Sức mạnh từ chính gian khó của cậu chủ trẻ Phan Minh Quý

(ĐHVO). Đi qua những ngày mưa giông mới trân quý những ngày nắng, những khó khăn, chông gai rồi cũng sẽ qua đi nhường chỗ cho những kỳ tích, kết quả đạt được sau năm tháng nỗ lực cố gắng. Đó là câu chuyện mà hơn ai hết trong mỗi chúng ta phần nào cảm thấy kính nể và khâm phục của anh chàng khuyết tật vận động – anh Phan Minh Quý. Phải chăng như lời anh nói, “tàn nhưng không bao giờ phế”.

Anh Phan Minh Quý sinh năm 1990 trú tại xã Lạng Phong, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Nhìn lại quãng thời gian đã trải qua, anh Quý không nghĩ mình có thể vượt qua được. Anh được sinh ra trong một gia đình nhà nông, thể trạng, sức khỏe hết sức bình thường. Những tưởng cuộc sống bình yên mở cửa đón bước anh nhưng không, sau cơn sốt ngày anh mới được 3 tháng tuổi khiến anh bị co giật và hệ quả đáng tiếc là hai chân và tay trái của anh bị ảnh hưởng nặng nề. Chân anh cứ thế teo tóp, co quắp dần theo sự bàng hoàng, lo sợ của chính anh và nỗi đau, thương con của gia đình. Biết anh gặp căn bệnh lạ, bố mẹ anh thương con, đưa anh đi chữa trị ở nhiều nơi, nghe tin nơi nào có thể chữa trị cũng đều cho anh đi, cố gắng giành giật lại một tia hy vọng về những bước đi cuộc đời cho con.

Anh Quý khởi nghiệp từ nghề may mặc (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Cứ thế, 10 năm trôi qua trong sự thất vọng, không có nơi nào có thể chữa trị, giúp anh lấy lại được đôi chân khỏe mạnh. Trong 10 năm anh chỉ có thể di chuyển bằng cách bò, lết hoặc quỳ để sinh hoạt và hoạt động. Năm 10 tuổi anh mới được đi học lớp 1, đến trường bằng chính đôi chân của bố mẹ không quản ngày mưa ngày nắng bù đắp những tháng ngày háo hức được cắp sách tới trường.

Mùa hè năm 2000, cuộc đời anh như được tưới thêm nguồn sống khi nhận được tin anh là 1 trong số trẻ may mắn được Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF tài trợ phẫu thuật miễn phí cho người khuyết tật. Sau 3 ca phẫu thuật 2 chân và 1 tay, cùng với quá trình vật lý trị liệu 1 năm sau đó, cuối cùng anh Quý cũng có thể bước đi bằng chính đôi chân của mình. Anh Quý chia sẻ: “Anh vẫn nhớ cái ngày mà bố mẹ đỡ anh ra sân bước bước đi đầu tiên, cơn gió thổi qua cũng làm anh chao đảo. Nhưng đó là niềm vui, niềm hy vọng sau bao ngày cố gắng, kiên trì điều trị.”

Cứ thế, anh vẫn kiên trì điều trị ở nhà 1 năm sau đó, cứ buổi sáng đi học, chiều và tối anh dành trọn thời gian để tập luyện, phục hồi chức năng. Ngay cả đến hiện tại, anh Quý vẫn giữ thói quen tập luyện đều đặn để duy trì sức khỏe cũng như cơ, khớp được ổn định, dẻo dai, linh hoạt.

Hầu như mọi thời gian anh tập trung cho việc tập luyện, nhưng không vì thế mà lực học của anh giảm sút. Anh vẫn luôn theo kịp chương trình học tập của các bạn đồng trang lứa, thành tích học tập các năm đều đạt mức tiên tiến. Với anh, được đến lớp, được giao lưu, kết bạn là điều may mắn nên anh trân quý, không bao giờ bỏ lỡ. Nhưng rồi, đến năm 2009 vừa hoàn thành năm học lớp 9, anh tự nhận thấy lực học của bản thân không quá vượt trội để có thể giúp anh duy trì cuộc sống sau này hơn nữa bố mẹ anh cũng đã có tuổi, anh không muốn thêm gánh nặng cho bố mẹ. Anh đã quyết định nghỉ học và đi làm để mưu sinh, giúp đỡ gia đình bất chấp sự can ngăn của bố mẹ.

Phải chăng, nghị lực vượt qua khó khăn tìm lại bước đi bằng chính đôi chân của mình đã hun đúc, bồi đắp để hôm nay anh có thể kiên cường, xông pha không quản gian nan, thử thách. Anh rời quê hương với 500.000 nghìn đồng tích góp tiết kiệm được, sang Nam Định xin việc. Thủa ấy anh vẫn còn trẻ, tay chân không thể làm các công việc nặng nhọc, bốc vác, xây dựng nên anh không xin được công việc tử tế, ổn định. May mắn anh được nhận vào làm trong một xưởng gỗ mỹ nghệ nhưng chỉ duy trì được mấy tháng, anh phải nghỉ việc và về quê. Một thời gian anh được đào tạo nghề may tại một trung tâm dạy nghề, dù phải đạp máy may bằng chính đôi chân yếu ớt nhưng anh vẫn kiên trì, thành thạo chỉ sau mấy tháng và anh nghĩ nghề may phù hợp với anh hơn cả.

Vì vấn đề thu nhập nên anh bỏ nghề may, hơn 10 năm anh bôn ba khắp xứ người và làm đủ nghề khác nhau, gặp vô số nhà tuyển dụng. Thậm chí, anh quen với việc bị từ chối tuyển dụng vì sức khỏe không đảm bảo, không có tay nghề, bằng cấp, “chân tay không làm nên trò chống gì” hay “phế nhân”. Nhưng anh vẫn cố gắng, không lấy những lời chê bai, hiềm khích làm vật cản đường, anh kiên trì học hỏi kinh nghiệm, kiến thức kinh doanh và tích góp cho mình được một chút vốn nhỏ.

Anh là thành viên ưu tú của Trung tâm dạy nghề – phát triển việc làm và hỗ trợ người khuyết tật tỉnh Ninh Bình, nơi đã đào tạo, dạy nghề cho hơn 2000 thành viên và còn hỗ trợ người khuyết tật các mảng về giáo dục đặc biệt, giáo dục hòa nhập và phục hồi chức năng. Thấu hiểu được những khó khăn về việc làm của người khuyết tật cũng như khẳng định bản thân không phải là một “phế nhân”, anh nung nấu ý định mở trung tâm dạy nghề và xưởng may tại chính quê hương mình.

Vừa hay được sự hỗ trợ thủ tục pháp lý của Giám đốc Trung tâm cùng với số tiền tích góp được và hỗ trợ thêm từ gia đình, anh đã thành lập Trung tâm dạy nghề – phát triển việc làm và hỗ trợ người khuyết tật tỉnh Ninh Bình cơ sở 2 vào giữa năm 2020 đảm nhận chức Phó Giám đốc Trung tâm. Trung tâm với diện tích 200m2 kỳ vọng sẽ góp phần giúp cho người khuyết tật nâng cao nhận thức về vấn đề học nghề cũng như tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người khuyết tật và người dân trên địa bàn.

Anh Quý đào tạo tay nghề cho người lao động (Ảnh nhân vật cung cấp)

Mặc dù được thành lập trong bối cảnh khó khăn chung bởi đại dịch Covid-19 nhưng hơn 1 năm hoạt động, Trung tâm đã đạt được những thành tích đáng kể. Trung tâm tập trung đào tạo và gia công hàng may mặc, mới đây với mục tiêu đa ngành nghề trong đào tạo và sản xuất, Trung tâm mở rộng gia công hàng mây tre đan mỹ nghệ, tạo việc làm cho khoảng 60-70 người đặc biệt chiếm khoảng 30% là người khuyết tật.

Tình hình dịch bệnh vẫn kéo dài, lượng hàng hóa tiêu thụ bị chậm liên tục nên anh luôn phải chật vật xoay vòng vốn, lo trả đủ lương cho nhân công. Thậm chí, một mình anh đảm nhiệm hết các công việc như kế toán, dạy nghề, gia công và tiêu thụ hàng hóa, tần suất làm việc cao.

Hôm nay nhìn lại, anh chia sẻ: “Trên đời này, không có cuộc sống của ai là dễ dàng. Chỉ khác nhau ở chỗ, người thì đang than trời trách đất, người thì đang âm thầm nỗ lực phấn đấu”. Từ những kết quả đã đạt được, năm 2020 vừa qua, anh Quý vinh dự là một trong 64 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu được vinh danh trong chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam phối hợp tổ chức.


Anh Phan Minh Quý được nhận Bằng khen Thanh niên khuyết tật tiêu biểu

Quả thực, không có con đường nào trải hoa hồng, anh Quý luôn chọn cho mình con đường chông gai để từ chính con đường đó làm nên sự kiên cường, không bao giờ khuất phục trước khó khăn. Và hơn hết, để có được như này hôm nay thì gia đình đặc biệt là bố luôn đồng hành cùng anh. Anh chia sẻ: “Nay bố anh đã già nhưng ông vẫn cùng anh lo việc của Trung tâm từ hỗ trợ dạy nghề, thu gom, phân phối hàng. Đợt này tập trung mở rộng thêm ngành mây tre đan, suốt 1 tháng ròng rã bố chở anh sang Nam Định từ 5 giờ sáng để cùng học nghề đến 7 giờ tối về. Bố anh đã quá vất vả rồi!”. Đúng là: Công Cha như núi như non/ Hy sinh tất cả cho con nên Người.

Mong rằng, anh Quý vẫn luôn kiên cường, ý chí như thế để hoàn thiện ước mơ tạo dựng, phát triển, thu hút được nhiều người khuyết tật biết đến Trung tâm để đào tạo, rèn tay nghề, tích lũy kinh nghiệm để có thể tự tin, hòa nhập xã hội.

Nguyễn Khương

Bài viết liên quan

80

CHÚNG TA SẼ HỒI SINH MẠNH MẼ

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – MỘT NHÀ BÁO CÁCH MẠNG LỖI LẠC SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

bà lịch - PX

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp: Trợ giúp pháp lý thành công cho người nghèo, người khuyết tật

Song-vinh-quan-giu-doi-thuo

Cảm phục tấm gương nữ thương binh vinh dự được Thủ tướng tuyên dương

IMG_0144

Tấm gương thương binh tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu

nam

Hà Nam: Phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang