(ĐHVO). Theo Tổng cục thống kê và UNICEF công bố kết quả “Điều tra Quốc gia về Người Khuyết tật tại Việt Nam” công bố tháng 1 năm 2019 thì Việt Nam hiện có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên (chiếm 7,06% dân số), trong đó phụ nữ khuyêt tật chiếm 58%. Đây là nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương, khả năng tiếp cận với các hoạt động giáo dục, y tế, việc làm cũng như các dịch vụ xã hội khác vẫn còn nhiều hạn chế. Họ là nhóm người yếu thế kép vì vừa yếu thế là phụ nữ và trẻ em gái, vừa dể bị tổn thương vì là phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật.
1. Thực trạng về cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật.
Phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật thường là đối tượng chịu nhiều tác động nhất của nghèo đói do các rào cản về giới. Tỷ lệ nghèo đói, thiếu việc làm… của người khuyết tật cao hơn rất nhiều so với người bình thường, trong đó những khó khăn mà phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật gặp phải cao ít nhất 3 lần so với nam giới. Họ ít được tiếp cận với những cơ hội phát triển cá nhân, có những hạn chế trong tiếp xúc xã hội, kinh tế, các dịch vụ y tế, giáo dục, học nghề, tìm kiếm việc làm, tham gia giao thông… Theo đánh giá của Bộ Y tế, chỉ có dưới 10% so người khuyết tật, phụ nữ khuyết tật được tham gia các chương trình phục hồi chức năng.
Ảnh minh họa
Đặc biệt, phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật thường gặp nhiều rủi ro, dễ bị lạm dụng lao động và lạm dụng tình dục hơn so với những phụ nữ bình thường, những phụ nữ và trẻ em gái khi bị xâm hai, lạm dụng cũng ít khả năng chống đỡ hơn những phụ nữ bình thường trong xã hội, thậm chí một số trẻ em gái không có khả năng chống chọi và tự bảo vệ mình. Yếu thế kép của nhóm này thể hiện rất rõ khi bi xâm hại tình dục và lạm dụng lao động thủ công. Các phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật thường có tâm trạng mặc cảm tự ti về hình thức bên ngoài của mình nên khi bị lạm dụng lao động hay xâm hại tình dục thường cắn răng chịu đựng. Các quyền về sức khoẻ sinh sản của họ ít được quan tâm và đảm bảo… Những khó khăn này cản trở người khuyết tật nhất là phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật trong cuộc sống và hoà nhập với cộng đồng…
Thúc đẩy việc làm cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật cần sự phối hợp và thể hiện vai trò của các bên như các cơ quan quản lý nhà nước; doanh nghiệp; các hiệp hội đoàn thể và bản thân người khuyết tật. Chỉ có được đi làm và có công việc là một cách hòa nhập vào xã hội nhanh nhất và khẳng định giá trị bản thân tốt đối với người khuyết tật.
Theo tìm hiểu, đại diện của các Câu lạc bộ người khuyết tật của huyện Sóc Sơn, quận Hà Đông… đều cho rằng: để tăng cơ hội việc làm đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật, cần quan tâm đến vấn đề giáo dục, nâng cao học vấn và đào tạo nghề cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật, đặc biệt là với nhóm phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật trẻ tuổi – nhóm có thu nhập bấp bênh nhất, đang học và làm một nghề không được bảo đảm. “Đồng thời, có phương hướng thúc đẩy việc thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp trong tạo việc làm cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật. Ngoài ra, chủ trương tạo ra việc làm bền vững cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật cũng cần thay đổi, phù hợp với khả năng của họ”. Theo quan điểm của cán bộ Pháp lý dự án “Tăng cường năng lực cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật”, phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật có nguy cơ gặp phải những rào cản lớn phương hại đến sự tham gia hữu hiệu, trọn vẹn vào xã hội (như sự kỳ thị của xã hội về tình trạng khuyết tật của họ). “Phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật luôn cần được xem là những đối tượng có nguy cơ bị phân biệt đối xử, đặc biệt là dễ bị bạo lực cao gấp 3 lần trong số các nạn nhân của hành vi bạo lực là phụ nữ và trẻ em gái nói chung”.
Không chỉ vậy, trong hôn nhân, phụ nữ bình thường vốn chịu nhiều thiệt thòi thì phụ nữ khuyết tật càng chịu nhiều thiệt thòi hơn. Đó là thiệt thòi kép, thậm chí thiệt thòi gấp 3, gấp 4 lần. Mọi vấn nạn bất bình đẳng giới trong hôn nhân gia đình đối với phụ nữ nói chung như bạo hành, yếu thế, phân công lao động bất bình đẳng… đều có ở phụ nữ khuyết tật. Bất bình đẳng hơn là hầu hết họ rất hiếm có cơ hội được lập gia đình, được xây tổ ấm cho riêng mình. Cơ hội người khuyết tật có được gia đình riêng cho mình rất hiếm hoi, phụ nữ khuyết tật lập gia đình càng hiếm hơn, cứ 4 nam giới khuyết tật có gia đình thì mới có 1 phụ nữ khuyết tật có tổ ấm cho riêng mình”. Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cũng từng có 1 khảo sát trong năm 2008 cho thấy phụ nữ khuyết tật khó kết hôn hơn hơn nam giới gấp 3 lần. Tại Thái Bình có đến 80% phụ nữ khuyết tật không kết hôn, trong khi đó ở nam giới chỉ là 30%. Tại Quảng Nam, Đà Nẵng và nhiều tỉnh thành khác, tỷ lệ PNKT không kết hôn đều trên dưới 60%.
2.
Kiến nghị
– Để khắc phục điều này, cần nghiên cứu, ban hành các chính sách cụ thể, đặc thù về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật (lồng ghép trong các chính sách chung về phòng chống bạo lực giới đối với phụ nữ và trẻ em gái)
– Chú trọng đánh giá cơ chế thi hành chính sách pháp luật về phòng chống bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật.
– Chia sẻ rộng rãi và thiết thực hơn nữa mô hình “Phụ nữ tự lực” dành cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật (mô hình này đã được Hội Liên hợp Phụ nữ Việt Nam nhân rộng tại 17 địa phương tỉnh thành trên cả nước). Bởi theo Ban Chấp hành TW Hội LHPN VN kỳ họp thứ X (khoá X) đã lựa chọn 4 phẩm chất đạo đức: Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang để triển khai tuyên truyền, học tập, rèn luyện trong toàn thể cán bộ, hội viên phụ nữ. Vậy nên mô hình “Phụ nữ tự lực” sẽ thể hiện được phẩm chất tự tin, tự trọng của Phụ nữ Việt Nam.
Tại các mô hình, phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật được giao lưu, chia sẻ, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình trong cuộc sống, công việc, được cung cấp thông tin, kiến thức về quyền của người khuyết tật, được tư vấn, dạy nghề, giới thiệu việc làm… qua đó từng bước giúp chị em xóa bỏ mặc cảm, tự ti, phấn đấu vươn lên khẳng định mình trong cuộc sống…
– Để thực hiện quyền của người khuyết tật nói chung, phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật nói riêng, trước hết cần thay đổi cách nhìn nhận của xã hội đối với người khuyết tật là giải pháp hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận cơ hội việc làm.
Trong những năm qua, bên cạnh các chính sách, hoạt động thúc đẩy bình đẳng và trao quyền cho phụ nữ nói chung, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, chương trình để tạo điều kiện nâng cao năng lực cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật, phụ nữ nghèo, phụ nữ người dân tộc thiểu số … đặc biệt là những chính sách ưu đãi về tín dụng, chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là có cơ chế chăm sóc con của những phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật sau khi bị lạm dụng tình dục… Bởi những đứa trẻ được sinh ra vốn đã thiệt thòi vì thiếu vắng cha, nay người mẹ khuyết tật sẽ rất khó khăn trong chăm sóc trẻ nhỏ cả về thể chất lẫn tinh thần. Nếu không có người thân hỗ trợ thì phụ nữ và trẻ em gái ấy sẽ rất cô đơn, lúng túng, sợ hãi, thậm chí trầm cảm trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em. Nếu đứa trẻ sinh ra cũng lại khuyết tậ thì tình hình còn tồi tệ hơn.
Về điều này, qua tìm hiểu cho thấy, tuy hệ thống pháp luật về người khuyết tật đã tương đối đồng bộ, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập, cụ thể ở đây là liên quan đến giải quyết bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật – đặc biệt nơi làm việc, thu nhập, rồi bạo lực bạo hành giới, gia đình vẫn còn; tiếp cận của chị em phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật về giao thông, giải trí… vẫn chưa thật sự được đảm bảo.
– Để bảo đảm hơn nữa cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật phát huy được bản thân, có công ăn việc làm, thu nhập ổn định, thời gian tới phải tháo gỡ các cơ chế, chính sách, rà soát lại các luật liên quan đến tất cả các lĩnh vực.
Số người khuyết tật có được hỗ trợ học nghề, vay vốn để tạo việc làm hiện nay là rất lớn. Tuy nhiên, khó khăn về nguồn vốn ưu đãi dành riêng cho đối tượng này còn khá hạn chế, khiến nhiều người khuyết tật vẫn chưa được tiếp cận với các cơ hội việc làm. Để giải quyết được vấn đề này, cần có sự chung tay của nhiều bộ, ngành, địa phương trong việc có cơ chế tháo gỡ nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm giải quyết vốn vay cho người khuyết tật, đồng thời cần xây dựng các mô hình sinh kế dành cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật, nhất là phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật nặng. Nếu không có những giải pháp, mô hình dành cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật, thì không bao giờ họ có việc làm để bảo đảm thu nhập. Đến các Trung tâm bảo trợ, các Trung tâm phục hồi chức năng có thể thấy có nhiều mô hình sáng tạo, đảm bảo được việc làm cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật nặng như thêu, đan, làm các sản phẩm du lịch, quà tặng… vừa làm vừa vui chơi phù hợp với tình trạng sức khỏe của họ.
Hiện nay, cơ chế chính sách riêng cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật còn có những khoảng trống về chương trình hỗ trợ việc làm, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, hòa nhập cộng đồng… và gặp khó khăn trong huy động nguồn lực hỗ trợ người khuyết tật. Do đó cần có kết quả tổng kết, đánh giá việc thực hiện chính sách hiện nay để làm cơ sở cho quá trình sửa đổi Luật người khuyết tật, các văn bản dưới luật cùng các chính sách liên quan.
Tài liệu tham khảo:
1. Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, Báo cáo Nghiên cứu tình hình thực hiện UN CRPD tại Việt Nam, 2016, tr.45.
2. Điều 7, Điều 18 Luật bình đẳng giới 2006.
3. Báo cáo điều tra quốc gia về người khuyết tật 2016; NXB Thống kê 2018.
TS Vũ Thị Hồng Khanh
HVCTKVI – HVCTQGHCM