(ĐHVO). Ý chí, nghị lực, bản lĩnh, sự dũng cảm và lòng quyết tâm là những gì toát lên ở những vận động viên khuyết tật, luôn cố gắng vượt qua thử thách dù khó khăn, gian khổ đến đâu để đạt được mục tiêu đề ra.
Thể dục, thể thao góp phần nâng cao sức khoẻ, thể lực, tầm vóc người Việt Nam, góp phần cải thiện đời sống văn hoá, tinh thần cho nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Riêng đối với người khuyết tật, các hoạt động thể dục, thể thao góp phần giúp cho người khuyết tật hỗ trợ phục hồi chức năng, rèn luyện nâng cao sức khỏe, kỹ năng sống, tăng cường giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, tự tin hòa nhập cộng đồng và có thêm thu nhập. Tại Việt Nam, nhằm khuyến khích, tạo động lực để người khuyết tật được tham gia các hoạt động thể dục, thể thao và đảm bảo cho người khuyết tật thường xuyên tham gia thể thao, Nhà nước đã từng bước xây dựng, ban hành và hoàn thiện những chính sách liên quan đến thể dục, thể thao dành cho người khuyết tật. Đặc biệt, Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 đưa ra mục tiêu và hoạt động cụ thể nhằm nâng cao quyền tham gia hoạt động thể dục, thể thao của người khuyết tật trong giai đoạn 10 năm tới theo hướng đảm bảo người khuyết tật sống bình đẳng, hòa nhập cộng đồng và nâng cao một bước cơ bản chất lượng sống.
Hoạt động thể dục thể thao dành cho người khuyết tật không chỉ dừng lại giá trị nhân văn mà còn mang màu cờ sắc áo của dân tộc đến với bạn bè quốc tế. Gần đây nhất, Việt Nam đã thi đấu tại Thế vận hội Mùa hè 2020 ở Tokyo được diễn ra từ ngày 23 tháng 7 đến ngày 8 tháng 8 năm 2021. Đây là lần tham dự thứ 10 của quốc gia tại Thế vận hội với tư cách là một nước cộng hòa thống nhất, 6 lần trong số đó dưới biểu ngữ của Quốc gia Việt Nam hoặc Việt Nam Cộng hòa.
“Thế vân hội dành cho người khuyết tật” hay còn gọi là Paralympic (tiếng Anh: Paralympic Games) được coi là đích đến của các vận động viên khuyết tật, là nơi các vận động viên khuyết tật thể chất thi đấu cạnh tranh, bao gồm các vận động viên thiểu năng, khuyết chi, mù lòa, và bại não. Hai sự kiện Thế vận hội Paralympic Mùa hè và Mùa đông được tổ chức theo Thế vận hội Olympic tương ứng. Tất cả các cuộc thi trong Thế vận hội Paralympic đều do Ủy ban Paralympic quốc tế (IPC) quy định.
Biểu tượng của Thế vận hội dành cho người khuyết tật (Ảnh: Internet)
“Tinh thần vận động” là phương châm của phong trào Paralympic. Biểu tượng của Paralympic gồm ba màu: đỏ, xanh dương và xanh lá cây, đó là những màu sắc đại diện được sử dụng rộng rãi nhất trong quốc kì của các quốc gia.
Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự Paralympic Tokyo 2020 gồm 15 thành viên ở 3 môn thi, gồm cử tạ, điền kinh và bơi lội, với 15 nội dung thi đấu. Kết thúc đại hội, đoàn đã giành được 1 huy chương Bạc, có 3 nội dung xếp ở hạng 6 và 1 nội dung xếp ở hạng 7.
Vận động viên khuyết tật Việt Nam tham gia Paralympic Tokyo 2020 (Ảnh: Internet)
Qua đó có thể thấy rằng khuyết tật không có nghĩa là không thể làm gì được chỉ cần có sự quyết tâm và sự ủng hộ động viên của cộng đồng. Đó sẽ là động lực lớn để họ vươn lên và đi đến thành công và song hành cùng dòng chảy thể thao nước nhà.
Nhà bác học Acsimet từng nói: “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng bổng cả Trái Đất lên”. Điểm tựa chính là sự ủng hộ, động viên của cộng đồng dành cho người khuyết tật và không gì khác ngoài những nghị lực, ý chí, lý tưởng, khát vọng sống để người khuyết tật tin tưởng hơn vào khả năng, sức mạnh của bản thân và có thể viết nên lịch sử. Có thể nói rằng điểm tựa càng vững chắc thì thể thao người khuyết tật sẽ càng trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Hồng Liên