Để vươn lên, người nghèo cần được hỗ trợ “cần câu” thay vì “xâu cá”. Vì thế, giai đoạn 2021-2025, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ theo hướng tạo sinh kế bền vững cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, giúp các gia đình chủ động thoát khỏi cảnh nghèo.
Hỗ trợ dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là giải pháp giảm nghèo bền vững. Ảnh: Minh Ngọc
Tự tin vươn lên
Trong công tác hỗ trợ giảm nghèo, Hà Nội được đánh giá là điểm sáng của cả nước. Hiện tại, toàn thành phố cơ bản không còn hộ nghèo, còn 1,5% hộ cận nghèo. Đời sống của đại đa số người dân ngày càng ổn định, phát triển.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái, giai đoạn 2016-2020, ngân sách thành phố đã bố trí hơn 6.800 tỷ đồng để thực hiện các chương trình hỗ trợ giảm nghèo. Trong quá trình triển khai, nguồn lực hỗ trợ được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn. Chẳng hạn, năm 2017, thành phố ưu tiên đầu tư cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa đô thị và nông thôn, đồng bằng và miền núi. Năm 2018, nguồn lực giảm nghèo tập trung hỗ trợ cho hơn 4.000 hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở, giúp các hộ được an cư, lạc nghiệp. Từ năm 2019 đến nay, ngoài các chính sách an sinh xã hội, một số trường hợp đặc thù, không có khả năng tự thoát nghèo được trợ cấp hằng tháng bằng mức chuẩn nghèo, cận nghèo.
Cùng với nguồn ngân sách, các cơ quan chức năng, địa phương trên địa bàn Hà Nội đã huy động cộng đồng cùng chung sức, đồng lòng ủng hộ nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Nhờ được hỗ trợ sinh kế để tạo dựng cuộc sống, giai đoạn 2016-2020, toàn thành phố có gần 70.000 hộ thoát khỏi cảnh nghèo.
Về vấn đề này, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Mỹ Đức Trần Ngọc Nghìn cho biết, giai đoạn 2016-2020, hàng nghìn hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện nhận được sự quan tâm, trợ giúp về nhiều mặt. Các nguồn lực trợ giúp góp phần đưa Mỹ Đức từ một huyện thuộc “rốn nghèo” của thành phố vào đầu năm 2016, trở thành địa phương cơ bản không còn hộ nghèo.
“Gia cảnh nhà tôi rất khó khăn, chồng và con sức khỏe yếu. Song, nhờ có sự quan tâm, hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, nên gia đình tôi đã thoát khỏi diện hộ nghèo vào cuối năm 2020”, bà Nguyễn Thị Sáu, thôn Hội Xá, xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) cho biết.
Tương tự Hà Nội, nhiều tỉnh, thành phố khác cũng trợ giúp theo hướng tạo sinh kế để người nghèo chủ động vươn lên. “Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước giảm từ 8,23% vào đầu năm 2016, xuống còn 2,75% vào cuối năm năm 2020, vượt chỉ tiêu đề ra. Thành tựu giảm nghèo của Việt Nam trở thành hình mẫu thành công trên thế giới về giảm nghèo, được bạn bè quốc tế đánh giá cao”, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) Tô Đức thông tin.
Người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Mỹ Đức được khám sức khỏe miễn phí.
Nâng cao thu nhập cho người nghèo
Bên cạnh những thành tựu đạt được, thực tế cho thấy, công tác giảm nghèo còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm, cả nước còn 4,09% số hộ đã thoát nghèo bị tái nghèo. Ở những xã, thôn đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm hơn 50%. Tại Hà Nội, số hộ nghèo tuy giảm nhanh, nhưng chưa thực sự bền vững. Số hộ nghèo ở các xã tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số cư trú còn cao hơn các địa phương khác.
Từ kinh nghiệm triển khai các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, Chủ tịch UBND xã Minh Quang (huyện Ba Vì) Nguyễn Tiến Tha cho rằng, để đạt kết quả bền vững, các chính sách giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 cần tiếp tục triển khai theo hướng hỗ trợ “cần câu” thay vì “xâu cá”. Các nguồn lực hỗ trợ cần ưu tiên cho vùng khó khăn, nông thôn và gắn liền với chương trình xây dựng nông thôn mới.
Ở góc độ quản lý, theo Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương, các cơ quan chức năng cần có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào vùng xa trung tâm, đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác giảm nghèo; sớm ban hành “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025” theo hướng bổ sung các giải pháp tạo sinh kế, việc làm và nâng cao thu nhập cho người nghèo…
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ đang nghiên cứu và đề xuất Chính phủ ban hành chương trình hỗ trợ giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 theo hướng đa chiều, bao trùm và bền vững. Việc hỗ trợ giảm nghèo sẽ giảm chính sách hỗ trợ trực tiếp để thay bằng chính sách tạo sinh kế bền vững cho người nghèo. Nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo sẽ ưu tiên cho các địa phương khó khăn, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
“Bộ cũng định hướng cho các địa phương chủ động triển khai phong trào “Mỗi xã, phường, mỗi thôn, bản xây dựng mô hình giảm nghèo tiêu biểu” do Thủ tướng Chính phủ phát động cuối năm 2020; đồng thời khuyến khích các địa phương có điều kiện tốt hơn nhận hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn…”, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết thêm.
Theo Báo Hà Nội Mới