Thái Nguyên: Công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội năm 2020

(ĐHVO). Chiều 29-12, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê về tình hình kinh tế – xã hội năm 2020. Tham dự buổi họp báo có đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí, thông tin tuyên truyền của tỉnh và thường trú trên địa bàn tỉnh; đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, các sở, ngành liên quan.

Theo số liệu do Cục thống kê tỉnh cung cấp, năm 2020, tỉnh Thái Nguyên cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Dịch bệnh Covid-19 khiến cho nhiều hoạt động kinh tế tăng trưởng rất chậm, thậm chí giảm sâu so với cùng kỳ (đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm 2020); sản xuất nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn do diễn biến bất thường của thời tiết, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm…; sản xuất kinh doanh đình trệ ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động, tác động tiêu cực đến đời sống của người dân.


Họp báo công bố số liệu thống kê về tình hình kinh tế – xã hội năm 2020

Trước tình hình đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong triển khai có hiệu quả các giải pháp vừa phòng chống dịch, đảm bảo sức khỏe của người dân, vừa phòng chống suy giảm kinh tế và giữ vững ổn định xã hội, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2020. Kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực trong năm 2020 như sau:

1. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP)  năm 2020 ước tính tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước, tuy là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2010-2020 và không đạt mục tiêu kế hoạch nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế – xã hội thì đây là một thành công lớn của tỉnh Thái Nguyên trong việc phòng chống dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế.

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2020 tuy gặp nhiều khó khăn do diễn biến bất thường của thời tiết; dịch tả lợn Châu Phi, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng ngành Nông nghiệp đã có nhiều giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả nên kết quả sản xuất đạt khá, sản lượng lúa đạt cao hơn cùng kỳ; sản lượng các loại cây lâu năm có mức tăng trưởng khá; chăn nuôi gia cầm phát triển tốt, đàn lợn đang dần khôi phục. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã thể hiện vai trò “bệ đỡ” của nền kinh tế trong lúc khó khăn, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch.

3. Do dịch bệnh được kiểm soát tốt, các lĩnh vực của nền kinh tế bước vào trạng thái bình thường mới, sản xuất công nghiệp dần có sự khởi sắc, đặc biệt trong quý III và quý IV nên chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2020 tăng 4,45% so với cùng kỳ. Tuy đây là mức tăng thấp nhất từ năm 2013 trở lại đây nhưng sản xuất công nghiệp vẫn đóng vai trò là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế trong năm 2020.

4. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong năm 2020 đạt 1.044 doanh nghiệp, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp đóng mã số thuế và ngừng hoạt động là 1.179 doanh nghiệp, tăng 13,4% so với cùng kỳ.

5. Hoạt động thương mại – dịch vụ và vận tải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh Covid-19 khi nhiều tháng liên tiếp trong 6 tháng đầu năm ghi nhận mức tăng trưởng âm. Bước sang quý III, do làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh và áp dụng nhiều biện pháp kích cầu tiêu dùng hiệu quả nên nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân đã tăng trở lại, đặc biệt là trong những tháng cuối năm 2020.

6. Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2020 tăng 2,2% so với năm 2019 do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đến tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, tốc độ tăng vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 22,2%, đây là kết quả của việc đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nhằm duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh trong nước dịch bệnh đã được kiểm soát tốt.

7. Do các hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên nhiều khoản thu trong năm 2020 bị giảm so với cùng kỳ nhưng nhìn chung công tác quản lý thu, chi ngân sách đã đáp ứng kịp thời kinh phí để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng; đáp ứng được nhu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị và thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh.

8. Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới làm đứt gãy thương mại quốc tế nên hoạt động xuất khẩu hàng hóa của tỉnh bị sụt giảm mạnh ở cả khu vực trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Hoạt động nhập khẩu theo đó cũng bị giảm sút một mặt do nguồn cung từ các nước đối tác bị hạn chế, mặt khác do thị trường xuất khẩu bị thu hẹp nên nhu cầu nguyên liệu phục vụ cho sản xuất không cao.

9. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2020 tăng 4,05% so với cùng kỳ. Mặc dù chưa đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% nhưng đây cũng là một kết quả đáng ghi nhận nhất là trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang có những diễn biến phức tạp trên thế giới, lũ lụt nghiêm trọng xảy ra ở miền Trung, giá xăng dầu tăng vào dịp cuối năm, nhu cầu tiêu thụ nhiều loại hàng hóa, dịch vụ có xu hướng tăng cao vào dịp cuối năm.

Tại buổi họp báo, đại diện lãnh đạo Cục Thống kê tỉnh đã làm rõ thêm những nội dung phóng viên đề cập xung quanh một số chỉ tiêu kinh tế – xã hội của tỉnh năm 2020; sự tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp cùng một số nội dung khác.

Việc tổ chức họp báo công bố các số liệu thống kê kinh tế – xã hội của tỉnh Thái Nguyên được thực hiện theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 09/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước. Từ đó, giúp các cơ quan thông tấn, báo chí nắm bắt đầy đủ, kịp thời hơn về kết quả thực hiện các mục tiêu, kế hoạch của tỉnh; đồng thời giúp cơ quan hành chính nhà nước cũng như sở, ngành liên quan giải đáp làm rõ hơn những nội dung mà báo chí quan tâm.

(Thông tin chi tiết về tình hình kinh tế – xã hội năm 2020 tỉnh Thái Nguyên được đăng tải trên Website của Cục Thống kê tỉnh Thái Nguyên http://cucthongkethainguyen.gov.vn).

 

Đỗ Thị Thìn

Bài viết liên quan

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Picture2

Nam Định: Ngành công nghiệp công nghệ cao ghi nhận năng lực mớ

Picture1

HỘI NGHỊ TẬP HUẤN VÀ TRAO ĐỔI, CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỀ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

vn lsu 1

40 năm rực rỡ – Liên hoan văn nghệ Luật sư Hà Nội

clip_image001

NHẬN THƯƠNG YÊU ĐỂ SẺ CHIA THƯƠNG YÊU

Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đọc diễn văn khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang