(ĐHVO). Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 370.000 vụ trẻ em bị tai nạn thương tích, trong số đó có nhiều em bị thương tật vĩnh viễn.
Từng dự hai đám tang thương tâm con của bạn bè bị ngã trên nhà cao tầng: 01 trường hợp trèo ban công, 01 trường hợp ngồi chơi trên tường giếng trời chung cư, chỉ nhìn thấy hiện trường cũng đủ lạnh sống lưng.
Cuộc sống hiện đại đầy đủ về vật chất, đi học cả ngày, trẻ về nhà lại ham mê vào game điện tử hoặc tivi, máy tính bảng… làm cho trẻ thiếu đi nhiều kỹ năng sinh tồn của cuộc sống. Mặc dù, các em cũng được học môn “kỹ năng sinh tồn” ở trường học nhưng môn học này nhiều nơi chủ yếu mang tính hình thức, chưa thực sự hiệu quả.
Trong khi đó, nhiều công trình chung cư tiết kiệm thép nên trẻ chui lọt khe ban công; ban công kính tại nhiều trung tâm thương mại hiện nay rất thấp; trụ điện, tủ điện trên hè nhiều nơi xuống cấp có thể gây nguy hiểm khi trời mưa;… hay vô số thanh thiếu niên hiện nay vừa chạy xe máy điện vừa nhìn điện thoại. Nhiều bố mẹ duy tâm không dạy con cách ứng phó rủi ro mà cho đó là chuyện tránh đề cập, mà không hiểu rằng đây là một kỹ năng rất quan trọng trong cuộc sống thường ngày.
Trẻ chấn thương do ngã
Để giảm dần số vụ thương tích cho trẻ cần phải có nhiều giải pháp, được thực hiện thường xuyên, việc duy trì kiểm định an toàn không được lơ là, phải quy trách nhiệm cho cá nhân nếu xảy ra vụ việc, không cho thoả thuận bãi nại nếu xảy ra tai nạn tử vong.
Các công trình xây dựng như trường học, chung cư, trung tâm thương mại, phòng tập thể hình, tủ điện trên hè phố…cần phải được kiểm định an toàn mới được đưa vào sử dụng: Đảm bảo ánh sáng để nhìn rõ, ổ điện chống giật, ban công bắt buộc phải có lưới bảo vệ, ban công phải đủ cao, cửa sổ kính phải có hoa sắt hoặc lưới thép, thang cuốn trung tâm thương mại phải kiểm định an toàn định kỳ, ban công trung tâm thương mại phải cao đủ an toàn, trụ điện trên hè phải có dây nối đất… bên cạnh đó, cần kiểm định an toàn thường xuyên.
Đồng thời, các kỹ năng sinh tồn, sơ cứu cần được đưa thêm, lồng ghép vào các tiết học phù hợp, chương trình ngoại khóa; dạy đúng những kỹ năng cần thiết cho trẻ ví dụ đến khách sạn, nhà cao tầng phải tìm xem thang bộ nằm chỗ nào thay vì dạy cách nhóm lửa sinh tồn trong rừng hay kỹ năng cao siêu quá ở nơi hoang dã như sách đặc vụ Seal. Hay cô giáo cũng phải nhắc học sinh sang đường phải đi vạch đi bộ, cầu đi bộ chứ không được tuỳ tiện băng qua đường, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông; trước các trường học nhất là các trường ngay gần đường, các phương tiện thường di chuyển nhanh do đường thông thoáng cần đảm bảo có gờ giảm tốc độ, biển giới hạn tốc độ hay biển cảnh báo để giảm thiểu nguy cơ…
Trẻ lớp 5 cần biết “đứng nước” mới được lên cấp 2 cần hơn học Tiếng Anh
Cùng với đó, là các chế tài xử phạt, đảm bảo việc thực hiện đúng quy định an toàn: Phạt nặng những công trình, xe cộ rơi vật sắc nhọn ra hè, đường; tổ chức bắt chó dữ thả rông thường xuyên, kể cả trâu bò ra đường phố cũng cần lực lượng bắt phạt nặng, … Tuyên truyền nhắc nhở và có chế tài xử phạt đối với học sinh đánh nhau, làm thương tích cho bạn, cấm mang vật sắc nhọn đi học…
Cuối cùng nên có chiến dịch truyền thông liên tục bằng nhiều hình thức: Trực quan, viral video, mạng xã hội … về kỹ năng phòng thương tích, cần có nguồn ngân sách duy trì liên tục và ngày càng sáng tạo cho việc này. Đồng thời, cần quản lý và có giải pháp đối với các thông tin xấu, độc hại, gây nguy cơ mất an toàn đối với trẻ như xử lý nghiêm, gỡ, chặn nội dung…
Huy Hà