Thái Nguyên: Nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội trong việc chăm lo, giúp đỡ người khuyết tật

(ĐHVO) Cần nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội trong việc chăm lo, giúp đỡ người khuyết tật (NKT) và các tổ chức của NKT, đồng thời vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ cho cuộc sống NKT và hội viên các tổ chức của NKT. Bên cạnh đó, bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích sự tham gia của khu vực ngoài Nhà nước đầu tư cho các mô hình phi lợi nhuận chăm sóc NKT, nhất là NKT nặng, đặc biệt nặng, phụ nữ, trẻ em khuyết tật, NKT cao tuổi.

Trên đây là một trong những nội dung cơ bản được nêu trong Chương trình hành động của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên về thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 01/11/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NKT (Chỉ thị số 39-CT/TW) trên địa bàn tỉnh mới được ban hành vào cuối tháng 3 vừa qua. Đây không chỉ là niềm vui đối với 25 nghìn NKT trên địa bàn Thái Nguyên mà là niềm vui của toàn xã hội khi công tác bảo trợ xã hội dành cho đối tượng chính sách, những người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trên địa bàn đã được Đảng bộ tỉnh quan tâm nhiều hơn.

Hiện nay, trên địa bàn Thái Nguyên có khoảng 20.208 người đã được cấp giấy xác nhận khuyết tật trong số khoảng 25 nghìn NKT (trong đó khuyết tật đặc biệt nặng là 4.040 người, khuyết tật nặng là 11.229 người và khuyết tật nhẹ là 4.939 người); có 15.269 người đang được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, chiếm 40,09% tổng số người hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng. Ngoài ra, có 247 đối tượng là NKT đang được 3 cơ sở trợ giúp xã hội trong tỉnh trực tiếp quản lý, nuôi dưỡng. Trong những năm qua, chính sách trợ giúp đối với NKT cũng như các đối tượng bảo trợ xã hội luôn được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả. Tỉnh đã cụ thể hóa nhiều chủ trương, chính sách chăm lo, bảo đảm quyền và phát huy vai trò của NKT, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội và phát triển bền vững trên địa bàn. Từ đó, giúp cho NKT ngày càng tự tin hoà nhập vào đời sống xã hội.

Đồng chí Bùi Xuân Hòa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại trường Giáo dục và hỗ trợ trẻ em bị thiệt thòi của tỉnh.

Chia sẻ với ĐHVO, ông Vũ Đức Quyết, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động – Thương binh và xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh cho biết: Năm 2019 Tỉnh cũng đã trợ giúp cho NKT thông qua các tổ chức trong nước và thế giới. Cụ thể như: Đối với dự án Tăng cường năng lực cho các hội của NKT Việt Nam giai đoạn 2018-2020, Hội NKT Thành phố Thái Nguyên và Sông Công đã và đang phối hợp triển khai thực hiện các hoạt động của Dự án với tổng kinh phí khoảng 28 triệu đồng; phối hợp với tổ chức Sap – Việt Nam cùng Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng tỉnh tổ chức sàng lọc cho 111 trẻ em bị khuyết tật hệ thống vận động, chỉ định phẫu thuật 36 trẻ em; phối hợp với Công ty trách nhiệm hữu hạn Samsung Electronics Thái Nguyên Việt Nam triển khai các hoạt động hỗ trợ cho gần 300 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với trị giá khoảng 400 triệu đồng; trao tặng xe lăn cho cho 120 trẻ em và NKT; phối hợp với bệnh viện Tim Hà Nội tổ chức khám sàng lọc cho trẻ em bị bệnh tim, tiến hành rà soát, lập danh sách và giới thiệu đối tượng bị sứt môi, hở hàm ếch phẫu thuật miễn phí tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên do tổ chức Operation Smile tài trợ…

Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh trao tặng xe lăn cho gia đình NKT có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Định Hóa.

Song, trên thực tế, một số cấp uỷ đảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đối với NKT. Đời sống của một bộ phận không nhỏ NKT còn nhiều khó khăn, nhất là NKT đặc biệt nặng. Vẫn còn NKT chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận chưa đầy đủ các chính sách trợ giúp của Nhà nước về y tế, giáo dục, dạy nghề, việc làm, tín dụng… Mức trợ cấp xã hội cho NKT chậm được điều chỉnh. Số NKT được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội còn ít, cơ sở vật chất thiếu thốn. Một bộ phận cán bộ và người dân nhận thức chưa đầy đủ, xem công tác NKT là hoạt động nhân đạo, từ thiện, là trách nhiệm của ngành LĐ-TB-XH. Vẫn còn tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với NKT.

Vì vậy, trao đổi với ĐHVO, Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Tỉnh ủy viên, Giám đốc sở Lao động – Thương binh và xã hội Thái Nguyên cho biết: Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác NKT, ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW, Ngành LĐ-TB-XH tỉnh đã tham mưu cho Ban Chấp hành Đảng bộ xây dựng Chương trình hành động để triển khai thực hiện và đẩy mạnh những hành động tích cực. Ngay trong tháng này, cùng với triển khai khẩn cấp gói an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Ngành sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để tham mưu với tỉnh triển khai thực hiện Chương trình hành động này nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4/1980 – 18/4/2020), đưa Chương trình hành động của Đảng bộ tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật vào thực tiễn cuộc sống.

Đỗ Thị Thìn

Bài viết liên quan

Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc (ở giữa) cùng Chủ tịch HĐND Lê Quốc Chỉnh ủng hộ tại Lễ Phát động

Nam Định: Phát động ủng hộ đồng bào vùng lũ

Picture1

Cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật đối với người khuyết tật

Picture2

Mô hình hợp tác xã với sự tham gia và hỗ trợ người khuyết tật

Picture1

Vai trò và tầm quan trọng của thông tin số liệu về người khuyết tật

Picture1

Ngày hội Hội “Tỏa sáng nghị lực thanh niên Bắc Giang năm 2024”

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang