(ĐHVO). Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với TP Thanh Hóa trong việc thực hiện thắng lợi kế hoạch kinh tế – xã hội 5 năm (2015-2020). Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng nhờ chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền, cùng sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân, thành phố đã thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế – xã hội.
Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến mọi hoạt động kinh tế và đời sống Nhân dân, cấp ủy đảng, chính quyền thành phố đã quyết liệt chỉ đạo các phường, xã vừa tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, sẵn sàng ứng phó những tình huống phát sinh, vừa nhanh chóng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh và thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Đồng thời, thành phố cũng tập trung giải quyết nhanh các thủ tục thực hiện các dự án trọng điểm, giải ngân vốn đầu tư công và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư vào địa bàn. Năm 2020, tốc độ giá trị sản xuất của thành phố ước đạt 10,2%, bằng 92,9% kế hoạch. Tuy không đạt kế hoạch đề ra nhưng quy mô kinh tế của thành phố ngày càng mở rộng, nhiều lĩnh vực tiếp tục phát triển và có mức tăng trưởng cao.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ dừng thực hiện giãn cách xã hội, thành phố đã đẩy mạnh các hoạt động giao thương, tiêu thụ hàng hóa và xuất khẩu trong điều kiện an toàn phòng dịch. Nhờ đó, lĩnh vực dịch vụ – thương mại từng bước được phục hồi. Tính đến cuối năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của thành phố ước đạt 56.735 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu ước đạt 1.652 USD; doanh thu du lịch ước đạt 2.500 tỷ đồng. Những kết quả đáng khích lệ trên đã góp phần đưa lĩnh vực dịch vụ – thương mại của TP Thanh Hóa tăng 7,1% so với cùng kỳ. Đi liền với việc đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ – thương mại, thành phố cũng tích cực triển khai các giải pháp thúc đẩy giá trị sản xuất lĩnh vực công nghiệp – xây dựng. Nhờ vậy, nhiều sản phẩm công nghiệp trên địa bàn thành phố, như: đá ốp lát, thức ăn gia súc, gỗ xẻ, điện thương phẩm vẫn duy trì mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Qua đó, giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng trong năm của thành phố ước đạt 77.462 tỷ đồng, tăng 12,1% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng, chính quyền của TP Thanh Hóa đã triển khai hiệu quả chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, tập trung và gắn với khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Trong năm, toàn thành phố đã tích tụ được 75,5 ha đất để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Chương trình mỗi xã một sản phẩm của thành phố đạt được kết quả rõ nét, với 5 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh, hoàn thành vượt mức tỉnh giao.
Việc thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã góp phần giúp doanh nghiệp, người dân trên địa bàn thành phố vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Năm 2020, toàn thành phố có 1.554 doanh nghiệp mới được thành lập, với số vốn đăng ký 12.845 tỷ đồng. Qua đó, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố lên 7.000 doanh nghiệp. Đây chính là điều kiện giúp thành phố hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn. Năm 2020, thu ngân sách Nhà nước của TP Thanh Hóa ước đạt 3.371,59 tỷ đồng, đạt 104,1% dự toán tỉnh giao, tăng 13,5% so với cùng kỳ. Đồng thời, môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố tiếp tục được cải thiện, hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư đạt được những kết quả tích cực. Theo đó, tổng nguồn vốn đầu tư cho phát triển trên địa bàn thành phố năm 2020 ước đạt 34.453 tỷ đồng, tăng 1,3% so với kế hoạch, tăng 7,5% so với cùng kỳ. Cùng với tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng, TP Thanh Hóa cũng đã đưa vào sử dụng 40 công trình, phê duyệt nhiệm vụ khảo sát, thiết kế 54 công trình; thẩm định 79 công trình, với tổng giá trị là 709,52 tỷ đồng.
Cùng với phát triển kinh tế và đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị, văn hóa – xã hội của thành phố trong năm 2020 cũng đạt nhiều kết quả quan trọng. Trên địa bàn có 123/142 trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia. Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân được nâng lên; an sinh xã hội được chăm lo, bảo đảm; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Thành phố Thanh Hóa đang thay da đổi thịt từng ngày. Điều đó không chỉ thể hiện ở diện mạo đô thị mà khu vực ngoại thành cũng có nhiều đổi thay toàn diện. Vận dụng những cách làm sáng tạo, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, TP Thanh Hóa đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới sớm trước 1 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra. Đáng kể nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ; khoảng cách thu nhập giữa người dân khu vực ngoại thành và nội thành đã rút ngắn lại. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của các xã ngoại thành đạt 73,4 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các xã sau khi về đích nông thôn mới giảm . Đây thực sự là những “quả ngọt” mà TP Thanh Hóa gặt hái được trong xây dựng nông thôn mới.
Sang năm 2021 Thành phố Thanh Hoá tập trung tháo gỡ khó khăn, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 vào khôi phục kinh tế; nâng cái chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng, công trình trọng điểm; khơi thông nguồn lực, huy động tối đa sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho đầu tư phát triển.
Những kết quả về kinh tế – xã hội mà TP Thanh Hóa đạt được trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, tiếp tục thể hiện vai trò, vị thế “đầu tàu” trong nền kinh tế của tỉnh. Đây chính là tiền đề quan trọng để thành phố bước vào giai đoạn phát triển mới với những mục tiêu phấn đấu cao hơn. Có thể nói, những thành tựu đạt được trong năm qua của thành phố Thanh Hoá là rất lớn và có ý nghĩa quan trọng, tạo thế và lực để thành phố vững bước đi lên nhanh hơn, mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu CNH, HĐH và chủ động hội nhập quốc tế.
Bùi Nhung – Văn Đương