(ĐHVO). “Cuộc sống không bao giờ là bế tắc thực sự hay có khái niệm mất tất cả một khi bạn còn có niềm tin” – Câu nói khiến tôi nghĩ đến anh Lê Văn Đức trú tại Vĩnh Phúc. Cuộc sống luôn đặt ra cho anh những thử thách, khó khăn nhưng không vì thế mà anh chán nản hay bỏ cuộc. Khi cuộc đời cho anh một lý do để khóc, thì anh lại cho cuộc đời cả ngàn lí do để cười.
Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Vĩnh Phúc, anh Lê Văn Đức (1990) có một tuổi thơ yên bình và trọn vẹn như bao đứa trẻ khác. Anh được bao bọc trong tình yêu thương của cha mẹ, người thân, xóm làng, được nô đùa cùng những đứa bạn cùng trang lứa, cùng lớn lên và trưởng thành với những gì tốt đẹp nhất. Thế nhưng, sự yên bình đó chẳng còn nguyên vẹn nữa khi anh bắt đầu bước vào độ tuổi trưởng thành. Năm anh 20 tuổi, một tai nạn bất ngờ đã khiến anh vĩnh viễn không thể tự đứng trên đôi chân của mình và cuộc sống của anh từ đó cũng thay đổi hoàn toàn.
Anh Đức bị tai nạn xe máy dẫn tới hậu quả bị gãy cột sống, thậm chí anh còn không thể ngồi dậy hay lật người mà chỉ có thể nằm nguyên một chỗ. Do nằm bất động một chỗ quá lâu, vết thương lại chưa lành hẳn, nên sau một thời gian, vị trí vết thương của anh có dấu hiệu bị loét. Mặc dù anh và gia đình đã phát hiện từ sớm, cũng khẩn trương điều trị vết loét, nhưng vẫn phải mất gần 1 năm điều trị mới khỏi hẳn.
Trong thời gian 8 năm chỉ có thể nằm một chỗ, cuộc sống của anh Đức gần như chỉ bó hẹp trong khuôn khổ ngôi nhà. Sự đau đớn, ngột ngạt khi ấy khiến anh gần như gục ngã. Anh chia sẻ: “Sau khi bị tai nạn, mình bị gặp sự cố đó là vết loét, phải mất gần 1 năm chữa loét mới khỏi. Và từ đó mình tự ti hơn, không muốn tiếp xúc với mọi người. Mất 8 năm mình nằm một chỗ, lúc ấy mình như người bị tự kỷ, cảm thấy sợ tất cả mọi thứ…”
Ròng rã 8 năm trời, anh từng tự ti, cũng từng chán nản nhưng anh chưa từng đầu hàng số phận. Năm 2018, vượt qua mọi rào cản trong cuộc sống và những suy nghĩ tiêu cực của bản thân, anh quyết định bước ra ngoài xã hội một lần nữa để tìm lại chính con người mình. Bắt đầu bằng việc tiếp xúc với những người xung quanh, anh mua cho mình một chiếc xe lăn để thuận tiện cho việc đi lại, giao tiếp với mọi người. Thời gian đầu, anh vẫn còn nhiều mặc cảm, tự ti, chưa thực sự cởi mở để chia sẻ với mọi người, nhưng dần dần thành quen, anh nói chuyện nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn và giờ anh đã có thể nói chyện rất thoải mái với những người xung quanh mà không còn thấy ngại nữa.
Anh Lê Văn Đức ( Ảnh do nhân vật cung cấp )
Rồi anh tìm hiểu những cách kiếm tiền trên mạng, bằng sự nhanh nhạy và phấn đấu của mình, anh Đức làm việc để kiếm thêm thu nhập qua một vài ứng dụng trên mạng. Mặc dù cũng tích góp được chút vốn qua những công việc trên ứng dụng, nhưng có lẽ đó không phải là sở thích và đam mê của mình nên anh không ngừng tìm kiếm một công việc khác phù hợp và khiến anh yêu thích hơn.
Thế rồi, cơ duyên đưa anh tìm đến với công việc làm đồ da. Ban đầu anh tìm mua nguyên liệu để về tự học làm. Chẳng biết có phải do anh có thiên phú làm nghề hay không mà ngay từ những ngày đầu của công việc, anh làm mọi thứ đều rất suôn sẻ. Càng làm càng say mê, anh quyết định tiến thêm một bước để những sản phẩm anh tạo ra ngày một hoàn hảo hơn. Qua một vài một nguồn thông tin, anh biết đến anh Hảo, một người cùng hoàn cảnh với mình ở Thái Nguyên. Anh Hảo là người đã dạy anh làm đồ da, chỉ sau hơn 1 tháng chăm chỉ làm việc, những sản phẩm của anh Đức đã cả thiện lên rất nhiều và có thể đem bán thành phẩm.
Anh Lê Văn Đức tại lớp học làm đồ da của anh Hảo (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Có lẽ do chung hoàn cảnh lẫn sở thích, nên anh Đức và anh Hảo rất nhanh đã thân thiết trong thời gian ngắn. Cả hai quyết định mở một cửa hàng đồ da ở ngay trên thị trấn của tỉnh Thái Nguyên. Công việc ban đầu cũng khá suôn sẻ, nhưng vì chủ quan, cộng thêm phải di chuyển nhiều nên anh Đức bị thương ở chân, vết thương tiếp xúc với đất bẩn nhiều dẫn đến nhiễm trùng và bị loét. Để chữa trị cho vết thương nên 2 anh em quyết định đóng cửa hàng, anh Đức sau đó cũng về quê để tiện cho việc chữa trị. May mắn là sau khi về quê chữa trị một thời gian ngắn thì vết thương của anh cũng ổn định và lành hẳn.
Đam mê với công việc làm đồ da, cộng thêm ý chí tự lập, không đầu hàng số phận, anh Đức đã gom góp những đồng vốn tích góp được để mở một cửa hàng đồ da ngay tại nhà của mình. Cửa hàng đặt tại vị trí cạnh cây xăng 136 Khu 1, xóm Sen, xã Nghĩa Hưng, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Mặc dù vị trí cửa hàng không phải ngay tại mặt đường, nhưng lượng khách cũng khá ổn định, chủ yếu là khách quen của anh Đức từ trước đến nay. Hầu hết khách hàng của anh đều rất hài lòng về các sản phẩm và quay lại cửa hàng để mua thêm những sản phẩm khác khi có nhu cầu.
Cửa hàng đồ da của anh Lê Văn Đức tại Vĩnh Phúc ( Ảnh do nhân vật cung cấp )
Có thế nói rằng, anh Đức giống như một cây xương rồng giữa sa mạc, luôn cải thiện, thay đổi bản thân để có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh. Dù cuộc sống có khắc nghiệt, bão táp thế nào đi nữa thì cây xương rồng ấy vẫn thẳng đứng vững vàng, không bao giờ gục ngã. Chắc hẳn, đối với một người yêu thích làm đồ da như anh thì đó chính là nguồn động lực lớn nhất. Hy vọng rằng anh Đức sẽ luôn được sống và làm việc với đúng niềm đam mê của mình và cửa hàng của anh cũng sẽ luôn đông khách, ngày càng phát triển hơn nữa.
Khánh Ly