Tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật sau đại dịch

(ĐHVO). Hai năm vừa qua, đại dịch Covid 19 diễn biến phức tạp, cơ hội việc làm đối với người khuyết tật gặp nhiều trở ngại. Đây là vấn đề được đề cập rất nhiều tại các cơ quan nhà nước cũng như tổ chức của và vì người khuyết tật nhằm đưa ra những biện pháp khắc phục khó khăn và tạo cơ hội việc làm phù hợp với người lao động khuyết tật, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực là người khuyết tật.

Người lao động khuyết tật là đối tượng yếu thế, dễ tổn thương trong xã hội nên luôn được Nhà nước quan tâm và bảo vệ. Điều 158 Bộ luật lao động 2019 quy định như sau: Nhà nước bảo trợ quyền lao động, tự tạo việc làm của người lao động là người khuyết tật; có chính sách khuyến khích, ưu đãi phù hợp đối với người sử dụng lao động trong tạo việc làm và nhận người lao động là người khuyết tật vào làm việc theo quy định của pháp luật về người khuyết tật.”

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Không những thế Nhà nước còn đưa ra những quy định yêu cầu người sử dụng lao động khuyết tật tuân thủ các quy định về điều kiện lao động, công cụ, mức độ an toàn, vệ sinh lao động và tổ chức khám sức khỏe định kỳ phù hợp với người lao động là người khuyết tật. Khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động khuyết tật, người sử dụng lao động phải hỏi ý kiến của họ trước.

Mặt khác, người khuyết tật được hưởng hưởng chế độ nghỉ 14 ngày/năm và được khám sức khoẻ định kỳ 6 tháng/lần. Đặc biệt, Bộ Luật lao động nhấn mạnh những hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng lao động là người khuyết tật: “1. Sử dụng người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, trừ trường hợp người lao động là người khuyết tật đồng ý. 2. Sử dụng người lao động là người khuyết tật làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành mà không có sự đồng ý của người khuyết tật sau khi đã được người sử dụng lao động cung cấp đầy đủ thông tin về công việc đó.”

Người khuyết tật có quyền tự quyết định làm hoặc không làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trên cơ sở được người sử dụng lao động cung cấp thông tin đầy đủ về công việc. Từ đó chúng ta thấy rằng Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt với người lao động khuyết tật thông qua việc trao quyền tự quyết cho người lao động khuyết tật, không những mở rộng cơ hội tuyển dụng cho doanh nghiệp mà còn tạo ra cơ hội việc làm cho người khuyết tật.

Làn sóng Covid-19 đã khiến số lượng cũng như chất lượng lao động giảm sâu, rất nhiều nhân công nghỉ việc làm nền kinh tế bị lay động. Để khôi phục lại kinh tế, chúng ta cần phải đủ nhân lực và một trong số đó là người lao động khuyết tật. Tuy nhiên người khuyết tật thường không được tiếp nhận thông tin một cách đầy đủ chính xác và kịp thời. Nên Nhà nước và các doanh nghiệp đẩy mạnh công tác thông tin tuyển dụng, hướng nghiệp đến gần hơn với người lao động khuyết tật. Người khuyết tật có ít cơ hội  được đào tạo công việc bài bản vì thế trước khi đưa người khuyết tật đến với thị trường lao động, chúng ta cần có những giải pháp mở rộng công tác đào tạo tay nghề chất lượng, mở ra những lớp đào tạo chuyên môn phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động luôn có sự biến đổi.

Mặt khác, chúng ta cần thay đổi cái nhìn và tư duy về người khuyết tật trên thị trường lao động theo hướng tích cực. Tuy đã có rất nhiều chương trình hỗ trợ người khuyết tật nhưng vấn đề bất bình đẳng trong tuyển dụng đối tượng yếu thế chưa được giải quyết triệt để. Người bình thường khi tham gia vào thị trường lao động cũng đã là một thách thức không hề nhỏ, với lao động là người khuyết tật càng khó khăn hơn. Nhất là hiện nay, đa phần người lao động khuyết tật là lao động thủ công, không có trình độ thì việc bị loại trừ ra khỏi thị trường lao động là không quá khó hiệu. Mặc dù vậy, chúng ta không thể không khẳng định rất nhiều người khuyết tật có trình độ chuyên môn cao, tay nghề tốt muốn tìm kiếm việc làm phù hợp với năng lực của họ. Đã tới lúc những doanh nghiệp phải thay đổi góc nhìn có cái nhìn khách quan hơn về lao động khuyết tật.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đồng thời, doanh nghiệp nên tạo môi trường an toàn dành cho người lao động khuyết tật. Cùng với đó nên nhìn nhận đúng năng lực của họ để phân công đúng công việc phù hợp. Ở khía cạnh hiệu quả công việc, năng suất của người lao động khuyết tật không hề thua kém so với những đồng nghiệp bình thường của công ty. Không chỉ thế, làm việc với người khuyết tật sẽ khơi dậy và lan tỏa cảm thông cũng như cảm thấy nên cố gắng hơn nữa trong công việc. Người khuyết tật như tấm gương giúp người bình thường có cái nhìn khác về cách làm việc và trách nhiệm trong công việc được nâng cao. Những người lao động khuyết tật cũng có tính cách nổi bật đáng quý mà công ty hay doanh nghiệp rất yêu thích đó là họ rất “ trung thành với công ty”. Để công ty thêm đa dạng về lực lượng lao động thì nguồn lực người khuyết tật là không thể thiếu. Họ giúp doanh nghiệp có được cái nhìn thiện cảm tốt đẹp hơn cũng như mang lại danh tiếng nổi trội trên thị trường. Để làm được điều đó, các doanh nghiệp cần phải nhìn nhận đúng để bảo đảm không phân biệt đối xử “gián tiếp hay vô thức” ứng viên khuyết tật. Chúng ta phải trao cơ hội cống hiến cho mọi người với đúng tiềm năng của người khuyết tật và đem lại lợi ích cho cả hai bên.

Công Năng

Bài viết liên quan

Picture1

Cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật đối với người khuyết tật

Picture2

Mô hình hợp tác xã với sự tham gia và hỗ trợ người khuyết tật

Picture1

Vai trò và tầm quan trọng của thông tin số liệu về người khuyết tật

Picture1

Ngày hội Hội “Tỏa sáng nghị lực thanh niên Bắc Giang năm 2024”

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Picture2

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang