(ĐHVO). Nguyễn Thị Lan (31 tuổi, Phú Thọ) là người khuyết tật vận động, bị liệt tứ chi nhưng không vì thế mà Lan gục ngã, cô đã có một cuộc sống đầy nghị lực và trở thành cô chủ tiệm handmade.
Bén duyên với công việc handmade
Nguyễn Thị Lan, sinh năm 1991 là con út trong gia đình 5 anh chị em có 2 người khuyết tật. Trong đó có Lan mắc bệnh khuyết tật vận động liệt tứ chi, cơ thể bị mất dần các chức năng, mọi sinh hoạt thường ngày đều có người thân giúp đỡ, chăm sóc hỗ trợ. Để làm được việc gì đó với cô thật sự rất xa vời.
“Căn bệnh khiến mình khó di chuyển sinh hoạt trong cuộc sống thường ngày, vì hệ cơ bị mềm và mất dần chức năng. Nó khiến chân tay yếu mềm không có lực, làm cái gì cũng không tự làm được, đơn giản như xoay cái nắp chai cũng phải cần người giúp. Vậy nên cuộc sống của mình cần sự hỗ trợ, chăm sóc từ gia đình và xe lăn là đôi chân thứ 2”, Lan chia sẻ.
Nguyễn Thị Lan (1991) mắc phải căn bệnh loạn dương cơ, liệt tứ chi
Cô luôn canh cánh trong lòng bản thân bệnh tật không giúp được gì cho gia đình, còn làm gánh nặng cho bố mẹ. “Nhà mình thuần nông nhìn ba mẹ sớm khuya tảo tần vì cuộc sống mưu sinh, có những ngày mưa to, ba mẹ vẫn oằn mình đi cuốc đất bỏ phân chăm sóc cây vườn. Bản thân bị liệt thế này không giúp được gì, ngồi ở nhà nhìn trời mưa khóc theo luôn. Ba mẹ sinh con ra không được nhờ cậy, đỡ đần khi tuổi cao sức yếu”, Lan suy tư.
Sống trong chuỗi ngày dài suốt ngày quanh quẩn với những buồn lo, Lan luôn có một khát khao và mơ ước. Cô ước gì mình có một công việc phù hợp với sức khỏe để làm, ước gì có thể làm gì đó để trở nên ý nghĩa hơn. Cuối cùng, mong mỏi của của cô đã được đền đáp.
“Tình cờ mình xem tivi kể về cô gái bị xương thủy tinh làm tranh giấy nên mình đã tìm hiểu và biết đến bộ môn nghệ thuật này. Mình xin gia đình cho đi học nghề, nhưng vì sức khỏe không cho phép, không thể sống tự lập được khi xa người thân vì thế việc học phải gác lại. Không nản chí, mình đã mày mò tự làm bằng việc hình dung cách làm qua những sản phẩm hoàn thiện phát trên tivi. Điều đó giúp mình ghi nhớ và tự học làm tranh giấy tại nhà”, Lan bắt đầu hành trình khởi nghiệp như vậy.
Hadmade rất cần sự tỉ mỉ và đầu tư thời gian, tùy vào mỗi sản phẩm thời gian làm cũng khác nhau. Lan chia sẻ: “Giấy là một công việc nhẹ nhàng nhưng không hề đơn giản. Từ những sợi giấy nhiều màu sắc qua đôi bàn tay khéo léo, sự tỉ mỉ và kiên trì đã tạo ra nhiều sản phẩm với nhiều hình dáng, họa tiết khác nhau. Đặc biệt là càng làm càng thích những vòng xoắn xinh đẹp đó. Để có một một sản phẩm ra lò còn tùy vào từng họa tiết và mức độ khó dễ của bức tranh có bức 1-2 ngày, có bức cả tuần, cả tháng”.
Đôi tay yếu làm nên các tác phẩm đẹp và đặc sắc
Không ai tin, Lan có thể làm được với đôi tay yếu ớt này. Ngày đầu gặp rất nhiều khó khăn, thiếu nguyên liệu chuyên dụng, chưa có khách hàng phải mất gần một năm Lan mới dần dần cóp nhặt đủ để nâng cao kiến thức, trình độ và dần tạo dựng được niềm tin với gia đình. Hiện tại, Lan đã tự mở cho mình được được một của hàng handmade riêng.
Được sống và làm việc với đam mê là niềm hạnh phúc của cô gái. Niềm vui được nhân lên khi sản phẩm được thị trường đón nhận, khách hàng yêu mến và hơn thế nữa còn tạo ra thu nhập phụ giúp cho gia đình.
Nguyễn Thị Lan tự hào giới thiệu: “Điểm đặc biệt trong những bức tranh giấy xoắn của mình là mỗi sản phẩm làm ra đều rất tỉ mỉ và chau chuốt. Mình đặt cả tâm hồn của mình vào đó, mình mong khi xem sản phẩm mọi người sẽ cảm nhận được điều đó. Mình cũng dành thời gian để nghiên cứu, sáng tạo những mẫu mã đa dạng về nội dung và tính nghệ thuật”.
Tác phẩm do chính tay Nguyễn Thị Lan làm ra
Tìm thấy tình yêu từ công việc
Chính công việc đã mang đến cho cô gái khuyết tật này mối duyên gặp người chồng hiện tại của mình. Lan chia sẻ: “Đến giờ mình cũng không hiểu vì sao mình lại đồng ý lấy anh ấy và rời xa gia đình cả hơn ngàn km về làm dâu Bình Định. Anh đã đặt tranh của mình và từ đó kết bạn trò chuyện trên mạng xã hội, sau đó mong muốn được người chăm sóc và che chở cho mình nốt phần đời còn lại”. Bên cạnh đó, cô cũng được gia đình chồng ủng hộ, động viên trên con đường công việc của mình.
Từ chính câu chuyện của cuộc đời mình, Lan tâm đắc nhất câu nói: “Chúng ta, sinh ra trên cõi đời này đều có lý do của nó, các bạn đừng tự ti và mặc cảm. Mình là một điều đặc biệt và các bạn cũng thế. Chúng ta, hãy cùng tìm ra mục đích sống cho cuộc đời của mình. Sống và biến cuộc sống của mình trở nên ý nghĩa dù ở hoàn cảnh nào”.
Hà Giang