Talk to us là một kênh Youtube và là một phần trong những hoạt động của Dự án “TRUYỀN THÔNG VÌ SỰ PHÁT TRIỂN VÀ HÒA NHẬP” của nhóm cựu sinh viên Úc (gồm những người khuyết tật đã nhận được học bổng của chính phủ Úc hiện chủ yếu là thành viên của Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội) do Chính phủ Úc tài trợ nhằm hỗ trợ người sử dụng lao động và cộng đồng tiếp cận thông tin về việc làm cho người khuyết tật dễ dàng và sinh động hơn. Bên cạnh đó, Dự án mong muốn tạo được một địa chỉ tin cậy hỗ trợ NKT có cơ hội tiếp cận tốt hơn với cơ hội việc làm, giáo dục, y tế… Tăng cường năng lực cho thanh niên khuyết tật (TNKT) tạo ra các sản phẩm truyền thông liên quan đến việc làm cho người khuyết tật. Thông qua những câu chuyện sinh động trên Youtube, TNKT trong cộng đồng NKT sẽ được truyền cảm hứng và tự tin tham gia thị trường lao động. Mặc dù hoạt động Dự án đã gần kết thúc nhưng những giá trị mà Dự án mang lại cho nhiều người khuyết tật vượt xa hơn mục tiêu ban đầu.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Tam Đảo
Trong gần một năm qua, hoạt động đã mang lại những giá trị tích cực cho một số người khuyết tật với đam mê làm truyền thông, dựng video… Có thể nói đó là một chuỗi giá trị có tính chất bền vững không chỉ nâng cao năng lực, tăng cường kỹ năng mà đó còn là cơ hội việc làm, hỗ trợ có và ổn định thu nhập cũng như chính bản thân người khuyết tật tham gia và góp phần vào nâng cao nhận thức cộng đồng xã hội, khẳng định gí trị bản thân.
1. Nâng cao năng lực
Một trong những giá trị đầu tiên cũng chính là mục tiêu đầu tiên mà dự án hướng đến có lẽ đó chính là nhằm nâng cao năng lực, tăng cường kỹ năng cho người khuyết tật trong hoạt động xây dựng kịch bản, tự làm video clip cho bản thân, các hoạt động mà người khuyết tật được đào tạo trực tiếp tham gia như hội nghị, hội thảo….
Qua Dự án, gần 20 người khuyết tật đam mê truyền thông đến từ nhiều địa phương, không phân biệt giới tính, tuổi tác đã được Dự án hỗ trợ nâng cao năng lực từ những nội dung cơ bản, tìm hiểu cách lên ý tưởng, hiện thực hóa ý tưởng thành những kịch bản, lên chương trình, khung hình dự kiến, quy trình và cách thức quay, dàn dựng thành những bản demo và hoàn thiện…. đến những kỹ năng truyền thông.
Có thể nói, qua hoạt động Dự án, những người khuyết tật không chỉ được tham gia, được nâng cao năng lực về một lĩnh vực có khi còn chưa được biết đến, chưa được tiếp cận nhiều mà sau khi hoàn thành khóa học, các học viên có thể quay trở về địa phương trở thành những tập huấn viên TOT trên nền tảng cơ bản, vững chắc và đồng hành bên cạnh là ban tổ chức cùng những giảng viên hướng dẫn luôn sẵn sàng kể cả ngay khi Dự án kết thúc.
Đại diện nhóm lên trình bày ý tưởng kịch bản, cách quay và dựng clip sau khi nhận chủ đề của nhóm
2. Biến ước mơ thành hiện thực và cơ hội việc làm
Phải thừa nhận rằng, chính Dự án đã mở ra thêm một cánh cửa để nhiều người khuyết tật có thể biến ước mơ là “một đạo diễn, một quay phim, một diễn viên” hay một người làm truyền thông trở thành thành hiện thực. Đặc biệt là mở ra một cơ hội việc làm mới cho người khuyết tật. Nhất là khi, nền tảng công nghệ ngày một phát triển, người khuyết tật cũng đã được tiếp cận, làm quen, thậm chí là thành thạo các sản phẩm công nghệ và những sản phẩm công nghệ này đang hỗ trợ rất hữu ích cho người khuyết tật trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, một trong những công việc mới nhưng rất phát triển trong một vài năm trở lại đây, đó chính là công việc sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội. Đây là công việc mà không có quá nhiều yêu cầu về thể hình, thể trạng, hoàn toàn phù hợp với người khuyết tật nhưng lại đòi hỏi người thực hiện phải có ý tưởng tốt và các kỹ năng đặc biệt là có thể lên được ý tưởng và hiện thực hóa được ý tưởng trên nền tảng công nghệ số.
Và một điều cũng vô cùng quan trọng nữa đó không chỉ là những ý tưởng hay, độc đáo, mới lạ nhưng phải hữu ích, có tính tích cực và truyền tải được những thông điệp tích cực hoặc có thể đơn thuần là giúp người khác có thể giải trí. Với công việc như vậy, người khuyết tật hoàn toàn có thể thực hiện một cách thuận lợi nhất là khi có các kỹ năng như lên kịch bản, dàn dựng và quay clip… Quan trọng nhất là những ý tưởng độc đáo, truyền cảm hứng, động lực và những giá trị tích cực đến với người xem.
Chắc chắn, với những gì học được và được trải nhiệm qua Dự án, người khuyết tật là các học viên trực tiếp tham gia hay được các học viên chia sẻ lại đều có thể mở ra nhiều cơ hội việc làm như sáng tạo nội dung trên các mạng xã hội cũng có thể kiếm được tiền, thậm chí là rất nhiều tiền. Đã có một số người khuyết tật đang thành công nhất định. Không những vậy, nếu chịu khó tìm tòi, phát triển khả năng trên nền kỹ năng cơ bản, kiến thức cơ sở đã được học, người khuyết tật hoàn toàn có thể tìm kiếm việc làm hoặc tự tạo việc làm liên quan đến dàn dựng video, truyền thông thậm chí phát huy khả năng tại các cơ quan, báo chí, công ty truyền thông hay làm cán bộ truyền thông cho các cơ quan, đơn vị…..
Ban Tổ chức tặng quà cho các giảng viên và những người tham gia hỗ trợ tập huấn tại đêm gala
3. Nâng cao nhận thức xã hội, khẳng định vị thế bản thân
Không chỉ giúp NKT có thêm sân chơi lành mạnh, giúp người khuyết tật đam mê truyền thông được nâng cao nhận thức, có thêm những kỹ năng có thể áp dụng vào đời sống cũng như tạo thêm cơ hội việc làm mà Dự án đã giúp NKT trực tiếp tham gia vào các hoạt động truyền thông về chính bản thân người khuyết tật.
Qua đó, người khuyết tật đã trực tiếp góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng xã hội, có thể khiến họ thay đổi những định kiến không tốt về người khuyết tật, những đánh giá chưa thực sự chính xác… đồng thời khẳng định vị thế bản thân. Đây chính là khi người khuyết tật trực tiếp tham gia thực hiện truyền thông về chính họ sẽ tạo ra những hiệu ứng đột phá cũng như đem lại hiệu quả truyền thông cao hơn rất nhiều.
Khi đó, cộng đồng, xã hội không đơn thuần chỉ khâm phục và ấn tượng với người khuyết tật. Không phải bởi suy nghĩ họ không làm được như thế này, thế kia như: Người chỉ có 1 tay vẫn có thể quay phim, người xây dựng kịch bản trên bàn xe lăn điện, rồi các diễn viên hay các hoạt động đều được thực hiện bởi người khuyết tật….
Vì, thực tế cho thấy người khuyết tật đã và đang làm được rất nhiều để chứng minh nếu bỏ qua khiếm khuyết họ không khác gì những người không khuyết tật. Hay mặc dù khuyết tật nhưng họ vẫn có thể làm được thậm chí làm hơn những người không khuyết tật như: nhiều nhà khoa học thiên tài là người khuyết tật; nhiều doanh nghiệp của người khuyết tật không chỉ hỗ trợ người đồng cảnh mà còn tạo công ăn việc làm cho người không khuyết tật… Điều ấn tượng và khâm phục là cách họ lên ý tưởng, hiện thực hóa nó thành kịch bản hoàn chỉnh và từng bước xây dựng thành một video clip trong một khoảng thời gian rất ngắn, cho thấy tinh thần, ý chí, sự đoàn kết, cố gắng và khả năng của họ là rất lớn… Ấn tượng và khâm phục khi chính người khuyết tật làm phim về bản thân họ với góc quay, cách viết lời bình, cách vào vấn đề, dẫn dắt câu chuyện như những người đạo diễn, nhà làm phim, viết kịch bản chuyên nghiệp. Tất nhiên, quá trình đó, họ cũng nhận được sự giúp đỡ rất nhiều từ những người tổ chức, những giảng viên hướng dẫn.
Qua đó, chính việc xây dựng những bộ phim về người khuyết tật sẽ giúp tăng cường hiệu quả về công tác truyền thông đối với người khuyết tật rất nhiều cũng như góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, khẳng định vị thế của người khuyết tật: “Hãy nhìn vào khả năng của người khuyết tật thay vì nhìn vào những khiếm khuyết mà người khuyết tật phải mang”. Đồng thời, bởi việc thực hiện video clip từ chính người viết kịch bản đến đạo diễn, quay phim, diễn viên đều chính là những người khuyết tật sẽ lột tả được tối đa, hiểu rõ nhất những vấn đê, nội dung liên quan về người khuyết tật như câu nói “không có gì của chúng ta mà không có sự tham gia của chúng ta”.
Ban Tổ chức chụp ảnh lưu niệm cùng các giảng viên và thành viên tham gia hỗ trợ tại đêm gala
4. Cần nhân rộng hoạt động như Talk to us
Có thể nói, hầu hết những dự án đều mang lại những giá trị tích cực đến với người khuyết tật nhưng thường chỉ nhắm đến một vài mục tiêu, một hoặc hai giá trị nhất định mà ít có những dự án mang lại một chuỗi giá trị đối với người khuyết tật như Dự án “Truyền thông vì sự phát triền và hòa nhập” cùng Talk to us mang lại. Khi mà, Dự án không chỉ nhắm đến việc nâng cao năng lực mà còn thực tế để người khuyết tật tham gia truyền thông cũng như tạo cơ hội việc làm cho họ. Hay nói cách khác là giống như công tác sinh kế là tạo ra những giá trị bền vững đối với người khuyết tật.
Không những vậy, Dự án tuy có thời gian ngắn nhưng các thành viên từ Ban Tổ chức đến những giảng viên hướng dẫn, trợ giảng đều cam kết sẽ hỗ trợ ngay cả sau khi hoạt động Dự án kết thúc, nhằm tạo điều kiện trợ giúp người khuyết tật có thể thành thạo, hoàn thiện kỹ năng, tạo ra những sản phẩm chất lượng.
Bạn Lê Duy Khánh – Chủ nhiệm CLB sinh viên khuyết tật Hà Nội, một người khiếm thị chia sẻ cảm nghĩ về “giải pháp xem phim mới” cho người khiếm thị
5. Làm phim cho người khiếm thị có thể xem
Có thể nói, từ hoạt động dự án đã giúp những người tổ chức, những người giảng dạy và các học viên có thêm nhiều ý tưởng mới hữu ích cho cộng đồng nhất là đối với người khuyết tật. Thực tế đã có và được triển khai nhiều giải pháp giúp người khiếm thị xem phim nhưng có lẽ chưa bao giờ người khiếm thị được xem phim một cách sinh động, sống động đến vậy.
Theo chia sẻ của bà Đào Thu Hương, một người khiếm thị, nhân viên của UNDP sau khi xem bộ phim nói về cuộc đời mình do chính người khuyết tật là học viên thực hiện dưới sự hỗ trợ của các giảng viên là ông Nguyễn Đình Quyền và ông Trịnh Kiên, một nhà báo hình có nhiều năm kinh nghiệm thì bà Hương đã có thể “xem” được đến 90% nội dung bộ phim.
Theo chia sẻ của bạn Lê Duy Khánh – Chủ nhiệm CLB sinh viên khuyết tật Hà Nội, cũng là một người khiếm thị, sau khi kết thúc bộ phim cho biết cũng “xem” được đến 90-95% bộ phim so với trước đây chỉ đạt 60% bởi trước đây chỉ được nghe tiếng còn nay không chỉ nghe tiếng mà đã được “xem hình”.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Đình Quyền, ý tưởng bắt nguồn từ những “yêu cầu, đòi hỏi của Ban Tổ chức” khi mong muốn tìm kiếm giải pháp để người khiếm thị cũng có thể xem được phim. Nếu như trước đây người khiếm thị chỉ có thể xem phim bằng cách nghe tiếng nói từ phim thì chỉ đạt được 50-60% nội dung, do không xem được hình mà chỉ nghe tiếng rất khó để hình dung ra hình ảnh, thì nay với việc mô tả hình ảnh bằng chữ nổi trên giấy để người khiếm thị vừa nghe vừa xem hình thông qua mô tả hình ảnh đang diễn ra của bộ phim. Với cách làm vậy, người khiếm thị có thể “xem” được hình ảnh thậm chí là xem hay hơn do trí tưởng tưởng, quá trình hình dung hình ảnh trong đầu trên cơ sở được mô tả rất thực tế. Nhược điểm của hình thức này là sẽ có đoạn người khiếm thị không theo dõi kịp do diễn biến hình ảnh thay đổi nhanh hay mỗi phân đoạn người xem khác sẽ bị ảnh hưởng bởi các tiếng cảnh báo để người khiếm thị có thể theo dõi… Đó cũng chính là lý do khiến người khiếm thị mới chỉ theo dõi được 90-95% một bộ phim hoàn chỉnh bao gồm cả âm thanh và hình ảnh.
Tuy nhiên, với một chút ảnh hưởng nhỏ không đáng kể như việc phát ra âm thanh báo các phân đoạn giúp người khiếm thị có thể “xem được hình” các bộ phim, thì cũng là điều vô cùng tốt. Hay như khó khăn trong việc triển khai hình thức này phổ biến là việc mô tả hình ảnh phim sau đó chuyển thành chữ nổi và in ra để đến tay người khiếm thị cũng sẽ có những giải pháp khắc phục được.Tạm kếtNhìn từ hoạt động của Dự án và Talk to us đã mang lại những giá trị tích cực và còn là chuỗi giá trị bền vững đối với người khuyết tật.
Hy vọng rằng, với những gì mà Talk to us và Dự án Truyền thông vì sự phát triển hòa nhập được Chính phủ Úc tài trợ thông qua Quỹ Hỗ trợ Cựu sinh viên tại Việt Nam đã làm được sẽ là nguồn động lực, truyền cảm hứng và là các bài học kinh nghiệm cho các hoạt động dự án liên quan đến người khuyết tật. Đồng thời qua đó sẽ góp phần lan tỏa các thông điệp trong việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng và người khuyết tật hiểu rõ hơn về năng lực và khả năng tham gia của người khuyết tật ở các lĩnh vực trong xã hội – như chia sẻ của bà Nguyễn Hồng Giang và ông Nguyễn Xuân Khánh, các thành viên ban tổ chức cũng là cán bộ Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội./.
Cuối tháng 12/2021, Dự án đã tổ chức đêm Gala Trại sáng tác tại Tam Đảo với sự tham gia của các giảng viên hướng dẫn, các học viên tham dự tập huấn và đại diện Ban Tổ chức cùng những người hỗ trợ. Đêm gala không chỉ nhìn lại những kết quả của Dự án mà còn là cơ hội trải nghiệm thực tế và có những chương trình hữu ích sau những buổi tập huấn kiến thức và kỹ năng…. của các học viên tham dự. |
Huy Thành