(DHVO). Đấy là một trong « Tứ vị sư » dạy văn thuở cấp II và cấp III của tôi: cô giáo Trần Thị Bích Diệp, thầy Phạm Hiền, thầy Nguyễn Trí Quang và thầy Lê Đình Cúc. Đấy là những người thầy mà tôi rất kính trọng và nhớ mãi trong quãng đời học tập và sau này trưởng thành. Đấy là những người khai trí văn học và niềm đam mê cho tôi, cứ đến Ngày Nhà giáo là trong thâm tưởng tôi lại tưởng tượng tới bóng dáng và phong cách sư phạm của họ. Các vị thầy đáng kính đã đi qua thời niên thiếu của tôi, dạy cho tôi biết bao kiến thức văn học để làm trò giỏi và làm người!
Ở đây tôi muốn nói về một người thầy dạy văn cấp III của tôi. Rất tiếc là đám học trò chúng tôi không đứa nào có nổi một bức chân dung của người thầy mà chúng tôi hằng tôn kính!
Ông là Lê Đình Cúc. Ông sinh năm 1920. Người gốc Quảng Yên. Ông vốn là học sinh trường Bưởi-Hà Nội. Trong những câu chuyện tâm sự của thầy, tôi được biết ông vốn là bạn học ở cùng phòng với Cay Xỏn Phôm Vi Hản (sau làm Tổng Bí thư Đảng CMND Lào).
Trước Cách mạng Tháng Tám, ông Lê Đình Cúc từng làm Tri phủ. Năm 1945, khi tham gia Cách mạng, ông vào Quân đội Nhân dân Việt Nam, từng là Đại úy, Tiểu đoàn trưởng. Trong binh nghiệp, ông là một cán bộ rất thương yêu đùm bọc chiến sĩ của mình.
Hòa bình lập lại, năm 1960, ông học Đại học Sư phạm Hà Nội. Tốt nghiệp, ông về quê hương Quảng Ninh. Nhưng vì chế độ xét duyệt lý lịch thời bấy giờ rất khắt khe và nặng nề mặc cảm. Ban lãnh đạo Ty Giáo dục đã từ chối ông. Trong lý lịch Lê Đình Cúc là con trai của Quản Mai, tức Lê Đình Mai, từng là một tay sai của thực dân Pháp ở Quảng Yên thời thuộc Pháp. Nên ông không được nhận vào dạy học ở thị xã Hồng Gai. Tuy nhiên cấp trên và những người biết ông vẫn trân trọng, quý mến và ca ngợi ông là một giáo viên đạo đức thật thà có kiến thức và phương pháp sư phạm cao.
Sau ông được điều về dạy tại trường cấp II-III Phong Hải (tiền thân trường cấp III- trường THPT Minh Hà- Thị xã Quảng Yên bây giờ).
Ông từng là thầy giáo dạy văn của tôi những năm tôi học cấp III từ 1968-1971. Ông dạy kỹ lưỡng, cẩn trọng, sâu sát kiến thức và hầu như lệ thuộc, bám sát tư liệu sách giáo khoa, ít mở rộng ra khỏi những giáo trình cơ bản. Hay vì ông không muốn mở rộng bởi nhiều lý do khiến ông “giữ mình như giữ lửa” ? Do bị mặc cảm lý lịch chăng, nên ông sống khép kín, khiêm nhường, rất ít tiếp xúc với đồng nghiệp và mọi người dân xung quanh. Hàng ngày ông đi lại lặng lẽ như một cái bóng, nói năng kiệm lời, ít cười, nhưng rất chuẩn mực chính tả và câu từ. Cuộc đời bị thành kiến nặng nề đã khiến thầy phải nhẫn nhịn, trải qua nhiều quăng quật, gian nan, chịu đựng. Ông là một người thầy điển hình của chữ “Nhẫn”.
Ông là người thầy mẫu mực, nói khác đi là người lái tàu cắn chặt răng để đi đúng đường ray giữa không gian, đường đất rất mênh mang và lắm sự tai quái! Những năm học cấp III, tôi là học sinh giỏi văn liên tục. Vì thế chăng nên tôi chỉ một lần duy nhất mời được thầy Lê Đình Cúc đến tận nhà thăm gia đình tôi. Hôm đó là chủ nhật, thầy đến thăm khá lâu. Vừa đun rơm nấu nước dưới bếp để cha tôi pha trà tiếp thầy, tôi nghe được những lời tâm sự của thầy. Thầy động viên cha tôi: « Dù khó khăn mấy các bác cũng cố gắng cho con trai nó học vì nó học giỏi văn và rất ngoan! Nó viết văn hay và lạ nữa bác ạ… ». Thầy còn tặng tôi những quyển sách văn học Nga, Trung Quốc, văn học Việt Nam: Sông Đông êm đềm, Chiến tranh và Hòa Bình, Hồng Lâu Mộng, Bỉ Vỏ, Tắt đèn… Tôi còn giữ được những quyển sách này đến một thời gian dài trong Thư viện cá nhân của tôi.
Vườn nhà tôi lúc đó cha tôi trồng nhiều bưởi và các loại rau, hoa. Trong vườn có một cái ao và chặng vó để cất cá. Thầy giáo Cúc ra thăm, đến ao cất vó rồi cầm vợt xúc những con cá đang nhảy tanh tách rất thành thạo…
Thấy cảnh ngày mùa, gia đình bận bịu nào gặt hái, đập lúa, rê sẩy thóc, phơi rơm phơi rạ, thầy để cả bộ áo quần sơ mi ra sân làm việc giúp chúng tôi. Cha tôi can mấy cũng không được. Chiều hôm ấy, một cơn giông bất ngờ ập đến, thầy vội vã cầm cái chang gỗ kéo đẩy thóc cùng với cả nhà tôi vun thành đống, hót chạy mưa. Trông thầy không khác gì một nông dân thuần thục. Hình ảnh người thầy sống nơi phố xá về dạy học ở nhà quê giúp phụ huynh học trò như thế khiến cha mẹ tôi vô cùng xúc động. Thầy giáo đã để lại trong gia đình tôi những kỷ niệm đẹp thật êm đềm.
Bây giờ mỗi lần ai đó nhắc tới thầy, lòng tôi lại nôn nao nhớ hình ảnh ông giáo đội chiếc nón tuột vành chang thóc. Bóng ông in cao thẳm trên khoảng trời đen đặc mưa giông.
Dạy ở trường cấp II-III Phong Hải được ba năm thì thầy Cúc chuyển đi dạy trường khác. Từ đó tôi mất liên lạc với thầy. Vả lại thời đó công nghệ thông tin chưa có gì cả nên đám học trò vô tâm chúng tôi cũng không nắm bắt được tin tức thầy sống và dạy học ra sao. Cho đến những năm đầu thế kỷ 21, chúng tôi vẫn không có địa chỉ, không có số điện thoại, nên càng không nắm biết được tình hình sức khỏe, gia đình và nghề nghiệp của thầy.
Mãi đến thời gian gần đây, tôi được biết thông tin do một bạn công tác trong TP HCM đã gặp được thầy Cúc và cho biết: Không có người con nào theo nghề dạy học. Cô Lê Thị Bích con gái thầy, thời học trò theo cha về Hà Nam, cô học dưới chúng tôi hai lớp. Cô Bích chỉ có một đứa con gái. Giờ cháu đang du học tại nước Úc.
Một ngày tháng 11 năm nay, nhờ qua đứa cháu Trần Thanh Huyền con gái chị Dương Thị Huệ (chị gái thứ Ba của tôi trong TP HCM) gọi tôi bằng cậu ruột cung cấp cho tôi số điện thoại của anh Lê Đình Đại. Tôi đã liên lạc với Đại. Đại chính là con trai của thầy và được biết những thông tin cơ bản về thầy:
Dạy học cấp III ở Quảng Yên tiếp mấy năm, thầy chuyển lên Hà Nội. Sau thống nhất đất nước, sau nghỉ hưu, ông đưa cả vợ con vào Sài Gòn sinh sống. Thầy có ba người con: Cô Lê Thị Thu, Lê Thị Bích và Lê Đình Đại. Thầy mất ngày 12-9-2005, hưởng thọ 86 tuổi.
Thầy giáo Cúc của chúng tôi cả một đời tận tụy với nghiệp dạy văn nay không còn nữa. Ông đã ôm biết bao kiến thức sư phạm và cả nỗi u uất mặc cảm lý lịch bay lên Trời! Cho đến khi nhắm mắt, thầy vẫn âm thầm chịu nhiều thiệt thòi. Buồn hơn nữa là thầy không có người con nào nối dõi sự nghiệp dạy học của thầy.
Nhà văn Dương Phượng Toại