Thầy Tùng – ‘người anh cả’ một tay

Bằng trái tim nhiệt huyết, trách nhiệm với công việc và học trò, thầy Đỗ Thế Tùng đã vượt qua những trở ngại trong cuộc sống để trao truyền con chữ.

Thầy Tùng trong giờ lên lớp. Ảnh NVCC

Thầy Tùng trong giờ lên lớp. Ảnh NVCC

Nỗ lực vươn lên

Thầy Đỗ Thế Tùng, giáo viên môn Toán, Trường PTDT Bán trú THCS xã Lâm Ca, huyện Đình Lập (Lạng Sơn), sinh ra vốn lành lặn. Trong một lần chơi cùng bạn bè, thầy bị ngã. Những tưởng chỉ bị bong gân nhẹ nhưng không may cánh tay bị thương dần hoại tử. Để giữ lại tính mạng, theo lời khuyên của bác sĩ, thầy buộc phải cắt bỏ cánh tay.

Dẫu vậy, thầy luôn cố gắng đến trường học tập với thành tích nằm trong tốp đầu của trường. Thời điểm đó, ở nơi thầy sống, đi học là cái gì đó rất xa xỉ. Đa phần, học sinh chỉ học hết lớp 5 rồi nghỉ để phụ giúp gia đình mưu sinh. Nhiều nữ sinh nghỉ học lấy chồng. Cho đến năm học THPT, trong làng chỉ có thầy Tùng và một bạn nữa duy trì việc học. Nhà cách trường mấy chục cây số đường rừng, đi lại khó khăn nên thầy Tùng và bạn phải ở trọ. Cuối tuần, hai người về nhà lấy thức ăn và gạo.

“Từ những khó khăn đó, tôi hiểu rằng học tập là con đường để thoát khỏi cảnh đói nghèo. Dù muôn vàn khó khăn, vất vả, tôi luôn được các thầy cô trong trường tiếp thêm động lực, niềm tin”, thầy Tùng bộc bạch.

Tốt nghiệp THPT, chàng trai Đỗ Thế Tùng quyết định thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn, chuyên ngành Toán – Vật lý. Chia sẻ lý do chọn nghề giáo, thầy Tùng cho hay: “Nơi tôi sinh ra và lớn lên thuộc vùng núi đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế. Bởi vậy, bản thân muốn góp chút sức mình cho công cuộc xây dựng, phát triển quê hương, đem cái chữ về bản làng”.

Năm 2007, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn, thầy Tùng được phân công về giảng dạy tại Trường THCS Bính Xá (huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn). Lần đầu chứng kiến thầy giáo chỉ còn một cánh tay, nhiều học sinh tỏ ra tò mò, ngạc nhiên và hỏi sao thầy có thể dạy học.

“Thấy tôi cầm phấn viết lên bảng, dùng thước để vẽ, học trò ồ lên, vỗ tay động viên. Sau một thời gian giảng dạy, thầy trò gần gũi và hiểu nhau hơn. Tôi thường chia sẻ với các em về những tấm gương vượt khó, vươn lên học hành thành đạt”, thầy Tùng kể.

Thời gian đầu mới đi dạy, thầy Tùng gặp nhiều khó khăn khi vẽ hình môn Toán hay dạy thực hành thí nghiệm môn Vật lý. Nhiều công việc phải nhờ sự hỗ trợ của giáo viên trong trường nên không ít lần, thầy cảm thấy tự ti. Tuy nhiên, được sự động viên của đồng nghiệp lẫn sẻ chia từ học trò, thầy Tùng dần trở nên hòa đồng và tự tin hơn. Thầy luôn xác định bản thân phải cố gắng nhiều hơn nữa để hoàn thành công việc.

Thầy Tùng - 'người anh cả' một tay ảnh 1

Thầy Đỗ Thế Tùng cùng học trò trong thư viện của trường. Ảnh: NVCC

Truyền đạt ước mơ

Sau gần 2 năm dạy ở Trường THCS Bính Xá (huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn), thầy Tùng chuyển công tác về Trường PTDT Bán trú THCS xã Lâm Ca – ngôi trường gắn bó với tuổi thơ và là động lực để thầy theo đuổi nghề “cầm phấn”. Ngày trở về trường, nhìn ngắm góc trường, lớp học mình từng gắn bó, thầy Tùng không khỏi bùi ngùi. Ngày giảng dạy hết mình, đêm thầy vào trường phụ đạo cho học sinh.

“Từng ở trọ đi học, tôi hiểu cảm giác trống vắng và những thiệt thòi của học sinh khi phải sống xa nhà. Thầy cô chính là chỗ dựa lúc yếu lòng. Vì vậy, tôi coi học sinh như những đứa em nhỏ trong nhà và cùng chơi, cùng học. Tôi cố gắng tạo môi trường thân thiện, xóa bỏ khoảng cách thầy trò để lắng nghe và hiểu các em hơn”, thầy Tùng trải lòng.

Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ, thầy Tùng bồi hồi nhớ đến một cậu học trò lớp 7, tên là Triệu Hiệu Lý. Là người dân tộc Dao, lớn lên trong gia đình khó khăn nên năm đó, Lý buộc phải thôi học. Nghe tin, ngay chiều hôm đó, thầy Tùng đã đi bộ hai tiếng rưỡi đến nhà Lý.

Khi đến nhà học sinh đã là 5 giờ chiều, ngồi chờ Lý và bố mẹ đi làm nương, thầy kiên nhẫn phân tích, thuyết phục để em được đi học. Đến lúc trò chuyện xong, bên ngoài trời đã phủ một màu đen như mực. Đêm đó, thầy Tùng xin nghỉ lại nhà của bác trưởng thôn với niềm vui khi đã thuyết phục thành công bố mẹ Lý cho con trở lại trường.

Ngoài lần đó, không ít lần thầy Tùng và đồng nghiệp trong đêm đông lạnh buốt đi bộ tìm học sinh vì các em nhớ nhà nên bỏ về. Cảm nhận được sự thương yêu mà thầy cô dành cho, học sinh Trường PTDT Bán trú THCS xã Lâm Ca coi thầy Tùng như người anh cả.

Cô Mã Thị Chuyện – Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú THCS xã Lâm Ca – tâm sự: “Nhắc đến thầy Tùng, chúng tôi luôn dành từ khâm phục và ngưỡng mộ. Dẫu hoàn cảnh có nhiều khó khăn, nhưng thầy luôn giữ vững tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với công việc, học trò”.

Theo cô Chuyện, thầy luôn tạo cho học sinh nội trú cảm giác thoải mái và thân thiện mỗi khi ở bên cạnh. Ngoài giờ học trên lớp, thầy dành một khoảng thời gian nhất định trong ngày để giúp học sinh học tập, chia sẻ với các em khó khăn trong cuộc sống. Có lẽ chính vì vậy, thầy luôn nhận được tình cảm đặc biệt từ học sinh cũng như phụ huynh. Ngoài ra, thầy còn là “cây” sáng kiến kinh nghiệm, nhiều năm liền đạt danh hiệu Giáo viên xuất sắc cấp huyện, tỉnh.

Một động lực khác khiến tôi muốn trở thành thầy giáo chính là hình ảnh thầy Nguyễn Ngọc Ký. Không có đôi tay, dùng chân để viết chữ nhưng thầy vẫn là một nhà giáo tốt, truyền cảm hứng cho nhiều học sinh. Thầy là tấm gương khiến tôi ngưỡng mộ, khâm phục; từ đó nhen nhóm ước mơ trở thành nhà giáo trong tôi. – Thầy Đỗ Thế Tùng.

Theo Báo Giáo dục & Thời đại

Bài viết liên quan

80

CHÚNG TA SẼ HỒI SINH MẠNH MẼ

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – MỘT NHÀ BÁO CÁCH MẠNG LỖI LẠC SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

bà lịch - PX

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp: Trợ giúp pháp lý thành công cho người nghèo, người khuyết tật

Song-vinh-quan-giu-doi-thuo

Cảm phục tấm gương nữ thương binh vinh dự được Thủ tướng tuyên dương

IMG_0144

Tấm gương thương binh tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu

nam

Hà Nam: Phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang