Thái Nguyên: Quan tâm trợ giúp pháp lý cho Người khuyết tật

(ĐHVO) Nhằm triển khai thực hiện hiệu quả chính sách trợ giúp cho người khuyết tật (NKT) trên địa bàn tỉnh, trên tinh thần Quyết định số 1019/QĐ-TTg ngày 05/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020, tỉnh Thái Nguyên đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai trợ giúp pháp lý (TGPL) cho NKT.

Là đơn vị được tỉnh giao nhiệm vụ tham mưu và tổ chức các hoạt động TGPL, những năm qua Sở Tư pháp Thái Nguyên đã chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước (đơn vị trực thuộc Sở) tổ chức thực hiện đồng bộ nhiều hoạt động TGPL cho NKT, kịp thời đáp ứng nhu cầu TGPL của NKT, giúp họ tiếp cận và thụ hưởng chính sách TGPL miễn phí của Nhà nước, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội trong việc hỗ trợ NKT hòa nhập với cuộc sống.

Ông Vũ Văn Chính, Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước Thái Nguyên tại buổi TGPL cho NKT thành phố Thái Nguyên ngày 5/7/2020.

Trao đổi với Phóng viên Đồng hành Việt Online, Ông Vũ Văn Chính, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước Thái Nguyên cho biết: Trong giai đoạn từ 2012 đến 30/6/2020, Trung tâm đã tiếp nhận và thực hiện 92 vụ việc TGPL cho 92 đối tượng là NKT, trong đó: Tư vấn pháp luật 64 vụ; tham gia tố tụng bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp 25 vụ; đại diện ngoài tố tụng 03 vụ. Trung tâm đã tăng cường phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông qua hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng; hướng dẫn về đối tượng thuộc diện TGPL theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý để phát hiện nhu cầu TGPL của NKT có khó khăn về tài chính và giới thiệu đến Trung tâm. Trung tâm đã triển khai lắp bảng thông tin, hộp tin về TGPL tại trụ sở Hội Người khuyết tật và cơ sở bảo trợ xã hội, trường Giáo dục và hỗ trợ trẻ em bị thiệt thòi của tỉnh (nay là Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật); cung cấp tài liệu pháp luật và danh sách, số điện thoại của trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL; tiến hành biên soạn, in ấn và phát hành tờ gấp có nội dung phổ biến, truyền thông về quyền được TGPL và các quyền nghĩa vụ khác của NKT có khó khăn về tài chính.

Cùng với các hoạt động nêu trên, công tác truyền thông về TGPL cho NKT được đẩy mạnh. Trung tâm đã phối hợp với Phòng Tư pháp các huyện, thành phố, thị xã và UBND các xã đặc biệt khó khăn, các xã thuộc vùng sâu vùng xa của tỉnh để thực hiện truyền thông về Luật Trợ giúp pháp lý cho các đối tượng thuộc diện TGPL, trong đó có NKT thông qua hoạt động TGPL lưu động, tư vấn pháp luật tại cơ sở.

Có thể kể đến một số hoạt động tiêu biểu như: Năm 2018, Trung tâm đã phối hợp với Hội Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi Việt Nam tổ chức Tọa đàm về các chính sách cho NKT tại Thái Nguyên; tham gia truyền thông Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và các văn bản pháp luật liên quan đến chính sách dành cho NKT. Tại buổi Tọa đàm, Trung tâm đã trực tiếp thực hiện việc tư vấn pháp luật cho 60 NKT trên địa bàn tỉnh. Mới đây, tháng 7/2020, Trung tâm TGPL đã phối hợp với Hội NKT thành phố Thái Nguyên, Dự án nâng cao năng lực cho NKT Việt Nam (CODV2), phòng Bảo trợ xã hội Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thái Nguyên tổ chức phổ biến chính sách pháp luật và TGPL cho trên 70 hội viên NKT… Thông qua những hoạt động này, các đối tượng là NKT hiểu rõ hơn về quyền và lợi ích hợp pháp của mình, về các chế độ chính sách mà NKT được hưởng, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật đối với NKT, đặc biệt là quyền được TGPL miễn phí cho đối tượng thuộc diện TGPL khi có nhu cầu.

Có thể khẳng định, hoạt động TGPL cho NKT trên địa bàn Thái Nguyên đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, chất lượng TGPL ngày càng được nâng lên, giúp NKT hiểu biết hơn về pháp luật để có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Mặc dù nguồn lực triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn, hạn chế, song quá trình triển khai thưc hiện Đề án trợ giúp NKT của Chính phủ và Kế hoạch TGPL cho NKT trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên luôn được Trung tâm TGPL nhà nước bảo đảm với mục tiêu 100% NKT được TGPL khi có nhu cầu.

Các hội viên NKT tại Chương trình phổ biến pháp luật và TGPL cho NKT thành phố Thái Nguyên ngày 5/7/2020.

Việc triển khai thực hiện Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020 theo Quyết định 1019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch của tỉnh đã giúp cho NKT được tiếp cận các dịch vụ TGPL khi có nhu cầu, tác động đến đời sống pháp luật và ý thức tuân thủ pháp luật, chấp hành pháp luật, hạn chế tranh chấp, vi phạm pháp luật trên địa bàn. Hoạt động TGPL nói chung và TGPL cho NKT đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các cơ quan có thẩm quyền; huy động mọi nguồn lực trong xã hội tham gia, giúp NKT phát huy khả năng tự bảo vệ mình, tạo mọi điều kiện cho NKT tham gia bình đẳng vào tất cả các hoạt động kinh tế – xã hội.

Tuy nhiên, hoạt động TGPL trong thời gian qua vẫn còn những khó khăn như: Chính sách TGPL cho NKT có khó khăn về tài chính chủ yếu thông qua hoạt động tuyên truyền và phổ biến pháp luật chung và thường phải lồng ghép với các hoạt động TGPL khác; do đặc thù là NKT nên việc đi lại, tiếp xúc với hoạt động TGPL của các đối tượng còn gặp khó khăn; bản thân NKT thường hay tự ti, ngại giao tiếp và tham gia các hoạt động nên việc nắm bắt các chính sách pháp luật chưa được đầy đủ. Một nguyên nhân nữa có thể kể đến là kinh phí dành cho hoạt động TGPL nói chung, trong đó có đối tượng NKT còn hạn chế.

Để tiếp tục triển khai tốt các hoạt động TGPL dành cho NKT trên địa bàn, ông Trần Việt Dũng, Phó Giám đốc Sở Tư Pháp chia sẻ: Với vai trò là cơ quan tham mưu, giúp việc cho tỉnh về lĩnh vực tư pháp, trong thời gian tới ngành sẽ tăng cường thực hiện các hoạt động TGPL tại các xã, phường, thị trấn, nơi nhiều NKT còn khó khăn về tài chính có nhu cầu TGPL; phối hợp với Hội NKT, các cơ sở bảo trợ xã hội, trường học, cơ sở kinh doanh và các tổ chức khác của NKT khi có yêu cầu về TGPL. Đồng thời tiếp tục khắc phục khó khăn, nghiên cứu và tổ chức lồng ghép các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, tăng cường năng lực cho đội ngũ thực hiện TGPL khi thực hiện nhiệm vụ đối với các đối tượng, trong đó có NKT còn khó khăn về tài chính thông qua các hoạt động thích hợp.

Đỗ Thị Thìn

Bài viết liên quan

Picture1

HỘI GIA ĐÌNH TRẺ EM VÀ NGƯỜI BẠI NÃO VIỆT NAM TỔ CHỨC GIẢI CHẠY THIỆN NGUYỆN “NÂNG BƯỚC CHÂN EM” LẦN THỨ 6

SEE_5346

Trao giải cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024

Picture1

“Vá lành” những mảnh khuyết cuộc đời bằng đôi bàn tay khéo léo

z5916242329405_55c88a8cf81ef44bfcd7e6a8b48c7ad1

THAM VẤN CÁC BÊN LIÊN QUAN VỀ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI ĐẢM BẢO HÒA NHẬP CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Picture1

Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam: Ủng hộ 87 người khuyết tật bị ảnh hưởng sau bão lũ

Picture3

NHU CẦU VỀ THÔNG TIN PHÁP LUẬT VÀ MỨC ĐỘ ĐÁP ỨNG CÙNG MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CÔNG TÁC THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang