GS -TS Trình Quang Phú muốn gửi lời cảm ơn đến khoảng thời gian khoác chiếc áo xanh vì đã cho ông cơ hội được làm bạn, không chỉ một vài năm, mà là cả cuộc đời…
Đó là một ngày đầu tháng 3 xao xác gió. GS – TS Trình Quang Phú ngồi ở bàn làm việc trong Viện nghiên cứu khoa học Phương Đông giữa lòng Sài Gòn. Uống ngụm trà nóng, tay gấp vội trang sách còn nghiên cứu dang dở, ông nghiêng nhìn người mới gặp, rồi mỉm cười nói chuyện. Không biết gọi Giáo sư “vai” nào sẽ đúng, nhưng được gặp ông rồi chỉ muốn gọi là bác Tư Cảnh – một người dung dị, một con người hòa trong mọi người!
Người lính ấy bao năm rồi vẫn vậy, vẫn “rất đời” dù người đối diện có tỏ ra nghiêm túc như thế nào. Mà ông bảo, ông muốn vậy! Cuộc đời này đã đủ nhọc nhằn, gian truân lắm rồi.
Giáo sư, tiến sĩ Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
Ngược dòng thời gian, vào những năm 50, khi đất nước bước vào giai đoạn gay go, khốc liệt nhất, cậu bé Phú thương Cha, cảm phục trước các chú đã phấn khởi lên đường, khoác lên mình chiếc áo xanh ra chiến trường. Dẫu vẫn biết chiến trường khốc liệt, nơi ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh; Song cũng từ nơi ấy, đã thêu dệt ra cho ông một bức tranh cuộc sống đậm chất tình.
Từ ngày tham gia chiến trường, ông bén duyên với nghiệp làm báo, viết văn. Ông Trình Quang Phú say mê và cần mẫn trên cánh đồng chữ nghĩa. Dễ nhận ra, ông rất có duyên khi viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh tụ, các nhà hoạt động cách mạng tiền bối của Đảng và Quân đội ta, những câu chuyện thấm bao mồ hôi và cả máu của các chiến sĩ. Các tác phẩm của ông như thổi một làn gió mới vào thị trường đang hiếm người viết lẫn người đọc. Đó là sự tâm huyết và công phu để làm hiện lên chân dung của những tên tuổi lớn bằng một văn phong giản dị đủ lắng sâu.
Ngày đó, đời sống khó khăn ít người quan tâm tới văn chương, chữ nghĩa. Như để thể hiện được nỗi nhớ quê của một người con xa xứ, cũng là bày tỏ niềm cảm phục trước các nhân vật lịch sử, ông trải tình mình vào những con chữ. Cứ thế, ông bắt lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong đời rồi làm sống dậy câu chuyện đó. “Lớn hơn một công việc, Trình Quang Phú gọi đó là nơi để ông tựa vào giữa những thăng trầm của cuộc đời; Bởi “cái gì cũng qua đi chỉ tình là còn là mãi mãi.” – Giáo sư trầm ngâm nói.
Với bất kỳ ai đã gắn bó với cách mạng hẳn đều cảm thấy sự hào sảng trong lòng. Ông cũng thế! Nhưng ông tự nhận mình là người may mắn, được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều nhân cách lớn để rồi hay hoài niệm về quê hương.
…Cho đến “uốn mình” theo dòng chảy thời gian
Sau 20 năm làm việc ở miền Bắc, Giáo sư trở về Phú Yên khi đất nước đã hoàn toàn giải phóng. Thấy cảnh chiến tranh tàn phá quê hương làm cho kinh tế khó khăn, khiến ông trăn trở và nghĩ cách làm sao cho quê mình thoát nghèo. Rồi ông nhớ tới Luật sư, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ một người luôn xem Phú Yên là quê hương thứ 2 của mình. Bức thư cuối cùng trong đời Luật sư, Chủ tịch gửi Thủ Tướng là câu chuyện trăn trở về Phú Yên khiến ông như muốn bừng sáng với vai trò mở đường. Phải thế thôi, để xứng đáng với “nghĩa tình đó, trách nhiệm cao cả đó, sâu đậm và cách mạng biết bao…”
Những điều ấy thôi thúc trong lòng ông ngày càng lớn. Sau bao lần suy nghĩ, trăn trở, ông mạnh dạn làm kinh tế như là một bài toán rõ ràng, thiết thực nhất để có thể giúp đỡ quê hương mình. Công trình mang tên Sao Việt chính thức đặt những viên gạch đầu tiên từ năm 2004. Khu du lịch này tạo dựng trên Núi Thơm, từ đó đến nay, đã trải qua một vài thời điểm khó khăn nhưng Giáo sư Phú vẫn gắn bó trung thành với quyết tâm đã đặt ra. Giáo sư nhận mình luôn giữ được ngọn lửa vì quê hương là điều cuối cùng mà ông nghĩ về. Giờ đây Sao Việt đã xanh tươi, có hoa thơm bướm lượn, còn vinh dự nhận danh hiệu khu du lịch 5 sao.
GS – TS Trình Quang Phú cùng hội đồng hương Phú Yên, Ban liên lạc sinh viên Phú Yên tại Tp. HCM họp bàn các dự án giúp đỡ quê hương
Có thể giữ được xúc cảm riêng, bản lĩnh riêng với một thời đoạn trong cuộc đời dù đã đi qua gần nửa thế kỷ là khả năng thiên bẩm của giáo sư Phú. Nhưng một vài điều bỏ ngỏ rằng nếu chỉ nghiên cứu khoa học, viết báo thì liệu có thể giúp đỡ quê hương nhanh chóng? Trình Quang Phú là một nhà nghiên cứu khoa học, nhà báo, hơn ai hết, ông biết điều đó và biết mình nếu muốn hoàn thành khát vọng cho quê hương thì phải “uốn mình”.
“Có nhiều người cũng gọi tôi là doanh nhân, nhưng tôi làm việc này vì nghĩ nếu nói yêu quê hương thì nhiều người nói được. Tôi thay đổi mình làm kinh tế để có thể giải quyết được phần nào công việc cho bà con địa phương. Còn bởi Phú Yên tôi có biển đẹp, cánh đồng ngan ngát lúa làm sao mà nỡ lòng không giới thiệu đến bè bạn khắp muôn nơi. Chứ chất chứa trong con người Trình Quang Phú vẫn là cách mạng, là cánh đồng chữ nghĩa mà thôi” – Giáo sư nói.
Trăn trở của người con đất Phú
Để cái tình trải dài, hơn 20 năm qua, GS.TS Trình Quang Phú cùng với các cộng sự đã miệt mài tích góp quỹ cho quê hương, chỉ mong người dân không phải lo lắng bữa cơm, trẻ em thoải mái được đến trường.
GS – TS Trình Quang Phú luôn quan tâm đến các hoạt động khuyến khích tinh thần hiếu học của thế hệ sinh viên Phú Yên
Cứ thế tình thương nối tiếp tình thương, mọi người tín nhiệm ông làm chủ tịch Hội đồng hương Phú Yên ở Tp. HCM. Từ đó, ông kết nối và tổ chức nhiều hoạt động đễ hỗ trợ các em học sinh – sinh viên khó khăn trong tỉnh.
GS – TS Trình Quang Phú cho rằng yếu tố quan trọng nhất để quê hương phát triển bền vững chính là con người. Vì vậy, cứ thế 27 năm qua khi dịp hè đến, ông cùng hội đồng hương lại tổ chức lễ hội truyền thống để các em có dịp gặp gỡ, giao lưu. Nhân cơ hội đó, ông tổ chức lễ khen thưởng cho những sinh viên Phú Yên có thành tích xuất sắc, học giỏi vượt khó.
Giờ đây, khi vừa bước tới mùa xuân 80, ông đã hạnh phúc với nhiều công trình để đời gói gọn trong một chữ TÌNH. Từ công trình nghiên cứu khoa học, các tác phẩm văn chương cho tới khu du lịch Sao Việt và những việc làm tốt đep cho quê hương. Đó là sợi dây kết nối tâm hồn ông với mọi người, là minh chứng cho sự tồn tại vượt thời gian.
Tiền bạc, danh vọng, gia đình ông cũng đã đủ. Nhưng cái đủ đầy nhất trong GS – TS Trình Quang Phú lúc này có lẽ là một tâm hồn cách mạng trọn vẹn!
Giáo sư, Tiến sĩ Trình Quang Phú sinh năm 1940 tại xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Năm 12 tuổi, ông tham gia cách mạng, làm chiến sĩ liên lạc. Năm 1954, hòa bình lập lại, ông tập kết ra Bắc, học tập dưới mái trường xã hội chủ nghĩa và trở thành nhà khoa học cho đến ngày nay. Ông hiên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển phương Đông. Trong lĩnh vực Văn học – Nghệ thuật, Ông là một nhà báo, nhà văn, có hơn 20 tác phẩm nổi tiếng được xuất bản và tái bản nhiều lần, tiêu biểu như: Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng (tái bản 16 lần); Đường Bác Hồ đi cứu nước (tái bản 12 lần); Sa Vĩ Cà Mau; Còn với non sông một chữ tình; Người con gái Tuy Hòa… Ngoài ra, ông còn là Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Sao Việt, Chủ tịch Hội đồng hương Phú Yên tại Tp. Hồ Chí Minh. Năm 2016, GS – TS Trình Quang Phú vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.
|
Kiều Oanh