(ĐHVO). Thực hiện kế hoạch trợ giúp pháp lý (TGPL) trong hoạt động tố tụng, năm 2020, Hội đồng phối hợp liên ngành (PHLN) về TGPL trong hoạt động tố tụng tỉnh Thái Nguyên đã chủ động xây dựng, ban hành kế hoạch về TGPL trong hoạt động tố tụng của tỉnh; tiếp tục chỉ đạo các ngành thành viên của Hội đồng triển khai thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Thông tư liên tịch số 10/2018 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao (Thông tư liên tịch số 10/2018) quy định về thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng, Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên đã thường xuyên chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý (đơn vị trực thuộc) tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thực hiện TGPL cho các đối tượng. Mặc dù năm nay do ảnh hưởng chung của dịch bệnh Covid-19 nhưng việc phối hợp với các cơ quan tố tụng vẫn được triển khai, đảm bảo cho công tác điều tra, truy tố và xét xử được thực hiện đúng theo quy định.
Tuyên truyền pháp luật và TGPL hưởng ứng ngày pháp luật 9/11 tại xã Bình Long huyện Võ Nhai tỉnh Thái Nguyên được Trung tâm Trợ giúp pháp lý của tỉnh tổ chức vào ngày 6/11/2020
Chỉ tính trong 10 tháng (từ 01/01/2020 đến 31/10/2020), công tác TGPL trong hoạt động tố tụng đã thực hiện được 436 vụ việc (tăng 7,4% so với năm 2019), trong đó thụ lý mới 274 vụ việc. Cụ thể: Lĩnh vực hình sự 238 vụ việc (bào chữa 195 vụ việc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp 43 vụ việc), lĩnh vực dân sự 35 vụ việc, lĩnh vực hành chính 01vụ việc; các trợ giúp viên thực hiện 157 vụ, luật sư thực hiện 117 vụ.
Ông Vũ Văn Chính, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý tại buổi tập huấn dành cho Người khuyết tật Thành phố Thái Nguyên tháng 7-2020
Chia sẻ với chúng tôi, Ông Vũ Văn Chính, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý thuộc Sở Tư pháp Thái Nguyên cho biết: Phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ, năm 2020 Trung tâm đã làm tốt vai trò là đầu mối liên hệ, trao đổi thông tin và trực tiếp phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc phát hiện, giới thiệu người được TGPL và cử người thực hiện TGPL tham gia tố tụng. Trong quá trình tham gia tố tụng, trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm luôn chú trọng việc tiếp xúc với người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và các đương sự khác để làm rõ nội dung vụ việc, đảm bảo tính khách quan của vụ án; 100% vụ việc tham gia tố tụng đã hoàn thành đều được thẩm định. Hầu hết các vụ việc do trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện đều đạt kết quả tốt, đảm bảo về thời gian cũng như bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL. Chất lượng bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho đối tượng được TGPL của các trợ giúp viên pháp lý ngày càng được khẳng định, góp phần nâng cao chất lượng và trách nhiệm giải quyết các vụ án của cơ quan tố tụng các cấp, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp oan sai, giảm bớt kháng cáo, kháng nghị.
Trong quá trình thụ lý giải quyết vụ việc, vụ án, các cơ quan thành viên của Hội đồng PHLN về TGPL trong hoạt động tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thực hiện trách nhiệm giải thích về quyền được TGPL; tích cực phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý trong việc cử người thực hiện TGPL, tham gia tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL. Năm nay, các cơ quan tiến hành tố tụng đã phối hợp chuyển 241 vụ việc đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý (trong đó Cơ quan điều tra 213 vụ, Viện kiểm sát 01 vụ và Tòa án 27 vụ); người được TGPL từ các nguồn khác 33 vụ.
Người có thầm quyền tiến hành tố tụng đã bảo đảm cho người TGPL thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã phối hợp thực hiện tốt việc phát hành các văn bản như: Thông báo đăng ký bào chữa, đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, giao các văn bản tố tụng khác như: quyết định khởi tố bị can, kết luận điều tra, cáo trạng, quyết định đưa vụ án ra xét xử, bản án… đảm bảo đúng trình tự, thủ tục và thời gian quy định; tạo điều kiện thuận lợi cho người thực hiện TGPL được gặp gỡ, tiếp xúc với bị can, bị cáo, đương sự; nghiên cứu hồ sơ vụ án và tham gia các hoạt động tố tụng khác… Trong năm, không có trường hợp nào các cơ quan tố tụng từ chối việc đăng ký bào chữa, đăng ký người bảo vệ hay hủy bỏ việc đăng ký bào chữa của người thực hiện TGPL.
Việc niêm yết Bảng thông tin về TGPL tại trụ sở làm việc của các cơ quan tiến hành tố tụng đã được quan tâm thực hiện. Trong các chương trình tập huấn nghiệp vụ, các cơ quan tố tụng đã chỉ đạo lồng ghép nội dung hoạt động phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng đến các cán bộ, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán; phối hợp với ngành Tư pháp mở các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ điều tra nhằm tăng cường năng lực cho người thực hiện TGPL tiến hành tố tụng.
Nói về định hướng công tác trong thời gian tới, bà Vũ Thị Lệ Hằng, Chủ tịch Hội đồng PHLN về TGPL trong hoạt động tố tụng, Giám đốc sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên cho biết: Để công tác phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng được hiệu quả hơn, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho Hội đồng tổ chức quán triệt và triển khai Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, các văn bản hướng dẫn thi hành và Thông tư liên tịch số 10/2018; đồng thời đẩy mạnh mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhằm đảm bảo mọi người đều được TGPL khi có yêu cầu. Các ngành thành viên tích cực chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp về TGPL; đặc biệt là tăng cường trách nhiệm của người tiến hành tố tụng, cơ sở giam giữ trong việc thực hiện các hoạt động phối hợp, giải thích, hướng dẫn về quyền TGPL. Cùng với duy trì hoạt động, các ngành thành viên sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát theo thẩm quyền và kịp thời báo cáo kết quả cho Hội đồng để hướng dẫn, giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
Số người được TGPL trong 10 tháng năm 2020: Người nghèo là 16; người có công với cách mạng là 10; người dân tộc thiểu số cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn là 110; người vừa thuộc hộ nghèo vừa là người dân tộc thiểu số là 02; trẻ em là 44; người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là 66; người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo là 20; người khuyết tật và người bị nhiễm chất độc da cam có khó khăn về tài chính là 06. |
Đỗ Thị Thìn