người có công với cách mạng.

Có hiệu lực từ ngày 15/2/2022, Nghị định 131 gồm 8 chương, 185 điều cụ thể hóa những quy định mới về một số chính sách ưu đãi NCC. Trong đó nêu rõ điều kiện, tiêu chuẩn công nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Bổ sung chi tiết địa bàn địch chiếm đóng, biên giới, trên biển, hải đảo vào khu vực hoạt động của người bị thương khi làm nhiệm vụ. Đồng thời, nêu rõ thêm đối tượng công nhận thương binh là lực lượng kiểm ngư, trinh sát đặc nhiệm, cảnh sát cơ động, đặc nhiệm khi trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, diễn tập hoặc làm nhiệm vụ phục vụ quốc phòng – an ninh có tính chất nguy hiểm.

Điểm mới của Nghị định 131 là quy định cụ thể, chi tiết về điều kiện, tiêu chuẩn, cơ sở xác định, hồ sơ, thủ tục, thẩm quyền, trình tự giải quyết, công nhận và thời điểm hưởng chế độ ưu đãi với từng nhóm đối tượng NCC. Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ; thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày; NCC giúp đỡ cách mạng; công nhận liệt sĩ, thương binh đối với người hy sinh, bị thương trong chiến tranh… phù hợp với thực tế hiện nay.

Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công luôn được các cấp chính quyền ở Ninh Thuận quan tâm, tổ chức triển khai hiệu quả

Nghị định 131 còn quy định cụ thể, chi tiết, bổ sung nhiều điểm mới về chế độ, chính sách đối với NCC và thân nhân NCC được quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi NCC. Đó là các chế độ về điều dưỡng phục hồi sức khỏe; ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm; hỗ trợ để theo học đến trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; hỗ trợ cải thiện nhà ở; miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất; ưu tiên giao đất hoặc cho thuê đất, mặt nước, khu vực biển; giao khoán bảo vệ và phát triển rừng; vay vốn ưu đãi để sản xuất – kinh doanh; miễn hoặc giảm thuế; nuôi dưỡng tập trung thương binh, bệnh binh và nhiều chế độ, chính sách khác liên quan đối với NCC.

Đặc biệt, chế độ miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất cho NCC được quy định chi tiết hơn so với các quy định trước. Theo đó, đối tượng được miễn tiền sử dụng đất gồm người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh từ 81% trở lên, thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng… Riêng việc giảm tiền sử dụng đất cho NCC với cách mạng được Nghị định 131 chia thành 4 mức là 90%, 80%, 70% và 65% với 4 nhóm đối tượng khác nhau. Trong đó thân nhân liệt sĩ được giảm 70%, người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế, người được tặng hoặc người trong gia đình được tặng huy chương kháng chiến được giảm 65% tiền sử dụng đất trong hạn mức được Nhà nước giao đất.

Chế độ trợ cấp người có công được triển khai kịp thời, đúng quy định

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Lao động – TBXH Ninh Thuận khẳng định công tác chăm sóc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và NCC với cách mạng là chủ trương, quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta, là đạo lý truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. Đến nay, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về người có công được triển khai thực hiện hiệu quả; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi không ngừng được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung. Nghị định 131/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chính sách với NCC, phù hợp với thực tế cuộc sống, sẽ góp phần chăm sóc NCC và gia đình NCC tốt hơn, hiệu quả hơn.

Theo Tạp chí điện tử Lao động và Xã hội

Bài viết liên quan

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Picture2

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Picture3

MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023

Picture5

THỰC HIỆN QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TỰ KỶ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY – THỰC TẾ, KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC, KIẾN NGHỊ

Picture2

HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI KHÔNG LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA CÁ NHÂN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang