(ĐHVO). Mô hình Chính phủ điện tử (CPĐT) đặc biệt có tác dụng đối với các quốc gia lấy dân làm gốc, đặt mục tiêu phục vụ nhân dân làm trọng như Việt Nam. Giá trị của CPĐT nằm ở lợi ích đích thực của nó đối với nhân dân và doanh nghiệp, tổ chức, có tác dụng giảm thiểu thời gian, phí tổn cho họ.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng chỉ đạo: Phát triển Chính phủ điện tử phải gắn với bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân; gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc với ứng dụng công nghệ thông tin, xác định ứng dụng công nghệ thông tin là công cụ hữu hiệu hỗ trợ, thúc đẩy cải cách hành chính; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm[5]. Do vậy, việc xây dựng CPĐT sẽ thực sự thành công khi mang lại lợi ích rõ ràng cho nhân dân, xã hội và cho nhà nước, triển khai Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số là chủ trương lớn và cũng là xu hướng tất yếu, vừa nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của Chính phủ, vừa đẩy lùi nạn tham nhũng, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động cũng như nâng tầm vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Do vậy, để có thể đạt được các mục tiêu Đảng và Chính phủ đã đề ra, cả hệ thống chính trị cần có sự vào cuộc với quyết tâm cao trong việc thúc đẩy phát triển, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin nhằm phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ Tổ quốc; tận dụng tối đa lợi ích của công nghệ số mang lại, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước. Trong bài viết này chúng tôi đi vào trình bầy và luận giải: 1). Chính phủ điện tử là gì, thuật ngữ và khái niệm; 2). Sự phát triển của Chính phủ điện tử và triển vọng đối với đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực Công nghệ thông tin ở Việt Nam hiện nay; 3). Ảnh hưởng của nó đối với thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực Công nghệ thông tin tại Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy hiện nay
- Chính phủ điện tử là gì, thuật ngữ và khái niệm[6]
Trên thế giới tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau về Chính phủ điện tử, trong đó nổi bật là:
– Theo định nghĩa của Ngân hàng thế giới (World Bank): “CPĐT là việc các cơ quan Chính phủ sử dụng một cách có hệ thống CNTT-TT để thực hiện quan hệ với công dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Nhờ đó giao dịch của các cơ quan Chính phủ với công dân và các tổ chức sẽ được cải thiện, nâng cao chất lượng. Lợi ích thu được sẽ là giảm thiểu tham nhũng, tăng cường tính công khai, sự tiện lợi, góp phần vào sự tăng trưởng và giảm chi phí”.
– Định nghĩa của Liên Hợp quốc: “Chính phủ điện tử được định nghĩa là việc sử dụng Internet và mạng toàn cầu (world-wide-web) để cung cấp thông tin và các dịch vụ của chính phủ tới công dân”.
– Định nghĩa của tổ chức Đối thoại doanh nghiệp toàn cầu về thương mại điện tử: “Chính phủ điện tử đề cập đến một trạng thái trong đó các cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp (bao gồm cả chính quyền trung ương và chính quyền địa phương) số hóa các hoạt động bên trong và bên ngoài của họ và sử dụng các hệ thống được nối mạng hiệu quả để có được chất lượng tốt hơn trong việc cung cấp các dịch vụ công”.
– Định nghĩa của Gartner: chính phủ điện tử là “sự tối ưu hóa liên tục của việc cung cấp dịch vụ, sự tham gia bầu cử và quản lý bằng cách thay đổi các quan hệ bên trong và bên ngoài thông qua công nghệ, Internet và các phương tiện mới”.
– Định nghĩa của Nhóm nghiên cứu về chính phủ điện tử trong một thế giới phát triển: “Chính phủ điện tử là việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để thúc đẩy chính phủ một cách hiệu lực và hiệu quả, hỗ trợ truy cập tới các dịch vụ của chính phủ, cho phép truy cập nhiều hơn vào thông tin và làm cho chính phủ có trách nhiệm với công dân. Chính phủ điện tử có thể bao gồm việc cung cấp các dịch vụ qua Internet, điện thoại, các trung tâm cộng đồng, các thiết bị không dây hoặc các hệ thống liên lạc khác”.
Vậy, hiểu một cách khái quát thì Chính phủ điện tử là hình thức số hoá hoạt động của các cơ quan công quyền[7], sử dụng sâu rộng công nghệ thông tin, truyền thông và các phương tiện mới[8] nhằm đổi mới quy trình, giúp cho các cơ quan Chính phủ làm việc hiệu lực, hiệu quả và minh bạch hơn[9], cung cấp thông tin, dịch vụ tốt hơn cho người dân[10], doanh nghiệp và các tổ chức và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân thực hiện quyền dân chủ và tham gia quản lý nhà nước. Lợi ích thu được sẽ là giảm thiểu tham nhũng, tăng cường tính công khai, sự tiện lợi, góp phần vào sự tăng trưởng và giảm chi phí[11].
Ưu thế của CPĐT rất rõ ràng: (i) đơn giản hoá các thủ tục, giấy tờ; (ii) giảm đáng kể thời gian giải quyết công việc; (iii) nâng cao tính minh bạch, nâng cao năng lực điều hành của chính phủ, giảm thiểu nguy cơ xảy ra tham nhũng; (iv) nâng cao lòng tin của nhân dân đối với chính quyền; (v) đảm bảo không bỏ sót nguồn thu ngân sách từ các dịch vụ công; (vi) góp phần tinh giản biên chế.
2. Sự phát triển của Chính phủ điện tử và triển vọng đối với đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực Công nghệ thông tin ở Việt Nam hiện nay
Ngay từ những năm đầu thế kỷ XXI, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm việc phát triển ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, lấy đó làm động lực góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Năm 2014, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2020 “triển khai có hiệu quả chương trình cải cách hành chính, gắn kết chặt chẽ với việc xây dựng Chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao và trong nhiều lĩnh vực”.
Năm 2015, cụ thể hoá chủ trương của Đảng, Chính phủ đã có Nghị quyết đầu tiên tập trung về Chính phủ điện tử nhằm đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Nghị quyết đặt mục tiêu nâng cao vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hợp quốc, công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng. Năm 2016, chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam tăng 10 bậc so với năm 2014 (xếp vị trí 89/193) theo đánh giá của Liên hợp quốc trên 3 tiêu chí: dịch vụ công trực tuyến, hạ tầng viễn thông và nguồn nhân lực.
Việc triển khai xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử trong những năm gần đây đã đạt được một số kết quả tích cực, đặc biệt trong chỉ đạo điều hành, tạo lập cơ sở pháp lý cho triển khai Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
Năm 2016, có 17 bộ, cơ quan ngang bộ và 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai mạng diện rộng WAN, trong đó đã kết nối tới trên 80% số đơn vị thuộc, trực thuộc các bộ, ngành và trên 75% các sở, ngành, quận/huyện các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tỷ lệ cán bộ, công chức được trang bị máy tính phục vụ công việc đạt 90,95% ở Trung ương, 97,14% ở các sở, ban, ngành cấp tỉnh và 90,87% ở UBND cấp huyện[12].
Về ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành đã được triển khai tại 100% các bộ, ngành, địa phương. Có 18 bộ, ngành và 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai hệ thống quản lý văn bản và điều hành dùng chung giúp cho việc gửi, nhận văn bản điện tử liên thông giữa các cơ quan, đơn vị. 15 bộ, ngành và 44 tỉnh, thành phố đã triển khai sử dụng chữ ký số chuyên dùng và tích hợp với hệ thống quản lý văn bản, điều hành. Các bộ, ngành có 98,8% cán bộ, công chức được cấp và thường xuyên sử dụng hộp thư điện tử và đối với các tỉnh, thành phố tỷ lệ này trên 82%[13].
Về xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia làm nền tảng cho xây dựng Chính phủ điện tử, hiện nay, đã triển khai Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký kinh doanh, Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; đang triển khai các Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu Đất đai quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm, Cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương đã tăng cường xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành để phục vụ công tác quản lý của mình.
Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước. Đầu năm 2019, Trục liên thông văn bản quốc gia đã được đưa vào vận hành, tăng cường sử dụng văn bản điện tử, tiến tới thay văn bản giấy trong các cơ quan nhà nước[14].
Ngày 24/6/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ đầu tiên qua hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet). Việc đưa vào vận hành chính thức Hệ thống e-Cabinet thể hiện quyết tâm trong cải cách hành chính, là bước đi lớn trong hiện thực hoá Chính phủ phi giấy tờ trong lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử[15]. Bên cạnh đó, Chính phủ triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia, ứng dụng các công nghệ mới để triển khai hệ thống như: ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong trả lời tự động (Chatbot) người dân, doanh nghiệp về tra cứu thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến, phản ánh, kiến nghị, đánh giá mức độ hài lòng của người dân doanh nghiệp; để nghiên cứu, xây dựng hệ thống xác thực và chia sẻ thông tin VnConnect trên Cổng dịch vụ công quốc gia[16], xây dựng mô hình hệ thống đủ mềm dẻo, đáp ứng nhu cầu xác thực định danh theo hiện trạng của Việt Nam và sẵn sàng thích nghi trong tương lai để xác thực định danh cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ công trực tuyến, áp dụng tối đa các công nghệ tiên tiến của cuộc CMCN 4.0 như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain),… đồng thời khai thác tối đa các cơ sở dữ liệu định danh sẵn có của bảo hiểm, thuế, ngân hàng, doanh nghiệp… khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đang trong giai đoạn triển khai.
* Trục liên thông văn bản quốc gia
Trục liên thông văn bản quốc gia là tiền đề của nền tảng tích hợp dữ liệu phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số. Đây là một bước đột phá mạnh mẽ vào tư duy giấy tờ, quan liêu kiểu cũ để tạo lập nền tảng cho những bước phát triển mới của Chính phủ điện tử [17], đồng thời là một trong những bước chuẩn bị cho việc triển khai ở giai đoạn tiếp theo nền tảng tích hợp, chia sẻ quốc gia kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ quan nhà nước nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Hiện nay, 95/95 cơ quan ở Trung ương và địa phương (gồm Văn phòng Trung ương Đảng; 31 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) đã hoàn thành kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành trên Trục liên thông văn bản quốc gia[18], góp phần hoàn thành mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử của ASEAN.
Từ giữa năm 2019, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả gửi, nhận văn bản điện tử có ký số giữa các bộ, ngành, địa phương, Văn phòng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện ký số tất cả các văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia (trừ văn bản mật) giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Văn phòng Chính phủ. Trước mắt, thí điểm không gửi văn bản giấy đối với 21 loại văn bản điện tử ký số[19].
Trên cơ sở phát triển Trục liên thông văn bản quốc gia, Chính phủ đang triển khai xây dựng Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (Vietnam Data Exchange Platform – VDXP), dự kiến sẽ hoàn tất trong Quý IV/2019. Đồng thời, triển khai Nghị định số 09/2019/NĐ-CP, Chính phủ đang triển khai xây dựng Hệ thống báo cáo Chính phủ, Trung tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ với khả năng tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn (Big Data), phân tích dữ liệu dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2020.
* Những vướng mắc, khó khăn
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Chính phủ điện tử còn một số tồn tại, hạn chế như:
– Về cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng Chính phủ điện tử, chưa có quy định về kết nối, chia sẻ dữ liệu trong hoạt động của cơ quan nhà nước; thiếu các quy định cụ thể về văn thư, lưu trữ điện tử, giá trị pháp lý của văn bản điện tử và các văn bản quy định việc sử dụng các văn bản điện tử trong giao dịch hành chính, thanh toán. Các chính sách ưu đãi thúc đẩy phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin chậm được triển khai nhất là cơ chế ưu đãi về thuế trong đó có thuế chuyển nhượng vốn của chủ doanh nghiệp khởi nghiệp.
Một số cơ quan, người đứng đầu chưa trực tiếp chỉ đạo, điều hành hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử hoặc công tác chỉ đạo thiếu quyết liệt, chưa gương mẫu. Bên cạnh đó, cán bộ, công chức một số nơi vẫn có thói quen làm việc dựa trên giấy, ngại dùng công nghệ do sợ mất quyền kiểm soát, mất vai trò và khi công khai, minh bạch sẽ bị giám sát. Bộ phận kỹ thuật có tâm lý cục bộ, không liên thông, chia sẻ thông tin, dữ liệu, muốn tự làm hết từ mua máy tính đến phần mềm…
– Hệ thống nền tảng kết nối, liên thông, tích hợp chia sẻ dữ liệu (NGSP) triển khai chậm, các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu điện tử (LGSP) tại các bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thành.
– Một số cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử như: Dân cư, đất đai, tài chính còn chậm triển khai dẫn đến việc chia sẻ, dùng chung các hệ thống thông tin chưa được thực hiện, làm ảnh hưởng đến triển khai Chính phủ điện tử.
Các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin cốt lõi tạo nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử chậm được triển khai; các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đã được triển khai thiếu sự kết nối, chia sẻ.
– Việc xử lý, trao đổi, gửi nhận văn bản điện tử trong nội bộ và giữa các cơ quan nhà nước còn chưa phát huy được hiệu quả; hệ thống quản lý văn bản và điều hành của một số bộ, ngành, địa phương khác nhau.
– Dịch vụ công trực tuyến được thiết kế riêng lẻ, rời rạc, chưa thân thiện, chưa lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Mặc dù số lượng dịch vụ công mức 3, mức 4 triển khai tại các bộ, ngành, địa phương ngày càng tăng, tuy nhiên số lượng hồ sơ trực tuyến theo từng dịch vụ rất thấp, thậm chí nhiều dịch vụ không phát sinh hồ sơ trực tuyến. Quy trình giải quyết thủ tục hành chính chưa bảo đảm tính khoa học, gây gánh nặng cho cán bộ công chức.
Dịch vụ công trực tuyến tuy có tăng về số dịch vụ nhưng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 còn rất thấp (mức độ 3 khoảng 10%; mức độ 4 khoảng 2%). Dịch vụ công trực tuyến nhất là ở các địa phương triển khai riêng lẻ, chưa đồng bộ dẫn đến trùng lắp, khó có khả năng kết nối, chia sẻ. Các dịch vụ mức độ 3, mức độ 4 có hiệu quả chưa cao, chưa có hồ sơ trực tuyến hoặc số lượng hồ sơ trực tuyến còn thấp (năm 2017 tỷ lệ dịch vụ có hồ sơ trực tuyến của các bộ, ngành mức độ 3 chiếm 39,93%; mức độ 4 chiếm 55,16%; các tỉnh, thành phố mức độ 3 chiếm 11,46%; mức độ 4 chiếm 12,11%).
– Ngân sách đầu tư cho ứng dụng CNTT, xây dựng hệ thống thông tin gắn với cải cách hành chính vẫn còn hạn chế, cơ chế đầu tư tài chính chậm sửa đổi nên chưa đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa nền hành chính, chưa đủ để tạo ra đòn bẩy nâng cao hiệu quả điều hành của Chính phủ, cũng như tăng chất lượng dịch vụ công.
Nguyên nhân chủ yếu của các vấn đề trên là do nhiều cấp, nhiều ngành chưa xác định rõ lộ trình và các nhiệm vụ cụ thể để triển khai, còn thiếu gắn kết giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách thủ tục hành chính và đổi mới lề lối, phương thức làm việc, nhất là trong quan hệ với người dân, doanh nghiệp; chưa phát huy vai trò của người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện[20]. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan hành chính Nhà nước cũng như quy định về cơ chế tích hợp, chia sẻ dữ liệu còn thiếu; thói quen cát cứ dữ liệu còn tồn tại ở nhiều cơ quan; việc bảo đảm an toàn, an ninh cho các hệ thống thông tin của các cơ quan Nhà nước còn chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt chúng ta còn thiếu khung pháp lý đồng bộ về xây dựng Chính phủ điện tử, thiếu quy định cụ thể về xác thực cá nhân, tổ chức trong các giao dịch điện tử cũng như các quy định pháp lý về văn thư, lưu trữ điện tử, giá trị pháp lý của văn bản điện tử trong giao dịch hành chính và thanh toán. Cơ chế bảo đảm thực thi nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử chưa đủ mạnh cũng là nguyên nhân của việc thực hiện còn thiếu hiệu quả và mang nặng tính hình thức. Chúng ta cũng chưa phát huy tối đa sự tham gia của khu vực tư nhân trong xây dựng Chính phủ điện tử và thiếu cơ chế tài chính và đầu tư phù hợp với đặc thù dự án công nghệ thông tin.
3). Ảnh hưởng của Chính phủ điện tử đối với thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực Công nghệ thông tin tại Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy hiện nay
3.1. Ảnh hưởng đối với công tác ươm mầm của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy
Với chức năng là một đơn vị giảng dậy, nghiên cứu khoa học cũng như chuyển giao kết quả và sản phẩm nghiên cứu trong những năm gần đây bước đầu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo theo mô hình đi theo các phát triển chính của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Theo đó, Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy đóng vai trò quan trọng trong ba giai đoạn: Hình thành và xây dựng ý tưởng; phát triển sản phẩm và tăng trưởng đối với đổi mới và sáng tạo của học sinh, sinh viên nhà trường.
Hiện nay tại nhà trường trong việc xây dựng và hình thành ý tưởng, mà cụ thể là giảng viên tại các Khoa chuyên môn luôn khuyến khích học viên trong các hệ lớp đóng vai trò là những người truyền cảm hứng, xây dựng ý tưởng, cung cấp thông tin, giới thiệu những thành công, điển hình về đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước, cũng như chia sẻ những kinh nghiệm, hỗ trợ phát triển đội nhóm thông qua thúc đẩy hợp tác liên ngành trong sinh viên đối với đổi mới sáng tạo tại nhà trường.
Đội ngũ giảng viên cùng với học viên nhà trường luôn luôn khát khao kiếm tìm những ý tưởng trong cuộc sống, học tập và rèn luyện tại nhà trường, Khi doanh nghiệp cần những đặt hàng phục vụ nhu cầu của thị trường hay dịch vụ, Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy luôn sát cánh, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, cung cấp những kiến thức cơ bản cần thiết về kinh doanh, về đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo nhằm cung cấp những sản phẩm tốt nhất cho thị trường. Trong giai đoạn hiện nay khi Việt Nam đang nằm trong những quốc gia chịu ảnh hưởng của Covid – 19 Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy đã cung ứng cho thị trường những sản phẩm về dung dịch xịt tay sát khuẩn loại 100ml, 300ml, 500ml, cũng như máy xịt sương tự động đáp ứng nhu cầu của nhà trường cũng như của thị trường. Các sản phẩm cung ứng ra đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dung trong nước
Ở giai đoạn thứ ba trong hệ sinh thái khởi nghiệp, với bước đầu có những tành công trong việc cung ứng những sản phẩm cho thị trường là bước phát triển tốt có vai trò rất lớn trong việc tạo ra cú hích rất lớn trong nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được phát triển tốt. Trong lúc này ban giám hiệu nhà trường Đại học PCCC đã xác định cũng như đóng vai trò tiên phong trong việc định hướng, hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới bằng việc đào tạo ra và vun đắp những những ý tưởng và tinh thần khởi nghiệp trong quá trình học tập và rèn luyện tại nhà trường. Nhà trường cung cấp cũng như hỗ trợ bằng nhiều nguồn lực cho đổi mới sáng tạo trong nhà trường như hỗ trợ kinh phí cho khởi nghiệp sáng tạo, tạo không gian cho khởi nghiệp, xây dựng ý tưởng nhóm đổi mới sáng tạo, v.v….. Như vậy, có thể nhận thấy Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy vừa trang bị cho người học những kỹ năng, kiến thức và trải nghiệm để sẵn sàng cho tư duy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo khi có hướng đi đổi mới sáng tạo thực sự vừa thực thi tốt vai trò của mình trong cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho lực lượng công an nhân dân và xã hội.
* Chính phủ điện tử và vai trò của nó trong phát triển nguồn nhân lực giải quyết mối quan hệ giữa nhà trường và thị trường
Từ thực tiễn của đổi mới sáng tạo trên thế giới qua mô hình của House Care – một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sửa chữa mọi thiết bị, đồ đạc trong một ngôi nhà từng rất thành công trên thị trường vì sản phẩm dịch vụ được người tiêu dùng đón nhận, mô hình kinh doanh được vận hành trơn tru hiệu quả do những người quản lý đều có kinh nghiệm, trải nghiệm trong và ngoài nước, nhưng công ty không thể lớn hơn quy mô 40 người . Qua mô hình này ở đây có thể nhận thấy rằng: các nhà trường không thể đưa ra cách thức và phương pháp nào có thể đào tạo người học theo một chuẩn nhất định nào đó đối với người lao động để cung ứng cho thị trường bởi nguyên nhân là các trường chỉ đào tạo theo mô hình, khung lý thuyết có sẵn mà không thực sự cập nhật theo xu thế và nhu cầu của xã hội, vì vậy ở một chừng mực nào đó sẽ có sự không phù hợp và lệch pha giữa chất lượng nguồn lực lao động và nhu cầu của thị trường; điều này sẽ dẫn đến xu thế là phải đào tạo lại theo nhu cầu của thị trường hoặc là nguồn lao động sẽ không đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Trong xu thế chung hiện nay các trường gần như chỉ nhấn mạnh về việc đào tạo lý thuyết, do đó dẫn tới một xu hướng tất yếu là việc chuẩn hóa nhân sự gặp rất nhiều khó khăn, từ đó làm cho chi phí đào tạo lại quá lớn. Thực tiễn hiện nay trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển mạnh như vũ bão về công nghệ nhiều doanh nghiệp và cá nhân thực hiện đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin ngày càng phát triển được những sản phẩm tốt đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế, những sản phẩm có chất lượng tốt có thể dễ dàng tìm kiếm được cơ hội để thực hiện marketing, tài chính, nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Học viên Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy ở một số lĩnh vực ra trường vừa thiếu vừa yếu kỹ năng kinh nghiệm, ngoại ngữ thực hành yếu chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội.
Như vậy có thể thấy rằng việc khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo có vai trò rất quan trọng trong việc thay đổi hướng tới sự phát triển của mô hình hay doanh nghiệp, để có thể thực hiện được điều này thì yếu tố quan trọng nhất là nguồn nhân lực, nguồn nhân lực tài năng và phù hợp sẽ góp phần quan trọng trong việc phát triển mô hình kinh doanh ở những giai đoạn mới. Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy luôn nhấn mạnh và lấy nhân tố con người làm nhân tố hàng đầu trong đổi mới sáng tạo. Thành công của nhà trường trong những năm qua đặc biệt là trong thời gian gần đây, nhất là trong bối cảnh dịch Covid – 19 ở nước ta có diến biến phức tạp, với việc tạo ra những bộ sản phẩm mới trong việc góp phần kiềm chế và phòng chống dịch bệnh ở nước ta đạt được kết quả rất quan trọng. Sản phẩm của Nhà trường là dung dịch nước sát khuẩn và máy phun sương tự động của nhà trường đã cung ứng và có mặt tại Bộ Công an, Bệnh viện K Trung ương, v.v… đều có chất lượng tốt, được người tiêu dung đánh giá cao. Tất cả những điều đó chứng minh hướng đi đúng của Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy trong việc nắm bắt chặt chẽ xu hướng của thị trường trong việc đào tạo nguồn lực lao động đáp ứng nhu cầu của thị trường và của ngành công an để từ đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường. Với sự mở rộng và kết nối của thị trường trong khu vực và thị trường toàn cầu, khi ASEAN trở thành thị trường không biên giới, luồng lao động tự do di chuyển từ các quốc gia Đông Nam Á khác đến Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước sẽ có nhiều lựa chọn hơn về nguồn nhân lực nhưng nhân lực và như vậy nguồn nhân lực của nhà trường có thể đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường. Khi đó, với sự chủ động hội nhập cùng với đó là phát huy nhân tố con người của Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy cùng với những quyết sách về đào tạo sẽ thực thi tốt nhất cho ngành công an cũng như phục vụ và đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội. Thực hiện tốt đổi mới sáng tạo tại nhà trường góp phần quan trọng trong việc tạo động lực thúc đẩy phát triển và hoàn thiện mô hình học tập và sáng tạo trong thời gian học tập ở nhà trường, từ đó tạo ra những điểm sáng góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong khối trường công an nói chung và các trường đại học trong cả nước nói riêng.
* Chính phủ điện tử có tác động tới giảng viên Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy trong động lực đổi mới sáng tạo từ giảng viên
Từ mô hình của các nước trên thế giới đối với hoạt động đổi mới sáng tạo hiện nay, nước Đức, Mỹ và Israel đã cho thấy hai đất nước này dẫn đầu về đổi mới sáng tạo, việc đổi mới sáng tạo được gắn liền với hoạt động tại trường đại học, gắn với quá trình học tập và nghiên cứu của sinh viên, trong đó người giảng viên với vai trò là người dẫn dắt đổi mới sáng tạo. Nói như một nhà nghiên cứu đã chỉ ra “Ở Stanford, không giáo sư kinh tế nào mà lại không đặt chân vào lĩnh vực kinh tế, họ có thể tự lập một startup hay tham gia với tư cách cố vấn” Như vậy có thể thấy ở Việt Nam hiện nay đang chưa có sự kết nối giữa nhà trường, thị trường và người giảng viên. Như vậy từ thực tiễn tại các trường đại học Việt Nam như vậy Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy đã không ngừng đổi mới trong việc tạo ra môi trường để thúc đẩy đổi mới và khởi nghiệp sáng tạo bằng tạo ra sự kết nối giữa nhà trường, giảng viên với chính doanh nghiệp. Bằng việc thúc đẩy người giảng viên trong quá trình giảng dậy cần phải gắn với thực tiễn cùng với đó đẩy mạnh việc tham gia giảng dạy vừa kinh doanh hoặc tư vấn khởi nghiệp, từ đó giúp người giảng viên hiểu biết về đổi mới sáng tạo cũng như đưa ra những định hướng tốt cho học viên về vấn đề thực tiễn cần giải quyết trong học tập và đổi mới sáng tạo. Bằng sự tương tác với thị trường và đổi mới sáng tạo trong thực tiễn, người giảng viên truyền cảm hứng để học viên thực hiện khởi nghiệp và hỗ trợ kết nối các nguồn lực để các ý tưởng đổi mới sáng tạo trong học viên có thể phát triển vươn xa với nhiều mô hình ứng dụng trong thực tiễn. Thực tiễn đã chỉ ra hiện nay tại Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy công tác đổi mới và cập nhật giáo trình giảng dạy diễn ra chậm chạp, chậm đổi mới, đang khiến nhà trường cũng như người giảng viên Trường Đại học PCCC vào thế “không nói chung một ngôn ngữ với thị trường”. Chẳng hạn, trào lưu khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tinh gọn được đào tạo tại rất nhiều trường trên thế giới thì hiện nay mới lác đác được đưa vào một số trường đại học ở Việt Nam, mà hiện nay Trường Đại học PCCC vẫn chưa nằm trong xu thế này, cho dù có những lỗ lực rất lớn từ một dự án của Đối tác Đổi mới sáng tạo Việt Nam Phần Lan (IPP).
3.2. Chính phủ điện tử có tác động đến Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy trong thiết lập mối quan hệ đối tác với doanh nghiệp, cộng đồng và chuyển giao công nghệ
Đẩy mạnh hợp tác trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ là một trong những hướng đi hiện nay của Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy. Với mục tiêu của nhà trường là hợp tác với doanh nghiệp bên ngoài để phục vụ nhu cầu của thị trường sẽ tạo ra không gian học tập và khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại Trường Đại học PCCC, đây là một trong những nguyên nhân tạo ra môi trường có khả năng cạnh tranh trong nhà trường đối với việc hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất và kinh doanh hướng tới mục tiêu đáp ứng yêu cầu đặt ra của ngành công an nói chung và của nhu cầu của xã hội nói riêng. Bằng việc kết nối giữa nhu cầu của thị trường thông qua hoạt động của doanh nghiệp sẽ giúp cho Trường Đại học PCCC tận dụng được hết công suất không gian trống của mình để hợp tác với khu vực tư nhân, từ đó tạo ra động lực để thúc đẩy đổi mới và sáng tạo không ngừng trong khởi nghiệp và sáng tạo tại Trường Đại học PCCC. Thông qua hoạt động này có tác dụng rất lớn làm nơi ươm mầm cho các dự án kinh doanh, đổi mới sáng tạo tiềm năng được hình thành trong nhà trường cũng như sẽ vừa là nơi hút những học viên trong nhà trường, những tài năng đến để tăng trải nghiệm cọ xát với môi trường kinh doanh thực tiễn cho sinh viên trong trường. Hiện nay trong Trường Đại học PCCC được sự đồng ý của Đảng Ủy và Ban Giám hiệu nhà trường đang đẩy mạnh và phát triển những vườn ươm riêng cũng như dành các nguồn lực cho đổi mới và sáng tạo (ươm mầm) từ đó là một tín hiệu tốt thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với các hệ, khóa trong nhà trường. Tuy vậy hiện nay tư duy tự mà chưa thực sự có bà đỡ khiến cho các nội dung trong việc ươm mầm các dự án khởi nghiệp tiềm năng mà thiếu vắng chưa có sự tham gia của các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư, các đơn vị chuyên nghiệp đang đặt ra nhiều vấn đề. Ở Việt Nam, việc hợp tác mới bắt đầu manh nha, ví dụ BKHoldings – một công ty trong lòng Đại học Bách khoa Hà Nội hợp tác với UP- Coworking Space để phát triển không gian làm việc chung BKHUP là một minh chứng cho điều này.
Như vậy có thể thấy Trường Đại học PCCC, cùng với các doanh nghiệp cần thúc đẩy hợp tác theo chiều sâu hơn để thúc đẩy đổi mới sáng tạo dựa trên thế mạnh của cả hai bên. Chỉ có thông qua hoạt động của doanh nghiệp mới thực sự đưa nhà trường đến gần hơn với những vấn đề của doanh nghiệp, để từ đó nâng cao chất lượng đầu ra cho những sản phẩm nghiên cứu của trường và bên cạnh đó tạo ra được nguồn thu nhập cho cả nhà trường cùng với những người tham gia vào những dự án đổi mới sáng tạo đó. Tất nhiên, khi nói đến nỗ lực hợp tác, cũng không thể không kể đến những khó khăn từ cơ chế quản lý các trường đại học hiện tại đang phải đối mặt. Thúc đẩy hợp tác với doanh nghiệp thông qua việc đặt hàng và hợp tác từ phía các doanh nghiệp khó có thể diễn ra suôn sẻ nếu không có cơ chế thuận lợi cho thúc đẩy cho việc hợp tác này; đây cũng chính là rào cản lớn nhất trong việc thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại Trường Đại học PCCC.
Có thể thấy rằng Trường Đại học PCCC với vai trò là một chủ thể quan trọng của khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Những thế mạnh của nhà trường sẽ phát huy thực sự phát huy mạnh mẽ được thế mạnh và thực thi sứ mệnh của mình hiệu quả đáp ứng tốt được yêu cầu của ngành và của xã hội nói chung. Đổi mới sáng tạo sẽ thực sự phát huy vai trò và hiệu quả khi có một cơ chế chính sách cho đổi mới sáng tạo trong nhà trường, đây là nhân tố sống còn cho phát triển một xã hội đổi mới sáng tạo và chủ động sáng tạo giá trị. Bên cạnh đó nhà trường cũng chủ động nâng cao nội lực thông qua quyết tâm thay đổi, đặt đổi mới sáng tạo vào nhiệm vụ trọng tâm để tự đổi mới chính mình và xác định kỳ vọng đầu ra một cách rõ ràng minh bạch, bằng chiến lược hợp tác mạnh mẽ và hiệu quả với khu vực tư nhân và thị trường; đây là một trong những mục tiêu mà Trường Đại học PCCC hướng tới phấn đấu xây dựng trở thành Học viện Các tình trạng khẩn cấp trong tương lai không xa.
Nhóm tác giả:
Nguyễn Thị Thanh Chi
Đặng Ánh Tuyết
Phùng Ngọc Hồng
Lê Phương Nam
Danh mục tài liệu tham khảo
- e-Cabinet: Bước tiến lớn trong cải cách của Chính phủ, Báo Chính phủ.
- Báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2016.
- Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban tại Phiên họp thứ nhất Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, Thông báo số 379/TB-VPCP ngày 27/9/2018 của Văn phòng Chính phủ.
- Liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp: Kinh nghiệm quốc tế và liên hệ với Việt Nam: Nguồn: http://nistpass.gov.vn:81/tin-chien-luoc-chinh-sach/1241-lien-ket-giua-truong-dai-hoc-va-doanh-nghiep-kinh-nghiem-quoc-te-va-lien-he-voi-viet-nam.html.
- Nguyễn Đặng Tuấn Minh (2018), Trường Đại học Trung tâm của khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, Viện Quản lý KisStartup. Số 3/2018.
- Nguyễn Thị Thanh Chi, Tô Thị Oanh (2011), Chính phủ điện tử: Kinh nghiệm Liên Bang Nga và triển vọng ở Việt Nam; Tạp chí Lý luận Chính trị và Truyền thông số 11/2019.7.
- Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến 2025.
- Số liệu do tác giả tổng hợp: Vườn ươm doanh nghiệp khởi nghiệp và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp được thành lập năm 2007, có văn phòng ở 90 thành phố trên thế giới với tỉ lệ các doanh nghiệp tốt nghiệp vẫn hoạt động đến nay là 89%.
- Tạp chí Tia Sáng số 4/2018.
- Tài liệu Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử, 26/7/2019.
- Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ đầu tiên qua hệ thống e-Cabinet, Báo Chính phủ.
- Thực trạng và giải pháp xây dựng Chính phủ điện tử, Website Thủ tướng Chính phủ.
- Xây dựng chính phủ điện tử – Bước phát triển tất yếu trong quá trình cải cách hành chính, Tạp chí Tổ chức Nhà nước ngày 04/08/2018.
- Xây dựng chính phủ điện tử – nền tảng của chính phủ số, Báo Hà Nội Mới ngày 25/08/2018.
- Xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số ở Việt Nam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.
- Innovation 2.0 – Reinventing University Roles in a Knowledge Economy.
- Richard Heeks, Implementing and Managing eGovernment, SAGE Publications, 2005, ISBN: 9781847877208.
- The e-Government Handbook for Developing Countries, Center for Democracy & Technology, 2002.
- Andreas Meier, Luis Terán, eDemocracy & eGovernment, Springer, 2019, ISBN: 9783030175856.
- United Nations ranks Moscow top for e-government services.
- Васильев С.А., Проблемы развития организационно-правовых основ предоставления государственных и муниципальных услуг населению в многофункциональных центрах // Актуальные проблемы российского правительства №12, 2013.
- Газета “Усть-Абаканские известия”, 30.05.2019, №22.
- Москва награждена премией WeGO за электронные госуслуги.
- Смирнов Н.В., Альтернативные формы организации МФЦ: торги за франшизу.