Sử dụng điện thoại để phục vụ học tập: Nên hướng dẫn kỹ năng

Theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15-9-2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, học sinh có thể sử dụng điện thoại trong giờ học nhằm phục vụ việc học tập khi được sự cho phép của giáo viên. Quy định này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần có các biện pháp quản lý phù hợp, tăng cường hướng dẫn học sinh kỹ năng sử dụng điện thoại.


Theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh có thể sử dụng điện thoại trong giờ học nhằm phục vụ việc học tập.

Bà Ngô Thị Kiều Linh, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lê Lợi (quận Hoàn Kiếm):

Giáo viên phải làm tốt việc bao quát lớp

Nếu thiếu phương pháp quản lý hiệu quả thì cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học sẽ bất lợi vì ảnh hưởng đến việc học tập. Do vậy, phải có quy định cụ thể thời gian nào học sinh được sử dụng điện thoại để tra cứu, tìm kiếm nội dung phục vụ học tập. Đơn cử, khi sử dụng điện thoại trong giờ học nên tổ chức theo phương pháp thảo luận nhóm, thường từ 4 đến 6 học sinh, để giáo viên dễ dàng kiểm soát việc sử dụng điện thoại của các em. Khi thảo luận, thầy cô cũng cần quy định thời gian dùng điện thoại cụ thể, khoảng 10-15 phút, nhằm hạn chế việc các em rảnh rỗi, làm việc riêng. Khi hết thời gian, các nhóm phải báo cáo kết quả thảo luận, đồng thời cất điện thoại. Nhà trường cũng cần xây dựng quy chế sử dụng điện thoại trong giờ học. Bên cạnh đó, giáo viên phải làm tốt việc bao quát lớp, nếu học sinh nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm, từ đó giúp các em dần hình thành thói quen tốt.

Ông Nguyễn Khắc Thuật, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lưu Hoàng (huyện Ứng Hòa):

Cần xây dựng quy định cụ thể về việc học sinh được sử dụng điện thoại

Thực tế cho thấy, từ khi có dịch Covid-19, học sinh phải làm quen với phương pháp học trực tuyến. Do đó, theo tôi việc sử dụng điện thoại thông minh phục vụ học tập là rất hữu ích. Tuy nhiên, cũng còn nhiều học sinh chưa ý thức, vẫn dùng điện thoại để vào mạng xã hội, chơi điện tử trong giờ học, do vậy, cần phải có phương pháp quản lý, tăng cường kiểm tra, giám sát học sinh, đồng thời phổ biến kỹ năng sử dụng điện thoại, ứng dụng công nghệ vào việc học tập cho học sinh. Ngoài ra, nhà trường, phụ huynh thường xuyên cảnh báo về việc lạm dụng điện thoại sẽ nguy hại như thế nào cả về thể chất lẫn tinh thần đối với giới trẻ. Theo tôi, căn cứ vào Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT vừa ban hành, các nhà trường cần xây dựng những nội quy, quy định cụ thể về việc học sinh được sử dụng điện thoại để phục vụ cho việc học một cách hiệu quả nhất.

Bà Hoàng Thị Mận, giáo viên tiếng Anh, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Siêu (quận Cầu Giấy):

Phù hợp xu hướng dạy và học mới

Chiếc điện thoại thông minh sẽ là công cụ học tập hữu hiệu, giúp các em tìm kiếm thông tin, mở rộng kiến thức từ các bài giảng, sách giáo khoa; giúp học sinh ghi âm lại các bài giảng trên lớp, chụp lại các bài kiểm tra để rút kinh nghiệm hoặc tự kiểm tra trình độ… Do đó, thực hiện Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT, bản thân giáo viên phải tự trau dồi, cập nhật và mở rộng kiến thức; tăng cường tương tác giữa thầy và trò trong giờ học. Theo tôi, nếu quản lý bằng cách bố trí hộp cất giữ điện thoại trong từng lớp học, tạo cho các em thói quen mỗi khi đến lớp đưa điện thoại về chế độ im lặng, cất vào đúng nơi quy định, chỉ sử dụng khi giáo viên cho phép… thì việc sử dụng điện thoại chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, phù hợp xu hướng dạy và học mới.

Bà Hoàng Thị Tâm, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt (quận Long Biên):

Hướng dẫn học sinh tìm kiếm, sàng lọc kiến thức khi sử dụng điện thoại

Năm học 2020-2021, ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đổi mới, trong đó một nội dung quan trọng là thay đổi phương pháp dạy và học, từ truyền thụ kiến thức sang giáo viên dạy học sinh cách học. Theo đó, quy định cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học sẽ góp phần thực hiện tốt những đổi mới này. Song, bên cạnh những mặt lợi, điện thoại thông minh rất dễ “gây nghiện” cho người sử dụng, nhất là lứa tuổi học sinh. Do đó, chúng tôi rất mong các nhà trường có biện pháp quản lý hiệu quả việc học sinh sử dụng điện thoại phục vụ cho việc học. Đồng thời tăng cường hướng dẫn học sinh tìm kiếm, sàng lọc, kiến thức tìm được trên mạng, cách phòng, chống tin giả ra sao, bảo vệ những thông tin riêng tư của mình trên thế giới ảo như thế nào… Khi việc sử dụng điện thoại di động trong nhà trường được Ban Giám hiệu, các giáo viên quan tâm, chú trọng để bảo đảm hiệu quả, đúng mục đích thì phụ huynh không có gì đáng phải lo lắng.

Nguồn Báo Hà Nội mới

Bài viết liên quan

Picture9

Lễ ra mắt Công ty Cổ phần Phát triển Hướng Dương Việt: Hiện thực hoá ước mơ cho những vầng trăng khuyết

Picture1

Cần tăng cường tính đại diện và tiếng nói của người khuyết tật trong các cơ quan dân cử

Picture2

Chương trình “Hành trình cuộc sống” trao tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của thành phố 140 xe đạp và nhiều phần quà tặng

Picture1

Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”

Picture1

Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình: 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu thi đua “Hai tốt”

Picture1

Khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Tưng bừng Đêm đại nhạc hội chào đón tân sinh viên “FPS 2024 – Time Capsule”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang