Tháo gỡ rào cản trong tạo việc làm cho người khuyết tật

Ngày 30/8, tại Hà Nội, Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức tọa đàm “Quyền làm việc của người khuyết tật – Từ chính sách đến thực tiễn” và được trực tuyến song song tại địa chỉ http://kinhtedothi.vn.

Tọa đàm nhằm thảo luận, tìm giải pháp tháo gỡ rào cản trong việc tạo việc làm cho lao động là người khuyết tật cũng như thực hiện các chính sách an sinh xã hội từ những câu chuyện thực tế.

Trở ngại giải quyết việc làm cho người khuyết tật

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Xuân Khánh, Phó Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị, cho biết: Chính sách chăm lo, trợ giúp cho người khuyết tật luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Quốc hội đã thông qua Luật Người khuyết tật, Chính phủ ban hành và thực thi nhiều chính sách nhằm bảo vệ, chăm lo, trợ giúp người khuyết tật. Nhờ vậy, cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, đời sống vật chất, tinh thần, vị thế của người khuyết tật được nâng cao.

Quang cảnh buổi tọa đàm tại trụ sở Báo Kinh tế & Đô thị

Hiện cả nước có hơn 6,4 triệu người khuyết tật, trong đó có hàng triệu người khuyết tật, trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội. Gần 1.000 người khuyết tật được hỗ trợ đào tạo nghề; 1.138 dự án của lao động là người khuyết tật được vay vốn, tạo việc làm cho gần 10.000 lao động là người khuyết tật (năm 2021).

“Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hôi, mặc dù có những thành tựu quan trọng trong công tác trợ giúp người khuyết tật, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn về kinh tế, hạ tầng, cơ sở xã hội. Vì vậy chưa thể đáp ứng thỏa đáng nhu cầu nguyện vọng của người khuyết tật. Cụ thể là vẫn còn nhiều người khuyết tật sống trong cảnh nghèo, cận nghèo, sức khỏe hạn chế, thiếu việc làm và cuộc sống phụ thuộc vào trợ giúp của gia đình và xã hội. Trong số 6,4 triệu người khuyết tật, chỉ có 31,7% trong số này nằm trong lực lượng lao động” – Phó Tổng biên tập Nguyễn Xuân Khánh, thông tin.

Phó Tổng biên tập Nguyễn Xuân Khánh phát biểu khai mạc

Trên thực tế, lao động là người khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn khi tìm kiếm việc vì thiếu kỹ năng, kiến thức; thậm chí nhiều người không biết khả năng hay sở thích của mình là gì. Không chỉ vậy, vấn đề người khuyết tật đang gặp phải đó chính là tâm lý của họ, của người thân trong gia đình bao bọc nhiều quá hoặc buông xuôi. Người khuyết tật gặp khó khăn khi tìm kiếm việc làm còn bởi không có nguồn tiếp tận cơ hội, như không có điện thoại thông minh để vào mạng, không biết sử dụng mạng xã hội.

Bên cạnh đó, mặc dù Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp tuyển dụng lao động là người khuyết tật nhưng nhiêu công ty lại không mặn mà vì thiếu những cơ chế. Trong khi đó, doanh nghiệp tuyển dụng người khuyết tật vào làm việc đồng nghĩa với phải thay đổi cơ sở hạ tầng để người khuyết tật tiếp cận được…

Phó Tổng biên tập Nguyễn Xuân Khánh, nhìn nhận: Trong điều kiện bình thường, cơ hội việc làm  đối với người khuyết tật vốn đã khó khăn, thì nay càng khó khăn hơn khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nên vấn đề giải quyết việc làm cho người khuyết tật ngày càng gặp nhiều trở ngại.

Chủ tọa điều hành buổi tọa đàm

Tại buổi tọa đàm, ông Lê Việt Cường, Chủ tịch Hội người khuyết tật quận Hà Đông (thành phố Hà Nội), người sáng lập Hợp tác xã Vụn Art, chia sẻ: nhiều người khuyết tật còn khả năng lao động và tạo ra giá trị cho bản thân, gia đình cũng như mong muốn có việc làm để khẳng định mình. Tuy nhiên, cơ hội việc làm đối với người khuyết tật khó khăn như: không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng, phần đông trình độ học vấn còn kém khi ứng tuyển vị trí nhân viên văn phòng. Bên cạnh đó, sức khỏe còn hạn chế… cũng là trở ngại trên con đường tìm kiếm việc làm của người khuyết tật.

Kết nối và tạo cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp cho người khuyết tật

Theo thống kê, riêng trên địa bàn thành phố Hà Nội có trên 109.000 người khuyết tật, trong đó khoảng hơn 30.000 người có khả năng lao động và trên 9.600 người khuyết tật đã có việc làm. Con số này còn khiêm tốn so với lực lượng thanh niên khuyết tật và người khuyết tật còn khả năng lao động và tạo ra giá trị cho bản thân và gia đình cũng như mong muốn có việc làm để khẳng định mình.

Song theo khảo sát nhanh của Hội người khuyết tật Hà Nội cho thấy, người khuyết tật hiện đang làm việc trong các doanh nghiệp lớn có hợp đồng, liên kết với tổ chức Hội người khuyết tật Hà Nội bảo vệ quyền lợi thì 100% các doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội, chăm lo chế độ đầy đủ. Còn những thanh niên khuyết tật làm việc tự do hay làm tại các công ty nhỏ, không có sự kết nối từ Hội thì quyền lợi khó được đảm bảo. “Đây là vấn đề cần sự chung tay của không chỉ tổ chức Hội người khuyết tật Hà Nội mà cả các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp trong việc hiểu đúng và thực hiện tốt các văn bản Nhà nước hiện hành” – Phó Trưởng Ban Thanh niên (Hội người khuyết tật Hà Nội) Nguyễn Xuân Khánh, chia sẻ tại buổi tọa đàm.

Ông Lê Việt Cường, Chủ tịch Hội người khuyết tật quận Hà Đông chia sẻ tại buổi tọa đàm

Nhằm nâng cao năng lực cho người khuyết tật, Hội người khuyết tật Hà Nội đã tổ chức tập huấn về lập kế hoạch cá nhân, làm hồ sơ xin việc; trang bị những kỹ năng cần thiết về cuộc sống, giao tiếp, thể hiện bản thân… Từ tháng 4/2022, Hội đã đẩy mạnh trở lại các chương trình kết nối và tạo cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp cho người khuyết tật, trong đó ưu tiên thanh niên khuyết tật độ tuổi 18 – 35.

Thông qua những nguồn hỗ trợ từ các tổ chức tài trợ nước ngoài, 3 năm qua, Hội người khuyết tật Hà Nội đã thực hiện các dự án kết nối tạo việc làm cho trên 600 người khuyết tật vào làm việc tại các công ty, hợp tác xã, trung tâm đào tạo dạy nghề do người khuyết tật khởi nghiệp và điều hành quản lý.

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội), cho biết: Tính từ năm 2012 đến nay, Hà Nội đã triển khai rất nhiều hoạt động phối kết hợp với Hội người khuyết tật Hà Nội và 30 hội quận, huyện, thị xã để triển khai các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, tư vấn những vị trí việc làm, cung cấp thông tin thị trường lao động. Đồng thời, tổ chức các phiên giao dịch việc lam hàng năm với tần suất 2 phiên/năm lên 4 phiên/năm để giúp lao động người khuyết tật tìm được việc làm có thu nhập, tự tin vượt lên hoàn cảnh, hòa nhập cộng đồng.

Cũng theo Phó Giám đốc Vũ Quang Thành: Giải quyết việc làm cho người khuyết tật rất cần các chính sách xã hội, sự nỗ lực của các Hội người khuyết tật, Trung tâm Trung tâm Dịch vụ việc làm cũng như sự tham gia nhiệt tình từ phía doanh nghiệp. Về phía người khuyết tật cũng phải tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng chuyên môn, sẵn sàng đảm đương được công việc của nhà tuyển dụng để khẳng định được mình là những người “tàn mà không phế”.

Với mong muốn tạo thêm nhiều việc làm cho người khuyết tật cũng như có khuyến nghị xây dựng chính sách an sinh cho họ, Báo Kinh tế & Đô thị và Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) hợp tác tổ chức tọa đàm trực tuyến tại địa chỉ http://kinhtedothi.vn với chủ đề “Quyền làm việc của người khuyết tật – Từ chính sách đến thực tiễn”.

Tại buổi tọa đàm, các diễn giả, chuyên gia đã tập trung bàn luận để làm rõ những vấn đề, như: các rào cản khi người khuyết tật đi tìm việc làm, những hoạt động tạo việc làm cho người khuyết tật. Các giải pháp tăng quyền làm việc, có thêm nhiều người lao động khuyết tật tham gia bảo hiểm xã hội để đảm bảo chế độ an sinh xã hội…

Ban Tổ chức tặng hoa các diễn giả và chuyên gia

Từ những nội dung trao đổi của các diễn giả, bạn đọc sẽ được cung cấp các thông tin bổ ích; đồng thời giúp các chủ doanh nghiệp có cái nhìn xác thực hơn khi tuyển dụng lao động khuyết tật vào làm việc. Từ thực tế đang diễn ra, các chuyên gia, chủ doanh nghiệp là người khuyết tật sẽ đề xuất những giải pháp để đảm bảo quyền được làm việc của người khuyết tật cũng như chính sách hỗ trợ họ tham gia bảo hiểm xã hội để sau này có lương hưu…

Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước hoàn toàn có thể tham khảo các khuyến nghị trong buổi tọa đàm để xây dựng chính sách tạo việc làm và bảo hiểm xã hội cho người khuyết tật một cách phù hợp. Đây không chỉ là thực hiện trách nhiệm đối với xã hội, tăng số người lao động tham gia bảo hiểm xã hội mà từ đó góp phần đảm bảo an sinh cho người dân, trong đó có người khuyết tật.

Theo Tạp chí điện tử Lao động và Xã hội

Bài viết liên quan

Picture9

Lễ ra mắt Công ty Cổ phần Phát triển Hướng Dương Việt: Hiện thực hoá ước mơ cho những vầng trăng khuyết

Picture1

Cần tăng cường tính đại diện và tiếng nói của người khuyết tật trong các cơ quan dân cử

Picture2

Chương trình “Hành trình cuộc sống” trao tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của thành phố 140 xe đạp và nhiều phần quà tặng

Picture1

Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”

Picture1

Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình: 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu thi đua “Hai tốt”

Picture1

Khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Tưng bừng Đêm đại nhạc hội chào đón tân sinh viên “FPS 2024 – Time Capsule”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang