(ĐHVO). Vào một ngày cuối đông tại xã Yên Quang, huyện Ý Yên (Nam Định), tôi có dịp tới thăm lớp học nghĩa tình của cô giáo Ngọc Tâm (Tâm thuỷ tinh) – đây là một lớp học tràn ngập tình yêu thương, trong đó là những ước mơ, niềm hi vọng của những đứa trẻ.
Vào thời điểm mà cả nước chung tay phòng chống dịch Covid-19, trường lớp vắng bóng học sinh, các lễ hội cũng không còn nhiều người mặn mà lui tới, và lớp học của cô giáo Tâm thủy tinh cũng không ngoại lệ, không còn những tiếng giảng bài, cũng không có những tiếng ríu rít nô đùa của các cháu học trò như bao ngày thường. Không khí yên tĩnh, khiến cho con người dễ dàng lạc vào những dòng tâm tư hồi tưởng.
Cô giáo Ngọc Tâm cùng những cô cậu học trò của mình trong một học kỳ
nhận giải thưởng.
Cô giáo Ngọc Tâm trong tưởng tượng lúc đầu của tôi có lẽ là một người con gái đẹp với tính cách nghiêm nghị toát nên vẻ đẹp truyền thống nhà giáo Việt Nam bao đời nay. Nhưng trái ngược hoàn toàn với suy nghĩ ấy, Ngọc Tâm không cao mà nhỏ bé trong hình hài của đứa bé lên bốn, lên năm, dáng người nhỏ bé của em lọt thỏm dưới cái gầm của chiếc bàn trà nếu không để ý có lẽ lại tưởng đứa bé lạc mẹ nào đó. Em tiếp chuyện tôi bằng sự hồ hởi pha lẫn một chút vô tư hồn nhiên.
Em chia sẻ với tôi rất nhiều về hoàn cảnh gia đình cũng như quá khứ, những thành tích mà em đã đạt được trong nhiều năm trở lại đây, đặc biệt là về lớp học thiện nguyện nghĩa tình mà em dành tâm huyết từ nhiều năm nay để giúp đỡ những trẻ em nghèo hiếu học. Lớp học mở ra cũng được 16 năm, kể từ ngày đầu tiên em tiếp nhận cậu học trò nghèo chung xóm cũng là lúc em theo đuổi thực hiện giấc mơ ấp ủ bao năm được làm cô giáo của mình, được đứng trên bục giảng, được chiêm ngưỡng vẻ mặt ngây ngô của các cô, cậu học trò.
Được biết cha mẹ của Ngọc Tâm cũng là giáo viên, hình ảnh người thầy, cô trang nghiêm đứng trên bục giảng đã in sâu trong tâm trí của đứa trẻ nhỏ để rồi thành niềm ao ước, động lực to lớn khiến em phấn đấu thực hiện ước mơ của mình.
Cô gái nhỏ nhắn đầy nghị lực chia sẻ; Nhà có hai anh em, anh trai em năm nay 35 tuổi, em kém anh mình 5 tuổi, từ ngày em sinh ra em đã mang căn bệnh hiếm gặp “xương thủy tinh”. Cũng vì căn bệnh quái ác ấy mà mẹ em đã phải từ bỏ nghề giáo của mình để ở nhà chăm sóc cho em. Ước mơ được cắp sách đến trường luôn luôn ấp ủ trong em từ nhỏ nhưng do em quá bé và cơ thể đặc biệt vì luôn phải gìn giữ nên đến năm 8 tuổi em mới vào học lớp một.
Khi cuộc sống ngày càng khó khăn hơn, gia đình chỉ trông cậy vào đồng lương của bố, mẹ thì không thể làm gì ngoài việc chăm sóc cho mình, Ngọc Tâm thương bố mẹ và nghĩ đến tương lai của anh trai, em quyết định xin mẹ cho nghỉ học khi đã học hết cấp hai, gia đình bớt khó khăn hơn bởi mẹ có thời gian đi làm,… Cũng từ đó em nghiên cứu, tự học ở những quyển sách mà em sưu tầm, sự đồng hành của bố mẹ cùng toàn thể gia đình đã tạo động lực cho em để theo đuổi giấc mơ được đứng trên bục giảng của mình.
Với nỗ lực học hỏi và nghị lực phi thường, thành công đã đến với em. Lớp học em mở ra đã đào tạo giúp đỡ cho rất nhiều em nhỏ từ lớp 1 đến lớp 8 có thêm kiến thức, là tấm gương giàu nghị lực từ em đã tiếp thêm sức mạnh cho những người học trò của mình. Cũng từ đó biết bao thế hệ học sinh nghèo trong lớp học của cô giáo Ngọc Tâm đã bước tiếp vào nhiều trường đại học danh tiếng, trở thành những con người có ich đóng góp sức mình vào sự phát triển của xã hội.
Trong những thành tích em đã đạt được phải kể đến giải thưởng “Tuổi trẻ cống hiến vì cộng đồng” năm 2018, năm 2019 do cộng đồng Việt Nam tổ chức, em là 1 trong 100 thủ lĩnh tình nguyện tiêu biểu toàn quốc được tôn vinh và được các tổ chức khuyến học, từ thiện xã hội đặc biệt quan tâm.
Để có được thành công như ngày hôm nay phải kể đến sự song hành của cha mẹ em, đặc biệt là người mẹ tảo tần sớm hôm, cõng trên lưng cô con gái bé bỏng của mình thấm thoát đã gần 30 năm, từ bỏ sự nghiệp giáo dục của mình, từ bỏ hết những đam mê phía trước để chắp cánh cho ước mơ làm cô giáo của đứa con bé nhỏ thiệt thòi của mình.
Có lẽ chính vì điều đó mà nhiều bài thơ ca ngợi về mẹ mình đã được em viết bằng cả tấm lòng, đặc biệt là bài thơ “Mẹ của tôi”. Ấn tượng trước bài thơ ấy, nhạc sỹ Trần Công Thủy đã phổ nhạc thành bài hát lay động lòng người.
Phải nói rằng;
Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ.
Mây trời lộng lộng không phủ kín công cha.
Tần tảo sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn.
Nặng gánh vai gầy tiếp bước giấc mơ con.
Xin được nghiêng mình trước tấm lòng hy sinh cao cả của người mẹ, xin gửi ngàn bông hồng tươi thắm kính tặng những người mẹ hiền nhân ngày quốc tế Phụ nữ 8/3 sắp tới. Chúc cho cả hai người phụ nữ mạnh mẽ giàu nghị lực ấy mạnh khỏe, nhiều niềm vui, hạnh phúc, sẽ mãi là tấm gương sáng cho những người chị, người mẹ, người phụ nữ Việt Nam nói chung cũng là nguồn động lực cho người khuyết tật nói riêng vững bước trên con đường mình đã chọn.
Trần Hồng.