Thái Nguyên: Tiếp tục triển khai thực hiện chuẩn nghèo đa chiều và mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững

(ĐHVO). “Tiếp tục triển khai thực hiện chuẩn nghèo đa chiều và mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững” là một trong những giải pháp mà bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh đưa ra khi trao đổi với Phóng viên Đồng Hành Việt Online về thực hiện giảm nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 được Ngành thống nhất tham mưu với tỉnh đưa vào kế hoạch để triển khai trong thời gian tới.

Giảm nghèo luôn được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, lâu dài; là nội dung cơ bản, giải pháp quan trọng hàng đầu nhằm đảm bảo an sinh xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Từ khi tái lập tỉnh, cùng với sự phát triển về kinh tế, Thái Nguyên đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và huy động tốt các nguồn lực trong việc thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Trên địa bàn tỉnh, nhiều hộ gia đình được nhận hỗ trợ từ mô hình nhân rộng nuôi bò cái sinh sản – Một trong những mô hình giảm nghèo được triển khai giai đoạn 2015-2020. Trong ảnh: Một gia đình ở xóm Chùa, xã Bình Long, huyện Võ Nhai được nhận hỗ trợ từ mô hình này.

Tại thời điểm 01/01/2016, toàn tỉnh có 42.080 hộ nghèo trên tổng số 313.950 hộ toàn tỉnh (chiếm 13,4% số hộ toàn tỉnh), 28.054 hộ cận nghèo (chiếm 8,94% số hộ toàn tỉnh). Hộ nghèo chủ yếu tập trung ở vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với 39.252 hộ (chiếm 93,3% số hộ nghèo toàn tỉnh); địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất là huyện Võ Nhai chiếm 35,86%. Đây là cơ sở để tỉnh xây dựng chỉ tiêu: Phấn đấu hằng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh 2% trở lên.

Để tổ chức triển khai thực hiện mục tiêu giảm nghèo, Sở Lao động –  Thương binh và Xã hội với chức năng, nhiệm vụ là Cơ quan Thường trực Chương trình giảm nghèo của tỉnh đã tích cực tham mưu với UBND tỉnh phân công, phân cấp, phối hợp trong công tác giảm nghèo. Sau gần 5 năm thực hiện, Chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 đã giảm từ 13,4% đầu năm 2016 dự kiến xuống còn 3,1% vào cuối năm 2020; giảm 10,3%, bình quân giảm 2,06%/năm (mục tiêu là 2%/năm).

Tỉnh đã huy động tốt nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo, chú trọng việc tạo nguồn vốn giúp các hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình. Giai đoạn 2016-2020, thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, tỉnh đã huy động được 6.462.416 triệu đồng, trong đó, nguồn vốn do Trung ương phân bổ khoảng gần 9%; vốn ngân sách tỉnh chiếm trên 7%; vốn tín dụng ưu đãi hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm 45%; vốn từ các chương trình dự án hỗ trợ giảm nghèo chiếm 37%; vốn huy động khác chiếm gần 2%.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Đức Quyết, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: Nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo trong giai đoạn 2016-2020 được triển khai thực hiện hiệu quả, như: 100% người nghèo, người thuộc hộ cận nghèo được cấp thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT), trong đó tỉnh hỗ trợ thêm 30% mức đóng BHYT cho người hộ cận nghèo, nâng tỷ lệ bao phủ BHYT dự kiến năm 2020 đạt 98,5%; miễn giảm học phí cho 185.905 học sinh, sinh viên, người dân tộc thiểu số và người nghèo với kinh phí là 49.076 tỷ đồng; trợ cấp xã hội 156.947 học sinh với kinh phí 42.557 tỷ đồng; hỗ trợ tiền ăn trưa cho 75.823 học sinh, nâng tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt 98,6%; hỗ trợ về nhà ở cho 3.591 hộ nghèo; tạo việc làm cho 21,5 ngàn lao động (chỉ tiêu là 15 ngàn). Tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh năm 2020 là 70% (hoàn thành chỉ tiêu).

Ngoài các cơ chế, chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo theo quy định của Chính phủ, Thái Nguyên đã tổ chức “Tuần cao điểm tết vì người nghèo” nhằm huy động các nguồn lực của xã hội, cộng đồng, người dân cùng chăm lo, hỗ trợ người nghèo, đặc biệt là người nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu; tiếp tục thực hiện Đề án “Phát triển kinh tế – xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống” tại 04 huyện (Đồng Hỷ, Võ Nhai, Định Hoá, Phú Lương); triển khai dự án xóa “trắng điện” tại các xóm chưa có điện trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho 34 hộ nghèo có đảng viên được nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng trở lên. Tỉnh cũng đã phối hợp với Công ty Samsung tuyển dụng 2.147 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi làm việc tại Công ty Samsung và các công ty phụ trợ, giúp hộ nghèo nâng cao thu nhập, thoát nghèo.

Công tác tuyên truyền được tiến hành với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú, đã góp phần không nhỏ làm thay đổi nhận thức của cấp ủy, chính quyền và người dân về công tác giảm nghèo. Chính quyền và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp đã tổ chức tốt việc truyền thông, giới thiệu những gương điển hình thoát nghèo vươn lên làm giàu, các mô hình sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả cao… giúp người dân có thể vận dụng, học tập làm theo.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh cũng đang đặt ra không ít khó khăn thách thức. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhưng phần lớn chuyển sang hộ cận nghèo; chênh lệch giữa khu vực thành thị với khu vực miền núi còn khá lớn (cuối năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Thái Nguyên và Sông Công thấp 0,97% – 2,0% nhưng đối với huyện Định Hoá, Võ Nhai hộ nghèo còn cao, tỷ lệ là 9,7%-13,63%).  Tốc độ giảm nghèo không đồng đều, vẫn còn tình trạng tái nghèo, phát sinh hộ nghèo ở vùng thường xảy ra thiên tai như ở Võ Nhai, Định Hóa; các chính sách trợ giúp xã hội cho người nghèo như: Đào tạo nghề, giải quyết việt làm… hiệu quả chưa cao.

Hàng nghìn hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được tiếp cận thuận lợi, dễ dàng với nguồn vốn chính sách để phát triển trồng chè.

Để nâng cao hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh giai đoạn 2021-2025, Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương cho biết, Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đã chủ động đề xuất một số giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Có thể kể đến những giải pháp chủ yếu như: Đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội gắn với giảm nghèo bền vững, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn đặc biệt khó khăn; huy động các nguồn lực của xã hội để giảm nghèo; xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để người nghèo, hộ nghèo có thể tự vươn lên thoát nghèo; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người nghèo.

Thực hiện tốt các giải pháp nâng cao hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 sẽ thúc đẩy tạo việc làm, phát triển kinh tế – xã hội ở tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn.

Giai đoạn 2016-2020, thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, Thái Nguyên đã huy động được 6.462.416 triệu đồng, trong đó, nguồn vốn do Trung ương phân bổ khoảng gần 9%; vốn ngân sách tỉnh chiếm trên 7%; vốn tín dụng ưu đãi hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm 45%; vốn từ các chương trình dự án hỗ trợ giảm nghèo chiếm 37%; vốn huy động khác chiếm gần 2%.

Đỗ Thị Thìn

Bài viết liên quan

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Picture2

Nam Định: Ngành công nghiệp công nghệ cao ghi nhận năng lực mớ

Picture1

HỘI NGHỊ TẬP HUẤN VÀ TRAO ĐỔI, CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỀ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

vn lsu 1

40 năm rực rỡ – Liên hoan văn nghệ Luật sư Hà Nội

clip_image001

NHẬN THƯƠNG YÊU ĐỂ SẺ CHIA THƯƠNG YÊU

Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đọc diễn văn khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang