(ĐHVO). Những lối xóm giống nhau đến kỳ lạ, không thể nhận ra đường vào nhà chị. Nhớ lần trước tôi xuống chia buồn với chị ngày anh mất, thấm thoát đã được một năm rồi. Con đường vắng người không thể hỏi thăm được ai. Điện thoại cho chị không thấy nhấc máy dù đã được hẹn trước với chị. Tôi đánh bạo vào một ngôi nhà mà cánh cổng khép hờ không khóa. Được bà cụ chỉ dẫn tận tình. Chúng tôi tìm đến nhà chị, chị Nguyễn Thị Xuân, chủ tịch Hội người khuyết tật tỉnh Nam Định.
Chị Xuân – Chủ tịch Hội NKT tỉnh Nam Định
Mừng rỡ khi thấy chúng tôi tới. Chị bỏ luôn công việc đang làm dở dang bên khu nhà dưới để đón tiếp chúng tôi, nhìn ba gian nhà ngang rộng rãi, cao ráo. Xung quanh vườn cây ao cá rộng mênh mông, những luống hoa đan xen đủ các màu đang khoe sắc, những chiếc lá non xanh mơn mởn dưới cái nắng cuối chiều xuân làm cho quang cảnh nhà chị thật đẹp.
Nhìn chị, ai cũng nghĩ chị còn trẻ lắm, không ai nghĩ chị năm nay đã 60, có thể do chị sở hữu làn da trắng với khuôn người nhỏ. Nhưng mấy ai biết được cuộc đời đầy biến cố của chị. Chị sinh ra khi đất nước đang trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu nước, thời kỳ đất nước đang gặp rất nhiều khó khăn, bom rơi, đạn lạc triền miên, cái đói thường nhật ở mọi gia đình. Cũng không có gì đáng nói nếu biến cố không xảy đến với chị, khi chị lên 6 tuổi, chị bị teo cơ bên chân trái trong một trận sốt cao. Thời đó, ngay cả với những người lành lặn cuộc sống đã vô vàn khó khăn. Với chị, cùng với chiếc chân trái tập tễnh đi lại khó khăn thì tương lai càng thêm mờ mịt.
Cùng với bao gian khó, cuộc sống cứ thế trôi đi, rồi hạnh phúc đến với chị. Ở cái tuổi 26 khi các nam thanh nữ tú đã con “đàn”. Chị gặp anh, người cùng xã, anh đi lính trong đoàn quân tình nguyện Việt Nam đóng tại Campuchia vừa xuất ngũ. Anh hơn chị 5 tuổi. Hạnh phúc viên mãn đã đến với anh chị khi lần lượt hai thiên thần chào đời và được đặt những cái tên rất vần với Mẹ, con gái thứ hai anh đặt Âu Thị Ngọc Anh sinh năm 1996, Âu Ngọc Anh con trai đầu sinh năm 1992. Cuộc sống khó khăn, hai vợ chồng anh chị nương tựa vào nhau, ngoài đồng ruộng, họ còn kiếm tìm đủ mọi ngành nghề để mưu sinh và nuôi dạy hai con khôn lớn.
Tôi biết về chị cùng đã hai năm, được nghe nhiều câu chuyện kể về chị, về hoàn cảnh về cuộc đời không may mắn của chị, một con người thoát ẩn thoát hiện trên khắp mọi nơi, nay học, mai tập huấn, chủ yếu là học tập những công tác trợ giúp pháp lý cho NKT. Cùng với đó là kêu gọi các tổ chức trợ giúp dạy nghề, học nghề tạo công ăn việc làm cho các hội viên Hội NKT. Sao chị có thể đi, và làm được nhiều việc như thế? Chị làm như thể Hội và các Hội viên là cơ thể của chị vậy. Chị lăn lộn mọi nơi để kiếm tìm những điều tốt đẹp nhất về cho Hội. Có lẽ do chị là chủ tịch Hội NKT chăng!? Tôi không nghĩ thế, bởi nơi chị còn có một bầu nhiệt huyết lớn lao, lớn hơn mức người bình thường có thể, đó là thấu hiểu, sự đồng cảm sâu sắc của một con người đã và đang trải qua những khó khăn của những người đồng cảnh ngộ, những người không được may mắn như bao con người trong xã hội khác.
“Nhiều lúc mệt mỏi lắm chú ạ, nhưng vẫn phải cố thôi, mình không làm thì lấy ai ra mà làm, còn các hoạt động Hội nữa. Nhiều lúc đi cả tháng không về nhà được ngày nào. Lắm khi đi họp ở xa, phải dậy từ 3h sáng, những lúc như vậy chỉ muốn nghỉ quách cho rồi! Những nghĩ đến mọi người lại cố. Khổ nhất là giai đoạn anh Đa – chồng chị bị bệnh, bị ung thư phổi khi phát hiện thì đang ở giai đoạn cuối rồi, không làm sao được chỉ có thể chăm cho anh những tháng ngày cuối cùng thôi. Khổ lắm, khi nghèo khổ vất vả nuôi con đến khi con cái trưởng thành có công ăn việc làm thì lăn ra bệnh tật!.” Chị tâm sự.
Nhấp ngụm nước trà gừng nóng hổi chị pha, đảo ánh mắt quanh nhà, ngay giữa nhà gian thờ được bài trí trang nghiêm. Ngay bên trái là gian phòng khách hai cánh cửa của hai căn phòng được khép kín. Như hiểu điều thắc mắc của tôi, “đấy phòng của hai đứa đấy, thi thoảng chúng mới về chơi thôi. Chúng cũng bận lắm, cậu lớn học xong luật rồi bây giờ đang làm luật sư, còn cô bé thì đang làm bảo hiểm. Có thế chị mới có thời gian để làm các việc cho Hội chứ chú! Mà cũng tại anh Phượng – Chủ tịch Hội NKT huyện Giao Thủy ấy chứ, lúc đầu chị không muốn làm đâu. Năm 2017 đang làm chủ tịch Hội phụ nữ NKT mới làm chưa được 5 tháng anh ấy giới thiệu ra làm Chủ tịch Hội NKT tỉnh Nam Định, thế là Đại Hội bầu và mình giữ chức chủ tịch Hội NKT đến bây giờ. Họ nói chị làm có duyên, nhiệt tình chắc sẽ vực được cho các hoạt động Hội lớn mạnh” Chị chia sẻ.
Tôi biết, bởi tôi được nghe nhiều chuyện về Hội NKT giai đoạn ấy, tổ chức ấy không lớn mạnh và đoàn kết như bây giờ. Có thể do thời kỳ đó kinh tế thị trường còn nhiều khó khăn, hay bởi một số lý do khách quan nào đó. Nhớ lần chuyển về trụ sở văn phòng mới, ban chấp hành hội cùng nhiều hội viên trong hội đã tỏ ra vô cùng phấn khởi.
“Bao nhiêu năm chuyển chỗ, hết chỗ này đến chỗ khác, mỗi nơi cũng chỉ được vài ba tháng họ lại đuổi, khổ lắm!. Đây là lần đầu tiên có được văn phòng đàng hoàng mà không phải mất tiền đấy chú?! Chị cùng các bạn trong Hội mừng lắm chú ạ!. Giờ đây Hội chị đang là đơn vị dành được nhiều vinh dự nhất trong các phong trào thi đua mà được các cấp ủy đảng chính quyền địa phương phong tặng. Không biết ơn như nào cho đủ!”. Chị chia sẻ với sự biểu cảm đầy xúc động.
Thực ra thì tôi cũng chẳng có công trạng gì, có chăng tôi quen một anh bạn, anh ta có căn nhà chưa dùng đến, biết Hội có nhu cầu, anh ấy cho Hội mượn dùng tạm mà thôi. Hay do duyên của chị, với sự nhiệt tình, vô tư của chị mà nhiều người cảm mến và giúp đỡ nhiều hơn cho hội, dù gì thì cũng đều đến từ cái thiện duyên của chị vậy!
Trần Hồng