(ĐHVO). Trên cánh đồng hoang mênh mông, rộng lớn, cỏ mọc ngút ngàn, ít người qua lại, xa làng xa xóm. Tưởng chừng như cánh đồng ấy cứ để hoang mãi, nhưng ai ngờ một ngày có một người phụ nữ nhỏ bé tay chống gậy, bước tập tễnh lại chọn làm nơi khởi nghiệp, đó chính là chị Trần Thị Thuần.
Trần Thị Thuần sinh năm 1983, quê ở xã Đông Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội. Ngày chị lên một tuổi, đang chập chững những bước đầu tiên, chẳng ngờ sau một cơn sốt cao, chân trái của chị dần teo quắt lại, không thể đứng lên được nữa, chỉ bò lê la khắp nhà. Bố mẹ chị thương con, dù nhà nghèo cũng vay mượn chữa trị, nhưng càng chữa càng vô vọng. Từ đó cho đến khi 9 tuổi, chị chỉ di chuyển bằng hai tay và đầu gối.
Không đi được, nhưng chị bò rất nhanh, từ nhà ra ngõ dọc đường làng, bò ra cánh đồng chơi đùa cùng lũ trẻ trong làng. Tuy bị khuyết tật nhưng chị không hề nhút nhát, tự ti mà mạnh bạo, sôi nổi. Ngày bé, chị bò lê lết nhiều đến nỗi tay lúc nào cũng lấm lem đất cát, hai đầu gối sứt sát, thâm tím, chai lì, cảm tưởng như mòn cả chân, cả đầu gối.
Sau 9 năm bò lê lết, thời khắc có thể đứng lên, bám vào chiếc que nấu bếp, chị mừng rỡ vô cùng. Chị quyết tâm tập đi. Cuối cùng, chị cũng chống gậy đi được, chị xin bố mẹ cho đi học. Năm 10 tuổi, lần đầu tiên chị được cắp sách đến trường. Học xong cấp hai, dù đã cố gắng rất nhiều nhưng việc học của chị vẫn phải dừng lại. Chị lập gia đình và có hai cậu con trai kháu khỉnh, đáng yêu. Nhưng khi con trai đầu lòng học lớp 3, con trai thứ hai vừa lên lớp 1 thì biến cố lớn lại xảy đến. Sau một vụ tai nạn xe máy, chị bị gãy một bên chân, đúng vào chân trái khuyết tật, phải mổ nẹp đinh vít cố định. Chồng chị, sau vài ngày chăm chị trong bệnh viện đã lẳng lặng bỏ đi, không một tin nhắn để lại. Chị lại tập những bước đi đầu tiên. Hoàn cảnh trớ trêu không làm chị gục ngã, chị quyết tâm làm đủ mọi việc để nuôi con.
Chị Trần Thị Thuần
Khi tham gia vào Hội người khuyết tật huyện Sóc Sơn, chị được mọi người tín nhiệm cho giữ chức vụ Chủ tịch Hội NKT xã Đông Xuân. Đặc biệt, chị có cơ hội là thành viên thường trực Ban thanh niên Hội NKT thành phố Hà Nội. Chị cùng các anh chị em khuyết tật động viên, bảo ban nhau làm ăn, mở cửa hàng photo copy, trồng thảo dược bán thô như hoa nhài khô, trà xanh khô.
Chị yêu thích loài hoa nhài bởi sắc tráng tinh khôi và hương thơm dịu. Từ đó chị mày mò tự chế biến trà nhài kết hợp với một số loại thảo dược. Năm 2019, chị cùng 6 anh chị em là người khuyết tật quyết định thành lập Hợp tác xã Tâm Ngọc để vươn lên trong cuộc sống, làm giàu bằng chính đôi tay và trên mảnh đất quê hương của mình.
Tháng 3 năm 2020, thời điểm đại dịch Covid 19, chị quyết tâm tìm một khu đất để thỏa mãn đam mê trồng trọt. Với bao mồ hôi, công sức của chị và 6 anh chị em khuyết tật bỏ ra, cả khu đất như được phù phép, từ khu đất hoang thành trang trại trồng trọt, quanh năm xanh mát, đủ các loại cây từ cây dược liệu đến cây ăn quả theo hướng hữu cơ lành và sạch. Trang trại lúc đầu chỉ có 7 người góp sức, dần dần đã có 40 anh chị em người khuyết tật đến xin làm, có cả những người từ vùng cao xuống. Chị đều nhận và dạy việc, tạo cơ hội cho họ được làm việc để tự nuôi sống bản thân. Dựa vào tình trạng sức khỏe của mỗi người mà chị sẽ sắp xếp công việc phù hợp cho họ. Nhiều người gọi chị là “CEO tài năng”, bở việc quản lí, phân công công việc cho những người khuyết tật của chị không giống ai, không ngày nào giống ngày nào. Do nhân viên sức khỏe yếu, cả tháng có khi chỉ làm được 10 ngày. Để giữ được nhịp lao động, chị phải luân phiên, sắp xếp lao động tùy vào tình hình thực tế từng ngày.
Bây giờ thì cái tên Trần Thị Thuần gắn với Hợp tác xã Tâm Ngọc đã không còn xa lạ với người dân trong xã ngoài xã Đông Xuân. Không chỉ bởi những sản phẩm trà thảo dược, cây quả và hoa trồng theo phương pháp hữu cơ, mà còn bởi đó là sản phẩm được làm ra từ những thanh niên khuyết tật. Chị chia sẻ “ Ngày nào chị cũng chống gậy ra đồng, luôn chân luôn tay làm việc, chiếc gậy vẫn đều đặn in dấu chân tròn trên đồng đất, để giúp đất nở hoa”. Trần Thị Thuần xứng đáng là 1 trong 50 tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu được vinh danh trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2022.
Nguyễn Hoa