Ngày 28/6, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã có buổi làm việc với nhóm chuyên gia của tổ chức Lao động quốc tế (ILO) để tham vấn, trao đổi về chiến lược an sinh xã hội (ASXH) tại Việt Nam.
Tham dự có bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam; các chuyên gia cao cấp về ASXH của ILO cùng lãnh đạo một số đơn vị liên quan thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
ASXH đã có những thành tựu nhất định
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cảm ơn đoàn chuyên gia của ILO đã đến Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trao đổi, góp ý các vấn đề liên quan đến chính sách ASXH để thời gian tới, Bộ sẽ trình Trung ương ban hành chuyên đề về tổng kết 10 năm chính sách ASXH giai đoạn 2012 – 2022, ban hành chính sách về chiến lược chính sách ASXH đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh: ASXH của Việt Nam thuộc diện bao phủ tương đối tốt và đã có những thành tựu nhất định. Để hệ thống chính sách xã hội của Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển một cách bao trùm hơn, toàn diện hơn, chúng tôi đề nghị các chuyên gia của ILO chia sẻ, cung cấp thông tin và đưa ra những khuyến nghị một cách thẳng thắn và thực tế.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đặt vấn đề: Đối với việc rút bảo hiểm một lần, trên thế giới có quốc gia nào có chính sách rút bảo hiểm một lần như thế này không? Dưới góc độ là nhà quản lý, chúng tôi muốn nghe các chuyên gia chia sẻ và đối với Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay, có nên tiếp tục duy trì rút BHXH một lần hay không? Tiếp tục duy trì thì thiết kế lại chính sách theo hướng nào?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trăn trở: Vấn đề người lao động rút bảo hiểm một lần là có nhiều lý do nhưng phải thấy trước hết, người lao động quyết định rút bảo hiểm là vì khó khăn thực sự. Bản tính người Việt là luôn cần cù, siêng năng làm lụng, chắt bóp cho gia đình, cho con cháu, lại luôn ý thức tự chủ sâu sắc, cho tương lai… nên nếu không phải khó khăn, người lao động sẽ không rút tiền một lần, chấp nhận nhiều thiệt thòi. Mà gốc rễ sâu xa là lưới an sinh xã hội, là nhà ở, là thu nhập, là lương tối thiểu, là chính sách hỗ trợ nuôi dạy con cái… với người lao động chưa đủ.
“Tới đây, Luật Bảo hiểm xã hội của Việt Nam sẽ được sửa, với định hướng giảm thời gian đóng bảo hiểm từ mức tối thiểu 20 năm hiện nay xuống 15 năm, tiến tới kéo xuống 10 năm để nhiều người tiếp cận được với lương hưu, chế độ hưu trí hơn. Tuy nhiên, thực tế, ILO cũng từng đánh giá rằng Việt Nam nghèo mà còn hào phóng, bảo hiểm đóng ít mà hưởng nhiều, thời gian đóng ngắn mà hưởng dài. Nhưng thực sự, ở mức hưởng lương hưu tối đa là 75% mức lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thì cuộc sống của người hưu trí cũng vẫn còn khó khăn” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thông tin.
Hiện nay, các nước khác trả lương cho người lao động qua tài khoản, còn Việt Nam thì trả lương bằng tiền mặt nên khó quản lý, vậy cần có giải pháp gì? Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích như thế nào để người lao động tham gia BHXH? Tình trạng trốn đóng, nợ đóng, chậm đóng BHXH ở các nước khác có xảy ra không và cách giải quyết bài toán này như thế nào? Vấn đề dành nguồn lực để chi cho ASXH…? Bộ trưởng mong muốn các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm của các nước về các vấn đề này.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề nghị các chuyên gia chia sẻ, dự báo về mức độ bao phủ của ASXH của Việt Nam đến năm 2030. Đồng thời, đưa ra những gia khuyến nghị trong tổng thể chính sách xã hội. Trước mắt là đến năm 2025, Việt Nam cần ưu tiên giải quyết những vấn đề nào trước?
Những khuyến nghị thẳng thắn và thực tế
Tại buổi làm việc, bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam, khẳng định: Với nhiều năm kinh nghiệm trong tư vấn về ASXH, ILO cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam một cách tối đa bằng cách trao đổi, chia sẻ thông tin và đưa ra các khuyến nghị một cách thẳng thắn và cởi mở…
Ông Nuno Cunha, chuyên gia cao cấp của ILO, nhận định: Việt Nam còn nhiều dư địa để cải thiện chính sách ASXH trong tiến trình phát triển kinh tế. Thực tế, Việt Nam được biết đến là nước thành công lớn với việc bao phủ BHXH, BHYT cho người dân. Con số thống kê đưa ra, đến nay, 90% dân số đã có BHYT với những gói, dịch vụ chăm sóc sức khỏe khá toàn diện. Tỷ lệ tiếp cận BHXH, chế độ hưu trí cũng tăng mạnh trong 5 năm qua. Tuy vậy, cũng mới chỉ 33% lực lượng lao động (tương đương 16,5 triệu người) đang tham gia BHXH. Khoảng cách về giới cũng cần xử lý khi chỉ có 12% phụ nữ được hưởng lương hưu từ BHXH so với tỷ lệ 26% ở nam giới.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có những nhóm bị bỏ sót chính sách khi chưa đủ nghèo để hưởng trợ giúp xã hội nhưng cũng không ổn để tự lo được cuộc sống, tham gia bảo hiểm tự nguyện. Thực tế, nhóm bị bỏ sót này đã thể hiện rõ hơn, nhiều hơn trong đại dịch Covid-19. Khoảng trống chính sách cũng thực sự bộc lộ trong chế độ hưu trí với người từ 69 – 70 tuổi, khoảng “chơi vơi” vì chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm để có lương hưu, cũng đã hết tuổi lao động để có thể kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Chuyên gia cao cấp Nuno Cunha, trao đổi: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, khi còn là Phó Thủ tướng Chính phủ từng hỏi, làm thế nào có thêm nguồn lực để xây dựng chính sách an sinh đa tầng. Rõ ràng không thể huy động lớn từ ngân sách mà phải từ người đóng bảo hiểm xã hội. Hiện mức chi cho ASXH của Việt Nam mới đạt 4% GDP trong khi tỷ lệ chung cho khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã là 8%. Do đó, muốn đạt tới mức này, Việt Nam phải huy động được những nguồn lực mạnh mẽ hơn.
Đáp lại câu hỏi của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đặt ra về vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần, ông Nuno Cunha, cho biết: Tình trạng này không phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, có một vài quốc gia đã và đang gặp vấn đề tương tự. Như là Malaysia, trong vòng 6,7 năm vừa qua, Malaysia chưa thể thay đổi được hiện trạng này; một số nước châu Âu cũng có một phần trong các chế độ BHXH được hưởng dưới dạng một lần; Singapore cũng gặp vấn đề về rút BHXH một lần nhưng đang từng bước điều chỉnh chính sách theo hướng nâng dần điều kiện rút BHXH một lần để giải quyết vấn đề này và đã có nhiều chuyển biến.
Phân tích của ILO cho thấy đối tượng rút BHXH một lần hầu hết là phụ nữ sinh con lần đầu, họ rút BHXH một lần trong thời gian nghỉ sinh. Ông Nuno Cunha khuyến nghị nên từng bước thay đổi điều kiện hưởng BHXH một lần, bên cạnh đó xây dựng cơ chế khuyến khích người lao động quay trở lại làm việc, triển khai chế độ về trợ cấp trẻ em trong hệ thống BHXH cho những người phụ nữ sinh con lần đầu trang trải chi phí nuôi con, qua đó vừa giải quyết vấn đề rút BHXH một lần, vừa giải quyết được vấn đề phát triển thể chất của trẻ em Việt Nam.
Ông Nuno Cunha, cho biết: Các nước châu Mỹ Latinh có kinh nghiệm và đã vạch ra lộ trình để chính thức hóa việc làm. Như tại Colombia, Chính phủ có những kế hoạch hành động mà mỗi Bộ, ngành đều phải thực hiện để cùng có thể góp phần vào việc chính thức hóa người lao động, chính thức hóa việc làm để tăng nguồn thu đóng thuế, tăng nguồn thu vào BHXH. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh thanh toán tiền lương qua tài khoản, khuyến khích người lao động sử dụng điện thoại, mở tài khoản để nhận lương. Như ở Pakitstan, trong thời gian ILO triển khai dự án khuyến khích thanh toán lương qua tài khoản, đã có tới hơn 300 nghìn người lao động mở tài khoản để nhận lương.
Đối với vấn đề tuân thủ pháp luật về đóng BHXH của doanh nghiệp. Ông Nuno Cunha chia sẻ kinh nghiệm của Bồ Đào Nha, đó là có một website công bố tất cả tên của các doanh nghiệp chậm đóng BHXH, mọi người có thể truy cập vào website đó và dễ dàng tìm thấy các doanh nghiệp chậm đóng BHXH. Như vậy, những doanh nghiệp này sẽ gặp phải vấn đề về tuyển dụng lao động, người lao động thấy các doanh nghiệp chậm đóng BHXH như vậy nên sẽ không vào làm tại các doanh nghiệp đó nữa. Ngoài ra, như kinh nghiệm của Malaysia, họ ứng dụng quản lý qua phần mềm, cơ sở dữ liệu để biết được doanh nghiệp nào có xác xuất cao là không tuân thủ, qua đó không thanh tra, kiểm tra tràn lan, mà thanh tra có mục tiêu cụ thể, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác thanh tra.
Về tăng cường nguồn lực cho ASXH, ông Nuno Cunha, trao đổi: Các nước Đông Nam Á những năm gần đây đã tăng về tỉ lệ phần trăm GDP mà các quốc gia có thể chuyển thành nguồn thu ngân sách. Theo đó, trong vòng 15 năm qua, tại các quốc gia đang phát triển ở châu Á, tỉ lệ này có xu hướng tăng với mức trung bình là 0,2% từ việc chính thức hóa việc làm khi nền kinh tế dần chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Theo khảo sát tại một số nước Đông Nam Á khác, để tăng nguồn lực cho ASXH, Chính phủ có thể khuyến khích chính quyền địa phương đầu tư nhiều hơn vào trợ cấp hưu trí xã hội cho người cao tuổi tùy vào tình hình của từng địa phương. Do đó, chúng tôi khuyến nghị Việt Nam cần tăng mức đóng BHXH để có thể tăng mức chi chung cho ASXH. Ngoài ra, công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu về lợi ích của việc đóng BHXH cũng là một giải pháp không thể thiếu.
Về chính sách ASXH của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, ông Nuno Cunha khuyến nghị, Việt Nam cần tăng mức chi cho ASXH từ 4% GDP hiện nay lên mức trung bình của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là 8% GDP. Bên cạnh đó, thúc đẩy chuyển đổi từ việc làm phi chính thức sang việc làm chính thức; xây dựng hệ thống ASXH đa tầng với mức độ phối hợp và liên kết đáng kể giữa các tầng.
Chuyên gia cấp cao Nuno Cunha đề nghị mở rộng ASXH nhằm thực hiện mục tiêu Nghị quyết 28-NQ/TW, trong đó nâng cao tỉ lệ bao phủ, mở rộng đối tượng thụ hưởng và tăng mức chi trả cho hưu trí xã hội để tránh việc gần 12 triệu người cao tuổi không có lương hưu. Ngoài ra, cần tăng diện bao phủ BHXH bắt buộc bằng cách nâng mức hưởng thỏa đáng, đơn giản hóa điều kiện hưởng chế độ, đưa nhiều nhóm người lao động/hợp đồng đủ điều kiện tham gia vào BHXH bắt buộc…
Ông Nuno Cunha dự báo đến năm 2045, hệ thống ASXH tại Việt Nam sẽ là hệ thống hỗn hợp bao gồm cả đóng góp và không đóng góp. Trong đó, hệ thống đóng góp bao phủ toàn bộ người lao động ở mức độ chính thức hóa cao và là một hệ thống được thiết kế thích ứng với các cú sốc (môi trường, y tế, kinh tế).
Cuối buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao những thông tin và khuyến nghị của bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam và các chuyên gia của ILO. Đồng thời, mong muốn các chuyên gia của ILO tiếp tục chia sẻ thêm nhiều thông tin với Bộ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian tới.
Theo Tạp chí điện tử Lao động và Xã hội