Tẩm quất Toàn Phát – điển hình của khởi nghiệp dựa vào nội lực

“Muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Muốn đi xa, hãy đi cùng nhau”. Khi đi một mình, ta sẽ đi được rất nhanh nhất, nhưng khó mà đi xa được, vì thiếu đi sự đồng hành, cùng tiến và hỗ trợ lẫn nhau nếu như đi cả nhóm, nhất là những đồng hành có cùng chí hướng, cùng một mục tiêu với mình. Câu nói này đặc biệt đúng trong trường hợp của cơ sở Tẩm quất Toàn Phát.

Anh Hoàng Văn Lý – Chủ tịch Hội Người mù quận Hoàn Kiếm trong lớp tập huấn của Abilis

Con đường mới và ước vọng cùng tiến

Hội Người mù Hoàn Kiếm là một đơn vị có truyền thống lâu đời trong công tác hỗ trợ, giúp đỡ, tạo việc làm cho người khiếm thị nói riêng, và người khuyết tật nói chung trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Từ những năm 1980, Hội đã xây dựng mô hình sản xuất, gia công biến thế điện. Thời điểm đó là thời “hoàng kim” của Hội, khi có được sự ủng hộ từ phía Nhà nước, nhân lực lớn, thị trường ổn định… Đã có thời điểm, Hội huy động cùng lúc 200-300 người làm việc. Tuy vậy, sau thời kì đổi mới, sản phẩm không còn được ưa chuộng, Hội cũng có những thay đổi, chuyển hướng sang các sản phẩm như chổi đót, sản phẩm thủ công mỹ nghệ… nhưng vẫn chưa tìm ra được một con đường mới thực sự khả thi. Cơ hội học tập, đào tạo và việc làm của người khiếm thị tuy có lớn hơn so với các dạng khuyết tật khác, tuy nhiên vẫn cần có sự nỗ lực và hướng đi cụ thể để tìm ra một mô hình thực sự hiệu quả và có tính lâu dài.

Và rồi cơ sở Tẩm quất Toàn Phát đi vào hoạt động năm 2020, sau khóa tập huấn “Nâng cao vị thế về kinh tế và xã hội cho người khuyết tật Việt Nam” do Quỹ Abilis tại Việt Nam tổ chức.

Ý tưởng xuất phát từ mong muốn của anh Hoàng Văn Lý, Chủ tịch Hội Người mù quận Hoàn Kiếm – tìm được ra một mô hình hiệu quả để tạo việc làm cho người khiếm thị, nâng cao vị thế để giúp họ tự tin hơn, hòa nhập với cộng đồng. Tẩm quất, mát-xa là một công việc dễ đào tạo, lại có lực lượng người có kỹ năng nghề này không nhỏ và hầu hết người khuyết tật đều có thể làm được. Người khuyết tật không chỉ có kĩ năng và năng lực làm nghề, mà việc đào tạo cũng có thể triển khai nhanh chóng và khả thi chỉ với một cơ sở nhỏ. Nhận thấy tiềm năng của lĩnh vực này nhưng anh Lý vẫn trăn trở, tìm cách để triển khai. Anh cũng chia sẻ dự định này của mình với anh Trần Trung Hiếu, một người có chuyên môn, kinh nghiệm giảng dạy tẩm quất, mát-xa…và cùng tham gia lớp tập huấn với mình. Hai người cũng nhau bàn bạc, nghiên cứu, và sau khi tham gia vào khóa tập huấn, Cơ sở Toàn Phát đã được ra đời.

Câu chuyện của cơ sở Toàn Phát cũng là một trường hợp đặc biệt khi so sánh với các cơ sở tẩm quất của người khuyết tật khác trên địa bàn Hà Nội. Bởi lẽ, trước đây cũng đã có các đơn vị hoặc các hộ thành lập cơ sở, nhưng chỉ hoạt động được một thời gian thì không thể quản lý được, phải chuyển nhượng sang cho các cá nhân là thành viên hội hoặc người ngoài. Các cơ sở này đều có những điểm chung về điều kiện thành lập ban đầu như mặt bằng, nhân lực, hỗ trợ từ chính quyền, vốn… tương đối thuận lợi nhưng sau một thời gian thì đều phải chuyển sang cho một bên khác quản lý. Đây là một bài toán khiến anh Lý, anh Hiếu hết sức băn khoăn: “Làm thế nào để có thể duy trì cơ sở hoạt động lâu dài”, “Cần phải làm gì khác với các cơ sở đi trước” …

Rồi câu trả lời đến khi hai anh tham gia các lớp tập huấn của Quỹ Abilis Phần Lan tại Việt Nam trong Dự án “Nâng cao vị thế về kinh tế và xã hội cho người khuyết tật Việt Nam”. Việc tham gia lớp tập huấn này đã giúp các anh có được những kiến thức cơ bản về lên kế hoạch kinh doanh, phát triển sản phẩm. Họ cũng được gặp những người cũng trong hoàn cảnh như mình, cũng có những ý tưởng kinh doanh, nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu… Anh Lý cười: “Ban đầu, anh cũng chỉ có ý tưởng rằng mình muốn mở một cơ sở tẩm quất mát-xa rồi nhận và đào tạo các bạn khiếm thị vào làm, chứ cũng không hề có ý tưởng về cách quản lý, rồi lên kế hoạch kinh doanh, xây dựng sản phẩm như thế nào… Tham gia lớp tập huấn anh thấy mình có động lực hơn rất nhiều”.

Anh Trần Trung Hiếu – người đeo kính đen, một người có chuyên môn, kinh nghiệm giảng dạy tẩm quất, mát-xa chụp ảnh kỷ niệm tại buổi tập huấn Dự án “Nâng cao vị thế về kinh tế và xã hội cho người khuyết tật Việt Nam”

Đi chậm một chút nhưng sẽ đi được xa

Ngay khi bắt tay vào thực hiện ý tưởng, Cơ sở Toàn Phát đã áp dụng các nguyên tắc của Phương pháp tiếp cận phát triển dựa trên nội lực (ABCD). Điều này được thể hiện ở cách họ huy động các nguồn lực một cách sáng tạo và linh hoạt để xây dựng và phát triển cơ sở cũng như khám phá năng lực và thế mạnh của người khuyết tật và các nguồn lực khác nhau có thể sử dụng để hiện thực hoá ý tưởng kinh doanh.

Khi đề cập đến những cách mà người khuyết tật có thể đóng góp vào quá trình xây dựng, phát triển cơ sở và hưởng lợi từ quá trình hoạt động của cơ sở, anh Lý và anh Hiếu sử dụng các công cụ của tiếp cận ABCD để có thể tận dụng các kĩ năng, và nguồn lực hiện có và cơ hội mà chúng mang lại. Ví dụ, công cụ về kĩ năng “Đầu óc, trái tim, bàn tay” của các thành viên được liệt kê ở giai đoạn lên kế hoạch để nâng cao nhận thức về điểm mạnh khác nhau ở mỗi cá nhân: anh Hiếu, người có kinh nghiệm và chuyên môn trong nghề tẩm quất, mát-xa sẽ phụ trách về phần quản lý hoạt động hàng ngày, phát triển sản phẩm, nhân sự. Anh Lý, người đã có kinh nghiệm là Chủ tịch Hội, đã có các mối quan hệ từ trước với các cơ quan đoàn thể, sẽ đảm nhận về phần quản lý chung, đối ngoại hoặc với các nhân viên khác trong cơ sở. Đều là những thành viên, nhân viên của hội người khuyết tật nhưng mỗi người lại có một điểm mạnh, một kĩ năng hoặc năng khiếu riêng, phù hợp với một công việc khác nhau… Công cụ “chiếc xô rò rỉ” được sử dụng để phân tích xem những cơ hội tài chính nào có sẵn mà cơ sở có thể tận dụng trong quá trình phát triển cơ sở: thay vì phải bỏ chi phí lớn để thuê người ngoài làm quảng cáo, cơ sở đã sử dụng các mối quan hệ sẵn có, để có thể thiết kế, in ấn quảng cáo với giá rất thấp… Ngoài ra, các nguồn lực khác về cơ chế hỗ trợ cũng được cân nhắc. Ví dụ như mặt bằng của cơ sở cũng được hỗ trợ bởi Hội người mù Quận để có được giá thuê ưu đãi, hay chi phí điện, nước cũng được phường Hàng Buồm hỗ trợ… Rồi các yếu tố về văn hóa, ví dụ như khách du lịch, hay giá trị độc đáo, tính truyền thống của bài mát-xa cổ cũng được tính toán để đưa về kế hoạch phát triển sản phẩm… Trước đây, anh Lý hay anh Hiếu đều chưa nhìn ra được các nguồn lực có sẵng này ở bên trong bản thân mình hay cộng đồng của mình. Nhờ việc tham gia các khóa tập huấn mà các anh mới nhận ra rằng đấy là những nguồn lực rất lớn còn chưa được khám phá và huy động. Việc tham gia các khoá tập huấn cũng giúp cơ sở tiếp cận được các hỗ trợ từ Quỹ Abilis như kết nối tới các chuyên gia kỹ thuật để hoàn thiện kế hoạch và quy trình kinh doanh, hỗ trợ tham gia các hoạt động xúc tiến quảng bán sản phẩm và dịch vụ, viết đề xuất dự án…

Chính vì những yếu tố này, quá trình chuẩn bị và xây dựng cơ sở được thực hiện rất nhanh. Chỉ trong thời gian ngắn, sau 3 tháng kể từ khi tham gia khóa tập huấn, Cơ sở Toàn Phát đã có thể đi vào hoạt động. Và chỉ sau 1 tháng thì đã mở được cơ sở thứ hai. Hiện tại cả hai cơ sở có tổng cộng 10 nhân viên, bao gồm 2 nhân viên lễ tân, 8 nhân viên kỹ thuật, cùng với 2 quản lý. Ngoài ra còn có các nhân sự hỗ trợ khác, đều là người của Hội Người mù quận Hoàn Kiếm. Mặc dù mới đi vào hoạt động từ cuối năm 2020, nhưng cả hai cơ sở đều đã có lượng khách đáng kể, thậm chí có cả khách quen, đã có doanh thu. Với quy mô vừa phải và cơ sở mở ra trong thời điểm hoạt động du lịch, dịch vụ đang gặp khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid19 thì đây là điều rất đáng khâm phục.

Thành quả lớn nhất đối với cơ sở ở thời điểm hiện tại có lẽ là ở sự thay đổi trong tư duy, thái độ và cách hành động của anh Lý, anh Hiếu, và cả của những người khuyết tật đang làm việc tại đây. Trước đây, khi mới có ý tưởng, anh Lý chỉ nghĩ đơn giản rằng “nếu có sản phẩm, mình chỉ cần bán sản phẩm, thu tiền về, trừ đi chi phí, thế là có lãi”, nhưng nhờ lớp học về khởi sự kinh doanh, anh biết mình còn cần phải lên kế hoạch kinh doanh, thực hiện hạch toán thu chi, quản lý nhân sự, xây dựng quy trình hoạt động… Các nhân viên của cơ sở cũng vậy, trước khi đến và làm việc cho cơ sở, họ ít nói, rụt rè, không tự tin vào bản thân. Nhưng sau khi đến với cơ sở, được đào tạo về nghề tẩm quất mát xa, cách nói chuyện với khách hàng, học tiếng Anh, thậm chí được tham gia vào lớp Yoga do chính cơ sở tổ chức, họ tự tin, mạnh dạn, lạc quan hơn nhiều và dần trở thành nhân viên được khách hàng quý mến.

Anh Trần Trung Hiếu – ngoài cùng bên trái và anh Hoàng Văn Lý – ngoài cùng bên phải, đeo kính đen tại cơ sở tẩm quất Toàn Phát

Đường còn xa, chướng ngại vật còn nhiều nhưng vẫn có cách vượt qua

Để có được những kết quả như trên, Cơ sở Toàn Phát cũng phải vượt qua rất nhiều khó khăn. Thách thức đầu tiên có lẽ là khâu nhân sự. Để có được những nhân viên tận tâm, nỗ lực như hôm nay, anh Lý và anh Hiếu đã phải vất vả đi tìm, rồi tuyển chọn, rồi đào tạo, đưa nhân viên vào quy củ, ròng rã cả tháng trời… Anh Lý kể: “Cái tháng đi tuyển người, mệt kinh khủng, họ đưa ra bao nhiêu yêu cầu, nào thì lương, rồi cơ sở vật chất…”. Theo anh Lý, việc khó nhất trong khâu nhân sự không phải là làm thế nào để họ có thể thực hành được, mà là làm thế nào để đưa họ vào khuôn khổ, làm việc theo một quy trình cụ thể, và tuân theo quy trình đó. “Họ quen với tâm lý ỷ lại rồi, chỉ làm nửa vời rồi đợi người khác giúp đỡ. Thế là không được. Cái đó phải sửa ngay, không thì dễ mất khách lắm em ạ”, anh Lý chia sẻ.

Ngoài ra, theo anh, Cơ sở Toàn Phát lại không gặp khó khăn về quản lý hay phát triển sản phẩm như các cơ sở khác, mà lại gặp thách thức trong việc giới thiệu sản phẩm tới với khách hàng. Cơ sở hiện hoạt động theo hướng truyền thống, kết hợp với các biện pháp trị liệu như chườm thuốc, ngâm chân… và mỗi sản phẩm đều được nghiên cứu, thử nghiệm, phù hợp với đối tượng khách hàng riêng. Nhưng làm thế nào để khách hàng có thể biết được đến sự độc đáo của sản phẩm tẩm quất mát-xa Toàn Phát, ưu nhược ra sao, phù hợp thế nào, quảng cáo sản phẩm tới khách hàng ra sao là một bài toán mà theo anh Lý là “nan giải nhất” đối với cơ sở. Để giải quyết bài toán này, thì khâu marketing là tối quan trọng. Theo anh Lý, khi tiến hành nghiên cứu thị trường, anh nhận ra rằng hầu hết các cơ sở tẩm quất cùa người khuyết tật đều tập trung chủ yếu vào nhóm khách quen, duy trì nhóm khách này, mà không tập trung mở rộng tới nhóm khách hàng mới… Vì thế, anh Lý quyết định thay đổi. “Nếu như chỉ tập trung vào nhóm đối tượng khách hàng cũ mà không tìm kiếm khách hàng mới thì mình sẽ bị “ì”, doanh thu sẽ không tăng, và không thể phát triển thêm được”. Anh thực hiện hình thức tiếp thị thông qua các kênh online như livestream, đăng bài trên Facebook, Zalo, hay qua các kênh truyền thống như báo đài, truyền hình… Nói vậy, không có nghĩa là cơ sở không quan tâm tới nhóm khách hàng “ruột” của mình. Rút kinh nghiệm từ các cơ sở trước, cũng như từ các khóa học của Abilis, anh Lý đã xây dựng cho Cơ sở Toàn Phát một hệ thống quản lý khách hàng riêng. Tuy còn cần phải cải tiến nhiều, nhưng đây là một hệ thống được xây dựng cho riêng cơ sở, và là một trong những điểm khác biệt tạo nên sự thành công của cơ sở. Từ hệ thống này, anh có thể biết được những khách hàng nào đã từng đến cơ sở và sử dụng dịch vụ gì, thông tin liên lạc của họ thế nào, họ có phản hồi ra sao với dịch vụ, để từ đó có thể chăm sóc cho họ một cách tốt nhất. Với cách làm này, chỉ trong 3 tháng kể từ khi cơ sở đi vào hoạt động, đã có một nhóm khách hàng thân thiết, tin tưởng, thậm chí còn bỏ tiền ra để mua các gói dịch vụ ưu đãi của cơ sở…

Đạt được những kết quả như vậy, không có nghĩa là những người sáng lập đã “ngủ quên trên chiến thắng”. Anh Lý cho biết: “Thực tế thì việc thực hiện quảng cáo vẫn còn ít, và vẫn chưa thực sự hiệu quả. Anh cảm thấy vẫn có thể làm thêm gì đó để thu hút thêm nhiều hơn nữa khách hàng”. Hiện tại, anh Lý và anh Hiếu đang tiến hành các hoạt động khảo sát, thu nhập ý kiến khách hàng để có thể điều chỉnh thay đổi các gói sản phẩm trở nên phù hợp hơn. Ngoài ra, các anh cũng đang tìm hiểu xem nhóm khách hàng cốt lõi của mình là ai, để có thể có các chương trình truyền thông phù hợp tới nhóm đối tượng này. Cùng với đó, các anh cũng đang thực hiện các hoạt động kết nối, tìm kiếm các đối tác, những nguồn lực trong và ngoài cộng đồng của mình để có thể quảng bá cho cơ sở hiệu quả nhất. Để làm được việc này anh Lý vừa cười vừa chia sẻ: “Anh rất muốn được tiếp tục làm việc với Quỹ Abilis cũng như các thầy và các bạn trong lớp hỗ trợ khởi nghiệp. Hiện tại thì anh đang viết đề xuất dự án, xin hỗ trợ từ phía Abilis để có thể đào tạo thêm cách giao tiếp, cách bán hàng cho các bạn nhân viên. Ngoài ra thì anh cũng muốn được hợp tác với các cố vấn trong chương trình để tiếp tục giúp anh xây dựng kế hoạch cho cơ sở trong thời gian tới. Anh đang có một số ý tưởng rồi, nều có các thầy giúp để thực hiện thì có khi trong năm nay là anh bắt tay vào làm luôn”.

Anh Trần Trung Hiếu và anh Hoàng Văn Lý chụp ảnh kỷ niệm cùng các đại biểu tham gia lớp tập huấn của Dự án “Nâng cao vị thế về kinh tế và xã hội cho người khuyết tật Việt Nam”

Hi vọng trong thời gian tới, Cơ sở Toàn Phát sẽ tiếp tục phát huy những thành công của mình, huy động nội lực để vượt qua những khó khăn hiện tại và tạo thu nhập ổn định hơn cho các thành viên đang làm việc ở cơ sở nói riêng và gia đình, cộng đồng của những khiếm thị và những người mù ở quận Hoàn Kiếm nói chung.

Nguyễn Đức Vinh

Bài viết liên quan

Picture6

Hải Phòng: Lễ biểu dương 139 học sinh,sinh viên tiêu biểu xuất sắc của Thành phố năm 20

Picture2

Thành phố Nam Định hình thành 3 vùng phát triển sau sáp nhập

Picture2

Tạp chí Lao động và Sáng tạo trao 1.000 suất quà đến người dân Lào Cai bị ảnh hưởng do cơn bão số 3

NGƯỜI KHUYẾT TẬT ĐỆ ĐƠN XIN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Đoàn luật sư thành phố Hà Nội hưởng ứng tham gia ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam” thành phố Hà Nội năm 2024

Picture1

Thái Nguyên: Nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang