(ĐHVO). Trong cuộc sống nhu cầu việc làm là một nhu cầu thiết yếu và rất quan trọng. Đối với người khuyết tật nhu cầu đó càng có ý nghĩa hơn nữa khi bản thân họ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm.
Hiện nay, theo số liệu thống kê 2016 của Tổng cục thống kê, Việt Nam có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, chiếm khoảng 7,06% dân số. Trong đó có trên 5 triệu người từ 18 tuổi trở lên, phần lớn trong số đó nằm trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên tỷ lệ người khuyết tật trong độ tuổi lao động có việc làm là rất thấp, hầu hết đều chưa qua trường lớp đào tạo nghề. Vô hình chung đó chính là một trong những rào cản khiến cho người khuyết tật khó tìm được việc làm phù hợp với họ.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Mặt khác, các cơ sở đào tạo nghề chưa đáp ứng được những yêu cầu đặt ra trong việc dạy nghề cho người khuyết tật. Mặc dù mỗi năm có rất nhiều người khuyết tật theo học tại các cơ sở dạy nghề nhưng đó vẫn chưa đủ để tạo ra cơ hội việc làm cho người khuyết tật.
Còn đối với các doanh nghiệp bên ngoài đang mang nặng tư tưởng “người khuyết tật sẽ không giúp ích được gì trong công việc”, họ cho rằng người khuyết tật gặp khó khăn trong việc vận động, trí tuệ nên thường không coi trọng và cũng không có ý định tuyển dụng.
Người khuyết tật có thể gặp khiếm khuyết về cơ thể gây khó khăn trong việc sinh hoạt, học tập,…Tuy nhiên có nhiều người vẫn đang nỗ lực từng ngày từng giờ để tìm kiếm việc làm, nuôi sống bản thân. Chúng ta vẫn còn nhớ anh hùng Công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng – người đã mở ra Trung tâm tin học dành cho người khuyết tật, sáng lập trang website mang tên www.nghilucsong.net với nội dung hỗ trợ người khuyết tật tìm kiếm thông tin về việc làm và học tập với hơn 30.000 thành viên trên khắp thế giới. Chúng ta còn nhớ cô gái bé nhỏ Trần Trà My với những dòng văn tràn đầy nhiệt huyết, lạc quan, yêu đời, trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ,…và còn rất nhiều những khuyết tật khác cũng đang tỏa sáng giữa đời, tìm được việc làm và tạo ra việc làm cho những con người giống họ.
Có thể thấy việc thúc đẩy việc làm cho người khuyết tật hiện nay còn gặp nhiều hạn chế và cần nhiều thời gian để thay đổi. Do đó để đẩy mạnh việc làm cho người khuyết tật cần sự cố gắng, nỗ lực từ nhiều phía.
Đối với người khuyết tật, họ cần bỏ qua mặc cảm, tự tin vì bản thân có phần khiếm khuyết nhưng đó không phải là lý do để họ ngừng cố gắng vươn lên có một cuộc sống bình thường như bao người. Họ cần biết rằng họ không khác biệt, việc làm đến từ năng lực và cơ hội. Họ hoàn toàn có thể tự tạo ra việc làm cho mình nếu họ cố gắng và tin rằng mình làm được.
Bên cạnh đó, Nhà nước cùng các cấp, ngành cần sửa đổi, bổ sung phù hợp những chính sách trợ giúp người khuyết tật, đặc biệt là những người khuyết tật ở vùng sâu, vùng xa cũng như các địa phương cần chủ động đẩy mạnh công tác dạy nghề và quan tâm việc nâng cao dân trí, đào tạo nguồn lực.
Các doanh nghiệp cũng cần nhìn nhận đúng vấn đề về người khuyết tật, thay đổi tư duy tuyển dụng đối với nhóm người yếu thế này. Hãy nhìn họ bằng sự công bằng về năng lực và tuyển dụng được những người có ích, đóng góp được công sức của mình cho tổ chức.
Người khuyết tật cũng như bao người, cần có việc làm để nuôi bản thân, gia đình. Và để người khuyết tật tìm được việc làm phù hợp cần sự phấn đấu, nỗ lực từ chính bản thân họ và sự quan tâm, giúp đỡ từ Nhà nước, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp,…để họ có một cuộc sống ổn định, không trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội.
Lan Phương