Siết chặt trách nhiệm người nổi tiếng, minh bạch hóa nội dung quảng bá – Góc nhìn từ Luật Quảng cáo sửa đổi

(ĐHVO) – Từ ngày 1/7/2024, Luật Quảng cáo sửa đổi chính thức có hiệu lực với nhiều quy định mới nhằm siết chặt trách nhiệm pháp lý của người nổi tiếng khi tham gia quảng bá sản phẩm, kiểm soát chặt nội dung quảng cáo trên môi trường mạng và nâng cao bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là nhóm người yếu thế. Luật sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thái – Giám đốc Công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và Đồng Nghiệp đã có cuộc trao đổi với phóng viên để làm rõ những điểm mới đáng chú ý trong luật và những điều người nổi tiếng, doanh nghiệp cần đặc biệt lưu tâm.

Luật sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thái – Giám đốc Công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và Đồng Nghiệp.

Phóng viên: Thưa luật sư, ông có thể khái quát những điểm mới đáng chú ý trong Luật Quảng cáo vừa được sửa đổi, bổ sung? Theo ông, những quy định mới này sẽ tác động như thế nào đến hoạt động quảng bá hiện nay?

TS. Nguyễn Hồng Thái: Có thể thấy, Luật Quảng cáo sửa đổi lần này đánh dấu bước tiến lớn trong việc kiểm soát hoạt động quảng bá. Có ba điểm đáng chú ý:

Thứ nhất là quản lý chặt quảng cáo trên môi trường số và xuyên biên giới. Lần đầu tiên, luật xác lập rõ quảng cáo xuyên biên giới là loại hình cần kiểm soát, buộc các nền tảng nước ngoài và cá nhân tham gia phải tuân thủ luật Việt Nam.

Thứ hai là điều chỉnh tỷ lệ quảng cáo trên báo chí, tăng diện tích quảng cáo tối đa nhưng đồng thời yêu cầu rõ dấu hiệu phân biệt nội dung.

Thứ ba, và cũng là điểm tạo nhiều chuyển biến, đó là siết trách nhiệm của người nổi tiếng, hay nói cách khác, những người có ảnh hưởng trong việc truyền tải nội dung quảng cáo. Họ giờ đây phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu quảng bá sản phẩm sai sự thật. Điều này không chỉ nâng cao đạo đức nghề nghiệp trong truyền thông mà còn bảo vệ tốt hơn các nhóm người dễ bị tổn thương như người khuyết tật, người không có khả năng tiếp cận thông tin đầy đủ, rõ ràng.

Phóng viên: Nhiều trường hợp người khuyết tật bị ảnh hưởng bởi quảng cáo sai sự thật, ví dụ tin vào sản phẩm “chữa khỏi bệnh” nhưng thực tế không có tác dụng. Luật mới có giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng này?

TS. Nguyễn Hồng Thái: Đúng vậy, đây là điều rất đáng lo ngại. Luật mới quy định nội dung quảng cáo phải trung thực, có căn cứ khoa học và tuyệt đối không được phóng đại công dụng. Ví dụ, không được dùng từ như “đảm bảo khỏi bệnh” hay “thần dược” đối với thực phẩm chức năng hoặc sản phẩm hỗ trợ sức khỏe.

Điều này có ý nghĩa lớn đối với cộng đồng người khuyết tật, những người dễ bị dẫn dắt bởi nội dung quảng bá sai lệch. Giờ đây, nếu quảng cáo sai sự thật, cả doanh nghiệp lẫn người nổi tiếng đều phải chịu trách nhiệm dân sự, hành chính, thậm chí hình sự.

Phóng viên: Theo luật mới, họ sẽ bị xử lý ra sao nếu vi phạm?

TS. Nguyễn Hồng Thái: Dù cố ý hay vô ý, người nổi tiếng (KOLs, Influencers) nếu quảng cáo sai sự thật đều phải chịu trách nhiệm liên đới.

Về hành chính, họ có thể bị phạt tới 80 triệu đồng theo Nghị định 38/2021/NĐ-CP và Nghị định 128/2022/NĐ-CP. Ngoài ra, sẽ bị buộc gỡ bỏ nội dung sai, cải chính thông tin.

Về hình sự, nếu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc thu lợi bất chính, người nổi tiếng có thể bị xử lý theo Điều 197 Bộ luật Hình sự, với mức án cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tiền tới 100 triệu đồng.

Đặc biệt, họ còn có thể phải bồi thường dân sự nếu hành vi quảng cáo sai gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Đây là điểm mới trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ có hiệu lực từ 1/7/2024.

Phóng viên: Với những quy định khắt khe hơn như vậy, theo ông, người nổi tiếng cần làm gì để tránh rủi ro khi hợp tác quảng bá?

TS. Nguyễn Hồng Thái: Trước tiên, họ cần chủ động tìm hiểu và thẩm định kỹ đối tác quảng cáo: sản phẩm có hợp pháp, uy tín hay không? Nhãn hàng có đầy đủ giấy tờ, giấy phép không?

Tiếp đến, hợp đồng quảng bá phải có các điều khoản rõ ràng: quyền kiểm duyệt nội dung, điều khoản miễn trừ trách nhiệm, quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu phát hiện vi phạm.

Cuối cùng, tôi khuyên nên nhờ luật sư hoặc chuyên gia pháp lý tư vấn và rà soát kỹ trước khi ký hợp đồng. Điều này vừa đảm bảo quyền lợi, vừa phòng tránh rủi ro pháp lý về sau.

Phóng viên: Luật mới cũng đặt yêu cầu cao hơn với quảng cáo thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, sản phẩm sức khỏe… Đâu là ranh giới giữa “giới thiệu sản phẩm” và “quảng cáo gây hiểu lầm”?

TS. Nguyễn Hồng Thái: Ranh giới nằm ở chỗ: quảng cáo phải chính xác, có căn cứ và không cường điệu công dụng. Ví dụ, doanh nghiệp được phép nói “sản phẩm hỗ trợ cải thiện” nhưng không thể tuyên bố “đảm bảo khỏi bệnh”.

Để tránh bị coi là quảng cáo sai sự thật, doanh nghiệp cần có đầy đủ hồ sơ pháp lý: giấy phép lưu hành, công bố sản phẩm, tài liệu khoa học, nội dung được duyệt trước khi phát hành. Những quảng cáo sử dụng hình ảnh bác sĩ, bệnh viện cũng phải tuân thủ chặt quy định, tránh lợi dụng lòng tin người tiêu dùng.

Phóng viên: Với quảng cáo xuyên biên giới, đặc biệt trên nền tảng nước ngoài, đâu là giải pháp để kiểm soát mà không làm cản trở sáng tạo số?

TS. Nguyễn Hồng Thái: Tôi cho rằng, Việt Nam cần có cách tiếp cận đa chiều và linh hoạt. Một là yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới phải có đại diện pháp lý tại Việt Nam, giống như quy định tại EU. Hai là sử dụng công nghệ AI để phát hiện sớm vi phạm, kết hợp giữa tiền kiểm và hậu kiểm hiệu quả. Ba là xây dựng khung pháp lý phân loại theo từng loại sản phẩm: sản phẩm sức khỏe phải kiểm soát chặt, còn sản phẩm tiêu dùng phổ thông có thể linh hoạt hơn. Bốn là đẩy mạnh hợp tác quốc tế và yêu cầu minh bạch thông tin từ các nền tảng. Chúng ta cần dữ liệu rõ ràng về sản phẩm, người quảng bá, ngân sách quảng cáo… để có cơ sở kiểm tra, xử lý đúng và kịp thời.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ rất cụ thể và sâu sắc của ông.

Bài viết liên quan

207

Đừng lợi dụng khuyết tật như một “tấm bình phong” để trốn tránh pháp luật

101

Nam Định tăng cường xử lý hàng giả, hàng lậu, siết chặt quản lý thị trường

27

Bạo lực gia đình – một trong những nguyên nhân gây thương tật cần chế tài mạnh

IMG_8534

Nam Định xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng trái phép và vi phạm đê điều

4

Cảnh giác với thủ đoạn tấn công doanh nghiệp “đầu đàn” của các KOL

6

Đưa kiến thức pháp luật đến gần hơn với cộng đồng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang