Thanh niên khuyết tật tìm tại ý nghĩa cuộc sống từ trang trại chăn nuôi

(ĐHVO). Là một trong 50 tấm gương người khuyết tật tiêu biểu được vinh danh trong Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt năm 2022”, anh Nguyễn Văn Cần (quê ở Duy Tiên, Hà Nam) chính là niềm tự hào của gia đình, bạn bè bởi anh là hình ảnh đại diện cho một người khuyết tật không khuất phục số phận, vượt lên nghịch cảnh và biết giúp đỡ những người khuyết tật khác trong địa bàn tỉnh.


Anh Nguyễn Văn Cần sinh năm 1990, sinh ra và lớn lên tại quê hương đất mẹ anh hùng Hà Nam. Quá trình học tập và sinh hoạt của anh diễn ra hết sức bình thường như bao bạn bè khác, nhưng rồi ở tuổi 19, cái tuổi đẹp nhất của đời người, anh lại không may bị tai nạn lao động, khiến anh bị mất đi một cánh tay, thứ mà đáng lẽ ra sẽ giúp anh thực hiện được nhiều hoãi bão và ước mơ to lớn. Sau ca phẫu thuật, anh Cần đã rất sốc khi biết mình đã trở thành người tàn phế, một sự thật thật khó chấp nhận. Anh bắt đầu rơi vào mặc cảm, tự ti và không dám nói chuyện cùng mọi người. Cuộc sống thường ngày đã khó khăn, nay anh lại mất đi một cánh tay khiến cho mọi sinh hoạt của anh dường như bị đảo lộn.

Thời gian qua đi, anh cũng dần chấp nhận khiếm khuyết của mình, anh không thể chỉ ngồi không như thế được. Và thế là anh bắt đầu đi xin việc để bản thân không làm gánh nặng cho gia đình. Nhưng rồi ý chí của anh một lần nữa lại bị quật ngã, khi không một nơi nào chịu nhận anh vào làm việc bởi nỗi khiếm khuyết trên cơ thể ấy.

Tuy nhiên, đó lại là lí do khiến anh bén duyên với trang trại chăn nuôi lợn, gà sau này. Khi không thể xin vào bất cứ công ty nào, thiết nghĩ mình vẫn còn đôi chân và một tay, vẫn có thể tự khởi nghiệp được, anh Cần nghĩ là làm, anh xin bố mẹ mua giúp mình một đôi lợn và vài con gà, vừa là để anh có việc làm cho vơi đi sự buồn chán, cũng vừa là để thử sức với công việc chăn nuôi. May mắn thay, chỉ sau một năm, số lượng lợn, gà trên đã nhân lên đáng kể. Anh Cần đã cảm thấy tự tin vào tay nghề của mình hơn, không còn mặc cảm với những suy nghĩ làm gánh nặng cho gia đình như trước đây nữa.

Nhận thấy được tiềm năng từ việc chăn nuôi, anh Cần mạnh dạn xin bố mẹ thế chấp ngôi nhà để vay vốn, mở rộng quy mô trang trại với 100 lợn thịt, 8 lợn đẻ và 200 con gà. May mắn vẫn tiếp tục mỉm cười với anh chàng khuyết tật, anh đã xuất chuồng thành công lứa lợn và dần trả hết nợ ngân hàng. Thành công nối tiếp thành công, anh lại tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình chăn nuôi của mình bằng cách vay được 100.000.000 đồng từ nguồn vốn ngân hàng với lãi suất thấp dưới sự giới thiệu của Hội người khuyết tật thị xã Duy Tiên. Từ đây, anh lại có cơ may được tiếp xúc với Hội người khuyết tật và CLB người khuyết tật của thị xã. Kết hợp với nhu cầu nhân lực tăng lên khi mở rộng quy mô, anh tìm đến những người có cùng cảnh ngộ như anh trong CLB và tạo công ăn việc làm cho 3 người trong số đó. Mặc dù mức lương chỉ dừng ở mức tạm đủ, nhưng với anh cũng như các bạn của mình, đó vừa là cơ hội để chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, vừa là để động viên, khích lệ lẫn nhau vượt qua nghịch cảnh của mình.

Giờ đây, đối với anh, ý nghĩa cuộc sống dường như một lần nữa trở lại, trở lại như lúc cơ thể anh còn lành lặn, đủ đầy. Việc mất đi một cánh tay không còn là rào cản khiến anh đứng ngoài sự phát triển của cộng đồng, xã hội nữa. Một cánh cửa khép lại thì sẽ có một cánh cửa mới mở ra, và anh đã thành công trong việc tạo ra cánh cửa mới ấy, không chỉ cho bản thân mình mà còn cho cả những người khác giống như anh.

Bên cạnh thời gian bận bịu với trang trại, những lúc rảnh rỗi, anh Cần còn chủ động tham gia sinh hoạt cùng với Hội người khuyết tật và Phòng lao động thương binh để tìm hiểu, cập nhật thông tin pháp luật về các chế độ, chính sách dành cho người khuyết tật. Anh chính là người thường xuyên đi trao đổi để xin cấp giấy xác định mức độ khuyết tật cho các hội viên để đảm bảo họ nhận được đầy đủ quyền lợi Nhà nước dành cho. Không những thế, anh còn cùng ban chủ nhiệm CLB người khuyết tật đi vận động, xin tài trợ được 14 xe lăn và trao tận nhà cho người khuyết tật trong địa bàn huyện. Đối với người khuyết tật, việc có được một chiếc xe lăn như có thêm cơ hội được di chuyển, được sinh hoạt một cách dễ dàng  và thuận tiện hơn, và anh Cần là người có thể giúp họ điều đó, bởi chính anh là người hiểu rõ nhất những khó khăn, bất tiện của một người có khiếm khuyết trên cơ thể. Cũng trong đợt dịch hoành hành hai năm vừa rồi, anh cũng tích cực đi trông gác các chốt kiểm dịch và hỗ trợ 100 lọ sát khuẩn và khẩu trang đến từng người, từng nhà và vận động được 20 triệu đồng mua nhu yếu phẩm cho các khu vực phải cách ly.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Cần cho biết: “Tôi vừa làm kinh tế vừa nhiệt huyết chia sẻ công tác xã hội với CLB thanh niên khuyết tật và Hội người khuyết tật của tôi, nó là ngôi nhà chung của chúng tôi, là nơi để chia sẻ và giúp chúng tôi hiểu nhau hơn.” Có thể thấy, anh Nguyễn Văn Cần, một người khuyết tật vận động, đã thực hiện được nhiều điều ý nghĩa hơn cả một người bình thường. Bởi thế mới thấy, sẽ chẳng có gì là khiếm khuyết nếu như biết suy nghĩ lạc quan, tích cực cùng ý chí mạnh mẽ vươn lên và thái độ chia sẻ, đồng cảm với khó khăn của người khác.

Nguyễn Hoa

Bài viết liên quan

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – MỘT NHÀ BÁO CÁCH MẠNG LỖI LẠC SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

bà lịch - PX

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp: Trợ giúp pháp lý thành công cho người nghèo, người khuyết tật

Song-vinh-quan-giu-doi-thuo

Cảm phục tấm gương nữ thương binh vinh dự được Thủ tướng tuyên dương

IMG_0144

Tấm gương thương binh tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu

nam

Hà Nam: Phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

hanh-trinh-vuot-kho-cua-co-rong-ti-hon-8-6221

Hành trình vượt khó của ‘cô rồng tý hon’

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang