Thanh Oai, Hà Nội: Chia và không chia di sản

(ĐHVO). Di sản là những tài sản hữu hình và vô hình do bố mẹ sau khi mất đi để lại cho con cái. Giữ lại di sản là trách nhiệm chung của các con. Chỉ có một tâm nguyện duy nhất là giữ lại căn nhà cấp 4 cũ nguyên vẹn để làm chỗ hương khói thờ tự cho cha mẹ, vậy mà bà Mai và bà Tính tới giờ vẫn chưa thực hiện được.

Ngày 5/5/2020, ĐHVO nhận được đơn thư của bà Nguyễn Thị Mai (SN 1962, trú tại Liên Châu, Thanh Oai, Hà Nội) phản ánh về việc bà cùng chị gái là bà Nguyễn Thị Tính không đồng ý với phán quyết của Tòa án nhân dân huyện Thanh Oai và Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đưa ra trong hai bản án dân sự sơ thẩm và phúc thẩm về “Tranh chấp phân chia di sản thừa kế”do bố mẹ bà để lại. Theo đó, gia đình bà Mai có 4 chị em gái là bà, bà Nguyễn Thị Tính, bà Nguyễn Thị Toán, và bà Nguyễn Thị Tuyết. Sau khi mất, bố mẹ các bà có để lại di sản là một thửa đất có diện tích 206 m2 trên đó có 01 nhà cấp 4 xây 4 gian xây dựng năm 1980 và 672 m2 đất ruộng và 180 m2 đất tại quán Ngói, thôn Từ Châu, xã Liên Châu, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội.

Đơn kêu cứu của bà Nguyễn Thị Tính và bà Nguyễn Thị Mai muốn giữ lại căn nhà

Năm 2019, bà Toán đã có đơn yêu cầu khởi kiện vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế và được Tòa án nhân dân huyện Thanh Oai thụ lý giải quyết. Ngày 10/01/2019, Tòa án nhân dân huyện Thanh Oai đã có bản án số 01/2019/DSST ngày về tranh chấp di sản thừa kế, trong đó giao cho bà Nguyễn Thị Toán được hưởng bằng hiện vật là 97 m2 đất ở gồm 58 m2 kỷ phần của bà Toán và 39 m2 kỷ phần của bà Tuyết tự nguyện giao lại, trên đất có nhà cấp 4, bể nước, bể lọc tại thửa đất số 223, tờ bản đồ số 2 và 336 m2 đất ruộng canh tác (Đều tại Thôn Từ Châu, xã Liên Châu, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội); giao cho bà Nguyễn Thị Tính được hưởng bằng hiện vật là 38,6 m2 đất ở tại thửa đất số 223 tờ bản đồ số 2 và 168 m2 đất ruộng canh tác và giao cho bà Nguyễn Thị Mai được hưởng bằng hiện vật là 46,1 m2 đất ở gồm: Bếp, bán mái tại thửa đất đất số 223, tờ bản đồ số 2 và 168 m2 đất ruộng canh tác (Đều tại Thôn Từ Châu, xã Liên Châu, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội). Tuy nhiên, bà Mai và bà Tính không đồng ý với phán quyết này. Vì vậy, hai bà đã kháng cáo nhưng yêu cầu không được Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội chấp thuận. Với mong muốn được giữ nguyên vẹn căn nhà là tài sản chung của cả 4 chị em để còn có chỗ thờ cúng tổ tiên cùng cha mẹ, bà Mai và bà Tính quyết tâm làm đơn xin tiến hành thủ tục giám đốc thẩm nhưng cũng không được giải quyết.

Theo như lời bà Mai, bà Toán do không lấy chồng nên sinh sống cùng bố mẹ và sau khi hai cụ mất bà vẫn tiếp tục trông nom căn nhà cấp 4 cũ và các chị em khác cũng không có ý kiến gì. Vậy nhưng không hiểu vì nguyên do gì, đến khoảng năm 2018, bà Toán bỗng dưng đòi chia di sản mà bố mẹ để lại nhưng bà Tính và bà Mai không đồng ý. “Mâu thuẫn xảy ra khi bà Toán kiên quyết đòi chia căn nhà và cả mảnh đất, thậm chí còn nhiều lần dùng lời lẽ xúc phạm, chửi mắng chúng tôi vì không đồng ý với ý định chia nhà của bà ấy.” – bà Mai kể. Bà Mai cũng chia sẻ, sở dĩ bà và bà Tính không muốn chia căn nhà cấp 4 bởi đó là nơi bố mẹ các bà đã sinh sống lâu năm, đồng thời cũng là nơi hương khói, thờ tự của gia đình đã lâu. Chính vì vậy nên khi cha mẹ không còn, bà cũng không muốn căn nhà bị chia năm xẻ bảy mà muốn giữ lại là tài sản chung, cùng đứng tên cả 4 chị em để nối tiếp truyền thống gia đình, tiếp tục dùng căn nhà đó để duy trì việc thờ cúng ông bà tổ tiên cùng cha mẹ.

Gian nhà kỷ vật cũ của bố mẹ bà Mai và bà Tính để lại sau khi mất

Chuyện chị em trong nhà đưa nhau ra Tòa vì tranh chấp di sản mà cha mẹ để lại vốn đã đáng buồn, vậy mà phán quyết của Tòa án các cấp còn khiến bà Mai và bà Tính đau lòng hơn nữa. Trao đổi với ĐHVO, bà Mai cho biết: “Nhà chỉ có 4 chị em gái, nên sinh thời bố mẹ tôi luôn mong muốn chị em trong nhà yêu thương, đùm bọc lẫn nhau và biết sẻ chia, nhường nhịn nhau. Chính vì vậy, 4 chị em tôi vẫn chung sống hòa thuận cho đến ngày xảy ra chuyện. Thật lòng mà nói, phán quyết của Tòa án khiến cho tôi và chị Tính rất đau lòng và thất vọng. Đối với chị em tôi, căn nhà cấp 4 có giá trị tinh thần và ý nghĩa tâm linh rất lớn. Bản thân tôi không mong muốn tranh chấp gì về vật chất, của cải. Bà Toán muốn có đất hay tiền để xây nhà ở chỗ khác, tôi và chị Tính đều sẵn sàng hỗ trợ, chỉ mong sao giữ được căn nhà là nơi lưu giữ những kỷ niệm về mẹ cha và cũng là nơi để chị em, con cháu trong gia đình chúng tôi cùng thờ cúng, hương hỏa cho các cụ. Việc bà Toán cương quyết đòi chia chác căn nhà thờ đã khiến cho tình cảm chị em giữa chúng tôi bị sứt mẻ, rạn vỡ. Nếu bố mẹ tôi trên trời có biết được chuyện này hẳn rất đau lòng, bởi các cụ luôn mong muốn gia đình đầm ấm, hòa thuận.”. Về phần mình, bà Tính cũng thể hiện quan điểm đồng nhất với ý kiến của bà Mai. Bên cạnh đó, bà cũng chia sẻ thêm, chồng bà  – ông Nguyễn Văn Tỵ – một thương binh hạng 4/4 – cũng có mong muốn có thể gìn giữ nguyên vẹn căn nhà để làm nơi thờ cũng cha mẹ. Bà Tính kể: “Khi biết chuyện bà Toán đòi chia căn nhà, chồng tôi cũng cảm thấy rất buồn. Bởi lẽ, chính ông ấy cũng là người xách từng viên gạch lên xây bể nước, bờ tường cho mẹ. Kể từ sau khi có phán quyết của Tòa án, chồng tôi đã rất thất vọng và tự trách bản thân có thể đánh giặc bảo vệ Tổ quốc mà lại không có khả năng bảo vệ căn nhà di sản của cha mẹ.”.

Được biết, theo bản án, căn nhà sẽ bị đập ra chia nhỏ theo hàng thừa kế. Như vậy thì mong muốn giữ lại căn nhà – kỷ vật của cha mẹ làm nơi thờ cúng cũng sẽ không thể thực hiện được. Thời điểm hiện tại, vụ án của gia đình bà Mai và bà Tính đang được giải quyết theo trình tự giám đốc thẩm. Bà Mai và bà Tính vẫn đang nỗ lực gửi đơn thư kêu cứu tới nhiều cơ quan chức năng, Ủy Ban Tư pháp Quốc hội với mong muốn vụ việc được đưa ra xem xét, giải quyết lại để Gia đình bà và các con cháu giữ  được di sản thừa kế một cách nguyên vẹn, giữ lại được hình dáng, kỷ niệm về bậc sinh thành. Bà Mai cũng bày tỏ quan điểm cho rằng để chia di sản mà bố mẹ bà để lại chung cho cả bốn chị em, các cơ quan có thẩm quyền cần phải xem xét tới ý muốn, nguyện vọng của tất cả mọi người, phân xử ổn thỏa về cả lý và tình.

ĐHVO sẽ tiếp tục thông tin vụ việc./.

Minh Hằng

Bài viết liên quan

Picture6

Hải Phòng: Lễ biểu dương 139 học sinh,sinh viên tiêu biểu xuất sắc của Thành phố năm 20

Picture2

Thành phố Nam Định hình thành 3 vùng phát triển sau sáp nhập

Picture2

Tạp chí Lao động và Sáng tạo trao 1.000 suất quà đến người dân Lào Cai bị ảnh hưởng do cơn bão số 3

NGƯỜI KHUYẾT TẬT ĐỆ ĐƠN XIN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Đoàn luật sư thành phố Hà Nội hưởng ứng tham gia ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam” thành phố Hà Nội năm 2024

Picture1

Thái Nguyên: Nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang