Tăng cường sự tham gia có ý nghĩa của người khuyết tật vào quá trình xây dựng, thực hiện và giám sát pháp luật

Ngày 29/06/2021, tại Hà Nội, Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội đã phối hợp cùng UNDP tổ chức Hội thảo “Tăng cường sự tham gia có ý nghĩa của người khuyết tật vào quá trình xây dựng, thực hiện và giám sát pháp luật” dưới sự hỗ trợ của Dự án Hợp tác thúc đẩy Quyền người khuyết tật giữa các tổ chức của Liên Hợp Quốc (UNPRPD) do UNDP chủ trì.

Ảnh minh họa màn hình họp trực tuyến

Hội thảo “Tăng cường sự tham gia có ý nghĩa của người khuyết tật vào quá trình xây dựng, thực hiện và giám sát pháp luật” nhằm mục tiêu: Tăng cường hiểu biết về các chính sách hiện có và các khoảng trống pháp lý trong việc đảm bảo sự tham gia có ý nghĩa của NKT vào quy trình làm luật và thực thi pháp luật; Xác định những thách thức chính mà NKT phải đối mặt khi tham gia vào quá trình lập pháp và thực thi pháp luật; Đưa ra các khuyến nghị để cung cấp thông tin cho các chương trình trong tương lai về việc tăngcường sự tham gia có ý nghĩa của NKT vào quá trình lập pháp và thực thi chính sách liên quan đến người khuyết tật.

Tham dự Hội thảo có ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam; bà Dương Thị Vân, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội; ông Trương Công Nghiêm, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Đà Nẵng; Bà Võ Hoàng Yến, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, Giám đốc DRD;  bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam; đại diện Vụ các vấn đề xã hội Văn phòng Quốc hội; đại diện Tổng cục Thống kê cùng các đại diện là lãnh đạo các tổ chức của và vì người khuyết tật các tỉnh, thành phố, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, những người nghiên cứu về chính sách đối với người khuyết tật và các luật sư…

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam tiếp tục nhấn mạnh ba thông điệp chính trong các cuộc thảo luận của UNDP và chương trình trong tương lai về việc đảm bảo sự tham gia có ý nghĩa của người khuyết tật, đó là: 1. Sự tham gia của người khuyết tật đã được ghi nhận trong phương châm của CRPD, “Không có gì về chúng tôi nếu không có chúng tôi”. Việc đưa người khuyết tật vào quá trình ra quyết định là một giải pháp để giải quyết các vấn đề liên quan đến người khuyết tật. Và một khi được trao quyền, người khuyết tật chính là động lực để nâng cao và xóa bỏ những rào cản để phát triển toàn diện và bền vững hơn, mang lại lợi ích cho tất cả chúng ta; 2. Những người có nghĩa vụ tham khảo ý kiến của người khuyết tật không chỉ về các vấn đề cụ thể của người khuyết tật mà còn cả các vấn đề chính được công chúng quan tâm như biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Phương pháp tiếp cận hòa nhập này có thể đảm bảo sự tham gia đầy đủ của người khuyết tật trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, đặc biệt là trong những hoàn cảnh quan trọng khi tính dễ bị tổn thương của họ dễ bộc lộ nhất; 3. Sự tham gia có ý nghĩa của người khuyết tật đòi hỏi sự quan tâm đúng mức đến nhu cầu tiếp cận đa dạng của họ, đặc biệt là những người bị thiệt thòi nhất, bao gồm phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật, người khuyết tật dân tộc thiểu số, người khuyết tật tâm lý – xã hội, người khiếm thính, khiếm thị hoặc đa khuyết tật . Thông tin, phương tiện và dịch vụ có thể tiếp cận được là những yếu tố giúp người khuyết tật tham gia vào quá trình ra quyết định một cách hiệu quả trên cơ sở bình đẳng với những người khác. Do đó, việc tham vấn với họ về nhu cầu tiếp cận của họ và phân bổ nguồn lực thích hợp cho những hỗ trợ cần thiết là cần thiết để đảm bảo quyền tham gia của họ…

Đại diện UNDP cũng cảm ơn các đại biểu đã tham gia tích cực và đóng góp của các bạn vào nội dung của hội thảo này, cũng như UNDP và Liên hợp quốc trong sứ mệnh cải thiện hòa nhập người khuyết tật của Việt Nam.

Bà Dương Thị Vân, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam,

Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội

Thay mặt Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội phát biểu tại Hội thảo, bà Dương Thị Vân cho biết: Hội thảo là dịp để tổ chức của NKT tham gia cùng đại biểu với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các tổ chức của Liên hợp quốc, đóng góp tiếng nói của mình một cách xây dựng và có ý nghĩa,  nhằm thúc đẩy sự hoà nhập bình đẳng của NKT trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, thực hiện công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT và các mục tiêu phát triển bền vững đến 2030, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Phó Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam nhấn mạnh sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với người khuyết tật Việt Nam, điều đó được thể hiện bằng các chỉ thị, quy định pháp luật, chính sách trợ giúp người khuyết tật nhằm đảm bảo quyền của người khuyết tật cũng như thúc đẩy người khuyết tật hòa nhập bình đẳng và đầy đủ cùng với việc từng bước đảm bảo khả năng tiếp cận đối với người khuyết tật. Có thể kể đến như: Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật; Luật Người khuyết tật; Chỉ thị số 39/2019 của Ban Bí Thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật; Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc,thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”; Tham gia Thập niên châu Á – Thái Bình dương 2013-2022; thực hiện mục tiêu của Chiến lược Incheon đến năm 2022: Hiện thực hoá quyền của NKT; Kế hoạch tổng thể của ASEAN đến 2025 về Lồng ghép quyền của người khuyết tật; Quyết định số 1190 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 cùng các quyết định thực hiện Chương trình của UBND các tỉnh, thành phố;…. Trên cơ sở đó, những thành tựu trong lĩnh vực hỗ trợ hoà nhập khuyết tật của Việt nam đã có những bước tiến đáng kể. Nhận thức của cộng đồng xã hội về hoà nhập khuyết tật đã được nâng cao, các rào cản xã hội từng bước giảm dần, quyền của người khuyết tật ngày càng được bảo đảm tốt hơn. Vai trò của tổ chức NKT đều được khẳng định trong tất cả các văn bản này.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội cũng nhấn mạnh pháp luật và các chính sách đối với người khuyết tật của Việt Nam ngày càng tiệm cận với Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật mà Việt Nam đã cam kết thực hiện khi phê chuẩn.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các bài tham luận của các đại diện đến từ UNDP, Viện nghiên cứu phát triển cộng đồng ACDC, Liên hiệp hội người khuyết tật Châu Á cũng như cùng nhau thảo luận các nội dung nhằm nêu lên thực trạng và  giải pháp để qua đó có những khuyến nghị đối với cơ quan chức năng đảm bảo tăng cường sự tham gia có ý nghĩa của người khuyết tật vào quá trình xây dựng, thực hiện và giám sát pháp luật.

Mong muốn rằng, qua những Hội thảo như thế này, các đại biểu sẽ có thêm nhiều kiến thức, hiểu rõ hơn về Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật cũng như pháp luật và chính sách đối với người khuyết tật Việt Nam. Qua đó có những ý kiến góp ý chính xác, thiết thực, hiệu quả và phù hợp…

Hải Phong

Bài viết liên quan

Picture1

HỘI NGHỊ TẬP HUẤN VÀ TRAO ĐỔI, CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỀ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

vn lsu 1

40 năm rực rỡ – Liên hoan văn nghệ Luật sư Hà Nội

clip_image001

NHẬN THƯƠNG YÊU ĐỂ SẺ CHIA THƯƠNG YÊU

Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đọc diễn văn khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng

Hình ảnh tại chương trình

Nam Định: Trao học bổng cho học sinh vượt khó

bí thư tỉnh ủy

Nam Định: Công bố quyết định thành lập Đảng bộ thành phố và Đảng bộ các phường sau sáp nhập

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang