Tâm Thức dân gian Việt Nam với Lễ Tết dân tộc cổ truyền

(ĐHVO). Tết đến xuân về là lúc người người nhà nhà đoàn tụ, nhen nhóm lên những mong ước, những tin yêu. Di sản Tết cổ truyền là một di sản quan trọng trong đời sống văn hóa dân tộc Việt. Nhân dịp Tết Tân Sửu 2021, chúng tôi có cuộc trò chuyện với GS.TS. NGƯT Vũ Anh Tuấn – chuyên gia nghiên cứu văn hoá dân gian, GVCC Khoa Ngữ Văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để hiểu sâu hơn về điều này.


GS.TS. NGƯT Vũ Anh Tuấn

PV: Tết Nguyên Đán là một trong những nét đẹp văn hóa mà dân gian đã gìn giữ và lưu truyền trong suốt hàng ngàn năm qua. Xin GS cho biết Tết Nguyên đán có nguồn gốc từ đâu?

GS.TS.Vũ Anh Tuấn:

Ở Việt Nam, trong nửa cuối thế kỷ XX, ít nhất đã có ba thế hệ các nhà khoa học gia công lội ngược dòng tìm về cội nguồn. chúng ta đã làm sáng lên được từ trong sâu thẳm quá khứ một nền văn hoá – văn minh cơ tầng Việt cổ bền vững, mà đỉnh cao của nó là sự thành tạo nhà nước âu – Lạc, quốc gia cổ đại xuất hiện sớm nhất ở Đông Nam Á. Nền văn hoá cơ tầng ấy đã từng toả ánh trên phức điệu Đồng cổ Đông Sơn, và hiện hình dần lên trong các mô típ hành động – tâm linh, cấu trúc thành hệ thống lễ hội cổ truyền Việt Nam, mà các nhà nghiên cứu gọi là “Lễ hội nông nghiệp”, sản phẩm và biểu hiện của nền văn minh nông nghiệp ruộng nước.

Để có được một hội Xuân như Tết cả (nguyên đán), một hội Thu như Tết trông trăng, ngưòi Việt cổ xưa đã phải thường nghiệm và lựa chọn từng thiên kỉ trên mảnh đất nóng ẩm, mưa nhiều và có hai mùa gió đặc trưng, nơi cây trái cỏ hoa cũng nhiều như giông bão. Làng định cư trồng lúa nước cùng cây có củ và bầu bí ra đời. con người một nắng hai sương xay giã dần sàng từ đấy, buồn vui cùng hạt lúa. Khi đầu, người ta thuần dưỡng cây lúa nếp (Nhớ gia tiên cúng cơm nếp, xôi nếp), khi sau là cây lúa tẻ (cơm tẻ mẹ ruột). Nhưng ai biết từ giọt nắng đầu tiên vừa toả chiếu, từ hạt lúa đầu tiên vừa căng sữa nhú mầm, các món thức chè kho, bánh gio, bánh giò, bánh dợm, cơm lam, kẹo lạc, kẹo vừng, bánh đa vừng ngào mật ngày 23 tháng chạp đến những chiếc bánh chưng xanh buộc lạt hồng điều là cả một “biên niên sử” đã từng diễn ra trên đất nước của các nàng Tấm, chú Sọ Dừa, chàng Sơn Tinh và cậu bé làng Dóng.

PV: Vậy xin GS có thể trao đổi chi tiết hơn về tâm thức dân gian với Lễ tết dân tộc cổ truyền ở nước ta xưa nay đã được quan niệm như thế nào?

GS.TS.Vũ Anh Tuấn:

Từ sơ kì đá cũ, do điều kiện địa nhiệt ẩm đã bắt đầu khiến con người để tồn tại phải thích nghi bằng cách hái lượm trội vượt hơn săn bắt. Đến khúc dạo đầu cuộc cách mạng đá mới Việt cổ, giữa sinh cảnh phồn tạp của thế giới muôn ngàn cây lá, trồng trọt đã trở thành nghề chính của con người, vượt trội hẳn nghề chăn nuôi vốn gặp nhiều dịch bệnh (ẩm ướt và nóng lạnh thất thường). Cuộc sống định cư với kỹ thuật trồng ướt nương theo mùa vụ định hình. con người trong bão giông lũ lụt thường xuyên trên ruộng đồng, nương vườn, gò bãi, từ thung lũng chân núi đến các châu thổ sinh lầy, từ phái nam sông Dương tử đến thung lũng sồng Hồng đã phải tự thích nghi bằng việc tụ cư thành làng xóm “tối lửa tắt đèn có nhau”. Đê chưa đắp, nước lụt thì lút cả làng. Người đi đắp đê, thương người như thể thương thân. Khi ốm, một con ngựa đau cả tàu chê cỏ. Khi đói, lá lành đùm lá rách. Khi rét, thân cò cũng như thân chim. Thế là từ một gia đình thành đại gia đình, từ “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, chuyển hoá thành “bầu ơi thương lấy bí cùng”. Đến khi làng đã có bốn bề tre xanh thành luỹ, trong lao động tự do bay lượn, kỹ thuật chế tác đồ đồng nhanh chóng phát triển, liên minh bộ lạc ra đời. Nhà nước sơ khai với kinh đô Phong châu và danh xưng Hùng Vương (Pò Khun) đã hình thành từ 3000 năm về trước. cái tôi tập đoàn, cái vô thức tập thể đã trở thành đạo lí cộng đồng. Gió giông lụt bão từ đấy đã có voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hổng mao để cho Sơn Tinh thắng cuộc, dâng núi làm đê ngăn sông xả lũ. Giặc dã càn lướt, từ đấy đã có trai chín họ mười làng cùng gạo, cà, tre, sắt nuôi cậu bé Dóng bỗng chốc trở thành anh hùng. Giặc nước đuổi xong rồi, trời xanh thành tiếng hát. Người ta đã là hoa đất. Một nền văn hoá làng xóm đã được tích hợp trên luống cày và bên bếp lửa. Đêm đêm trong những ngôi nhà sàn mái cong, ngưòi xưa đã bắt đầu truyền đi những câu chuyện cổ, để người hôm nay cảm thức: Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi; đất nước là đất và nước nhưng cũng là đất nước. Đất thấm nước nuôi cây. Nước phá đất, đất chặn nước. Đất quí thành tiên bay lên từ hang động. Nước quý hoá rồng uốn lượn giữa sông sâu sóng cả. Sống đời ở kiếp với cây lúa, cây khoai, bông, kê, củ kiệu… mùa nào thức ấy nhưng cũng lắm khi thất bát. Người xưa phải làm ra lịch tiết nông nghiệp. câu ca “nhất thì nhì thục” nhắc nhủ nhau: năm đi và tháng trôi, phải biết lo xa và tích trữ, làm lụng và nghỉ ngơi nương theo mùa vụ. Khi thời vụ thì phải dốc lòng cả tập đoàn cùng nhau hai sương một nắng. Khi nông nhàn thì cả tập đoàn cùng nhau vui chơi, buông xả. con người của nền văn minh nông nghiệp ruộng nước phải trông trời, trông đất, trông mây và lượng sức mình “chân cứng đá mềm” để hoà điệu với tự nhiên, điều khiển nhịp sống theo nhịp điệu mùa màng.

Ảnh Minh họa (Nguồn: Internet)

PV: Lễ tết cùng các lễ hội khác ra đời từ đấy. Ngoài ra, theo văn hoá dân gian, Tết có bao hàm những ý nghĩa gì đặc biệt không, thưa GS?

GS.TS.Vũ Anh Tuấn:

Mỗi lễ tết là một nét son tô điểm vào cuộc sống cổ truyền của ông cha chúng ta từ khi nông nghiệp đã trở thành sinh nghiệp theo chu kì thời gian khép mở. Lúa đã biết theo người chín đúng hai mùa thì hè và đông bận rộn để xuân và thu nhị kỳ người ta mở hội. xuân mở đầu một năm theo lịch ông Giăng, trong lất phất mưa bay, người ta cùng dọn cỗ bàn bằng sản phẩm nhà nông bày cúng trời đất tổ tiên, cầu mưa thuận gió hoà suốt cả năm mới, trai gái rủ nhau chơi đu, ném còn, ví đúm, kéo co. Sang tháng giêng rét dài, tháng hai rét lộc, cây khoai, cây đậu, cây cà ngậm sương trổ hoa đọng củ, cây lúa mơn mởn thì con gái đợi mưa rơi xuống ngọn thì cũng là lúc người đợi cây lúa trổ đòng. Nông nhàn giữa hai thời đoạn làm ăn. Thanh minh trong tiết tháng ba, nhưng phải là đầu tháng để phường trai làng còn tranh thủ lên rừng, xuống bể. chẳng mấy thời gian, họ đã trở về trong câu hát “Ngày đi lúa chửa so vè, ngày về lúa chín đỏ hoe khắp đổng”. Gặt hái vào mùa. Lúa tháng năm kén tằm vằng óng. Nhưng trước khi xuống đồng chạy đua với bãọ gió vào mùa, nhà nông phải chiết sâu bọ để chống “bệnh thời khí’ bằng các loại quả hái sau mùa xuân căng mọng chua chát và căng mọng gì bằng hạt gạo nếp cái ngọt lừ trong bát con rượu trắng sữa. Tháng sáu, cấy chạy lụt. Tháng bảy mài mại cây lúa non. Tháng tám lúa chửa đòng đòng. Lại giữa hai thời đoạn nông nhàn, người ta bày cỗ trông trăng. Trai gái mở hội hát trống quân “Tháng Tám anh đi chơi xuân, đồn đây có hội trống quân anh vào”. Người già mổ trâu bò tế thần đất cầu an giải hạn. Bọn trẻ rước đèn ông sao. Tháng mười gặt hái vừa xong, người người nấu cơm để tự thưởng công cày cấy. Trai núi đi săn, gái xuôi giã cốm. Đến tháng một chạp khi giá lạnh ùa về thì nhà nông đã “nên công hoàn toàn”. Xuân sinh, hạ trưởng, thu thụ, đông tàng. Tết cả lại đợi người. còn người trong gió se se lạnh, sương mù lãng đãng, mây đục ủ ê, nằm canh thóc đợi xuân sang. Mùa đông hanh heo mà lòng người yên tâm đến vậy vì nhà nông biết rõ lắm trong những cái cây ủ lá kia đang căng nhựa ứ mầm. cây lúa được cắm xuống trong rét mướt, đợi mưa xuân phơi phới bay.

cũng vì lẽ ấy mà niềm vui lễ hội Việt cổ thiêng liêng nhất vẫn đọng vào tết cả, tết cả mở đầu trong toàn bộ chuỗi dây chuyền kết thúc một chu kỳ để mở ra một chu kỳ mới. Trước thềm xuân, con người ở giữa hai dòng suy tưởng về cái thực đã có và cái mơ sẽ có. Lẽ tự nhiên, đời thường trải năm dài tháng rộng đến cái thời đoạn năm sắp cùng, tháng sắp tận, trong cái thực đã có không chỉ là niềm vui gặt hái bội thu mà còn có cả nhấp nhô trồi sụt vì mưa chẳng thuận, gió chẳng hoà, cũng như những xóc nảy đời thường tranh cạnh, có lúc cơm chưa lành, canh chưa ngọt; Khát vọng năm mới với ý muốn bằng mười năm cũ đã làm nảy sinh lời chúc phúc. Và cùng với những lời đẹp đẽ trao nhau, ngưòi ta cũng không quên lời thiêng bái vọng ơn nghĩa trời đất tổ tiên. Tháng giêng ngày trước, người ta có đi ngược về xuôi cũng phải nhớ câu “Tháng giêng ăn tết ở nhà”. Trong khói hương ấm áp, lòng người mở rộng. Nếu trong năm có điều chẳng được như ý thì sự ấy sẽ được giải toả bằng một tết cả tràn đầy tinh thần cộng cảm. cỗ bàn tết lớn cũng không bằng tiếng chào cao hơn mâm cỗ. Lối sống duy tình duy nghĩa có từ ngày tạo dựng nên làng xóm, đến ba ngày tết cả lại có dịp hiển hiện lên trong lễ thức dường như được mới mẻ lại từ đầu. Thật là vui như tết. Trong không gian an lạc, trong thòi gian thiêng liêng, một niềm vui lâng lâng trong tâm tưởng con ngưòi lan toả khắp đất tròi, cỏ cây tạo vật như được lùi về thời điểm bình minh trước tạo thiên lập địa để lại bắt đầu từ khoảng khắc giao thừa (giao thời), mọi thức hôm qua sẽ đều cùng người mới lại thành cái hôm nay. chỉ có tết cả, mới làm cho mọi điều không muốn có được rũ sạch bỏ vào năm cũ. chỉ có tết cả, mới làm cho mọi ước muốn chưa thành có dịp được nhen lên, phập phồng hi vọng. câu chuyện tết cứ thầm thì mùa xuân như thế suốt xưa sau.

PV: Theo GS, thủ tục nghi lễ cho Tết cần phải thực hiện theo trình tự như thế nào để không “mất thiêng”?

GS.TS.Vũ Anh Tuấn:

Trước tết Nguyên đán mấy ngày, nhà nào cũng dọn dẹp bàn thờ, lau rửa, quét dọn nhà cửa, trang hoàng tu sửa từ trong nhà ra đến ngoài ngõ. Ngày 23 tháng chạp là lễ tiễn Ông Táo lên Trời (cúng cá chép, mũ áo, hia, vàng hương, rượu). Lễ cúng tất niên (lễ hết năm) thường được tiến hành vào ngày 30, bây giờ thường làm sớm hơn giao thừa một đến hai ngày. cúng tất niên rồi thì là bắt đầu thắp đèn hương suốt ba ngày tết với mong muốn đón rước nứu giữ tổ tiên cùng các vị anh linh về phù trợ. Và cùng với những lời đẹp đẽ trao nhau, xưa nay còn có tục mừng tuổi đầu năm mới, tục Tế Tổ tại Từ đường sáng mùng 3, tục hóa vàng tại nhà huynh trưởng chiều mùng 3 tết như thể đã có lễ mừng gặp gỡ rồi nên lại phải có lễ để chia tay, tiễn biệt, sau đó còn có tục chúc thọ ngày 4 tết, tiếp đó là các lễ khao cây, động thổ, xuống đồng…. Trong giao lưu ngày tết, ngưòi ta cũng không quên lời thiêng bái vọng ơn nghĩa trời đất tổ tiên. Trong khói hương ấm áp, lòng người mở rộng. Thời nào, nhà nào cũng sẽ có một lớp người, một nhóm người đến một độ tuổi tác nào đó, sau một đời “ xa quê” sẽ lại trở về để nối dài những phong tục truyền đời như lẽ thường vẫn thế. Tất nhiên, thời gian vô thường, rồi cái gì cũng có thể có thay đổi chứ, nhưng có lẽ không có gì thay đổi mà lại hết sức từ từ chậm chạp chứ không thể có đột biến như phong tục ngày Tết – mặc cho tôi hay các bạn đã có lúc vì một lý do nào đó đã muốn như thế.

PV: Guồng quay của cuộc sống hiện đại khiến việc gói bánh chưng ngày tết không còn như trước. Nhiều gia đình không có điều kiện chẻ lạt, vo đỗ, rửa lá dong để hưởng không khí Xuân trọn vẹn. Việc gói bánh chưng xanh ngày Tết có ý nghĩa gì đặc biệt?

GS.TS.Vũ Anh Tuấn:

Phong tục gói bánh chưng, thờ bánh chưng vào dịp Tết như người đời lưu giữ trong truyền thuyết được cho là đã có từ thời vua Hùng Vương thứ sáu. Tục gói bánh chưng có nghĩa đây là thói quen từ lâu đời thể hiện nét đẹp văn hóa của Tết truyền thống, đã nhuần thấm vào trong tiềm thức của mỗi người trong chúng ta. Bánh chưng là biểu tượng ngày Tết mà không có bất cứ loại bánh nào có thể thay thế được. Mỗi dịp Tết cả, mỗi gia đình đều thường tự gói và nấu nồi bánh chưng. Ý nghĩa thì như bạn biết đều đã có trong câu chuyện sự tích bánh chưng bánh dầy, vừa là sự trầm kết và thăng hoa các giá trị tinh túy của văn hóa vật thể của nền văn minh nông nghiệp lúa nước, vừa thể hiện tinh thần cộng cảm, thể hiện triết lý sống theo cái tôi đoàn nhóm mỗi dịp tết đến xuân về. Tuy nhiên, không gian và thời gian văn hóa đương đại đã khác xưa, tôi nghĩ hiện nay người quê cũng có thể không nhất thiết nhà nhà gói bánh chưng nhưng đã là Tết cả thì vẫn nên giữ tục thờ bánh chưng, trên ban thờ vẫn nên có cặp bánh chưng, trên mâm cỗ tết vẫn nên có món bánh chưng.

PV:Trong công tác chuẩn bị Tết, không ít gia đình chú trọng đến tính cổ truyền. Ba lễ trọng ngày Tết: “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy” hiện nay còn đúng không thưa GS?

GS.TS.Vũ Anh Tuấn:

Đây là phong tục Tết. Trước đây thì đúng là phải thực hiện theo như vậy, không ai nghĩ rồi sẽ phải “sáng tạo lại”. Tức là: Sáng sớm ngày mùng một thắp hương, pha chè, bày cỗ cúng gia tiên. cha mẹ, con cháu lần lượt khấn vái trước bàn thờ, rồi quây quần đông đủ chúc thọ ông bà, cha mẹ, mừng tuổi con cháu. Ngày mùng hai là ngày đi lễ và chúc tết bên ngoại tức là bên họ đằng mẹ để tỏ lòng tôn kính, tri ân đối với tổ tiên đã sinh ra bà và mẹ mình. Là người Viêt, chắc không mấy ai trưởng thành mà không nhớ đến câu của miệng “Phúc đức tại Mẫu”, mà đã chắc ai cũng đã hiểu hết ý nghĩa câu tục ngữ “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”! Ngày mồng ba là ngày dành cho thầy học – người dạy dỗ mình nên người. Ngày nay, đương nhiên cái tinh thần ấy vẫn nên tôn trọng gìn giữ, song cách thức thì đã có thể thay đổi do thực tiễn của đời sống xã hội đương đại. Tuy vậy, là người đã có đến nửa thế kỷ làm nghề dạy học tôi nghĩ đây cũng là dịp nên khêu gợi các thế hệ thầy trò, học trò cũ gặp nhau, truyền cho nhau kinh nghiệm sống, làm thế nào để khỏi phụ lòng mong mỏi của thầy đối với trò, gìn giữ cho được tình cảm tôn quý của các thế hệ trò với thầy. Xã hội hiện đại ngày nay còn rất chú ý xây dựng một truyền thống mới là lấy ngày mùng 3 làm ngày các dòng họ quây tụ con cháu về Lễ Tổ xong là mừng thọ và khuyến học, tuyên dương khen thưởng cho các con cháu có thành tích cao. Đây cũng là một cách tôn sư trọng đạo trong thời hiện đại.

PV: Không ít người cho rằng Tết ngày nay là những ngày nghỉ kéo dài. Tết như dịp để nghỉ ngơi “an dưỡng”, là dịp để cùng nhau đi “phượt”. Vậy, chúng ta cần phải “ứng xử” với Tết cổ truyền ra sao để luôn giữ được giá trị văn hoá của dân tộc. Thưa GS?

GS.TS.Vũ anh Tuấn:

Tập quán Tết cổ truyền hiện nay theo tôi vẫn được xem là một dạng tài nguyên văn hóa cần được gìn giữ và phát huy những mặt tích cực, những biểu hiện mang ý nghĩa hài hòa giữa các giá trị mang tính nhân loại muôn thuở với các giá trị bản sắc dân tộc tinh hoa vào cuộc sống đương đại. Trong xã hội hiện đại tôi nghĩ câu tục ngữ xưa vẫn còn nguyên giá trị, rằng “Mỗi cây một hoa, mỗi nhà một cảnh” nên nhà nhà có thể sắm tết, đón tết, ăn tết chỉ trong một ngày giống nhau nhưng vẫn có những cách “chơi tết” khác nhau, song ở đây vẫn có mẫu số chung. Đó là trong không gian an lạc, trong thời gian thiêng liêng, một niềm vui lâng lâng trong tâm tưởng con ngưòi lan toả khắp đất trời, cỏ cây tạo vật, mọi người đều như được lùi về thời điểm bình minh trước tạo thiên lập địa để lại bắt đầu từ khoảng khắc giao thừa (giao thời), mọi thức hôm qua sẽ đều cùng người mới lại thành cái hôm nay. Năm mới là niềm vui mới, là niềm hy vọng mới với những sáng tạo mới, thành tựu mới. Thế nên tôi vẫn nghĩ những nét phong tục Tết cổ truyền của dân tộc là biểu hiện của một tập quán mang tính giáo dục đạo đức và tràn đầy tinh thần nhân văn cao đẹp của dân tộc Việt Nam. Tết là bản sắc dân tộc, là gương mặt văn hoá cổ truyền Việt, các thế hệ cần phải tôn quý và đồng thời còn phải biết làm đầy, làm mới ./.

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Vi Phương

Bài viết liên quan

43

Chuỗi hoạt động chào mừng 70 năm giải phóng thành phố Nam Định

“Tháng 3 giỗ mẹ” – tưởng nhớ Thánh Mẫu Liễu Hạnh

1

Bầu chọn danh hiệu “Vận động viên (VĐV) tiêu biểu và đề cử vận động Thể thao người khuyết tật xuất sắc thành phố Hải Phòng lần thứ 30 năm 2023”

tl-1-5308.jpg

Quảng Bình: Triển lãm về văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số

thoi-3-2228

Ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy xoá mù chữ ở Lạng Sơn

D29031

Giải marathon Quốc gia 2023 xác lập kỷ lục Việt Nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang