Tăng cường phối hợp liên ngành về phòng, chống xâm hại trẻ em

Để thực hiện tốt công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, cần có sự vào cuộc và phối hợp của cấp ủy Đảng, chính quyền, cộng đồng, gia đình và chính các em.

Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ủy ban quốc gia về trẻ em để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, điều phối giữa các bộ, ngành; phối hợp giữa các địa phương trong việc thực hiện quyền của trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em. Đặc biệt, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em lần đầu tiên với 675 điểm cầu và khoảng 18.000 đại biểu tham dự từ Trung ương đến cấp xã. Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, quán triệt việc tăng cường quản lý nhà nước về công tác bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em.

Tăng cường phối hợp liên ngành về phòng, chống xâm hại trẻ em - Ảnh 1.

Trẻ em thể hiện mong muốn được giáo dục các kỹ năng để phòng, chống xâm hại.

Trước những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội, Ủy ban quốc gia về trẻ em và Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ban hành nhiều văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố, các cơ quan liên quan ở Trung ương và địa phương về việc chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em.

Đồng thời, phối hợp để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em từ phòng ngừa, phát hiện, giải quyết vụ việc đến hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em và xử lý nghiêm khắc hành vi xâm hại trẻ em. Chủ động phối hợp trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, từ đề xuất, tham gia soạn thảo, lấy ý kiến góp ý, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ LĐ-TB&XH kịp thời hướng dẫn những chủ trương, nội dung mới, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh; ghi nhận và biểu dương những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong triển khai thực hiện phòng, chống xâm hại trẻ em. Trên cơ sở đó, UBND các tỉnh, thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai, thực hiện công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em.

Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành  trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 – 2025; phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động “Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em”; phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động chiến dịch “Hành động vì trẻ em”.

Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo đảm an ninh, an toàn trường học và phòng, chống bạo lực học đường tại 650 điểm cầu trực tuyến với sự tham gia của gần 20.000 đại biểu từ Trung ương đến địa phương và hiệu trưởng các nhà trường, chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hướng dẫn phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác trong ngành giáo dục, xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong thời gian tới là “không để xảy ra các vụ việc bạo lực học đường ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự trường học, an toàn của cán bộ, nhà giáo và người học”.

Triển khai, tổ chức hoạt động và tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm cho học sinh, sinh viên. Hướng dẫn, khai thác, sử dụng internet, mạng xã hội một cách hiệu quả, phòng, chống xâm hại trẻ em và bạo lực học đường.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng kế hoạch thực hiện, huy động nguồn lực, nâng cao năng lực, trao đổi thông tin, thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phòng, chống bạo lực gia đình, mua bán người. Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc liên quan đến quyền con người nói chung, quyền của trẻ em nói riêng.

Đồng thời, triển khai thực hiện kế hoạch chuẩn bị gia nhập Công ước La Hay năm 1980 về khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em quốc tế giai đoạn 2018 – 2021, bao gồm các hoạt động về rà soát pháp luật, đánh giá chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, tuyên truyền phổ biến Công ước và pháp luật Việt Nam.

Bộ VH-TT&DL làm đầu mối triển khai có hiệu quả công tác phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định. Từ năm 2017, các bộ, ngành đã họp theo định kỳ 6 tháng, 1 năm để đánh giá những kết quả đạt được và xây dựng nhiệm vụ, giải pháp cho thời gian tới. Trong đó, tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em trong gia đình gây bức xúc dư luận được các bộ, ngành quan tâm và đưa thành nội dung quan trọng của công tác phòng, chống bạo lực gia đình của từng bộ, ngành.

Theo Báo Điện tử Dân Sinh

Bài viết liên quan

Picture9

Lễ ra mắt Công ty Cổ phần Phát triển Hướng Dương Việt: Hiện thực hoá ước mơ cho những vầng trăng khuyết

Picture1

Cần tăng cường tính đại diện và tiếng nói của người khuyết tật trong các cơ quan dân cử

Picture2

Chương trình “Hành trình cuộc sống” trao tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của thành phố 140 xe đạp và nhiều phần quà tặng

Picture1

Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”

Picture1

Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình: 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu thi đua “Hai tốt”

Picture1

Khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Tưng bừng Đêm đại nhạc hội chào đón tân sinh viên “FPS 2024 – Time Capsule”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang