Tháng 7 – tháng dân tộc phát huy tinh thần “Hiếu Nghĩa Bác Ái”

(ĐHVO) – Việt Nam có khoảng hơn 9,2 triệu người có công và thân nhân người có công. Trong đó, có trên 1,2 triệu liệt sĩ; hơn 140.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; trên 800.000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; trên 320.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; số người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng là khoảng 1,2 triệu người…. Bên cạnh đó là hàng triệu người khuyết tật và những người bị phơi nhiễm chất độc da cam còn tồn dư hay di truyền ở thế hệ 3,4.

Mỗi năm, khi tháng 7 về, dường như đất trời và lòng người Nhân dân đất nước Việt Nam, đồng bào dân tộc Việt Nam lại lắng đọng những cảm xúc vô cùng đặc biệt. Trong chiều dài của dòng chảy lịch sử đất nước, ngày 27/7 đã trở thành một ngày thiêng liêng, cao quý để tưởng nhớ đến sự hy sinh mất mát của thế hệ cha anh; thể hiện sự tri ân và biết ơn sâu sắc đối với những con người đã dành cả thanh xuân, đời người, máu xương của mình cống hiến cho nền độc lập, tự do và hạnh phúc của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, căm ghét chiến tranh…

Năm 2025, tròn 78 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ kể từ Sắc lệnh số 20/SL ngày 16/2/1947 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặt nền móng đầu tiên cho hệ thống chính sách đối với Thương binh – Liệt sĩ, những người có công với cách mạng, dân tộc, đất nước. Và từ đó đến nay, Đảng và Nhà nước ta không ngừng hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật chăm lo người có công như Chỉ thị 223-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, và các văn bản pháp lý khác như Pháp lệnh Ưu đãi người có công (2020) đã tiếp tục khẳng định: “Chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn xã hội”.

Điều đó càng thêm khẳng định truyền thống “Hiếu nghĩa bác ái” – một giá trị nhân văn cốt lõi của dân tộc Việt Nam, được khẳng định từ trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Và nó càng được kế thừa trong công cuộc bảo vệ, xây dựng Tổ quốc hiện nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với Nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải yêu thương và giúp đỡ họ”. Tinh thần ấy ngày nay tiếp tục được phát huy qua các hoạt động: phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, phong trào xây dựng nghĩa trang liệt sĩ, nhà tình nghĩa, chương trình “Tri ân người có công với cách mạng”, chăm sóc mẹ Việt Nam anh hùng, hỗ trợ con em thương binh, bệnh binh học tập và lập nghiệp… Và truyền thống hiếu nghĩa bác ái đã trở thành động lực để Nhân dân ta vượt qua gian khó, giữ vững lòng yêu nước và niềm tin vào chính nghĩa.

“Hiếu nghĩa” là thể hiện lòng biết ơn, tôn kính ông bà, cha mẹ, tổ tiên… là gốc rễ đạo đức của mỗi con người. “Bác ái” nghĩa là lòng yêu thương rộng lớn, cũng có thể hiểu là lòng bao dung với đồng loại hay hiểu rộng ra là hành động chia sẻ không điều kiện với người khó khăn. Hai giá trị này không chỉ dừng lại ở đạo đức cá nhân, mà còn là kim chỉ nam trong hành xử của cộng đồng và chính sách xã hội.

Những giá trị ấy càng trở nên thiết thực và cần được lan tỏa mạnh mẽ trong bối cảnh hiện nay – khi vẫn còn rất nhiều người yếu thế, đặc biệt là người khuyết tật, đang đối mặt với muôn vàn rào cản trong cuộc sống. Bởi, một xã hội công bằng, văn minh, sự phát triển không chỉ đo bằng tốc độ tăng trưởng kinh tế, mà còn ở mức độ quan tâm đến những người dễ bị tổn thương nhất – đó là người nghèo, người già neo đơn, trẻ em mồ côi, và người khuyết tật khi mà mỗi người lại có thể là một câu chuyện riêng về nghị lực sống, về sự vươn lên trong nghịch cảnh, sự đóng góp cho xã hội….

Và việc thực hiện đạo lý hiếu nghĩa bác ái trong thời bình không chỉ là tưởng nhớ mà là hành động cụ thể đối với các liệt sỹ, người có công, những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương…. Đó còn là sự tham gia chủ động của các tổ chức chính trị – xã hội, các doanh nghiệp, đoàn thể, nhà trường và từng cá nhân trong việc chăm lo, giúp đỡ các đối tượng chính sách; có những hoạt động thiết thực để góp phần gỡ bỏ rào cản xã hội, định kiến, cơ hội việc làm hạn chế, môi trường sống thiếu tiếp cận để người khuyết tật không còn phải sống trong sự mặc cảm, bị bỏ lại phía sau sự phát triển của xã hội…. Đồng thời, chúng ta cần thay đổi nhận thức: Giúp đỡ mọi người đặc biệt là người khuyết tật không phải là sự ban ơn, mà là thực hiện quyền con người, là trách nhiệm của xã hội dựa trên tinh thần hiếu nghĩa và bác ái cùng những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Mọi sự giúp đỡ ngoài vật chất còn cần là sự tôn trọng, sự tin tưởng để có thể sống tự lập, cống hiến và được nhìn nhận như bao người khác.

Việc làm có thể bắt đầu từ những điều nhỏ nhất: thăm hỏi thương bệnh binh, hỗ trợ học bổng cho con liệt sĩ, nhận phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng, quyên góp xây nhà cho nạn nhân chất độc da cam; góp phần xây dựng một môi trường sống tiếp cận toàn diện cho người khuyết tật – từ giao thông, công trình công cộng đến thông tin truyền thông; trao cho họ cơ hội học tập, việc làm, để họ không chỉ sống mà còn tự khẳng định giá trị bản thân; xem việc đồng hành cùng người khuyết tật là nghĩa vụ đạo đức và xã hội; Truyền thông, báo chí, giáo dục góp phần xóa bỏ định kiến, nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi hành vi ứng xử, cùng lan tỏa hình ảnh người khuyết tật với sự tôn trọng và khích lệ… Tất cả tạo nên một xã hội nghĩa tình, bền chặt và nhân văn.

Kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ tiếp tục là dịp để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ôn lại truyền thống cách mạng, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc. Đồng thời cũng là dịp đẩy mạnh phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp bằng những hành động cụ thể đối với người có công cũng như mọi nhóm đối tượng trong xã hội bởi bất kỳ ai cũng có thể trở thành người yếu thế hay dễ bị tổn thương trong hoàn cảnh của họ. Đó là món nợ nghĩa tình không thể chỉ trả bằng lời nói, mà phải bằng hành động cụ thể, bằng trách nhiệm và bằng cả trái tim.

Hiếu nghĩa bác ái cũng không đơn thuần là di sản tinh thần, mà nó còn là cội nguồn sức mạnh đưa dân tộc Việt Nam tiến bước vững vàng trong thời đại mới. Đồng thời, nó cũng sẽ không còn là khẩu hiệu nếu được hiện thực hóa bằng chính sách công bằng, hành động tử tế, và tấm lòng sẻ chia….

Có thể đứng trên góc độ nhất định đánh giá một xã hội tử tế là xã hội không đo lường con người bằng năng lực thể chất mà bằng giá trị cống hiến và nhân phẩm. Và tinh thần hiếu nghĩa bác ái vừa là biểu hiện của đạo đức truyền thống, vừa là một yếu tố quan trọng, một động lực thúc đẩy xã hội phát triển toàn diện và bền vững hơn.

Lâm An

Bài viết liên quan

6

Chăm lo người có công, gia đình liệt sĩ: Ninh Bình khẩn trương hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 24/7

901d6db4655fd3018a4e

Bữa cơm vội bên đường và những ước mong thầm lặng của cha mẹ

2

Lan tỏa yêu thương từ những chiếc xe lăn và hành trình không dừng lại

602

Nhìn từ câu chuyện “Hà Nội xanh”: Đừng để người khuyết tật bị bỏ lại phía sau

8e02c685ec5a5a04034b

Hồi sinh cho những chiếc xe bị bỏ lại – không để tài sản bị lãng phí

Ảnh chụp Màn hình 2025-07-08 lúc 9.46.27 CH

Cấp bách triển khai công tác Phòng cháy chữa cháy trên địa bàn xã Quốc Oai và các xã lân cận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang