Ngày 1-10, UBND quận Hoàn Kiếm đã công bố danh sách 30 điểm đến du lịch, văn hóa sẽ được gắn biển không hút thuốc lá, thực hiện từ tháng 10-2019. Danh sách này bao gồm một số di tích, nhà hát, bảo tàng, điểm du lịch thường xuyên có nhiều du khách lui tới như đền Ngọc Sơn, Nhà thờ Lớn, chùa Quán Sứ, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Nhà hát Múa rối Thăng Long… Ngoài 30 điểm đến này, có thêm một số nhà hàng, khách sạn trên địa bàn quận được đưa vào danh sách thực hiện mô hình không khói thuốc lá vốn đã được quận Hoàn Kiếm triển khai từ năm 2017.
Khán giả vào Nhà hát Lớn sẽ không được phép hút thuốc lá.
Việc UBND quận Hoàn Kiếm ban hành “lệnh” cấm hút thuốc ở những điểm đến có sức hút lớn đối với khách du lịch trong và ngoài nước được dư luận tán đồng. Cấm hút thuốc lá tại những nơi này không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe của nhân dân và du khách, mà còn hướng tới mục tiêu tạo nên môi trường du lịch an toàn, văn minh, góp phần thực hiện nghiêm các quy định được đưa ra tại Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (ban hành vào năm 2012). Với nhiều người, những mô hình không khói thuốc lá ở quận Hoàn Kiếm còn là lời gợi ý cho các địa phương khác trên địa bàn Thủ đô trong việc triển khai hành động nhằm phòng, chống tác hại của thuốc lá, góp phần xây dựng một Hà Nội xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện, là điểm đến tin cậy của khách du lịch.
Tuy nhiên, đề ra mô hình điểm đến không khói thuốc lá và ban hành bản danh sách điểm đến thực hiện mô hình này là một chuyện, điều quan trọng là phải có giải pháp kèm theo để bảo đảm những điểm đến nổi bật đó thực sự là nơi du khách “nói không” với thuốc lá. Việc không dễ dàng nếu bộ phận quản lý các cơ sở lưu trú, nhà hàng, điểm đến văn hóa, du lịch không nâng cao nhận thức chung về mục tiêu phát triển bền vững, còn cấn cá với mối lợi trước mắt. Trong trường hợp đó, vì sợ mất lòng khách, lo số thu giảm, bộ phận quản lý điểm đến nằm trong danh sách – nhất là các cơ sở lưu trú, nhà hàng – rất dễ bỏ qua hành vi hút thuốc tại những nơi này. Đó là chưa kể khó khăn trong việc thực hiện chế tài đối với hành vi vi phạm, khả năng phối hợp giữa cơ quan có thẩm quyền trong việc này với bộ phận quản lý các điểm đến, cơ sở kinh doanh, dịch vụ du lịch nhằm bảo đảm thực hiện chế tài một cách khách quan, công bằng, đúng người, đúng mức… Khó khăn sẽ nhân lên nếu khách du lịch và người dân Hà Nội chưa bỏ thói quen hút thuốc ở nơi công cộng. Những người từng phớt lờ nội dung quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, thản nhiên hút thuốc trong các cửa hàng bán xăng dầu, trong thang máy, trong khuôn viên bệnh viện và trường học phổ thông… sẽ mang thói quen đó vào nơi có biển cấm hút thuốc, vào các nhà hàng đã đăng ký mô hình không khói thuốc mà không phải lúc nào hành vi bị cấm đó cũng bị xử lý.
Bởi vậy, để hỗ trợ cho mô hình không khói thuốc lá ở quận Hoàn Kiếm, những hành vi bị cấm theo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cần được phát hiện, xử lý kịp thời ở những nơi khác trên toàn thành phố, nhằm tiến tới tạo thói quen không hút thuốc lá ở nơi công cộng của người dân và du khách. Ý thức, thói quen được hình thành qua những việc nhỏ, không chỉ là hút thuốc đúng nơi quy định/ được phép mà còn là biết gạt tàn thuốc vào đâu, biết tự hỏi mình có nên hút thuốc hay không khi ở gần mình là trẻ em, phụ nữ có thai… Việc ở quận Hoàn Kiếm cần được đặt trong bối cảnh chung, vì mục đích chung là xây dựng Thủ đô Hà Nội văn minh, phát triển bền vững. Vì lẽ đó, mô hình không khói thuốc lá rồi sẽ cần được mở rộng phạm vi thực hiện, như với không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, tất cả nhà hát, bảo tàng, khách sạn, thư viện, di tích, công viên… tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô. Tất nhiên, trong khuôn viên của một số điểm đến có thể tạo khu vực riêng cho người hút thuốc – theo luật và như thường thấy ở các sân bay.
Hút thuốc lá ở nơi công cộng, bao gồm cả những địa điểm công cộng không nằm trong danh sách cấm hút thuốc theo luật định, là hành vi thiếu văn minh. Hành vi đó sẽ được hạn chế nếu mỗi người tự tạo thói quen ứng xử văn minh trong xã hội hiện đại.
Theo Vũ Ngân – Báo Hà Nội mới