Thái Nguyên: Lấy người được trợ giúp pháp lý là trung tâm

(ĐHVO). Trợ giúp pháp lý (TGPL) là một trong 10 nội dung của kế hoạch thực hiện Công ước Liên hiệp quốc về quyền của người khuyết tật (NKT). Để cụ thể hóa chủ trương này, Trung tâm TGPL Nhà nước của tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chính sách TGPL cho NKT nói chung và NKT có khó khăn về tài chính hàng năm, đẩy mạnh các hoạt động triển khai TGPL cho NKT.

Để nâng cao ý thức trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng xã hội đối với NKT, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững của Nhà nước “không một ai bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua, Trung tâm TGPL Nhà nước của tỉnh đã tăng cường các hoạt động truyền thông để NKT có khó khăn về tài chính được tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ TGPL miễn phí của Nhà nước một cách kịp thời, hiệu quả.


Lãnh đạo Trung tâm TGPL của tỉnh và các trợ giúp viên pháp luật với Hội NKT Thành phố Thái Nguyên ngày 18/4/2022

Trò chuyện với phóng viên Đồng Hành Việt, ông Vũ Văn Chính, Giám đốc Trung tâm cho biết: Mặc dù số cán bộ TGPL của Trung tâm không nhiều, nhưng 6 tháng đầu năm nay, Trung tâm đã tham gia tố tụng 397 vụ việc, đại diện ngoài tố tụng 18 vụ việc, tư vấn pháp luật 39 vụ việc, tổ chức thẩm định hồ sơ TGPL 115 vụ việc, xác minh đối tượng TGPL 131 vụ việc; 16 vụ việc tiêu biểu thành công (con số tính đến thời điểm sơ kết 6 tháng 13/6/2022).

Bên cạnh các chính sách trợ giúp xã hội cho NKT như: Trợ giúp y tế, trợ giúp giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế, trợ giúp thông tin và truyền thông… thì chính sách trợ giúp pháp lý cho NKT có khó khăn về tài chính nói riêng và NKT thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý nói chung được coi là một nhiệm vụ quan trọng, giúp NKT tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.

Mới đây, vào tháng 3/2022, ông Tô Văn Tâm, 61 tuổi, NKT thuộc xóm Tây Bắc, xã Kha Sơn, huyện Phú Bình là NKT nặng, có khó khăn về tài chính, đang được hưởng trợ cấp xã hội của Nhà nước. Ông bị công an Phú Bình điều tra về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”. Bị cáo Tô Văn Tâm là người nghiện ma túy đã lâu, thường xuyên phải đi mua ma túy về sử dụng. Chiều ngày 25/12/2021, bị cáo bị công an xã Lương Phú bắt khi chỉ đường mua ma túy cho một thanh niên khác và được cho 02 gói với mục đích để sử dụng, ngoài ra không có mục đích nào khác. Hành vi đó của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm “Tàng trữ trái phép chất ma túy”. Trợ giúp viên pháp lý Lê Thúy Hằng đã được lãnh đạo Trung tâm TGPL của tỉnh cử tham gia tố tụng từ giai đoạn điều tra của vụ án, trợ giúp để bị cáo Tâm được hưởng mức án thấp nhất có thể, vừa để răn đe, giáo dục, vừa phòng ngừa chung, đồng thời miễn hình phạt bổ sung cho bị cáo, miễn nộp án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Văn Da (Gia), 48 tuổi, địa chỉ xóm Chùa, xã Hà Châu, huyện Phú Bình, là NKT nặng thuộc đối tượng được TGPL. Do tin người hàng xóm, năm 2017 ông đã cho anh Nguyễn Văn Phấn và chị Vũ Thị Yên vay 30 triệu đồng chỉ bằng giấy viết tay, lãi xuất theo thỏa thuận. Sau một năm, anh Phấn và chị Yên không những không trả lãi cho ông Da mà còn dọa nạt, thách thức. Khi ông Da có đơn đề nghị được TGPL, Trung tâm TGPL của tỉnh đã cử bà Nguyễn Ngọc Quỳnh, trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho Ông Da. Căn cứ vào những chứng cứ thu thập được và quy định của pháp luật, Tòa án Nhân dân huyện Phú Bình đã tiến hành xét xử, buộc anh Phấn và chị Yên phải trả cả số tiền gốc và lãi cho ông Da trong thời gian chưa thanh toán lãi.

Đó chỉ là 02 trong số khá nhiều vụ việc được Trung tâm TGPL của tỉnh thực hiện thời gian qua. Có thể nói, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh cả nước bị ảnh hưởng của đại dịch covid-19, nhưng hệ thống TGPL nói chung, Trung tâm TGPL Nhà nước của tỉnh nói riêng đã có nhiều cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ TGPL, trong đó có TGPL cho NKT theo các hình thức như: Tư vấn, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng.

Với tôn chỉ mục đích “Lấy người được trợ giúp pháp lý là trung tâm”, công tác TGPL đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội đối với các đối tượng được TGPL, trong đó có NKT. Hoạt động TGPL đã góp phần kịp thời bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của NKT có khó khăn về tài chính nói riêng, NKT thuộc đối tượng TGPL nói chung khi họ có vướng mắc về pháp luật, tạo niềm tin vào công lý của người dân với Đảng và Nhà nước. Thông qua hoạt động TGPL đã góp phần nâng cao nhận thức, sự quan tâm và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng như toàn xã hội đối với những NKT.

Việt Nam là nước có tỷ lệ NKT cao so với tổng dân số (khoảng 6,2 triệu người, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên; trong đó 58% là nữ, 28,3% là trẻ em, gần 29% là khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, khoảng 10% NKT thuộc hộ nghèo). Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm, chăm lo cho NKT nhằm bảo đảm quyền và phát huy vai trò của NKT trong xã hội.

Đỗ Thị Thìn


Bài viết liên quan

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Picture2

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Picture3

MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023

Picture5

THỰC HIỆN QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TỰ KỶ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY – THỰC TẾ, KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC, KIẾN NGHỊ

Picture2

HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI KHÔNG LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA CÁ NHÂN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang