(ĐHVO). Ngày nay, việc phát hiện khuyết tật sớm, thực hiện các biện pháp can thiệp hay tư vấn tâm lý, sức khỏe, giáo dục phù hợp với đặc điểm, khả năng của người khuyết tật ngày càng được quan tâm và đóng vai trò quan trọng đối với người khuyết tật. Bởi Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập là trung tâm tạo nên môi trường hòa nhập cho người khuyết tật, giúp người khuyết tật được phát triển bản thân và tăng cơ hội đóng góp cho cộng đồng.
Bạn đọc hỏi: Tôi là Hoàng Văn L., ở Hà Nội, nắm bắt được nhu cầu thiết yếu của người khuyết tật nên tôi có dự định thành lập một trung tâm hỗ trợ giáo dục cho người khuyết tật. Tuy nhiên tôi không biết phải làm như thế nào. Mong Tòa soạn giải đáp giúp tôi. Tôi cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Vấn đề của anh Hoàng Văn L., Đại diện Ban Cố vấn pháp luật của Tạp chí Điện tử Đồng Hành Việt – Luật sư Nguyễn Hồng Thái thuộc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp tư vấn cho bạn như sau:
Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập (gọi tắt là Trung tâm) là cơ sở cung cấp nội dung chương trình, thiết bị, tài liệu dạy và học, các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ giáo dục, tổ chức giáo dục phù hợp với đặc điểm và hoàn cảnh của người khuyết tật.
Trung tâm cần đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị phù hợp với người khuyết tật
(Ảnh: Nguồn internet)
Trung tâm có nhiệm vụ phát hiện khuyết tật để tư vấn lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp; Thực hiện biện pháp can thiệp sớm người khuyết tật tại cộng đồng để lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp; Tư vấn tâm lý, sức khỏe, giáo dục, hướng nghiệp để lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp; Hỗ trợ người khuyết tật tại gia đình, tại cơ sở giáo dục và cộng đồng; Cung cấp nội dung, thiết bị, tài liệu dạy và học đặc thù phù hợp với từng dạng tật, mức độ khuyết tật. Theo đó, để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ trên thì anh Hoàng Văn L cần thực hiện 2 bước: xin quyết định thành lập và xin giấy phép hoạt động, cụ thể như sau:
1. Thành lập Trung tâm
Anh L. cần đáp ứng đủ điều kiện để thành lập Trung tâm như sau:
– Có đề án thành lập trung tâm hỗ trợ và phát triển giáo dục hòa nhập trong đó xác định cụ thể mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ.
– Phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và nhu cầu hỗ trợ giáo dục người khuyết tật của địa phương.
– Có trụ sở làm việc hoặc có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng trụ sở; trang thiết bị cần thiết ban đầu; nguồn kinh phí hoạt động theo quy định của pháp luật.
– Có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đáp ứng yêu cầu hoạt động của trung tâm.
Nếu đáp ứng điều kiện trên thì anh Hoàng Văn L. có thể gửi 01 bộ hồ sơ đến Sở Nội vụ để thẩm định và trình Chủ tịch UBND cấp Tỉnh quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập Trung tâm. Bộ hồ sơ gồm:
– Đề án thành lập Trung tâm;
– Văn bản đề nghị, tờ trình thành lập Trung tâm, dự thảo Quyết định thành lập hoặc dự thảo Quyết định cho phép thành lập Trung tâm; dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm và các tài liệu khác có liên quan (giấy tờ đất đai, kinh phí, nguồn nhân lực);
– Ý kiến bằng văn bản của các cơ quan có liên quan về việc thành lập hoặc cho phép thành lập Trung tâm;
– Báo cáo giải trình việc tiếp thu ý kiến của các cơ quan có liên quan.
2. Xin Giấy phép hoạt động
Sau khi được phép thành lập, để Trung tâm được phép hoạt động thì cần đáp ứng đủ các điều kiện như sau:
Thứ nhất, có Quyết định thành lập hoặc Quyết định cho phép thành lập của Chủ tịch UBND cấp tỉnh;
Thứ hai, cơ sở vật chất, phương tiện thiết bị và dịch vụ hỗ trợ phù hợp với đặc điểm người khuyết tật:
– Trụ sở, phòng làm việc của lãnh đạo, giáo viên, nhân viên;
– Phòng học, phòng chức năng tương ứng để thực hiện các hoạt động của Trung tâm;
– Khu nhà ở cho học sinh đối với Trung tâm có người khuyết tật nội trú;
– Phương tiện, thiết bị, công cụ sử dụng cho đánh giá, can thiệp, dạy học, hướng nghiệp, dạy nghề;
– Tài liệu chuyên môn, tài liệu hỗ trợ bảo đảm thực hiện các hoạt động của Trung tâm.
Thứ ba, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên hỗ trợ giáo dục có trình độ chuyên môn phù hợp với các phương thức giáo dục người khuyết tật:
– Giám đốc Trung tâm phải tốt nghiệp đại học chuyên ngành giáo dục đặc biệt hoặc tốt nghiệp đại học chuyên ngành khác có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, có hiểu biết về đặc điểm phát triển của người khuyết tật, về nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục cho người khuyết tật;
– Giáo viên có trình độ trung cấp trở lên, có chứng chỉ nghiệp vụ giáo dục người khuyết tật;
– Nhân viên hỗ trợ giáo dục được tập huấn về giáo dục người khuyết tật.
Thứ tư, nội dung chương trình giáo dục và tài liệu bồi dưỡng, tư vấn phù hợp với các phương thức giáo dục người khuyết tật, gồm:
– Nội dung chương trình, tài liệu về giáo dục cá nhân đối với người khuyết tật thuộc các dạng tật;
– Nội dung chương trình, tài liệu bồi dưỡng về giáo dục người khuyết tật thuộc các dạng tật;
– Tài liệu tư vấn về việc lựa chọn các phương thức giáo dục phù hợp với dạng và mức độ tật của người khuyết tật.
Như vậy, Hoàng Văn L. gửi bộ hồ sơ xin phép hoạt động của Trung tâm tới Sở Giáo dục và đào tạo để thẩm định các điều kiện hoạt động và ra quyết định cho phép Trung tâm hoạt động. Hồ sơ anh L. cần chuẩn bị gồm:
– Văn bản đề nghị cho phép hoạt động của Trung tâm, trong đó nêu rõ điều kiện đáp ứng hoạt động tương ứng với các nhiệm vụ được quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch này;
– Bản sao Quyết định thành lập hoặc Quyết định cho phép thành lập Trung tâm.
Anh L. cũng cần lưu ý, trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày có Quyết định thành lập hoặc Quyết định cho phép thành lập, nếu Trung tâm không hoạt động thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh thu hồi Quyết định thành lập hoặc Quyết định cho phép thành lập.
Hơn nữa, để bảo vệ người khuyết tật yên tâm, tin tưởng vào Trung tâm, nếu trung tâm vi phạm quy định về trách nhiệm dạy nghề thì sẽ bị phạt vi phạm hành chính. Cụ thể:
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi khai báo gian dối, giả mạo hồ sơ, giấy tờ để đủ điều kiện thành lập cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật.
– Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu không đáp ứng 1 trong các điều kiện thành lập, hoạt động nêu trên.
Trên đây là nội dung tư vấn của Tòa soạn Đồng Hành Việt. Anh Hoàng Văn L. hoặc bạn đọc có vướng mắc cần giải đáp, vui lòng gửi vướng mắc về Tòa soạn theo email: toasoandhv@gmail.com hoặc liên hệ Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng Hành Việt – 1900.6248 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.
Hồng Thái