Để giúp trẻ tự kỷ có cơ hội sớm hòa nhập cộng đồng, mô hình thực nghiệm hướng nghiệp cho các em là một trong các giải pháp mang tính lâu dài.
Ngày 28/12, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tâm lý giáo dục Ngọc Ân đã khai trương cơ sở 3 tại huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. |
Ngày 28/12, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tâm lý giáo dục Ngọc Ân đã công bố quyết định của Hội Khoa học và Tâm lý Giáo dục Việt Nam về việc thành lập cơ sở 3 của trung tâm tại số 42 Nguyễn Hoàng, thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
Bà Đào Thanh Hoàn, sáng lập viên Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tâm lý giáo dục Ngọc Ân cho hay, đơn vị áp dụng phương pháp kết hợp hài hòa giữa y tế – giáo dục – gia đình để đạt được hiệu quả tốt nhất trong mỗi quá trình can thiệp sớm, hòa nhập, thực nghiệm hướng nghiệp.
Trung tâm Ngọc Ân luôn coi các em rối loạn phát triển là những “viên ngọc trời ban” cho mỗi gia đình thiếu may mắn để tập thể giáo viên cùng nhau đoàn kết nghiên cứu, giáo dục để tìm những điểm sáng của trẻ rối loạn phát triển, mài giũa cho ngày một sáng hơn. Tất cả vì mục tiêu để các em sớm hòa nhập trở thành những người có ích, tìm được giá trị của mình trong xã hội.
Cũng theo bà Đào Thanh Hoàn, vấn đề can thiệp cho trẻ tự kỷ hiện nay vẫn còn rất nhiều khó khăn, đòi hỏi sự can thiệp đa hình thức, đa chuyên ngành. Ngoài kỹ năng chuyên ngành, giáo viên làm việc với trẻ tự kỷ cần có một trái tim ngập tràn tình yêu thương.
Bà Đào Thanh Hoàn (bên phải) – sáng lập viên của Trung tâm Ngọc Ân. |
Thấu hiểu nỗi khổ tâm và sự vất vả khi chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ, bà Hoàn coi đó là động lực để thôi thúc ý tưởng thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tâm lý – Giáo dục Ngọc Ân với mong muốn tạo cho các con mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ nói riêng, các trẻ khuyết tật nói chung có một môi trường học tập, rèn luyện kỹ năng, thực nghiệm hướng nghiệp và tạo việc làm.
“Các trẻ khuyết tật đến trung tâm được đánh giá mức độ phát triển. Nếu trẻ trong lứa tuổi can thiệp sớm sẽ tham gia vào chương trình can thiệp sớm tại đây. Hoạt động giáo dục hướng nghiệp được triển khai tại Trung tâm Ngọc Ân với một số nghề thủ công như: Làm tranh lụa, mỹ nghệ kim hoàn, làm oản nghệ thuật, thủ công sắp lễ… Từ đó đã giúp các em có thêm thu nhập với một công việc ổn định bằng chính sức lao động của mình nên ai cũng thấy vui mừng” – bà Đào Thanh Hoàn nói.
Trẻ tự kỷ có nhiều cơ hội được hòa nhập cộng đồng thông qua mô hình thực nghiệm, hướng nghiệp. |
TS Nguyễn Văn Hưng – chuyên gia thuộc Trung tâm Giáo dục đặc biệt quốc gia cho biết, hiện nay, việc xin giấy cấp phép để mở mô hình giáo dục hướng nghiệp cho người khuyết tật không hề đơn giản. Bởi, giáo dục cho người khuyết tật là thuộc trách nhiệm của Bộ GD&ĐT; giáo dục nghề lại thuộc về Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội.
“Trong khi thực hiện khảo sát cho một đề tài cấp Bộ về giáo dục hướng nghiệp cho trẻ khuyết tật tại nhiều tỉnh thành cho thấy, nhu cầu hướng nghiệp và học nghề của trẻ em, người khuyết tật là rất nhiều. Tuy nhiên, họ không có đủ thông tin để tiếp cận. Do đó, sự ra đời của mô hình như trung tâm Ngọc Ân là rất quan trọng để giải quyết vấn đề này”, TS Hưng chia sẻ.
Theo TS Tạ Ngọc Trí – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), thời gian qua, các cấp ủy Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến người khuyết tật bằng nhiều chính sách cụ thể. Tuy nhiên, để phát huy cao độ mọi nguồn lực thì cần huy động sức mạnh của toàn xã hội vào việc chăm lo cho người khuyết tật, để họ hòa nhập cộng đồng. Nếu chúng ta quan tâm đến những người không may mắn một cách phù hợp, họ còn có thể đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của xã hội. Bộ GD&ĐT luôn mong muốn tạo cơ hội học tập bình đẳng cho học sinh khuyết tật. Đây cũng là nhân tố quan trọng để Bộ thực hiện công tác giáo dục hòa nhập ngày càng hiệu quả hơn. |
Theo Báo Giáo dục & Thời đại