Bảo vệ quyền hình ảnh của người khuyết tật trên không gian mạng

(ĐHVO). Quyền hình ảnh của cá nhân là quyền nhân thân gắn liền với cá nhân. Trong một số trường hợp, việc sử dụng hình ảnh của người khác khi chưa được sự đồng ý của họ là vi phạm pháp luật.

Ngày nay, các mạng xã hội như facebook, youtube, tiktok… khá phổ biến và là nơi để các cá nhân tương tác, giao lưu, kết nối mà không bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Do đó mạng xã hội đã dần trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống chúng ta ở thời đại công nghệ số.

Đặc biệt, đối với người khuyết tật mạng xã hội có vai trò to lớn giúp họ dễ dàng tiếp cận, khai thác thông tin phục vụ cho học tập, làm việc và chia sẻ… từ đó góp phần giúp họ hòa nhập với cộng đồng tốt hơn. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực mà mạng xã hội đem lại cũng có những vấn đề đáng lo ngại từ việc sử dụng mạng xã hội, trong đó phải kể đến việc lạm dụng, sử dụng hình ảnh của người khuyết tật khi chưa được sự đồng ý của họ thậm chí để trục lợi, phạm tội.

Do đó, vấn đề bảo vệ hình ảnh cá nhân nói chung và đối với của người khuyết tật nói riêng trên môi trường không gian mạng đang là vấn đề rất cần được quan tâm, lưu ý.

Do quan niệm chủ quan của một số người cho rằng mạng xã hội là ảo, môi trường ảo nên cứ vô tư, thoải mái kết bạn, làm quen, đăng ảnh, chia sẻ lên các nền tảng số và chia sẻ các thông tin thuộc bí mật đời tư, hành ảnh cá nhân cho người kết bạn trên mạng nhưng chưa gặp nhau, không quen biết ở bên ngoài thực tế bao giờ. Điều này vô hình chung để một số kẻ xấu tiếp cận, lợi dụng và thực hiện hành vi phạm tội. Bởi một khi hình ảnh cá nhân của chính người đó bị các đối tượng xấu có được chúng có thể sử dụng để lừa đảo, tống tiền, kêu gọi tài trợ, từ thiện trái phép để chiếm đoạt tiền của nhà hảo tâm, nhà tài trợ hoặc thực hiện các hành vi trái pháp luật khác, gây ra cho người đó nhiều phiền phức, rắc rối. Kể đến như, đối tượng xấu có thể lợi dụng hình ảnh của người khuyết tật mà không được sự đồng ý của họ để bán hàng trên không gian mạng, câu view, câu like, tăng tương tác để kiếm tiền hoặc đánh bóng tên tuổi cá nhân hay với mục đích không trong sáng khác.

Chính vì vậy, việc tự ý thức phòng ngừa, bảo vệ hình ảnh cá nhân khi tương tác trên mạng xã hội rất quan trọng đối với mỗi người nhất là đối với người khuyết tật. Vậy nên, cần kiểm tra kỹ thông tin, tài khoản của người mình kết bạn, hạn chế đăng ảnh cá nhân lên các nền tảng mạng xã hội, không tùy tiện chia sẻ hình ảnh bản thân, các sinh hoạt hằng ngày lên không gian mạng hoặc cho người khác mà mình không biết rõ về họ… Cách tốt nhất để bảo vệ mình trên không gian mạng là chính mỗi cá nhân phải chủ động tự ý thức phòng, chống trước khi nhờ cơ quan chức năng can thiệp, bảo vệ.

Bởi, để chờ khi sự thật được sáng tỏ thì ít nhiều bản thân người bị xâm hại cũng đã phải chịu sự phán xét, tổn hại đến danh dự, uy tín và tâm lý của bản thân.

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Nguyễn Nhật Hoài, Công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Hiện nay, việc đăng ảnh cá nhân lên mạng xã hội trở nên phổ biến và được sử dụng rộng rãi để chia sẻ những khoảnh khắc trong cuộc sống của mỗi người; quảng bá sản phẩm kinh doanh cũng như tạo dựng thương hiệu cá nhân,… Và, những hình ảnh này có thể bị người khác tự ý sử dụng trái phép một cách dễ dàng chỉ bằng một số thao tác đơn giản.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”. Vì vậy, việc tự ý đăng ảnh người khác khi chưa có sự đồng ý của người đó có thể là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Cụ thể hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Nghiêm trọng hơn hành vi sử dụng trái phép hình ảnh của người khác có dấu hiệu tội phạm thì sẽ bị xử lý hình sự theo tội danh tương ứng. Ngoài ra, các đối tượng sử dụng hình ảnh trái phép của người khác có thể phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân do xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác theo Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015, bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút,…

Luật sư Nguyễn Nhất Hoài, Công ty Luật Hưng Nguyên, đoàn luật sư TP.Hà Nội – PV

Bên cạnh những quy định chung của Bộ luật Dân sự về trường hợp sử dụng trái phép hình ảnh của người khác thì Luật Người khuyết tật 2010 cũng đã có những quy định cụ thể để bảo vệ nhóm người yếu thế này trong trường hợp hình ảnh của họ bị người khác sử dụng trái phép và chưa được sự đồng ý của họ. Theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Luật Người khuyết tật năm 2010 thì hành vi lợi dụng người khuyết tật, tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật, hình ảnh, thông tin cá nhân, tình trạng của người khuyết tật để trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật là hành vi bị nghiêm cấm đối với người khuyết tật. Người nào có hành vi lợi dụng hình ảnh của người khuyết tật để trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định 130/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Hồng Thái và Đồng Nghiệp, đoàn luật sư TP. Hà Nội – PV

Ngoài ra, theo Luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và đồng Nghiệp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội thì quyền hình ảnh là quyền nhân thân gắn liền với cá nhân nên khi sử dụng hình ảnh của người khác phải được sự đồng ý của họ, trừ một số trường hợp pháp luật có quy định khác. Đối với người khuyết tật khi phát hiện hình ảnh cá nhân bị sử dụng trái phép thì nên thông báo kịp thời với người thân hoặc cơ quan chức năng, tổ chức có chức năng bảo vệ người khuyết tật để được tư vấn, giúp đỡ giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của bản thân và tránh hệ lụy không mong muốn./.

Thực hiện: Hưng Nguyên

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top