Để hạn chế tình trạng trẻ em lao động sớm, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã tăng cường thực hiện tốt Luật Trẻ em, góp phần phòng ngừa, giảm thiểu, can thiệp, hỗ trợ kịp thời và không để trẻ em lao động trái quy định của pháp luật.
Theo thống kê từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thanh Hóa, tính đến cuối tháng 6/2021, toàn tỉnh có 936.972 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 4,36% (giảm 0,13% so với cùng kỳ năm 2020).
Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em khẳng định, trẻ em phải được sống và học tập trong môi trường an toàn, lành mạnh để phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ. Tuy nhiên, tình trạng trẻ lao động sớm không chỉ ở các vùng quê, tại các quán ăn sáng, cafe, cây xăng, quảng trường…; các em nhỏ lang thang đánh giầy, bán dạo tăm bông, bút, kẹo cao su… vẫn còn diễn ra khá phổ biến trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Được biết, nguyên nhân dẫn đến trẻ em lao động sớm chủ yếu là do kinh tế gia đình nghèo khó, thu nhập thấp. Ngoài ra, do nhận thức và hiểu biết của người sử dụng lao động và chính bản thân các em còn hạn chế nên việc vi phạm còn bị xem thường; cá biệt, một số chủ sử dụng lao động cố tình vi phạm vì lợi nhuận, chi phí nhân công rẻ, dễ sai khiến…
Vấn nạn trẻ em lang thang, lao động sớm không chỉ ảnh hưởng đến trật tự xã hội mà trước hết, việc các em sớm phải lao vào cuộc sống mưu sinh ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển thể chất cũng như tinh thần của trẻ. Bên cạnh đó, việc trẻ lao động sớm đã vô tình đẩy các em trở thành “mồi ngon” của tệ nạn xã hội vì đây là lứa tuổi dễ bị tổn thương và gặp nhiều rủi ro. Chưa kể, trong một số môi trường làm việc không an toàn, các em có thể bị bắt nạt, bóc lột sức lao động…
Cần tạo mọi cơ hội để trẻ em phát triển toàn diện (ảnh minh họa)
Để hạn chế tình trạng trẻ em lao động sớm, thời gian, các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương tỉnh Thanh Hóa đã tăng cường thực hiện tốt Luật Trẻ em; lồng ghép việc thực hiện nội dung của chương trình trong hoạt động của hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em. Cùng với đó, các ngành đã triển khai có hiệu quả chính sách trợ giúp xã hội, giảm nghèo; cải thiện điều kiện, môi trường lao động phù hợp tại các làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất, kinh doanh và khu vực kinh tế phi chính thức; giáo dục nghề nghiệp và giới thiệu việc làm nhằm hỗ trợ trẻ em và gia đình cải thiện cuộc sống.
Đặc biệt, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, ngày 7/9/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 200/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật, giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Qua đó, nhằm phát hiện, can thiệp, hỗ trợ kịp thời không để trẻ em lao động trái quy định của pháp luật, nhất là trẻ em ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển.
Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các Sở, ban, ngành đoàn thể tỉnh, cấp ủy, chính quyền các địa phương phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ trẻ em theo Luật Trẻ em và Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em. Tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp chính quyền trong triển khai thực hiện các hoạt động về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; bảo đảm trẻ em có nguy cơ và lao động trẻ em được phát hiện, hỗ trợ, can thiệp kịp thời để hòa nhập cộng đồng, tạo điều kiện cho các em ổn định cuộc sống và có cơ hội phát triển. Tập trung thực hiện các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về quyền trẻ em cho gia đình, người sử dụng lao động ở khu vực nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bãi ngang ven biển để tránh xảy ra tình trạng sử dụng trẻ em lao động trái quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, tổ chức lồng ghép thực hiện các hoạt động phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em với việc thực hiện các chính sách, chương trình, đề án, kế hoạch dự án có liên quan do các ngành, các huyện, thị xã, thành phố đang triển khai thực hiện để tận dụng nguồn lực sẵn có, tối đa hóa kết quả, hiệu quả. Việc tổ chức các hoạt động về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em phải được kết hợp hiệu quả với việc triển khai thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội, giảm nghèo, giáo dục nghề nghiệp và tạo việc làm nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.
Cụ thể, về mục tiêu phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp lao động trẻ em và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em, đến năm 2025, Thanh Hóa phấn đấu giảm tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 05 đến 17 tuổi xuống 4,9%. 100% trẻ em có nguy cơ, lao động trẻ em và trẻ em bị mua bán vì mục đích bóc lột sức lao động khi có thông báo được hỗ trợ, can thiệp kịp thời, được quản lý, theo dõi. Trên 90% trẻ em có nguy cơ, lao động trẻ em được tiếp cận giáo dục phổ thông và đào tạo nghề phù hợp.
Tới năm 2025, 90% cán bộ, giáo viên trong các cơ sở giáo dục, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em; 70% cha mẹ, người chăm sóc trẻ em được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. 70% trẻ em được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. 90% doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình trong các làng nghề được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.
Tỉnh phấn đấu 100% cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã ngành Lao động – Thương binh và Xã hội các cơ quan, tổ chức có liên quan đến vấn đề lao động trẻ em được tập huấn kiến thức, kỹ năng về quản lý, phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp giảm thiểu lao động trẻ em. 90% doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã; 70% hợp tác xã, hộ gia đình, đặc biệt hợp tác xã, hộ gia đình trong các làng nghề được tập huấn các kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp giảm thiểu lao động trẻ em.
Định hướng đến năm 2030, phấn đấu giảm tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 05 đến 17 tuổi xuống 4,5%. Giảm tối đa tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong số lao động trẻ em và người chưa thành niên.
Theo Tạp chí điện tử Lao động và Xã hội