(ĐHVO). Hiện nay, số lượng trẻ em mắc phải hội chứng tăng động, giảm chú ý đang ngày một tăng. Đây là một triệu chứng nguy hiểm, có nhiều tác động tiêu cực tới sự phát triển của trẻ nhỏ.
Tăng động, giảm chú ý là chứng bệnh rối loạn phát triển có liên quan đến hệ thần kinh não bộ. Trẻ bị triệu chứng này thường gặp khó khăn khi điều chỉnh sự tập trung, khó kiểm soát hành động, hiếu động, thái quá…Theo nghiên cứu trẻ thường có triệu chứng mắc bệnh từ 3-12 tuổi, trẻ nam có xu hướng mắc bệnh cao hơn trẻ nữ. Triệu chứng này không chỉ ảnh hưởng tới việc học tập mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển và giao tiếp xã hội của trẻ.
Nguyên nhân khiến trẻ mắc hội chứng tăng động, giảm chú ý
Có nhiều nguyên nhân khiến cho trẻ mắc phải hội chứng này. Một số nguyên nhân được đưa ra hiện nay đó là do di truyền, nếu trong gia đình có cha mẹ, anh chị em ruột mắc hội chứng tăng động, giảm chú ý thì trẻ sinh ra có tỷ lệ gặp rối loạn cao hoặc do trẻ gặp bất thường về cấu trúc não. Ngoài ra chế độ ăn uống thiếu chất, tiếp xúc với môi trường độc hay người mẹ mang thai sử dụng các chất kích thích như bia rượu, hút thuốc cũng là nguyên dẫn khiến trẻ có nguy cơ mắc chứng rối loạn tăng động cao.
(Ảnh internet)
Dấu hiệu chính để nhận biết
Tăng vận động: Trẻ nói quá nhiều, hay chạy xung quanh không ngồi yên một chỗ, luôn chân luôn tay, đang nghịch trò này chán chuyển sang trò khác không quan tâm đến tác hại hay nguy hiểm của trò đó, đi lại di chuyển nhiều liên tục.
Giảm chú ý: Không tập trung, không làm theo chỉ dẫn của ai, hay quên nói trước quên sau, không để ý ai nói gì, ai nói gì xong quên luôn lại làm theo ý mình, không làm chủ được bản thân.
Ngoài ra còn một số triệu chứng khác như: rối loại giấc ngủ, lo âu, chậm phát triển về vận động, ngôn ngữ, ít giao tiếp với bạn bè xung quanh, không biết thể hiện cảm xúc.
Tăng động, thiếu tập trung sẽ gây ra những tác hại xấu, ảnh hưởng đến cuộc sống và sự phát triển của trẻ nhỏ. Trẻ có thể sẽ thiếu tập trung khi học bài hoặc tham gia các hoạt động, dẫn đến khả năng học tập kém hơn các bạn đồng trang lứa. Bên cạnh đó, khả năng giao tiếp của trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng, do trẻ chỉ muốn được làm theo ý thích của mình. Nghiêm trọng hơn, nhiều trẻ tăng động còn bắt chước, làm theo các hành động nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thậm chí là tính mạng của trẻ và mọi người xung quanh.
Ảnh minh họa
Việc con mình mắc hội chứng tăng động, giảm chú ý là điều không ai mong muốn. Do đó, nhiều cha mẹ đã bỏ qua các dấu hiệu của hội chứng này ở con mình và cho rằng đó chỉ là những cử chỉ hiếu động thông thường, việc làm này có thể khiến cho mọi việc trở nên nghiêm trọng hơn nếu trẻ nhỏ thực sự bị mắc bệnh.
Chính vì vậy, cha mẹ cần thường xuyên quan tâm, sát sao con mình, và đưa con tới gặp bác sĩ ngay khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường để nhận được những chẩn đoán và lời khuyên chính xác, kịp thời. Cha mẹ nên phối hợp với bác sĩ, các thầy cô giáo, đánh giá điểm mạnh, điểm yếu dựa trên triệu chứng của trẻ để giúp trẻ phát huy khả năng và phát triển đúng hướng.
Hương giang