(ĐHVO). Trước thềm năm học mới 2021-2022, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã ra Nghị quyết số 154/NQ-HĐND ngày 12 tháng 8 năm 2021 thông qua Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho các trường mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Trong đó có nội dung hỗ trợ học sinh khuyết tật học hòa nhập. Đây là việc làm ý nghĩa giúp trẻ khuyết tật được phát triển trong môi trường bình đẳng, giúp các em xóa bỏ sự mặc cảm, vươn lên trong học tập.
Nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn về cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn, tỉnh Thái Nguyên đã quyết định dành nguồn kinh phí trên 2,8 nghìn tỷ đồng cho chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập giai đoạn 2021-2025. Nguồn kinh phí dự định sẽ đầu tư xây dựng bổ sung 1.566 phòng học, 3.007 phòng học bộ môn và phòng phục vụ học tập, trong đó có các phòng: Giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật, tin học, ngoại ngữ, đa chức năng, tư vấn học đường và hỗ trợ học sinh khuyết tật học hòa nhập, mỹ thuật, công nghệ, khoa học tự nhiên, sinh học, âm nhạc…). Đó là mục tiêu được ghi rõ trong Đề án.
Giai đoạn 2016-2020, ngành Giáo dục Thái Nguyên đã xây mới và sửa chữa 5.033 phòng học, 2.298 phòng bộ môn và các công trình phụ trợ khác phục vụ học tập với tổng kinh phí gần 4 nghìn tỷ đồng. Nhiều công trình, dự án lớn đã hoàn thành như: Xây mới trường Trung học phổ thông Chuyên (240 tỷ đồng), cải tạo, nâng cấp, mở rộng các trường phổ thông dân tộc nội trú (trên 200 tỷ đồng); kiên cố hóa trường lớp trên 180 tỷ đồng, xóa phòng học tạm (20 tỷ đồng)… Nhờ đó, cơ sở vật chất trường học cơ bản đáp ứng tối thiểu cho giáo dục mầm non, phổ thông, trong đó có nội dung tạo môi trường học tập hòa nhập cho trẻ khuyết tật. Tỷ lệ trường học các cấp đạt chuẩn Quốc gia đạt trên 84%.
Tuy nhiên, sau 5 năm, quy mô trường lớp tăng lên, nhu cầu kinh phí đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học rất lớn, một số cơ sở giáo dục mới chỉ đáp ứng được các điều kiện tối thiểu để thực hiện chương trình học và các nhu cầu phục vụ học tập khác của các nhà trường. Việc quan tâm giúp cho trẻ khuyết tật học tập hòa nhập vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, yêu cầu về cơ sở vật chất của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phải đáp ứng điều kiện cao hơn. Trên thực tế, nhiều cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên toàn tỉnh phòng học đã bị xuống cấp, chưa đạt chuẩn chương trình giáo dục phổ thông mới, rất cần được đầu tư xây dựng, sửa sang lại, bổ sung thêm các công trình phụ trợ phục vụ học tập còn thiếu.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên thăm thầy và trò Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ Khuyết tật tỉnh Thái Nguyên.
Chia sẻ với Đồng Hành Việt, Bà Nguyễn Thị Thúy Nga – Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Văn hóa Xã hội, Hội đồng Nhân dân tỉnh cho biết: Để thực hiện được mục tiêu của Đề án nêu trên, tỉnh Thái Nguyên xác định sẽ cân đối, bố trí phù hợp nguồn vốn ngân sách địa phương để đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục; lồng ghép hỗ trợ thực hiện Đề án thông qua Chương trình mục tiêu Quốc gia, chương trình mục tiêu của ngành Giáo dục và các chương trình, dự án khác được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, huy động tối đa mọi nguồn lực, đẩy mạnh công tác xã hội hóa; huy động các nguồn vốn trong dân cư, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tài trợ, góp vốn xây dựng, hiến đất, cho vay vốn đầu tư… Đặc biệt, Tỉnh cũng sẽ hướng đến phát triển cơ sở giáo dục ngoài công lập ở tất cả các cấp học, góp phần giải quyết nhu cầu về đầu tư cơ sở vật chất các trường học trên địa bàn. Đối với học sinh khuyết tật, Đề án đã đưa vào mục tiêu cụ thể: Giai đoạn 2021-2025 sẽ có 355 phòng tư vấn học đường và hỗ trợ học sinh khuyết tật học tập hòa nhập được đầu tư xây dựng, trong đó đối với cấp tiểu học là 205 phòng, cấp trung học cơ sở là 150 phòng.
Giáo dục hòa nhập, tạo cơ hội cho trẻ em khuyết tật đến trường, được tiếp cận nền giáo dục có chất lượng mà không phân biệt thể chất, trí tuệ, cảm xúc hay ngôn ngữ. Hành trình hướng tới nền giáo dục hòa nhập có thể dài và nhiều thách thức nhưng đích đến sẽ là một cộng đồng trường học bảo vệ lợi ích của mọi trẻ em, không chỉ mang lại lợi ích cho tất cả các em học sinh mà còn đảm bảo cho trẻ khuyết tật được tiếp cận môi trường giáo dục bình đẳng, tạo cơ hội để trẻ được hòa nhập cộng đồng, xóa bỏ tự ti, vươn lên trong cuộc sống.
Đỗ Thị Thìn